MTTQ và các đoàn thể: Tích cực tuyên truyền và nhân rộng các mô hình

Với vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh luôn tích cực tham gia công tác giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng, lồng ghép với các phong trào thi đua ở địa phương. Trong đó, có sự phân công hài hòa, chặt chẽ và đồng bộ giữa các tổ chức thành viên thực hiện tuyên truyền, vận động; hình thành những mô hình, cách làm hiệu quả ngay từ khu dân cư.

Theo đồng chí Phạm Hùng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, việc giúp người lầm lỗi, nhất là những người đã chấp hành xong án phạt tù trở về cuộc sống đời thường là hoạt động mang ý nghĩa rất nhân văn. Bởi chỉ khi thấy mình vẫn được xã hội đón nhận, yêu thương và vẫn còn cơ hội làm lại cuộc đời thì họ sẽ có được động lực mạnh mẽ nhất để gác lại quá khứ, tiếp tục trở thành người công dân tốt. Chính vì vậy, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội trong việc phân công, phân nhiệm quản lý, giáo dục, giúp đỡ phù hợp để họ có điều kiện vượt lên hoàn cảnh.

Cán bộ MTTQ xã Đại Thành, huyện Tiên Yên (bên phải) thường xuyên lắng nghe ý kiến người dân, nắm tình hình tại khu dân cư. Ảnh: Hoàng Giang

Xác định điều này, thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật của cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; quán triệt mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác quản lý, cảm hóa, giáo dục người vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư, từng bước xóa được các nguyên nhân và điều kiện làm phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội. Đồng thời thông qua đội ngũ cán bộ cơ sở bám sát địa bàn dân cư để thường xuyên giữ liên hệ với các gia đình, là đầu mối lắng nghe tâm tư tình cảm, hoàn cảnh của những người lầm lỗi tại cộng đồng. Từ đó có biện pháp giáo dục quản lý, cảm hóa phù hợp, hiệu quả; kịp thời động viên, khuyến khích khi họ có sự chuyển biến trong nhận thức tư tưởng, vươn lên trong cuộc sống.

Các đoàn thể, địa phương cũng chủ động triển khai các hoạt động gắn liền điều kiện, tình hình của mình với nội dung, hình thức và biện pháp đa dạng với hơn 100 mô hình quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù. Đơn cử như Đoàn Thanh niên huyện Vân Đồn tập trung đẩy mạnh các phong trào thanh niên xung kích, các hoạt động xã hội, văn hóa, thể thao... động viên, tập hợp đông đảo lứa tuổi thanh, thiếu niên tham gia. Hội Cựu chiến binh TP Uông Bí hiện đã xây dựng và nhân rộng tới 11/11 xã, phường mô hình “CCB giúp đỡ người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư tiến bộ”. TP Hạ Long có mô hình “Toàn dân tham gia giáo dục cảm hóa, giúp đỡ đối tượng lầm lỗi tại cộng đồng dân cư” gắn liền với thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Các mô hình tự giúp nhau như CLB “Bạn giúp bạn” ở TP Cẩm Phả, CLB “Vượt sóng” ở Vân Đồn…

Kinh nghiệm đúc rút từ thực tiễn là: Cốt yếu phải lấy tình người, sự bao dung của cộng đồng thì hoạt động quản lý, cảm hóa, giáo dục mới có hiệu quả cao; phải thật khéo léo để trong quá trình phê phán, bài trừ tệ nạn xã hội sẽ vẫn làm tốt việc động viên người cải sửa tốt, tránh tạo sự tự ti, mặc cảm, khiến phản tác dụng. Tự mỗi người cũng phải nâng cao ý thức, nhận thức của mình, sẵn sàng mở lòng, bao dung hơn, xóa bỏ định kiến để tạo môi trường tâm lý, vật chất, tinh thần thật lành mạnh, thực sự có một cánh cửa rộng mở để người lầm lỗi tái hòa nhập. Mà trước tiên, không ở đâu xa mà chính từ gia đình, nhà trường, làng xóm, cơ quan, tổ chức... rất cần có sự quan tâm chân thành, trách nhiệm.

Hoàng Giang

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201811/mttq-va-cac-doan-the-tich-cuc-tuyen-truyen-va-nhan-rong-cac-mo-hinh-2408737/