MRC: Mực nước sông Mekong vẫn thấp hơn so với mức cùng kỳ của 2 năm trước

Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, Ủy hội sông Mekong Quốc tế (MRC) ngày 30/4 ra thông cáo báo chí cho biết mực nước tại phần lớn hạ lưu sông này hiện đã tăng lên mức trung bình nhiều năm, nhưng vẫn thấp hơn mực nước cùng kỳ trong các mùa khô năm 2018 và 2019.

Hạn hán năm 2019 đã khiến mực nước sông Mekong trong toàn lưu vực giảm xuống mức thấp kỷ lục từ tháng 6. Trong ảnh: Mực nước sông Mekong tại tỉnh Nakhon Phanom, Thái Lan.

Hạn hán năm 2019 đã khiến mực nước sông Mekong trong toàn lưu vực giảm xuống mức thấp kỷ lục từ tháng 6. Trong ảnh: Mực nước sông Mekong tại tỉnh Nakhon Phanom, Thái Lan.

Kết quả giám sát mực nước của MRC cho thấy mưa sớm trên toàn khu vực sông Mekong trong tháng 4 vừa qua đã góp phần đưa mực nước ở sông này trở lại mức bình thường.

Tiến sĩ Lâm Hùng Sơn, Giám đốc Trung tâm Khu vực về Quản lý Lũ và Hạn của Ban Thư ký MRC cho biết khu vực trên đã đón nhận lượng mưa khá lớn kể từ tuần thứ ba của tháng 4, tuy nhiên tổng lượng mưa trong đợt này mới chỉ đạt mức trung bình.

Theo thông cáo của MRC, tại trạm Chiang Saen, Thái Lan - trạm quan trắc xa nhất về phía thượng nguồn của hạ lưu Mekong - mực nước đo được ngày 30/4 là 3m, cao hơn 1,2m so với mức trung bình. Ở trạm Viêng Chăn, Lào, mực nước hiện trên 2m một chút, trong khi mức trung bình ở đây là 1,13m. Tại Campuchia, mực nước tại các trạm Stung Treng, Kratie và Kompong Cham đều trên mức trung bình, trong khi mực nước tại Chaktomuk, Phnom Penh Port và Prek Kdam đều đang ở mức trung bình. Do tác động của thủy triều, tại Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, mực nước tại Tân Châu trên sông Mekong và Châu Đốc trên sông Bassac biến động quanh mức trung bình.

Hạn hán năm 2019 đã khiến mực nước sông Mekong trong toàn lưu vực giảm xuống mức thấp kỷ lục từ tháng 6, thấp hơn tất cả các mức từng được ghi nhận kể từ khi bắt đầu quan trắc trong 60 năm qua. Tác động này vẫn còn hiện hữu ở nhiều nơi ngay cả khi lưu vực đang chuẩn bị bước vào mùa mưa.

Thông cáo của MRC dự báo bốn quốc gia hạ lưu Mekong sẽ đón thêm các trận mưa từ vừa đến mưa to trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2020, trong đó Campuchia, Lào và Thái Lan có khả năng sẽ có mưa nhiều hơn Việt Nam.

Giải thích cho nguyên nhân của hiện tượng mưa sớm năm nay, MRC cho biết khu vực Mekong hiện đang chịu tác động giao thời từ hiện tượng El Nino sang La Nina, khi nhiệt độ nước bề mặt đại dương chuyển từ chu kỳ nóng lên sang chu kỳ lạnh đi ở Đông Thái Bình Dương, điều này đã khiến cho mưa đến sớm hơn một chút so với bình thường, nhưng lại phân bố không đều.

Theo Tiến sĩ Lâm Hùng Sơn, dự kiến 3 tháng tới, độ ẩm sẽ tăng lên do có nhiều mưa hơn. Tuy nhiên, người dân cũng nên thận trọng với mưa lớn và lũ quét có thể xảy ra bất cứ lúc nào, có thể gây thiệt hại về tài sản, mùa màng và thậm chí là về tính mạng con người.

Theo dự báo của MRC, trong tháng 5/2020, thời tiết sẽ khô hạn ở cả 4 quốc gia trong khu vực sông Mekong. Sang tháng 6, Campuchia và Thái Lan dự báo sẽ có mưa nhiều hơn Lào và Việt Nam. Đến tháng 7, Campuchia, Lào và Thái Lan sẽ đón nhận một lượng mưa rất lớn còn Việt Nam sẽ có lượng mưa thấp hơn. Dự báo lượng mưa tổng hợp cả ba tháng cho thấy Campuchia, Lào và Thái Lan sẽ có mưa nhiều hơn Việt Nam.

Tin, ảnh: Phạm Kiên (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/mrc-muc-nuoc-song-mekong-van-thap-hon-so-voi-muc-cung-ky-cua-2-nam-truoc-20200501104004436.htm