'Mr 4.0' kể chuyện dạy lập trình robot

Nhận thức rõ rằng, thế hệ trẻ Việt chỉ tồn tại được nếu làm chủ công nghệ, 7 năm qua, CEO DTT Nguyễn Thế Trung, người được bạn bè gọi là 'Mr 4.0' đã phổ cập lập trình robot tới 300 trường học, với 1.000 lượt giáo viên, 100.000 học sinh.

Đưa STEM bài bản đến các trường

Ngày 1/1/2018, mạng xã hội STEM.VN do Học viện STEM (DTT EduSpec), đơn vị thành viên của Công ty Cổ phần Công nghệ DTT xây dựng từ 2015, đã ra mắt phiên bản mới, “hòa mạng” cùng Hệ tri thức Việt số hóa (iTrithuc.vn). Đây là dấu mốc tiếp theo ghi nhận nỗ lực của DTT trong việc góp phần chuẩn bị nhân lực trong cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0. Trước đó, từ năm 2011, ông Nguyễn Thế Trung và Công ty DTT đã triển khai phổ cập chương trình giáo dục STEM (giáo dục tích hợp Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học-PV), trong đó có lập trình robot tới các trường học trên toàn quốc. Ước tính, DTT đã đầu tư khoảng 5 triệu USD để mua bản quyền chương trình giáo dục STEM của Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) và triển khai phổ cập chương trình này đến với nhiều giáo viên, học sinh.

Gần chục năm qua, song song với việc vận động để đưa giáo dục STEM vào trường học dưới dạng các câu lạc bộ robotics, khoa học máy tính, khoa học dữ liệu…, DTT đã mở ra các trung tâm đào tạo độc lập để tạo cơ hội cho ngày càng nhiều học sinh được tiếp cận với mô hình giáo dục này. Hiện DTT đã có cơ sở tại 5 tỉnh, thành phố, đưa chương trình giáo dục STEM đến được với 100.000 lượt học sinh tại khoảng 500 câu lạc bộ tại các trường trên cả nước; đào tạo được cho 130 giáo viên có thể độc lập đào tạo về chương trình này và hàng ngàn giáo viên có kiến thức cơ bản. “Con số này còn nhỏ. Chúng tôi còn phải cố gắng rất nhiều để STEM đến được với nhiều học sinh hơn”, ông Trung nói.

Nhiều trường học tại Việt Nam đã triển khai đào tạo lập trình robot cho học sinh.

Nói về quyết định đầu tư đưa giáo dục STEM bài bản về Việt Nam, ông Trung cho hay, tìm hiểu các chương trình đào tạo trên thế giới thì thấy, nhiều nước đã đào tạo công nghệ thông tin từ cấp tiểu học. Với số đông học sinh được phổ cập về khoa học máy tính thì không những chúng ta tạo nên được nền tảng tư duy và phương pháp luận cho học sinh để khi vào đại học hay đi làm mà còn tạo ra được những thay đổi về nhận thức của xã hội và có thể nhóm lên ngọn lửa sáng tạo mang tính lan tỏa. Ví dụ, năm 2011 một học sinh lớp 2 đã lập trình điều khiển được robot phần nào đã làm cho nhiều nhà quản lý giáo dục thay đổi tư duy về giáo dục kỹ thuật, tin học, cũng như giúp cho phụ huynh và các học sinh lớn hơn dành nhiều thời gian tìm hiểu về đổi mới sáng tạo, trong đó nổi bật là làn sóng giáo dục STEM.

Giáo viên trường làng cũng học được lập trình robot

Hồi tưởng lại hơn 7 năm đưa giáo dục STEM, lập trình robot đến với các giáo viên, học sinh trên cả nước, đến giờ CEO DTT Nguyễn Thế Trung vẫn nhớ như in hành trình thuyết phục Bộ GD&ĐT: “Năm 2011, khi chúng tôi báo cáo về STEM-Robotics tới Bộ GD&ĐT thì ngoài một số chuyên gia tại Bộ đã nắm được và rất ủng hộ, lãnh đạo Bộ khi ấy còn dè dặt vì thật khó tin học sinh lớp 2 lại lập trình được robot. Rất may, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển (phụ trách CNTT) khi đó là một người rất sát sao, phút cuối nhận lời tham dự cuộc thi Robothon để “xem thực tế thế nào”. Ông đã đến sự kiện từ sớm, không nói chuyện gì nhiều và chỉ quan sát, và rồi ông ở đến tận 5 giờ chiều, sau đó ra bắt tay tôi rồi nói: “Các cháu làm được thật”. Chúng tôi thở phào vui mừng”.

Việc học sinh lập trình điều khiển được robot đã làm cho nhiều nhà quản lý giáo dục thay đổi tư duy về giáo dục kỹ thuật, tin học.

Nhận định việc phổ cập giáo dục STEM, lập trình robot tới các trường học trên cả nước còn nhiều khó khăn, song CEO DTT cũng cho biết, đáng mừng là hiện nay nỗ lực của nhiều đơn vị, đặc biệt là của Liên minh STEM đã giúp nhận thức của cộng đồng với giáo dục STEM thay đổi đáng kể. Theo ông Đỗ Hoàng Sơn, Giám đốc Công ty Sách Long Minh, thành viên Liên minh STEM: Tại một số tỉnh, chính quyền địa phương đã phối hợp với các sở, phòng GD&ĐT và các trường để đưa được STEM tái chế, STEM robot tới các trường làng, trường huyện. Ông Sơn cũng dự báo, hết năm 2018, sẽ có hàng ngàn giáo viên trường làng có khả năng đứng lớp dạy lập trình robot bằng phần mềm mở SCRATCH và dùng Arduino. Liên minh STEM đã phổ cập giáo dục STEM cho khoảng 100.000 giáo viên và đang kỳ vọng con số này sẽ đạt 1 triệu người...

Theo CEO DTT Nguyễn Thế Trung, CMCN 4.0 là cuộc cách mạng của những thành tựu đột phá về khoa học và công nghệ, tại đó máy móc sẽ ngày càng thay thế con người trong nhiều lĩnh vực. Con người vì vậy có 2 lựa chọn: mất việc cho máy móc (robot, hệ thống thông minh) hoặc làm chủ nó. Những công việc lặp đi lặp lại chắc chắn sẽ được thay thế, các công việc mới sẽ đòi hỏi kỹ năng mới về dữ liệu, phân tích, tư vấn cho con người. Do đó, ngay từ bây giờ, mọi cấp bậc học tại Việt Nam nên được điều chỉnh để trang bị cho học sinh những tư duy, phương pháp, kiến thức và kỹ năng làm chủ tương lai, hay ít nhất là để giỏi hơn robot.

Minh Tú

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/cntt/mr-4-0-ke-chuyen-day-lap-trinh-robot-164543.ict