MQ-25 Mỹ làm nên lịch sử

Nhà thầu Boeing cho biết, máy bay MQ-25 Stingray vừa làm nên lịch sử khi lần đầu tiếp nhiên liệu thành công cho máy bay có người lái.

Màn tiếp dầu lịch sử được máy bay tiếp dầu trên hạm MQ-25 Stingray thực hiện trong cuộc thử nghiệm đầu tiên đã cho kết quả ngoài mong đợi.

"Trong chuyến bay thử nghiệm, MQ-25 đã vươn ống dẫn thành công... và bơm nhiên liệu an toàn sang cho chiếc F/A-18 Super Hornet của Hải quân Hoa Kỳ, phô trương khả năng của MQ-25 Stingray trong việc thực hiện nhiệm vụ tiếp nhiên liệu trên không", Boeing cho biết.

MQ-25 Stingray lần đầu tiếp nhiên liệu cho tiêm kích.

MQ-25 Stingray lần đầu tiếp nhiên liệu cho tiêm kích.

Phát biểu sau thử nghiệm, Chuẩn đô đốc Hải quân Mỹ, Greg Harris cũng khẳng định, việc MQ-25 tiếp nhiên liệu thành công sẽ giúp tàu sân bay (TSB) Mỹ sẽ hoạt động ngoài tầm với tên lửa đối phương nhưng hiệu quả không đổi.

Các biên đội tàu sân bay đang chuẩn bị cho một kịch bản xảy ra một cuộc chiến đấu với hàng không mẫu hạm ở tầm xa trong tương lai. Theo ông Greg Harris, để làm được điều đó, hàng không mẫu hạm Mỹ sẽ được trang bị loại máy bay không người lái (UAV) MQ-25 Stingray.

Để thực hiện kế hoạch của mình, Hải quân Mỹ vừa chính thức ký hợp đồng mua 3 chiếc máy bay tiếp dầu không người lái trên hạm thế hệ mới MQ-25 Stingray. Gói hợp đồng được ký kết với nhà thầu Boeing với số tiền lên tới 84,7 triệu USD.

"Boeing sẽ phải hoàn thành chuyển giao lô hàng gồm 3 chiếc MQ-25 Stingray cho Hải quân Mỹ trước khi kết thúc tháng 8/2024", Chuẩn đô đốc Mỹ cho biết trong một tuyên bố.

Nhà sản xuất cùng Bộ Quốc phòng Mỹ đã theo đuổi chương trình UAV trên hạm từ năm 2006, với mục đích ban đầu là phát triển một máy bay ném bom tàng hình tầm xa, sau đó chuyển thành máy bay tấn công kiêm do thám và cuối cùng là máy bay tiếp liệu trên không với định danh là MQ-25 Stingray.

Dòng UAV cung cấp cho Hải quân Mỹ công cụ hiệu quả để hóa giải một trong những vấn đề cấp bách nhất của họ hiện nay là chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) của đối thủ chính là Trung Quốc.

Bởi hiện nay đối thủ này đều phát triển các nền tảng có khả năng ngăn chặn lực lượng của Mỹ tiếp cận hay xâm nhập những khu vực quan trọng. Nhưng do Stingray có thể giúp tăng tầm hoạt động của các chiến đấu cơ trên hạm của Mỹ, cho phép chúng hóa giải chiến thuật A2/AD của địch thủ.

Hải quân Mỹ lý giải, do tên lửa đạn đạo DF-21D của Trung Quốc có tầm bắn khoảng 1.300 km, trong khi tiêm kích hạm chỉ có tầm hoạt động xa nhất của Mỹ hiện nay chỉ có bán kính chiến đấu chưa đến 900 km.

Thực tế này đã khiến Mỹ phải vận hành các chiến đấu cơ trên hạm ngoài tầm hoạt động hiệu quả hoặc mạo hiểm đưa tàu sân bay với 6.000 binh sĩ và 70 máy bay vào tầm bắn của tên lửa DF-21D.

Trong khi đó, một khi được đưa vào trang bị trên các tàu sân bay, MQ-25 Stingray sẽ giúp mở rộng tầm hoạt động cho các chiến đấu cơ F/A-18, F-35C hiện tại của Hải quân Mỹ, cho phép chúng hoạt động hiệu quả từ một khoảng cách an toàn.

"Chúng tôi đã cải tiến một số tính năng và tăng khả năng sống sót cho MQ-25 trước khi quyết định mua và sẵn sàng đưa vào hoạt động. Ngoài nhiệm vụ chính là tiếp tiệu, máy bay cũng có thể thực hiện nhiệm vụ do thám và giám sát cũng như khả năng hoạt động như xe tải bay", chuẩn đô đốc Mỹ tuyên bố.

Clip MQ-25 Stingray lần đầu tiếp nhiên liệu cho tiêm kích

Ngọc Hòa

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/vu-khi/mq-25-my-lam-nen-lich-su-3433468/