MoveCrop ngược chiều

MoveCrop chọn cách gia nhập thị trường hoàn toàn khác biệt so với Grab, Go-Viet hay FastGo.

Tư duy ngược
Giữa tháng 8 vừa qua, MoveCrop bắt đầu mở tài khoản đăng ký dùng thử và đã thu hút được khá nhiều sự quan tâm khi có khoảng 200 khách hàng đăng ký trong vòng vài tiếng đồng hồ. Xét về mặt chức năng, MoveCrop không khác gì các ứng dụng gọi xe theo mô hình kinh tế chia sẻ như Grab, Go-Viet hay gần đây là FastGo, chỉ khác đối tượng khách hàng là doanh nghiệp.

Trong đó, các doanh nghiệp vận tải truyền thống sẽ là đối tượng khách hàng ưu tiên trong giai đoạn hiện nay. Võ Duy Tuấn, nhà sáng lập MoveCrop, cho biết sản phẩm này đã được chuẩn bị từ 1 năm trước nhưng đây mới là thời điểm ra mắt thuận lợi.

Cả nước hiện có hơn 50 đơn vị giao hàng với quy mô lớn nhỏ, con số này đã tăng 10 lần trong 5 năm qua. Theo thống kê của Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ chuyển phát dao động từ 62-200%. Nhìn rộng hơn, theo thống kê năm 2017 của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 1.300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Để giảm chi phí vận hành và bắt kịp nhu cầu phát triển của thị trường, nhiều công ty giao nhận đã áp dụng mô hình kinh tế chia sẻ để sử dụng nguồn lực bên ngoài. Có thể kể đến S-Commerce, đơn vị này có Ahamove và Lala để phục vụ mảng vận chuyển hàng và giao thức ăn. Gần đây nhất, DHL eCommerce cũng ra mắt dịch vụ giao hàng trong ngày Parcel Metro Same Day bằng cách sử dụng đội ngũ giao nhận là các tài xế tự do. Áp lực đang đè nặng lên các công ty giao hàng truyền thống trong khi chi phí đầu tư hệ thống tương tự khá cao và mất trung bình khoảng 3 năm.

Mức độ chi tiêu vào đầu tư phần mềm cho ngành logictics hiện nay khá thấp. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, dù có quy mô từ 20-22 tỉ USD/năm nhưng chi phí nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành này chỉ khoảng 0,1%, tương đương khoảng 20 triệu USD/ năm, với tốc độ tăng trưởng doanh thu khoảng 6%/năm.

“Đó là lý do MoveCrop được xây dựng trên nền tảng điện toán đám mây, với chi phí dao động từ 600-800 ngàn đồng/tháng tùy quy mô của Công ty”, anh Tuấn cho biết.

Quy tắc 3 “không”
Võ Duy Tuấn sinh năm 1985, quê Nha Trang, tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin Đại học Tự nhiên TP.HCM. Trước MoveCrop, anh từng làm Giám đốc Công nghệ Điện máy của Thế Giới Di Động và cũng đã kinh qua nhiều dự án khởi nghiệp từ phát triển ứng dụng di động cho đến phần mềm phục vụ doanh nghiệp.

Võ Duy Tuấn được biết đến với ứng dụng Karaoke Việt Nam, Từ điển Anh Việt với hơn 4 triệu lượt tải về. Anh tiếp tục với Spiral, công ty chuyên cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và ứng dụng di động. Không lâu sau đó, anh khởi động dự án Teamcrop, phần mềm quản lý chuỗi bán lẻ dựa trên nền tảng điện toán đám mây. Hiện Teamcrop đang phục vụ các khách hàng như CellphoneS, Comicola, marry.vn...

Tự nhận mình khá “tỉnh táo” trong quá trình khởi nghiệp nên Võ Duy Tuấn có bộ quy tắc 3 “Không” đối với các dự án khởi nghiệp: không đưa ra thị trường sản phẩm miễn phí, không đầu tư vào các sản phẩm không phải là thế mạnh của công ty và không tham gia vào các thị trường cần rất nhiều tiền để có khách hàng.

“Quan điểm của tôi về một công ty công nghệ là tốc độ ra sản phẩm phải nhanh, chi phí đưa ra thị trường phải hiệu quả và phải có khả năng tạo ra dòng tiền rồi hãy nghĩ đến chuyện gọi vốn”, anh cho biết.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi đang chờ MoveCrop, trong đó quan trọng nhất là rào cản Công ty sẽ tạo ra như thế nào để ngăn chặn các đối thủ tham gia. Điển hình sẽ như thế nào nếu doanh nghiệp sử dụng Grab, Go-Viet, các đối thủ như DHL eCommerce phát triển một hệ thống riêng biệt để cung cấp cho doanh nghiệp giao nhận? Hay nếu các doanh nghiệp như Smartlog, đơn vị cung cấp dịch vụ chuỗi cung ứng cho ngành vận tải, cũng nhảy vào thị trường này thì các đối thủ startup như MoveCrop có dễ dàng bị đánh bật?

Theo Võ Duy Tuấn, mức giá các công ty mô hình kinh tế chia sẻ hiện nay không đủ hấp dẫn đối với các công ty giao nhận truyền thống. Thứ đến, MoveCrop được xây dựng từ đầu với mục đích phục vụ hàng ngàn doanh nghiệp nên tối ưu chi phí hơn so với giải pháp đóng gói sẵn.

“Để phục vụ khách hàng với số lượng lớn, xây một chung cư từ đầu để cho thuê sẽ tối ưu chi phí, thời gian và công năng hơn so với việc xây nhà ở rồi cải tạo lại để cho thuê. Quan trọng nhất, khi cần phải chỉnh sửa để phục vụ theo nhu cầu của khách hàng sẽ dễ dàng hơn”, Duy Tuấn nói.

Công Sang

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/biz-tech/movecrop-nguoc-chieu-3325629/