Một vùng văn hóa Hồ Tây

Hồ Tây là một trong những thắng cảnh đẹp nổi tiếng ở thủ đô Hà Nội, nơi có nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của Kinh thành Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay. Với diện tích tự nhiên là trên 500 ha và chu vi 18 km, cùng với kho tàng văn nghệ dân gian phong phú, nơi đây đã tạo nên 'một vùng văn hóa Hồ Tây', 'một bảo tàng nước', một điểm hẹn du lịch hấp dẫn của Thủ đô và đất nước.

“Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương/ Mịt mù khói tỏa ngàn sương/ Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ”. Câu ca xưa như một bức họa, một bản nhạc đưa người ta vào không gian bao la vừa xanh tươi và nhộn nhịp, vừa huyền ảo, vừa uy nghiêm của Hồ Tây.

Thậm chí, nhà thơ Cao Bá Quát từng phải thốt lên: “Tây Hồ chân cá thị Tây Thi” (Tây Hồ đích thực là nàng Tây Thi). Và hôm nay, Hồ Tây vẫn là góc lãng mạn nhất trong bức tranh Hà Nội nhiều màu sắc, nơi người Hà Nội và du khách mong tìm về để dạo bước trên con đường liễu rủ lãng đãng sương mờ, mênh mang sóng nước, đắm mình trong vẻ thơ mộng của trời đất, của những truyền thuyết…

Hồ Tây là nét chấm phá thi vị của Hà Nội (Ảnh: M.Phương)

Hồ Tây là nét chấm phá thi vị của Hà Nội (Ảnh: M.Phương)

Những tư liệu lịch sử cho thấy cách đây hàng nghìn năm, Hồ Tây là đoạn sót lại do dòng sông Hồng chuyển dòng mà thành. Hồ Tây từng có nhiều tên gọi như: Hồ Mù Sương (Dâm Ðàm), hồ Trâu Vàng (Kim Ngưu hồ), đầm Xác Cáo.

Mỗi tên gọi đều gắn với sự tích về nguồn cội của Hồ Tây huyền thoại. Từ xưa đến nay, Hồ Tây không chỉ đẹp bởi mặt nước xanh mênh mông, quanh năm dập dềnh, lượn sóng mà còn mang vẻ đẹp thơ mộng bởi sắc hồng thơm ngát của hoa sen, sắc tím của hoa bằng lăng hay vẻ rực rỡ của những cánh phượng hồng mỗi độ hè về.

Không gian xung quanh hồ luôn phảng phất những làn gió mát khiến ai đến đây cũng đều cảm thấy thư thái. Mỗi sáng tinh mơ hay khi hoàng hôn xuống, nhiều người thích dạo quanh hồ để hít thở không khí trong lành hay tập thể dục rồi mới bắt đầu một ngày làm việc mới hoặc trở về nhà. Những lúc chiều tà hay khi màn đêm buông xuống cũng là lúc Hồ Tây trở thành nơi gặp gỡ bạn bè, nơi hẹn hò, lưu giữ kỷ niệm tình yêu của bao người.

Trải qua nhiều biến thiên thời đại, thế nhưng dù ở bất cứ triều đại nào, Hồ Tây cũng đều là nơi tâm điểm của lịch sử huy hoàng. Chỉ cần nhìn vào những quần thể di tích đền phủ, chùa chiền tồn tại quanh Hồ Tây là ta đã chứng nghiệm được điều đó. Hồ Tây như nén dồn tất cả những gì tinh hoa của trời đất của ngàn năm văn vật cho một Hà Nội trường tồn.

Xung quanh Hồ Tây, ở các triều đại, đều là những nơi cung điện đền đài được xây lên. Người Hà Nội có ai lại không biết đến chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh hay Phủ Tây Hồ. Mỗi độ Xuân về, Phủ Tây Hồ và chùa Trấn Quốc chính là nơi đặt chân không thể thiếu của người dân Hà Nội.

Nằm trên bán đảo nhỏ giữa mênh mang sóng nước ngay bên đường Thanh Niên, con đường đẹp ngăn cách giữa Hồ Tây và hồ Trúc Bạch, chùa Trấn Quốc là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Việt Nam có từ thế kỷ 6 thời Lý Nam Đế. Theo sử sách còn ghi lại, vào năm 541-548 khởi đầu ngôi chùa được gọi là chùa Khai Quốc. Chùa được xây dựng ngoài bãi sông Hồng, sau này vào đời Hậu Lê (Thế kỉ 17) thì chuyển vào đây. Trước đây nơi này được gọi là bãi cá vàng mà vua chúa thời xưa du xuân, du thủy, sau đó các vị cao tăng về đây tu hành. Ngôi chùa tính đến nay có lịch sử hơn 1000 năm.

Bà Nguyễn Thị Thư (72 tuổi, phố Hàng Đậu) chia sẻ: “Mấy chục năm nay, thói quen của gia đình tôi là sau giao thừa sẽ đến chùa Trấn Quốc, vừa là du xuân vãn cảnh, cầu cho một năm mới tốt lành và vừa là để tưởng nhớ đến những lớp người đi trước. Khi đến đây vào những ngày đầu năm, tâm hồn tôi cảm thấy thư thái, thoải mái hơn. Tôi nghĩ rằng không chỉ có gia đình tôi mà rất nhiều gia đình khác ở Hà Nội, trong mỗi chuyến du xuân đầu năm đều không thể thiếu chùa Trấn Quốc”.

Chùa Trấn Quốc, một nét văn hóa tâm linh đặc biệt bên bờ Hồ Tây (Ảnh: M.Phương)

Nhắc đến nét đẹp văn hóa của Hồ Tây thật thiếu sót khi không nhắc đến loài chim sâm cầm. Sâm cầm vốn là loài chim di cư từ phương Bắc và sống thành đàn ở những nơi có nước. Đầu đông mỗi năm khi trời se lạnh chúng lại bay qua nước ta, chúng thường nhẩn nha đỗ lại Hồ Tây để ăn giống sen quý nơi này, nên nhiều người thường gọi chúng với cái tên sâm cầm Hồ Tây. Trước kia, sâm cầm là một món ăn đặc sản của Hồ Tây, thế nhưng dần dần, loài chim sâm cầm lại gắn bó với Hồ tây như một nét văn hóa khó phai mờ.

Có lẽ chính sự gắn bó đặc biệt đó đã khiến cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đưa hình ảnh gần gũi, đời thường đó vào tuyệt phẩm Nhớ mùa thu Hà Nội:“Hồ Tây chiều thu mặt nước vàng lay, bờ xa mời gọi/ Màn sương thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời…”. Đến nay, Hồ Tây đã vắng bóng sâm cầm, thế nhưng người Hà Nội vẫn ngày đêm ngóng trông một ngày “Hồ Tây lại có bóng sâm cầm”.

Ngày nay, Hồ Tây đang ngày càng phát triển với nhiều thế mạnh đặc biệt về kinh tế, xã hội. Bộ mặt của ven hồ cũng đã có nhiều thay đổi, hiện đại và sang trọng hơn. Thế nhưng, lẩn khuất sau đó vẫn còn nhịp sống của những người dân gắn bó với Hồ Tây. Đó là dăm ba chiếc thuyền câu tôm lặng lẽ nằm chờ đêm xuống để ra hồ bắt những con vật, làm nên món “bánh tôm Hồ Tây” trứ danh.

Người Hà Nội vốn khéo tay làm nên hàng ngàn món ăn ngon, thế nhưng trong muôn vàn món ăn hấp dẫn ấy, có lẽ chỉ có bánh tôm Hồ Tây là giữ được sự bình dị, đặc biệt, ít pha tạp hiếm hoi. Đó như một phần không thể thiếu khi nói về Hồ Tây ngàn xưa đến nay.

Nằm ven hồ Tây ngày nay vẫn còn dấu vết nhiều làng cổ như làng hoa Nhật Tân, làng hoa Quảng Bá, làng quất Nghi Tàm, làng nghề giấy dó Yên Thái, làng nghề đúc đồng Ngũ Xã.

Trong dịp tết đến xuân sang, các hoạt động lễ hội văn hóa tâm linh, cổ truyền xung quanh Hồ Tây càng trở nên sôi động hơn. Chắc chắn rằng trong tương lai không xa, những nét đẹp cổ truyền của nơi đây sẽ tiếp tục được đánh thức. Và Hồ Tây mãi là một vùng văn hóa, là điểm nhấn đặc biệt của Thủ đô.

Kim Tiến

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/mot-vung-van-hoa-ho-tay-101764.html