Một vụ án cần được xem xét lại thấu đáo

Bà Phong, bà Lưu tỏ ra bức xúc vì cho rằng, qua các cấp tòa, quyền và lợi ích hợp pháp của mình không được bảo vệ. Với phán quyết của HĐXX phúc thẩm của TAND TP Hà Nội trong vụ án dân sự về việc yêu cầu công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chủ sử dụng đất hợp pháp, tranh chấp quyền sử dụng đất... ở phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội, họ khẳng định, tiếp tục theo đuổi vụ án.

Cấp trùng đất?

Nguyên đơn trong vụ án này là bà Triệu Hồng Cẩm, SN 1964 (người đại diện là ông Tạ Dương Tùng, SN 1964, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội); bị đơn là bà: Lê Hồng Phong, SN 1951; bà Lê Hồng Lưu, SN 1957 - đều trú tại quận Long Biên, Hà Nội (người đại diện là ông Hà Trọng Đại, SN 1979). Trong đơn khởi kiện, thay mặt bà Cẩm, ông Tùng trình bày, thửa đất số 110, tờ bản đồ số 9A, rộng 200m2 theo bản đồ địa chính năm 1993 là thửa 108, tờ bản đồ số 53 tại tổ 4, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội, có nguồn gốc do UBND xã Ngọc Thụy (nay là phường Ngọc Thụy) bán cho gia đình bà Hướng năm 1993, giá 20 triệu dồng. Ngày 30-6-1994, bà Hướng chuyển nhượng toàn bộ thửa đất này cho bà Triệu Hồng Cẩm, giá ghi trong hợp đồng là 6 triệu đồng. Việc chuyển nhượng được UBND xã Ngọc Thụy chứng thực. Sau đó, bà Cẩm đã kê khai đăng ký sử dụng và nộp thuế nhà đất. Quá trình làm “sổ đỏ”, ngày 25-6-2015, UBND phường Ngọc Thụy có thông báo về việc trả hồ sơ vì chưa đủ điều kiện cấp “sổ đỏ” với nội dung: “Thửa đất bà Triệu Hồng Cẩm đang đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trùng với vị trí mà UBND quận Long Biên đã cấp Giấy chứng nhận một phần cho gia đình bà Lê Hồng Phong và một phần cấp cho gia đình bà Lê Hồng Lưu”.

Trong khi đó, ông Đại (thay mặt bị đơn) cho hay, nguồn gốc đang tranh chấp là do cụ Lê Quang Khán, Nguyễn Thị Tân, bố mẹ đẻ của bà Lưu, vỡ hoang và đã sinh sống, sử dụng từ năm 1954. Khi bố mẹ bà Lưu mất đã để lại cho bà quản lý, sử dụng. Hơn 60 năm sử dụng diện tích đất trên, gia đình bà Lưu không phát sinh tranh chấp quyền sử dụng đất với ai và hộ này đã xây một nhà cấp 4 vào năm 2011. Ngày 13-3-2012, bà Lưu được cấp “sổ đỏ” cho thửa đất 108 tờ bản đồ số 53, diện tích 259,4m2 (trong đó có 85,4m2 sử dụng riêng và 174m2 sử dụng chung). Phần 174m2 là do các anh chị em của bà Lưu tự thỏa thuận phân chia để làm lối đi chung vào nhà thờ liệt sĩ Lê Quang Vinh và một số chị em khác. Lời của bà Phong (do ông Đại làm đại diện) cũng khai thống nhất như vậy.

Xét xử sơ thẩm, HĐXX của TAND quận Long Biên nhận định, bà Cẩm là chủ sử dụng hợp pháp thửa đất số 110, tờ bản đồ số 9A xã Ngọc Thụy (cũ), nay là phần diện tích thuộc thửa số 108 tờ bản đồ số 53 bản đồ địa chính năm 1993. Đủ cơ sở chấp nhận yêu cầu của bà Cẩm, xác định bà Phong, bà Lưu, ông Nguyễn Khánh Dư, bà Lê Nữ Tuấn, ông Doãn Hải Nam, bà Lê Thị Bích Phượng, bà Đinh Vũ Hương Thủy, bà Lê Thanh Chí, ông Doãn Cát Phương, bà Trần Thị Hòa có sử dụng lấn chiếm đất của bà Cẩm... Do đó, tòa tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bà Phong, ông Dư, bà Lưu, bà Tuấn, ông Nam, bà Phượng, bà Thủy, bà Chí, ông Phương, bà Hòa phải trả lại cho bà Cẩm 200m2 đất thuộc thửa số 110, tờ bản đồ số 9A phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội và phải dỡ bỏ toàn bộ công trình xây dựng, vật kiến trúc nằm trên phần diện tích đất phải trả lại; tháo gỡ công trình xây dựng nằm phần diện tích 32,4m2 lối đi đường bê tông trên cống ngầm thoát nước; chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Cẩm đối với việc tranh chấp lối đi chung, chấp nhận yêu cầu hủy quyết định cá biệt của ông Tùng (đại diện cho bà Cẩm); hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất BĐ439269 ngày 10-6-2011 của UBND quận Long Biên đã cấp cho bà Phong, ông Dư; hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BĐ429222 ngày 13-3-2012 của UBND quận Long Biên đã cấp cho bà Lưu.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cấp đất sai thẩm quyền?

Với phán quyết của tòa cấp sơ thẩm, bị đơn đã kháng cáo toàn bộ bản án vì cho rằng, quyền lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại nghiêm trọng. Tại phiên tòa phúc thẩm của TAND TP Hà Nội vừa qua, nguyên đơn và bị đơn đều giữ quan điểm. Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn đề nghị tòa triệu tập cán bộ UBND phường Ngọc Thụy để làm rõ những tình tiết trong vụ án. Nhưng yêu cầu này không được chấp nhận. Luật sư Giang Hồng Thanh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn, phát biểu, HĐXX sơ thẩm đã tuyên án trái với quy định của pháp luật. Luật sư Thanh nói, không đủ căn cứ để xác định thửa đất được UBND xã Ngọc Thụy cấp cho bà Hướng là thửa số 110 tờ bản đồ 9A. Cụ thể, phiếu thu số 09 ngày 8-11-1993 thể hiện: "Lê Thị Hướng 69 Bùi Thị Xuân nộp tiền đất hồ Trung Hà diện tích 200m2. Số tiền 20.000.000 đồng". Ngoài tờ phiếu thu này không có bất cứ văn bản nào xác định vị trí, ranh giới thửa đất bà Hướng được cấp. Theo các tài liệu khác có trong hồ sơ thì bà Hướng được UBND xã Ngọc Thụy cấp đất (nếu có) là vào năm 1988 hoặc 1989, chứ không phải vào năm 1993 như bà Hướng, bà Cẩm khai; cũng không có cơ sở để xác định đất ao bà Hướng được cấp năm 1988, 1989 là thửa đất số 110, tờ bản đồ 9A.

Ông Thanh cho rằng, chưa đủ căn cứ để xác định thửa đất số 110, tờ bản đồ 9A là thửa 108, tờ bản đồ 53 bản đồ địa chính 1993. Bởi theo Đơn xin chuyển quyền sử dụng đất hoa màu đề ngày 30-6-1994 của bà Hướng, vị trí thửa đất chuyển nhượng là thửa 110 tờ bản đồ 9A có ranh giới như sau: "Phía Đông giáp đường, phía Nam giáp thửa 109, phía Bắc giáp thửa 111". Tuy nhiên phần xác nhận vào Đơn xin chuyển quyền sử dụng đất hoa màu (ngày xác nhận là 28-6-1994), ông Phạm Hải, cán bộ địa chính xã lại xác nhận: "Bà Lê Thị Hướng có thửa đất số 110 tờ bản đồ số 9 sổ địa chính xã như trong đơn trình bày là thực".

Như vậy, có hai nội dung thiếu rõ ràng trong Đơn xin chuyển quyền sử dụng đất hoa màu của bà Hướng: Một là, cán bộ địa chính xác nhận nội dung đơn trước khi đơn được viết 2 ngày. Hai là, cán bộ địa chính xác nhận thửa đất của bà Hướng là thửa 110, tờ bản đồ số 9 chứ không phải thửa 110 tờ bản đồ 9A(?).

Trước đó, HĐXX sơ thẩm nhận định, qua xác minh tại UBND phường Ngọc Thụy thể hiện, diện tích đất nguyên thủy theo bản đồ quản lý đất đai của xã Ngọc Thụy lúc bấy giờ là thửa 110, tờ bản đồ 9A diện tích 200m2 còn theo bản đồ đo vẽ năm 1993-1994 thì diện tích đất này thuộc thửa 108, tờ bản đồ số 53. Nhưng hồ sơ vụ án không có tờ bản đồ 9A. Tòa cấp sơ thẩm tuyên chấp nhận yêu cầu của bà Cẩm là người nhận chuyển nhượng hợp pháp duy nhất diện tích 200m2 đất của bà Hướng thửa số 110, tờ bản đồ số 9A xã Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội (nay phần diện tích đất này thuộc thửa số 108 tờ bản đồ số 53 bản đồ địa chính năm 1993) và bà Cẩm là chủ sử dụng hợp pháp đối với thửa đất này. Nhưng theo quy định tại khoản 4 Điều 13 Luật Đất đai 1987, thẩm quyền giao đất nông thôn cho người dân thuộc về UBND quận, huyện. Trong khi đó, thửa đất của bà Hướng có nguồn gốc được UBND xã Ngọc Thụy giao vào năm 1988, 1989 và năm 1993 mới nộp tiền đất cho UBND. Điều này trái với quy định của Luật Đất đai vì UBND xã Ngọc Thụy không có thẩm quyền giao đất. Do đất được giao không đúng thẩm quyền nên bà Hướng không có quyền sử dụng đối với diện tích đất được UBND xã Ngọc Thụy giao.

Vì thế, ngày 6-10-1994, UBND huyện Gia Lâm có Quyết định số 361/QĐ-UB về việc "Thu hồi diện tích đất cấp không đúng thẩm quyền và mua bán đất trái pháp luật tại các khu vực thuộc xã Ngọc Thụy", trong đó nêu rõ: "Hủy bỏ toàn bộ các văn bản cấp đất, giao đất không đúng thẩm quyền của UBND xã Ngọc Thụy từ năm 1988 đến nay". Bà Hướng không có quyền sử dụng đối với diện tích đất được UBND xã Ngọc Thụy giao trái thẩm quyền và việc giao đất bị hủy bỏ bởi Quyết định số 361/QĐ-UB nên giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Hướng và bà Cẩm thông qua Đơn xin chuyển quyền sử dụng đất hoa màu đề ngày 30-6-1994 là bất hợp pháp. Đất của bà Hướng được UBND xã Ngọc Thụy giao trái thẩm quyền nên không thuộc quyền sử dụng của bà Hướng.

“Như vậy có thể khẳng định, nguyên đơn không phải là người nhận chuyển nhượng hợp pháp diện tích 200m2 đất của bà Hướng nên không phải là chủ sử dụng hợp pháp đối với thửa đất. Điều này đồng nghĩa với việc, nguyên đơn không có quyền yêu cầu bà Phong trả lại đất” - lời luật sư Thanh.

Dù vậy, sau khi xét xử phúc thẩm, TAND TP Hà Nội cơ bản giữ nguyên các quyết định tại bản án sơ thẩm và tuyên buộc gia đình bà Lê Hồng Phong, bà Lê Hồng Lưu cùng các hộ dân liên quan phải dỡ bỏ công trình xây dựng và trả bà Triệu Hồng Cẩm 200m2 đất tại tổ 4, phường Ngọc Thụy. HĐXX phúc thẩm nhận định rằng, UBND phường Ngọc Thụy đã “thiếu sót” trong việc xác lập hồ sơ để UBND quận Long Biên cấp “sổ đỏ” cho gia đình bị đơn cùng những hộ dân liên quan. Với phán quyết này, bị đơn cho biết, tiếp tục theo đuổi vụ án để yêu cầu các cơ quan tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Liên quan đến những sai phạm nghiêm trọng về đất đai trước đó ở xã Ngọc Thụy (cũ), một số lãnh đạo chính quyền địa phương, trong đó có cựu Chủ tịch UBND xã Ngọc Thụy đã phải nhận án tù của TAND TP Hà Nội. Để khắc phục tình trạng chính quyền xã bán, giao đất đất bừa bãi, ngày 6-10-1994, UBND huyện Gia Lâm ban hành Quyết định số 361/QĐ-UB về việc: "Thu hồi diện tích đất cấp không đúng thẩm quyền và mua bán đất trái pháp luật tại các khu vực thuộc xã Ngọc Thụy". Đáng nói, Điều 1 của Quyết định nàynêu rõ: "Hủy bỏ toàn bộ các văn bản cấp đất, giao đất không đúng thẩm quyền của UBND xã Ngọc Thụy từ năm 1988 đến nay"... Nhưng Quyết định 361/QĐ-UB của UBND huyện Gia Lâm đã không có ý nghĩa đối với phần đất mà UBND xã Ngọc Thụy bán, giao trái thẩm quyền cho bà Lê Thị Hướng cũng như một số người liên quan.

Hoa Đỗ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/mot-vu-an-can-duoc-xem-xet-lai-thau-dao-161248.html