Mót vàng ở hạ lưu thủy điện

Bất chấp mối nguy hiểm có thể bị lũ cuốn trôi, hàng trăm người dân ở Quảng Nam vẫn dầm mình dưới sông Trường về phía hạ lưu đập thủy điện Đắk Mi 4 để đãi vàng sa khoáng.

Sau lũ, người dân ngâm mình dưới sông Trường để đãi vàng

Bỏ rẫy đi đãi vàng

Sau trận lũ hồi tháng 11, tái diễn cảnh hàng trăm người dân rủ nhau ra dòng sông Trường đoạn chạy qua H.Phước Sơn (Quảng Nam) để đãi vàng, bất chấp “tử thần” rình rập bởi không biết khi nào thì dòng lũ từ thượng lưu bất ngờ đổ về. Nơi người dân “mót” vàng chỉ cách đập thủy điện Đắk Mi 4 khoảng 18km.

Theo kinh nghiệm của người dân, cứ mỗi mùa mưa lũ đi qua, vàng cám trên núi sẽ theo lũ trôi về. Đứng trên cầu nhìn xuống, đoạn sông Trường chỗ cạn nước lộ ra những ụ đá lởm chởm, dưới lòng sông hàng trăm con người đủ mọi lứa tuổi đang lặn ngụp đào cát đãi vàng giữa dòng nước đục ngầu. Họ chỉ sử dụng những công cụ thô sơ, chỉ cái xẻng và chiếc nón sắt, rồi lặn xúc cát lên đổ vào nón để đãi. Tới khi chỉ còn lại một lớp cát đen, họ “làm sạch” lần nữa với hy vọng gạn được ít vảy vàng.

Vừa ngoi từ dưới nước lên, run cầm cập vì lạnh, lau tay châm vội điếu thuốc rồi rít một hơi dài, ông Nguyễn Văn Thuận (58 tuổi, ở xã Phước Hiệp, H.Phước Sơn) “khoe” mình tham gia đãi vàng được gần 3 tuần nay. “Sau trận lũ hồi tháng 11 vừa qua, người dân trong làng bảo vàng trên núi theo nước lũ trôi về nằm dưới lòng sông, nghe vậy tôi và vợ đành bỏ nương rẫy theo họ ra đây”, ông Thuận nói. Cũng theo ông Thuận, phần đông người đãi vàng dưới chân đập thủy điện Đắk Mi 4 là đồng bào dân tộc Bh’Noong. “Già rồi, sức khỏe yếu nên cũng không đãi được bao nhiêu. Một ngày gắng lắm cũng kiếm được 50 - 70 ngàn đồng, đủ tiền uống rượu với hút thuốc. Thanh niên khỏe mạnh, lặn sâu thì kiếm được nhiều tiền hơn”, ông Thuận chia sẻ.

Đang cố đào từng xẻng đất đá đưa lên khay đãi vàng, chị Hồ Thị Hà (30 tuổi, xã Phước Hiệp) bảo ngày nào cũng làm hì hục từ sáng sớm đến chiều tối nhưng thu nhập chẳng được bao nhiêu. Lũ dâng cao khiến nhà chị ngập gần 2m, bao nhiều đồ đạc trôi hết, không biết làm gì để nuôi 4 con nhỏ nên phải ra sông đãi vàng. “Làm nghề này cực lắm, mỗi ngày làm cật lực cũng chỉ kiếm được chừng 100.000 đồng là cùng. Người nào “trúng quả” thì ráng lên 400.000 đồng, nhưng hiếm lắm!”, chị Hà tâm sự.

“Thần chết” luôn chực chờ

Khu vực người dân tập trung đãi vàng nằm hai bên bờ dòng sông Trường. Ngược về phía thượng lưu là đập thủy điện lớn. Nếu thủy điện Đắk Mi 4 bất ngờ xả lũ thì không biết tính mạng của hàng trăm người sẽ ra sao. Ai cũng biết mối nguy ấy, nhưng vẫn ngâm mình dưới dòng nước đục.

Đang chăm chú đãi lớp đất để tìm vàng, bà Nguyễn Thị Tuyết (49 tuổi, xã Phước Hiệp) cho hay nhiều lúc ngâm mình dưới dòng nước đến tê buốt cả người, khi lên bờ thì đi không nổi. “Đãi vàng dưới chân thủy điện cũng giống như đang đùa cợt với thần chết vậy. Dù biết là nguy hiểm, nhưng sau lũ thiếu thốn quá đành phải ra đây.Chứ không biết làm gì để sống qua bữa cả”, bà Tuyết buồn bã. Bao nhiêu tai nạn lao động đã xảy ra, nào đá lăn dập tay chân, lọt hố nước sâu bị cuốn trôi… “Thấy nước chảy lờ đờ vậy đó, nhưng khi thủy điện xả lũ thì trong chốc lát cả đoạn sông Trường trở thành biển nước. Nếu không phát hiện sớm thì chỉ có mà bỏ mạng”, bà Tuyết ngao ngán.

Làm sạch lớp cát đen để tìm vàng cám

Một ít vàng sa khoáng đãi được

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND H.Phước Sơn, xác nhận sau lũ lượng vàng sa khoáng dưới lòng sông cũng được “bổ sung”, nên người dân bỏ việc để đi đãi vàng. Chính quyền địa phương đã nhiều lần truy quét nhằm hạn chế tình trạng đãi vàng trái phép và trực tiếp giao cho xã trực tiếp tổ chức người canh giữ, nhưng cấm được một thời gian thì người dân lại lén lút hoạt động. “Trước mắt, huyện đã thống nhất với thủy điện Đắk Mi 4 mỗi khi xả lũ bất ngờ thì sẽ có loa thông báo, để đảm bảo an toàn cho người dân đang đánh bắt và đãi vàng ở khu vực hạ du sông Trường”, ông Hà nói.

Mạnh Cường

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/mot-vang-o-ha-luu-thuy-dien-908040.html