Một tuổi thơ, hai thế giới…

Mặc dù Viện Dinh dưỡng Việt Nam đã chính thức đưa thực đơn bán trú chuẩn đến mọi trường học thông qua phần mềm xây dựng bữa ăn dinh dưỡng trên website buaanhocduong.com.vn nhưng không phải học sinh ở đâu được hưởng đầy đủ theo khuyến nghị bởi nhiều lý do, lý do lớn nhất là… kinh phí.

Buffet thành phố…

Cứ đến cuối tháng, cô con gái 4 tuổi của chị Phạm Trà My (ngõ 328 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) lại được đổi vị bằng bữa buffet rộn ràng ở trường. Thay vì mỗi em một suất cơm, học sinh được tự tay chọn món và thưởng thức bữa ăn theo kiểu Tây y như đi nhà hàng buffet với bố mẹ. Con gái chị My đang theo học một trường mầm non tư nhân tọa lạc ngay giữa quận Thanh Xuân, Hà Nội, cơ sở vật chất chẳng có gì phải chê, ngay bữa ăn ở trường cũng “ngon hơn cơm mẹ nấu”.

Chị My kể: “Buffet của các con ở trường thường là những món khoái khẩu mà lũ trẻ thích, nào là chả tôm bao mía, nem rán, gà quay mật ong, bò bít tết, bò chiên kiểu Thái, rồi cả salat dưa chuột, rau củ quả hấp chấm muối vừng, canh chua giá đỗ… Có hôm được ăn ngon ở trường, nó nằng nặc đòi mẹ làm nem tôm, phở xào rau, bánh bao chiên ăn cùng cà ri bò… và luôn miệng nói, ăn ở trường ngon gấp trăm lần ở nhà”. Không chỉ có các món ngon, đồ tráng miệng của các con cũng được linh hoạt thay đổi: từ nước chanh leo, nước cam đến sữa chua, caramen… Mọi bữa ăn đều được đảm bảo đủ dinh dưỡng, các con ăn ngon dưới hàng trăm con mắt theo dõi, quan sát qua camera của các bậc làm cha làm mẹ.

Ảnh minh họa (Ảnh: FFS)

Theo một giáo viên mầm non ở trường, các em học sinh từ bé đã được hướng dẫn về bữa ăn cân đối dinh dưỡng trong các tiết học. Trước bữa ăn, các con được cô giáo giới thiệu từng món ăn, với tên gọi chuẩn, được nghe cô tả về màu sắc, mùi vị hấp dẫn ra sao… Các con được dạy tự lấy thức ăn trong mỗi bữa theo đúng khẩu phần dinh dưỡng tốt cho sức khỏe của mình. Cô giáo khuyến khích trẻ ăn một cách tự nguyện theo sở thích, không ép buộc. Điều này giúp trẻ có tình yêu đối với việc ăn uống và giúp trẻ biết lắng nghe nhu cầu cơ thể của chính mình.

Những bữa ăn được chăm chút kỹ lưỡng không chỉ có ở trường tư nhân, con chị Cúc học ở một trường tiểu học công lập phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội cũng có những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng và ngon miệng. Đến bữa ăn, mỗi học sinh nhận một khay cơm. Nhà bếp luôn ước lượng thời gian để nấu cơm sát nhất với giờ ăn, cơm nóng hổi, thịt cá, rau, tôm không bị nguội, các món ăn thay đổi luân phiên theo 6 ngày đi học trong tuần. Theo chị Cúc, phụ huynh trong lớp rất quan tâm đến bữa ăn của các con, nhà trường còn mời hội phụ huynh đến trường “kiểm tra” chất lượng bữa ăn, trực tiếp vào bếp xem nơi chế biến đồ ăn ra sao. Bữa ăn bán trú sạch sẽ, ngon mắt vì thế luôn được học sinh trong trường mong đợi.

… Cơm rau miền ngược

Trong cái phòng học bé tí lụp xụp giữa núi rừng Tây Bắc, những đứa trẻ tiểu học ở Y Tý, huyện Bát Xát, Lào Cai cặm cụi ăn bát cơm chỉ độc có rau rừng. Cơm rau mà đứa nào cũng thoăn thoắt xúc ăn vì đói. Đó là ấn tượng không thể quên của nhà báo Nguyễn Thiêm (Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội) trong một lần công tác Lào Cai. Chị kể, rời Y Tý sang xã Bảo Thắng, chị ngó vào lớp học, thấy bữa cơm có thêm màu sắc, ngoài màu xanh của rau rừng, học sinh tiểu học có thêm mì tôm chan canh.

“Đường vào Y Tý rất khó khăn, lũ trẻ đến trường phải đi bộ cách xa nhà cả chục cây số. Trong những bữa ăn thiếu thịt ấy vẫn không thiếu những nụ cười hồn nhiên, những ánh mắt dễ thương của học trò nhỏ khiến cả đoàn quên đi mệt mỏi. Tôi vội hỏi một cậu bé lớp 3 mà thỏ nhó hơn cả đứa con 4 tuổi của tôi, rằng bao lâu rồi con chưa được ăn thịt, nó hồn nhiên trả lời “lâu lắm rồi cô”…. Những bữa ăn chỉ độc có cơm và rau, ngoài kia, gió lạnh thổi hun hút trên những nóc nhà lớp học” – Thiêm kể.

Là nhà báo chuyên mảng giáo dục, trên rất nhiều cung đường đến thăm các trường học miền núi, Thiêm kể, ấn tượng nhất vẫn là những bữa ăn của học sinh. Sau những lần đón đoàn từ thiện khắp cả nước về, lũ trẻ vùng cao lại trở về những bữa cơm đạm bạc: cơm không đựng trong cặp lồng nhựa, canh rau nấu hẳn một nồi to, các con xì xụp múc canh vào cặp lồng…

Đầu tháng 10 vừa rồi, Nguyễn Bách Hợp (Hoài Đức, Hà Nội) cùng các bạn đại học đi từ thiện tới trường mầm non Láo Lý (Tả Phời, Lào Cai). Hành trình ấy với mục đích mang đến cho học sinh vùng cao những bữa cơm thịt. Hợp kể: “Thường ngày, lũ trẻ chỉ được ăn cơm với mỳ tôm và ngô, nhưng hôm đó, chúng có cơm thịt cải thiện, đứa nào cũng cười nói rộn ràng. Có đứa còn xin cô chú mang cơm thịt về cho em gái ở nhà vì không nỡ ăn hết...”. Với Hợp, dù đã đi thiện nguyện không biết bao nhiêu lần nhưng mỗi chuyến lên miền ngược lại mang đến cho anh nhiều cảm xúc và cả những trăn trở khôn nguôi về bữa ăn bán trú.

Bữa ăn bán trú: nơi 30 nghìn, nơi chẳng đủ 8 nghìn

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng trường học, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Viện đã có đề án Bữa ăn học đường với phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng tại địa chỉ buaanhocduong.com.vn. Phần mềm này cho phép người dùng tạo thực đơn từ ngân hàng có sẵn đã cân bằng dinh dưỡng. Ngân hàng này có 120 thực đơn với trên 360 món ăn không lặp lại, cân bằng về dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm và ngon miệng, được phân loại theo 3 khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Đại diện các trường chỉ cần đăng nhập phần mềm này, các trường có thể tự xây dựng được thực đơn dinh dưỡng cho bữa ăn học đường của trường mình.

“Hiện cả nước có khoảng 4.000 trường có bữa ăn bán trú, trong đó có khoảng 3.000 trường đã đăng nhập phần mềm. Trong số các trường tham gia vẫn có nhiều trường chưa thực hiện được đầy đủ theo khuyến nghị. Lý do là vì vấn đề kinh phí. Để thực hiện được bữa ăn đủ dinh dưỡng cần mức kinh phí khoảng 25.000 đồng đến 30.000 đồng/bữa. Nhưng có nhiều trường, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, chỉ thu khoảng 10- 15.000 đồng/bữa, thậm chí có nơi chưa đến 8.000 đồng/bữa thì không thể đủ kinh phí thực hiện bữa ăn đủ dinh dưỡng cho học sinh” – PGS Nhung nói.

Để cải thiện hiệu quả thể trạng học sinh trên cả nước, cần phải có sự chung tay kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội, nhất là giai đoạn phát triển của trẻ trong độ tuổi đến trường.
Theo PGS Nhung, sau 1.000 ngày đầu đời, cơ hội thứ hai giúp trẻ tăng trưởng vượt trội về chiều cao là giai đoạn tiền dậy thì. Bé gái trung bình tuổi dậy thì từ 12 - 16 tuổi, bé trai trung bình tuổi dậy thì từ 14 - 16 tuổi. Trước đó 1-2 năm là giai đoạn tiền dậy thì, trẻ sẽ có tăng vọt về chiều cao, có trẻ có thể cao thêm từ 8 - 10 cm mỗi năm.

Muốn tận dụng được cơ hội này, chế độ dinh dưỡng cho trẻ phải hợp lý, nhất là giai đoạn tuổi mẫu giáo và tiểu học. Kéo theo đó, bữa ăn bán trú của học sinh trong giai đoạn này phải thực sự được chú trọng, bởi “đây là giai đoạn tích lũy để trẻ có thể phát huy sự tăng trưởng tối đa về chiều cao theo tiềm năng di truyền ở giai đoạn tiền dậy thì” – PGS Nhung nhấn mạnh.

Lý thuyết là thế, nhưng chỉ cần đi xa thành phố vài chục cây số, bữa ăn dinh dưỡng của học sinh các trường đã có nhiều màu sắc khác nhau. Khi tiền mua sách giáo khoa, tiền mua áo ấm, tiền ăn hàng ngày vẫn là chuyện khó nhọc với các gia đình, thì bữa ăn của học sinh ngoại thành, miền núi vẫn là bài toán khó.

Trong cái phòng học bé tí lụp xụp giữa núi rừng Tây Bắc, những đứa trẻ tiểu học ở Y Tý, huyện Bát Xát, Lào Cai cặm cụi ăn bát cơm chỉ độc có rau rừng. Cơm rau mà đứa nào cũng thoăn thoắt xúc ăn vì đói. Đó là ấn tượng không thể quên của nhà báo Nguyễn Thiêm (Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội) trong một lần công tác Lào Cai. Chị kể, rời Y Tý sang xã Bảo Thắng, chị ngó vào lớp học, thấy bữa cơm có thêm màu sắc, ngoài màu xanh của rau rừng, học sinh tiểu học có thêm mì tôm chan canh...

Việt Đan

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/giao-duc/mot-tuoi-tho-hai-the-gioi-130663.html