Một tuần phạt lái xe có nồng độ cồn: Chế tài mạnh, giảm đau thương

Việc siết chặt các quy định xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu bia đã khiến dư luận 'dậy sóng', trong đó đại đa số ủng hộ, đồng tình.

Kiểm tra nồng độ cồn.

Kiểm tra nồng độ cồn.

Tránh "nhờn luật"

Tai nạn giao thông là nỗi ám ảnh đầy thương tâm đối với người dân, và nước ta là một trong số những quốc gia có tỉ lệ tai nạn giao thông khá cao. Trong đó, hơn 30% tai nạn giao thông đến từ nguyên nhân say rượu lái xe, có những tai nạn hết sức thảm khốc từ tài xế ô tô, xe tải say rượu gây tại nạn liên hoàn.

Chỉ tính riêng dịp nghỉ lễ 30/4 năm 2019, thống kê từ Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho thấy con số tử vong do tai nạn, mà đa phần từ ăn nhậu say xỉn là trên 20 người/ ngày. Ở các đợt nghỉ lễ, Tết khác, con số tử vong vì tai nạn liên quan đến rượu bia cũng không thua kém là bao.

Chính vì thế, quy định về siết chặt xử phạt người lái xe uống rượu bia đã đem đến sự đồng thuận từ phía người dân. Đây là câu chuyện đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện rất nhiều năm qua và đem lại hiệu quả cao.

Tại Việt Nam, với mức xử phạt lên đến vài chục triệu cho mức vi phạm cao, và thấp nhất 200 ngàn, việc đánh mạnh vào "túi tiền" có thể khiến người dân không còn dám thờ ơ, "nhờn luật" như trước đây. Lâu dần, việc chấp hành luật giao thông nghiêm túc, đã uống rượu bia không lái xe sẽ trở thành thói quen, thành ý thức của toàn dân.

Tuy nhiên, vẫn có một số phản ứng của người dân về mức quy định nồng độ cồn, khi nhiều thí nghiệm cho thấy việc ăn hoa quả hoặc một số thực phẩm lên men, dù không hề gây say xỉn vẫn có thể bị phạt bởi máy đo nồng độ. Nhiều người dân lo ngại đến việc "lạm dụng xử phạt" và một số hệ quả tiêu cực khác.

CSGT kiểm tra giấy tờ người tham gia giao thông.

"Mặc dù công việc đòi hỏi phải thường xuyên nhậu tiếp khách, nhưng tôi vẫn hoàn toàn ủng hộ việc xử phạt nặng đối với lái xe uống rượu bia. Trước đây tôi cũng thường tự lái xe về nhà sau những buổi nhậu vì tự tin mình không say, nhưng có lần buồn ngủ lơ mơ tông vào cây cột điện ven đường, may mà xe hư nhưng người không sao.

Từ đó, tôi có ý thức đã nhậu là không lái xe. Tuy nhiên, tôi nghĩ về nồng đồ cồn, có lẽ cần xem xét lại để có mức quy định hợp lý, chứ nếu nhấp vài ngụm hay uống nước có men phải bia rượu, không gây say mà bị phạt thì vô lý quá, người dân sẽ không phục", anh Tôn Thất Vĩnh, nhân viên một công ty thiết bị y tế tại TPHCM cho biết.

Anh Trịnh Thế Sự sống tại Triều Khúc, Hà Nội thì chia sẻ: “Tôi cũng hay ngồi bia rượu với anh em đồng nghiệp. Thế nhưng thay vì đi xe về nhà tôi chọn cách đi xe ôm để an toàn hơn. Cứ nghĩ về những tin tức, con số thống kê tai nạn mà nguyên nhân từ việc say xỉn thì sẽ hiểu luật chính xác nhường nào”.

Học cách thích ứng với quy định mới

Nhiều người cũng công khai bày tỏ ý kiến về quy định mới của Luật giao thông. Là một đất nước có thói quen dùng bia rượu trong các cuộc gặp gỡ tiệc tùng hay chuyện trò, cũng là đất nước có lượng tiêu thụ rượu bia thuộc “Top” đầu thế giới, việc xử phạt nặng người lái xe uống rượu bia đã tác động mạnh đến số đông người dân.

Trước áp lực giữ khách, nhiều chủ hệ thống nhà hàng quán ăn tại Hà Nội, cho biết sau khi Nghị định 100/2019 thay thế Nghị định 46/2016 có hiệu lực từ 1/1/2020 nhiều quán đã bố trí nhân viên hỗ trợ gọi xe, thậm chí đưa khách đã sử dụng rượu, bia về tận nhà khi có nhu cầu. Phụ thuộc vào lượng khách tới quán, sẽ có từ 3 đến 5 tài xế phục vụ và chi phí sẽ phụ thuộc vào quãng đường khách về. Trong trường hợp khách đi ô tô đến quán mà đã sử dụng rượu bia, thì nhà hàng bố trí tài xế lái xe chở khách về. Còn trong trường hợp khách có nhu cầu đi ô tô hoặc xe máy của nhà hàng, thì cũng được thu xếp để phục vụ khách về nhà an toàn và tuân thủ luật giao thông.

Theo chủ một nhà hàng tại Cầu Giấy, Hà Nội trong thời gian tới, ông sẽ chủ động liên kết với các tài xế xe ôm công nghệ để đưa khách đã sử dụng rượu bia về tận nhà. “Riêng xe của khách tới quán sẽ được nhà hàng bố trí chỗ giữ xe qua đêm để hỗ trợ khách”, ông này cho biết.

Ngay trong ngày đầu khi quy định mới được áp dụng, đúng vào dịp nghỉ lễ Tết Dương lịch, người dân dường như vẫn chưa kịp thích khi mà không ít trường hợp vi phạm nồng độ cồn vẫn diễn ra và nhiều người dân vẫn tỏ ra ngỡ ngàng trước chế tài mới được áp dụng, có người dân nhận mức phạt lên đến hàng chục triệu đồng.

Mức phạt cao cũng khiến người dân có những phản ứng mang tính ứng phó khi bị đối mặt với cảnh sát giao thông. Đã có trường hợp được ghi nhận ở Nghệ An, người điều khiển phương tiện giao thông chốt cửa xe, bỏ đi khỏi hiện trường và bất hợp tác với lực lượng kiểm tra. Phân bua, cãi cọ thậm chí bỏ chạy là một số phản ứng của người vi phạm thời gian qua.

Không chỉ phản ứng tức thời, nhiều cách ứng phó với quy định mới đã được người dân nghĩ ra. Một loại kẹo mang tên kẹo giải rượu đã được truyền tai nhau bán trên mạng, với tác dụng thần kì là uống xong rượu, bia, ngậm vào sẽ hết ngay mùi, tỉnh rượu và máy kiểm tra nồng độ cồn cũng không phát hiện ra.

Cạnh đó, một số nhà thuốc còn bán loại thuốc giải rượu, giải say ngay cấp kì để ứng phó với xử phạt. Giá của các loại kẹo, thuốc này rất rẻ, chỉ hơn chục đến vài chục ngàn đồng. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khuyến cáo, hiện chưa có nghiên cứu nào chứng minh các loại thực phẩm này có chức năng giải độc hay giải nồng độ cồn cấp kì, đó là còn chưa kể đến nguy cơ suy giảm sức khỏe, ngộ độc gan từ những loại thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Chắc chắn rằng thời gian đầu, khi mức phạt được nâng cao, sẽ còn một số luồng dư luận trái chiều cũng như một số vấn đề chưa thực sự "nhuần nhuyễn". Nhưng về lâu về dài, hẳn cả người dân lẫn doanh nghiệp kinh doanh bia rượu sẽ thay đổi cách nhìn theo hướng tích cực, vì một xã hội văn minh và an toàn hơn.

ThS. Trần Thị Trang – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế:

“Không có con số chính xác tuyệt đối cho mọi cá nhân là uống rượu bia sau bao lâu mới được lái xe, hay sau bao lâu uống rượu bia thì hết nồng độ cồn trong cơ thể, mà nó phụ thuộc vào lượng bia rượu uống và đặc điểm sinh học, thể trạng của từng cá nhân. Từ đó mới có chỉ số nhất định sau bao lâu mới hết nồng độ cồn trong máu.

Thông thường đối với người có cơ chế chuyển hóa bình thường thì sau 1 giờ, gan sẽ dung nạp và chuyển hóa hết 1 đơn vị cồn (1 đơn vị cồn khoảng 10 gam cồn nguyên chất, tương đương với 2/3 lon bia 330ml nồng độ 5%, 100ml rượu vang nồng độ cồn 13,5%, 30ml rượu mạnh nồng độ cồn 40%). Tuy nhiên, để chuyển hóa hết hoàn toàn 1 đơn vị cồn, cơ thể phải mất 1-2 giờ.

Do đó, nếu uống 1 đơn vị cồn tương đương với 2/3 lon bia 330ml, 100ml rượu vang nồng độ cồn 13,5%, 30ml rượu mạnh nồng độ cồn 40%, đối với người khỏe mạnh, bình thường, không mắc bệnh gì thì phải mất 2-3 giờ mới chuyển hóa hết nồng độ cồn trong cơ thể, lúc đó mới có thể lái xe.

Đối với những người có chức năng gan suy yếu hoặc những người có cơ thể chuyển hóa chậm hơn thì nồng độ cồn chuyển hóa sẽ lâu hơn. Chính vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo nam giới khỏe mạnh không nên uống quá hai đơn vị cồn, nữ giới khỏe mạnh không uống quá một đơn vị cồn mỗi ngày và uống dưới 5 ngày/tuần và khi đã uống thì tuyệt đối không điều khiển phương tiện tham gia giao thông”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong:

“Việc soạn thảo Nghị định 100 thay thế Nghị định 46 thuộc thẩm quyền của Chính phủ, và tinh thần xử lý nghiêm người sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện giao thông đã được đưa vào luật. Điều này cũng thể hiện quyết tâm rất cao của Chính phủ, Quốc hội trong việc phòng chống tác hại rượu bia, ngăn ngừa cho xã hội tai nạn giao thông, nhằm thay đổi hành vi, nhận thức.

Khi làm Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có tính đến yếu tố trách nhiệm của người sản xuất, người kinh doanh, rồi người uống rượu, bia cũng phải có trách nhiệm, hay những người đứng đầu cơ quan, tổ chức đơn vị, những người có thẩm quyền cũng phải nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước.

Những trách nhiệm đó có điều thể chế hóa trong luật, có điều được hướng dẫn để thực thi thông qua nghị định, nhưng có những điều như một lời kêu gọi hiệu triệu, một thông điệp để cho xã hội nâng dần nhận thức”.

Ông Nguyễn Quang Nhật, Cục CSGT - Bộ Công an:

“Khi xử lý đều có căn cứ, biện pháp chuyên môn, nghiệp vụ để phân biệt rõ ràng việc ăn trái cây thổi ra nồng độ cồn nên người dân không cần lo lắng về vấn đề này. Chúng tôi không tự nhiên dừng xe mà chỉ dừng đối với những trường hợp có biểu hiện nghi vấn, đi ra từ quán nhậu.

Hơn nữa người uống rượu bia có biểu hiện rất rõ ràng, lực lượng có nghiệp vụ hoàn toàn có thể phân biệt được. Trên thực tế có những tình huống như ăn trái cây (sầu riêng...) mà hơi thở có nồng độ cồn thì vẫn có thể xử lý được vì nồng độ cồn sẽ lưu lại không lâu. Hơn nữa, quá trình lập biên bản, người vi phạm có quyền được giải thích về lý do có nồng độ cồn. Nếu chưa rõ ràng, người vi phạm giao thông sẽ được xét nghiệm máu để có kết quả chính xác”

Tuấn Anh – Sinh Nguyễn (tổng hợp)

Ngọc Mai – Tuấn Anh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/giao-thong/mot-tuan-phat-lai-xe-co-nong-do-con-che-tai-manh-giam-dau-thuong-488792.html