Một tuần ở trại khởi nghiệp Thụy Sĩ

Sáu hệ sinh thái khởi nghiệp từ 3 vùng kinh tế khác xa nhau đã có 1 tuần va đập, chia sẻ, học hỏi rất kỳ lạ ở chương trình kết nối khởi nghiệp Thụy Sĩ do tổ chức Swiss EP tổ chức.

Việt Nam là đại diện duy nhất của vùng châu Á, Peru từ châu Mỹ Latinh và Macedonia, Siberi, Albani cùng với Bosnia thay mặt cả vùng Balkan gặp nhau để cùng tìm kiếm công thức phát triển nền kinh tế thời kỳ mới.

Hỗ trợ khởi nghiệp không còn là “trách nhiệm xã hội”

Chúng tôi có mặt ở Innovation Park - tạm dịch là Công viên Đổi mới Sáng tạo của thành phố Biel, Thụy Sĩ. Chặng bay dài và chuyển tiếp liên tục đến hơn 24 giờ từ Đà Nẵng - Tp.HCM - Paris - Zurich - Biel được tưới tắm bằng màu xanh của thành phố di sản thế giới, nơi đầu tiên công bố chiếc đồng hồ Rolex, đưa Biel trở thành “thủ đô đồng hồ” của thế giới. Innovation Park nằm trên tuyến phố chính, thuận tiện di chuyển và đã sẵn sàng cho câu chuyện đầu ngày: “Thụy Sĩ đang làm gì với sự phát triển của quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế kỹ thuật số”.

Tòa nhà to, kèm theo là các không gian nghiên cứu và một Fablab - không gian chứa đầy đủ các máy móc, thiết bị và công cụ để xây dựng các sản phẩm mẫu, là kết quả của hợp tác giữa nhà nước và tư nhân. Có đến 90% phần vốn của Innovation Park được đóng góp từ các doanh nghiệp lớn của Thụy Sĩ, phần còn lại do các quỹ phát triển địa phương đảm nhận. Họ làm nhiều việc: tổ chức nghiên cứu, cung cấp các điều kiện làm việc, kết nối cộng đồng và liên minh với các vườn ươm doanh nghiệp trong nước lẫn quốc tế. Đây là nơi “ra lò” của công trình máy in 3 chiều đầu tiên của thế giới có thể in bằng chất liệu kim loại thay cho vật liệu thường thấy là nhựa. Đây cũng là “mái nhà chung” của nhiều nhóm chuyên gia, tiến sĩ tới lui để tìm hướng thương mại hóa các phát kiến, sáng chế hoặc công trình nghiên cứu của mình.

Một hoạt động của Innovation Park. Ảnh: website IP

Chúng tôi gặp tiến sĩ Ivana Balic, giám đốc công ty Sonoview, đại diện nhóm phát triển ứng dụng thăm dò tế bào ung thư thế hệ mới. Họ đã ở Innovation Park và hoàn thành chiếc máy chụp tế bào vú nhằm phát hiện sớm nguy cơ ung thư vú, vốn là vấn nạn đang ngày càng gia tăng toàn cầu. Chị chia sẻ, những đóng góp của công ty đối với Innovation Park là không đáng kể so với những hỗ trợ mà họ nhận được.

Quan trọng nhất, là cơ quan Innovation Park này được xây dựng với mô hình doanh nghiệp lợi nhuận. Có điều, thời hạn thu hồi vốn và có lãi dự kiến của họ là... 10 năm sau. “Tất nhiên là về dài hạn thì chúng tôi sẽ có lãi, vì toàn bộ phần vốn góp của doanh nghiệp vào đây là vốn đầu tư về đổi mới sáng tạo, không phải nguồn kinh phí trách nhiệm xã hội CSR đâu. Đầu tư đổi mới sáng tạo thì cần hai thứ: theo dõi cẩn thận các trào lưu công nghệ mới và chia sẻ tầm nhìn dài hạn” - đại diện đối ngoại của họ cho biết.

Phải gieo, rồi mới hi vọng gặt

Ngày thứ hai ở Innovation Park, khách mời là một nhóm những nhà đầu tư thiên thần cho khởi nghiệp. Đại diện của nhóm này là Roland Zeller, một doanh nhân thành đạt Thụy Sĩ quyết định dành phần còn lại của cuộc đời để làm nhà đầu tư thiên thần một cách chuyên nghiệp.

Roland là thế hệ đầu tiên ở Thụy Sĩ nói riêng và thế giới nói chung khởi động nền kinh tế kỹ thuật số. Đó là năm 1990, sau khi tốt nghiệp trường du lịch khách sạn thì ông lập ra trang web Travel.ch, dựng lên từ con số 0 đến 70 nhân viên, hoạt động toàn châu Âu thì bán nó đi, dùng số tiền tích lũy được để làm “thiên thần”.

Chứng nhận kỷ lục thế giới về đào tạo in 3D nhiều nhất. Ảnh: website IP

“Thiên thần, không có nghĩa là cứ khóc thì bụt hiện ra, mà doanh nghiệp phải làm việc rất nhiều để chúng tôi nhìn thấy lý do mình cần phải “chắp thêm cánh” để doanh nghiệp khởi nghiệp bay lên cao. Ý tưởng phải đủ lãng mạn để có thể mang lại lợi nhuận gấp 30 lần nhưng phải đủ thực tế để mọi người đều muốn tham gia. Đội ngũ phải mạnh và đa dạng về năng lực. Cam kết phải rõ ràng và tham vọng phải đủ lớn. Hiện nay mỗi tháng tôi nhận hơn 60 hồ sơ gọi vốn, phần lớn chỉ xem qua một chút rồi bỏ qua, chỉ tập trung nghiên cứu kỹ, gặp gỡ, trao đổi với 3, 4 dự án phù hợp với mình. Tức là một năm, tôi làm việc chăm chỉ lắm, tiếp cận đến 500 hồ sơ khởi nghiệp nhưng cuối cùng cũng chỉ đầu tư được tối đa là 4 doanh nghiệp” - Roland chia sẻ.

Rõ ràng, công việc của nhà đầu tư thiên thần không đơn giản chút nào. Cả nền kinh tế, cả hệ sinh thái dồn sức để hình thành các hạt giống doanh nghiệp, nhà đầu tư thiên thần dồn sức làm việc cùng, đổ tiền xây dựng đội ngũ và sản phẩm rồi chờ đợi 5, 6 năm để có thể hi vọng một phần nhỏ trong số đó thành công. Lời khuyên của Roland thì nhiều, nhưng rõ ràng thời gian không phải là thứ mà người nóng vội có thể mua được...

Những tập đoàn lớn chuyển mình

Sang đến thủ đô Bern của Thụy Sĩ, chúng tôi gặp Giám đốc Khối đổi mới sáng tạo của một trong những tập đoàn lớn nhất quốc gia này: Swiss Post. Roland Keller nói: “Chúng tôi hiểu rằng mình không được phép ở lại phía sau cuộc chuyển đổi số của thế giới. Nhưng chúng tôi cũng quá lớn để có thể thay đổi nhanh. Và chúng tôi áp dụng mô hình kết hợp với các trung tâm đổi mới sáng tạo bên ngoài song song với việc xây dựng văn hóa sáng tạo nội bộ.

Tôn chỉ duy nhất mà sự sáng tạo của chúng tôi theo đuổi là lấy khách hàng làm trung tâm. 60.000 nhân viên của chúng tôi luân phiên được đào tạo về các công cụ khởi nghiệp mới như mô hình khởi nghiệp tinh gọn, mô hình thiết kế sáng tạo, mô hình xây sản phẩm mẫu. Cùng với đó là việc liên kết với InnoArchitech - một đơn vị tư vấn khởi nghiệp có liên kết chặt chẽ với các vườn ươm từ Mỹ, Israel cho tới châu Âu và châu Á...”.

Roland kể hai ví dụ rất thú vị: Họ nhận ra rằng, nhân viên giao thư của họ sử dụng những chiếc xe chuyên dụng rất xịn để giao thư từ 6 giờ sáng đến 1giờ chiều, sau đó là nghỉ hết ca. Tất nhiên buổi chiều thì không đi giao thư nữa, nên mớ xe này là một tài sản bị lãng phí. Vậy là chúng tôi nghĩ rằng có thể áp dụng khái niệm “kinh tế chia sẻ”, cho thuê lại những chiếc xe này dành cho những sinh viên, người có nhu cầu di chuyển trong khung giờ này.

Ý tưởng có vẻ lạc quan, nhưng may nhờ có triết lý lấy khách hàng làm trung tâm, và sự cẩn trọng của người Thụy Sĩ nên chúng tôi tổ chức lấy ý kiến người tiêu dùng. Kết quả trả về, là “không, chúng tôi không đi những chiếc xe nhìn ngốc nghếch này”. Vậy là chúng tôi về họp lại, nghĩ rằng họ thấy chiếc xe màu vàng này không hợp, nếu sơn đỏ lại theo màu thời thượng của Ferrari thì sẽ ổn. Vậy là sơn lại xe, tổ chức lấy ý kiến. Kết quả không như mong đợi: “Không, chúng tôi không đi cái xe ngu ngốc này...”. Vậy là dẹp bỏ dự án, tiết kiệm được một núi tiền nếu triển khai thử nghiệm.

Ví dụ thứ hai thì “ngầu” hơn nhiều: “Khi mà Amazon công bố nghiên cứu giao hàng bằng máy bay không người lái, thì chúng tôi thấy thị phần và công việc làm ăn chính của mình bị đe dọa nghiêm trọng. Chúng tôi tổ chức tìm kiếm giải pháp và quyết định đầu tư mua lại một công ty nghiên cứu sản xuất máy bay không người lái này. Và thử nghiệm đầu tiên rất thành công, các trung tâm lấy mẫu máu và bệnh viện trung tâm đồng ý ký hợp đồng dài hạn ngay. Vấn đề quan trọng nhất là giấy phép bay. Và chúng tôi hạnh phúc được công bố ngày 8.6 vừa qua, là Swiss Post chính là doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới được cấp giấy phép giao nhận bằng drone tại châu Âu...”.

Roland nói, đầy cảm hứng và tin tưởng: “Các tập đoàn lớn luôn cần các bạn khởi nghiệp, cần giải pháp đổi mới sáng tạo, chúng tôi chỉ chưa biết cách nào để làm việc tốt nhất với các bạn mà thôi”.

Và một tỉ phú đi làm hỗ trợ khởi nghiệp

Axel Schultze, một trong những tỉ phú nổi tiếng nhất của Thụy Sĩ, người đã tự xây dựng và thoái vốn khỏi 4 công ty trị giá nhiều tỉ USD và một doanh nghiệp trên sàn chứng khoán, sau khi nghỉ hưu 1 năm thì quyết định quay lại “giang hồ” và thành lập tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp mang tên Society 3 global innovation group. Ông bảo: “Văn hóa quan trọng nhất mà tôi học được ở Silicon Valley khi làm việc bên đấy, là văn hóa sẻ chia, hỗ trợ người khác. Tôi già rồi, nhưng vẫn muốn góp sức. Tôi tự đặt ra sứ mệnh của mình là cố gắng mọi cách để nâng tỷ lệ thành công của doanh nghiệp khởi nghiệp từ 10% hiện nay lên 20%. Và đây là lần đầu tiên trong cuộc đời mình, tôi có chút lúng túng vì chưa biết bắt đầu từ đâu để hiện thực hóa mục tiêu này của đời mình...”.

Axel Schultze và biên tập viên Trần Nguyên của Báo Khoa Học Phát Triển.
Ảnh: Trần Trí Dũng

Về đến Việt Nam, chúng tôi nhận được email của Axel. Chà, bao lâu thì mình mới được nhận email của một tỉ phú nhỉ. Ông bảo: “Ngày 12.6 tới đây, chúng tôi sẽ tổ chức một hội thảo hoàn toàn online và hoàn toàn miễn phí cho tất cả mọi người, tên là World Innovation Forum. Tôi nghĩ ra rồi, chẳng thể nào tất cả mọi người muốn làm khởi nghiệp trên cuộc đời này đều có thể đến Silicon Valley, nên tôi sẽ gắng sức đem Silicon Valley đến mọi nơi trên thế giới”.

Trần Nguyên

Nguồn KH&PT: http://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/mot-tuan-o-trai-khoi-nghiep-thuy-si/20180615104229452p1c160.htm