Một tuần có 3 Tổng thống - chuyện lạ ở Peru

Quốc hội Peru ngày 16-11 đã chọn ra một Tổng thống lâm thời mới - Tổng thống thứ ba của quốc gia này chỉ trong vòng 1 tuần. Nghị sĩ Francisco Sagasti tiếp quản chức vụ này vào thời điểm Peru rơi vào bất ổn chính trị chưa từng có.

Tình trạng hỗn loạn ở Peru bắt đầu khi Quốc hội lật đổ Tổng thống nổi tiếng Martin Vizcarra vì cáo buộc tham nhũng hôm 9-11. Ngày hôm sau, Chủ tịch Quốc hội Manuel Merino nhậm chức Tổng thống lâm thời nhưng người dân Peru đã tổ chức các cuộc biểu tình lớn để phản đối sự thiếu minh bạch trong việc luận tội ông Vizcarra. Kết quả là, ông Merino từ chức hôm 15-11, chỉ sau 5 ngày được bổ nhiệm.

 Tổng thống lâm thời mới nhất ở Peru, ông Francisco Sagasti tại Thủ đô Lima ngày 16-11-2020

Tổng thống lâm thời mới nhất ở Peru, ông Francisco Sagasti tại Thủ đô Lima ngày 16-11-2020

Cơn địa chấn ở Quốc hội

Các nhà lập pháp Peru đã làm nên cơn địa chấn khi loại bỏ Tổng thống Martín Vizcarra hôm 9-11, một chiến binh chống tham nhũng rất được người dân Peru yêu thích. Sử dụng một điều khoản có từ thế kỷ 19, các nhà lập pháp Peru buộc tội ông Vizcarra đã nhận hơn 630.000 USD hối lộ để đổi lấy 2 hợp đồng xây dựng khi còn là Thống đốc của một tỉnh nhỏ cách đây nhiều năm. Kết quả là, đa số tuyệt đối - 105 trong số 130 nghị sĩ đã bỏ phiếu ủng hộ phế truất Tổng thống Vizcarra.

Tuy nhiên, động thái này đã khiến nhiều người Peru phẫn nộ bởi họ cho rằng đây là hành động chiếm đoạt quyền lực bất hợp pháp của một Quốc hội gồm toàn các chính trị gia nghiệp dư đang tìm kiếm lợi ích riêng. Hiện một nửa trong số các nghị sĩ Quốc hội Peru đang bị điều tra về các tội phạm tiềm ẩn, bao gồm rửa tiền và giết người. Ông Vizcarra muốn loại bỏ quyền miễn trừ của họ, một động thái được người dân Peru ủng hộ nhưng lại là “nỗi bất an” của giới nghị sĩ.

Một ngày sau khi Tổng thống Vizcarra mất chức, ông Manuel Merino - Chủ tịch Quốc hội Peru không mấy tiếng tăm hôm 10-11 đã tuyên thệ nhậm chức khi hàng trăm người biểu tình gần đó. Ông hứa sẽ tiếp tục tổ chức cuộc bầu cử Tổng thống dự kiến vào tháng 4-2021. Nhưng các quyết định bổ nhiệm trong Nội các của ông đã khiến nhiều người khó chịu và phản ứng nặng nề của cảnh sát đã làm tăng thêm sự tức giận trong dân chúng.

Giọt nước tràn ly

Các nhóm nhân quyền cho biết, 112 người đã bị thương trong các cuộc biểu tình hôm 14-11 do vết thương bị đạn bắn, dùi cui và hít phải hơi cay. Hai người thiệt mạng, đó là Jack Pintado, 22 tuổi, bị bắn 11 phát và Jordan Sotelo, 24 tuổi, trúng 4 phát đạn vào gần tim. “Hai thanh niên đã bị cảnh sát đoạt mạng một cách vô lý, ngu ngốc, vô cớ. Sự đàn áp này chống lại toàn bộ người Peru và cần phải dừng lại”, nhà văn Peru từng đoạt giải Nobel Mario Vargas Llosa nói trong một đoạn video được chia sẻ trên Twitter.

Các cuộc biểu tình làm rung chuyển Peru không giống với bất kỳ cuộc biểu tình nào trong những năm gần đây, thành phần chủ yếu là những người trẻ, vốn thường thờ ơ với nền chính trị nổi tiếng thất thường của đất nước. Hiện tượng này ở Peru xảy ra 1 năm sau làn sóng biểu tình chống Chính phủ khắp châu Mỹ Latinh yêu cầu các điều kiện tốt hơn cho người nghèo và tầng lớp lao động. “Chúng tôi muốn tiếng nói của mọi người được lắng nghe”, người biểu tình tên Fernando Ramirez nói.

Thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng không thể tồi tệ hơn, Peru có tỷ lệ tử vong do Covid-19 bình quân đầu người cao nhất thế giới và là một trong những nền kinh tế sụt giảm tồi tệ nhất ở Mỹ Latinh. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo GDP nước này sẽ giảm 14% trong năm nay. “Tôi nghĩ đây là cuộc khủng hoảng nhân quyền và dân chủ nghiêm trọng nhất mà chúng tôi từng chứng kiến kể từ khi Tổng thống Fujimori nắm quyền”, nhà phân tích Alonso Gurmendi Dunkelberg nói.

(Theo AP/CNN)

Yến Chi

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/mot-tuan-co-3-tong-thong-chuyen-la-o-peru-post450387.antd