Một tuần bất an

Bắt đầu một ngày nghỉ cuối tuần không yên ả bởi nhìn lại đời sống pháp luật một tuần qua thấy quá nhiều nỗi bất an, đáng chú ý là các vụ án gây ra từ những người còn rất trẻ.

Mới nhất là một nhóm học sinh lớp 9 ở Thống Nhất (Đồng Nai) đánh đuổi một thanh niên 19 tuổi, gây ra cái chết cho anh này khi anh ta vào trường để tìm người “giải quyết” hộ chuyện cho bạn. Trước đó, xảy ra một vụ hiếp dâm ở Hương Khê (Hà Tĩnh), nạn nhân và nghi phạm cùng 16 tuổi, cùng ở một làng, cô bé cho bạn đi nhờ xe máy, qua chỗ vắng thì vụ án xảy ra. Trong Công viên Hoàng Văn Thụ (TP HCM), một đôi trai gái bị cướp chống trả lại rồi gọi bạn đến trợ giúp, nhóm cướp quay lại, xô xát xảy ra, kẻ cướp bị đánh chết và trở thành nạn nhân của một vụ án mạng. Tại Hòa Bình, mâu thuẫn giữa hai nhóm đi chơi cũng xảy ra án mạng khiến một thanh niên chết thảm.

Từ những “mâu thuẫn học đường” với những lý do rất “trẻ con” rồi xảy ra các vụ đánh lộn, đâm chém nhau ngay tại cổng trường đã không còn là chuyện hiếm, nạn nhân hay hung thủ trong những trường hợp này đều đáng thương, kẻ mất mạng hoặc thương tật, người ngồi tù, cả hai bên đều mất đi những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời.

Đó là nỗi đau chung không cứ là gia đình các em mà là cả xã hội. Bạo lực trong giới trẻ ngày càng có xu hướng phát tán mạnh, hiện tượng nữ sinh “xử” nhau bằng giật tóc, đấm, đá, tát... hết sức man rợ xảy ra ở nhiều nơi, kể cả những vùng nông thôn xa xôi, hẻo lánh. Đáng sợ hơn là những bạn trẻ chung quanh không hề can thiệp mà còn cổ vũ, quay clip và hứng chí đưa lên mạng, coi đó là trò vui.

Ngoài đường, nhiều vụ cướp giật được thực hiện bởi những người trẻ, ít tuổi. Những kẻ “ngáo đá” gây nên những hành vi rồ dại phần lớn là thanh niên, cả nam lẫn nữ. Những tội ác rùng rợn, phi nhân tính đối với chính cha mẹ mình gây ra bởi những đứa con còn chưa đủ tuổi trưởng thành.

Những vụ phạm tội của người trẻ là mối lo chung của toàn xã hội. Bất kể do nguyên nhân gì, môi trường giáo dục của nhà trường, gia đình hay xã hội, tác động tiêu cực từ phim ảnh hay lối sống thì trách nhiệm chính vẫn thuộc về người lớn chúng ta. Nếu những người lớn sống mẫu mực, tôn trọng đạo lý, tuân thủ pháp luật thì những chuyện đau lòng kể trên có xảy ra thì cũng rất hãn hữu!

Nhị Ngọc

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ca-phe-luat/khi-nguoi-tre-pham-toi-299717.html