Một tư duy mới cho guitar cổ điển

SGTT
Gốc

SGTT.VN - Tối nay, 15.8 tại trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội) sẽ diễn ra đêm độc tấu guitar của nghệ sĩ – thạc sĩ guitar cổ điển Nguyễn Văn Phúc.

Theo học học viện Âm nhạc Gnesin trong tám năm. Giành giải tư cuộc thi độc tấu guitar quốc tế tại Belgorod – Nga và giải Grand prix tại liên hoan Gặp gỡ của các ngôi sao ở Moscow. Sau ba năm trở về Việt Nam và giảng dạy tại học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, đây có lẽ là lần đầu tiên nghệ sĩ trẻ nhiều hoài bão này trình diễn trước đông đảo công chúng. Phải nói thật là trước khi phỏng vấn anh, tôi nhận được câu hỏi chung của nhiều người quan tâm tới âm nhạc thưởng thức ở Hà Nội, rằng: Nguyễn Văn Phúc là ai? (cười) Đây đúng là lỗi của tôi. Tôi về nước tính ra đã ba năm mà vẫn chưa được “gặp” khán giả yêu guitar nhiều… Năm 2004, tôi bắt đầu khóa học tại học viện Âm nhạc Gnesin, Nga. Năm 2009 tôi về nước với học vị thạc sĩ. Có đủ điều kiện để tiếp tục học lên tiến sĩ, nhưng tôi quyết định ngừng ở đó và về nước. Bởi nếu mục đích theo đuổi guitar cổ điển của bạn là biểu diễn thì dừng ở học vị thạc sĩ là đủ. Còn tiếp tục học tiếp lên tiến sĩ, khi đó bạn là một nhà nghiên cứu về guitar. Tôi chọn học để biểu diễn và cả giảng dạy guitar cổ điển. Khi mời tôi thực hiện chương trình này, trung tâm Văn hóa Pháp đề xuất tôi chơi một đêm nhạc cổ điển, tôi quyết định chọn các tác phẩm của nhà soạn nhạc, nghệ sĩ guitar Tây Ban Nha Francisco Tárrega (1852 – 1909) và một số tác phẩm nhỏ theo âm hưởng dân gian châu Âu. Điều này hình như hơi khác với những buổi trình diễn của anh tại Hà Nội mấy năm qua... Đúng là kể từ buổi diễn báo cáo tại học viện Âm nhạc quốc gia năm 2009, khi tôi vừa về nước cho tới một số buổi diễn nhỏ trong mấy năm qua, tôi thường có xu hướng lựa chọn tác phẩm và tác giả đương đại. Có hai lý do: thứ nhất, các tác phẩm tôi trình diễn trước hết phải do tôi lựa chọn, thứ hai là tôi muốn giới thiệu những điều mình lĩnh hội được khi có cơ hội học tập tại nước ngoài với người chơi và người thưởng thức guitar cổ điển tại Việt Nam. Và những gì tôi làm là thể hiện một tư duy mới và phù hợp với những tiêu chuẩn của nền guitar cổ điển thế giới hiện nay. Anh có so sánh cách đào tạo này với các lò đào tạo nghệ sĩ guitar khác trên thế giới? Gần mười năm học guitar tại Nga, điều lớn nhất tôi học được là cách tư duy về nghệ thuật theo phương pháp khoa học và logic. Học hết bậc đại học, người ta chỉ dạy sinh viên nhạc một điều duy nhất: hãy chơi tác phẩm với ý đồ nghệ thuật của người sáng tác. Nói thì đơn giản nhưng thực ra về chuyên môn rất phức tạp. Nhưng anh phải đạt được điều đó như ngôi nhà phải đảm bảo có một cái móng được xây đúng quy trình, vững chắc và ổn định. Từ đó, một cách vô thức, cái tôi riêng của anh đã được mở đường. Đến giai đoạn anh bắt đầu bộc lộ, nó đã thành hình dạng và không hề giống bất cứ ai. Và lên bậc học thạc sĩ, họ để cho tài năng riêng mỗi người được phát huy. Còn ở Việt Nam? Năm mười tuổi tôi vào học Nhạc viện Hà Nội. Cho tới khi đi du học, tôi được may mắn học qua rất nhiều người thầy cũng là những nghệ sĩ guitar giỏi. Và tôi cũng được học giáo trình chủ yếu là của Nga. Vậy mà khi sang chính nước Nga, tôi đã phải học lại từ đầu. Rất nhiều người đã nói rằng chúng ta sử dụng những hệ thống giáo trình và phương pháp lỗi thời để đào tạo nghệ thuật ở Việt Nam, chính vì thế chúng ta không có nghệ sĩ tài năng. Tôi nghĩ khác. Tôi đã nghiên cứu rất kỹ và cũng từ những trải nghiệm của mình, tôi nhận thấy các bậc tiền bối guitar ở Việt Nam có công xây dựng được một nền guitar cổ điển chuyên nghiệp ở nước ta. Tuy nhiên, về mặt chuyên môn, họ chỉ mới dừng ở guitar thế kỷ thứ 19. Như vậy, nhiệm vụ của những người đi tiếp như tôi là tiếp tục những thành tựu của họ. Và cộng thêm là bổ sung những phần còn khuyết trong đào tạo và phát triển guitar cổ điển trong nước theo mặt bằng chung của thế giới. Nếu có một mong muốn? Tôi mong muốn và đang thực hiện những bước đầu tiên của điều đó: một giáo trình guitar của người Việt viết cho người Việt. Không phải chưa có nhưng theo tôi là chưa chuẩn. Đó sẽ là một bộ giáo trình kết hợp giữa nền tảng âm nhạc Việt Nam và những tiêu chuẩn của guitar thế giới theo một kết cấu, lộ trình phù hợp với người chơi không chuyên, để khi hoàn thành nó mà muốn tiếp tục bước lên chuyên nghiệp, họ đủ khả năng làm được. Còn nếu không, họ sẽ vẫn là những người chơi guitar và thưởng thức âm nhạc có tư duy. Chính vì thế, tôi muốn chia sẻ và mong có nhiều người đồng hành với mình.

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/van-hoa/151442/mot-tu-duy-moi-cho-guitar-co-dien.html