Một trò đùa, nhiều hệ lụy

Tiếp cận, khai thác mạng xã hội nhưng không kiểm soát được hành vi dễ dẫn đến vi phạm pháp luật

Phòng Cảnh sát Phòng, chống tội phạm công nghệ cao (PC50), Công an TP Hà Nội ngày 24-11 vẫn đang làm rõ vụ nhóm thanh niên đóng giả khủng bố để dọa người dân rồi quay clip. Việc thực hiện các trò đùa để câu like như trên, theo các luật sư (LS), có thể dẫn đến bị xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự.

Không chỉ là trò đùa

LS Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, cho rằng việc các bạn trẻ cố tình tạo dựng các tình huống gây sốc, quay lại clip để đưa lên mạng câu like, câu view, thu hút sự quan tâm từ cộng đồng mạng đã gây ảnh hưởng xấu đến rất nhiều người, làm mất an ninh, trật tự công cộng.

“Nếu những người dàn dựng, quay clip này vì hành vi của họ mà gây thiệt hại cho người khác thì người bị thiệt hại hoàn toàn có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường (thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng, tinh thần…). Trong trường hợp người bị tai nạn hoảng loạn dẫn đến hậu quả chết người hoặc bị gây tổn hại cho sức khỏe mà tỉ lệ thương tật từ 31% trở lên thì những người có hành vi dàn dựng, quay clip còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vô ý làm chết người” (điều 98 BLHS) hoặc tội “Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” (điều 108 BLHS)” - luật sư Hậu lưu ý.

Về việc xử lý đối với những người, nhóm người quay clip dạng này, theo LS Hậu, các nội dung gây sốc trong các clip có thể thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau: có thể chỉ đề cập đến bản thân người quay clip hoặc chỉ trích, làm nhục người khác.

Tùy tính chất, mức độ mà người có hành vi quay clip và đăng tải có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý vi phạm hành chính. Ví dụ, nếu nội dung của clip nhằm mục đích dằn mặt, bêu riếu, lăng mạ người khác hoặc đề cập những nội dung mang tính chất vu khống, sai sự thật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội “Làm nhục người khác” (điều 121 BLHS) hoặc tội “Vu khống” (điều 122 BLHS). Hay như việc quay và đăng những clip nóng, mang tính chất đồi trụy lên mạng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet” (điều 226 BLHS).

Điều 66 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện quy định cá nhân có hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin, dịch vụ có nội dung trái đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc có thể bị phạt 15 triệu đồng đến 25 triệu đồng.

Công an TP Hà Nội triệu tập nhóm thanh niên giả khủng bố để câu like kiếm tiền trên Facebook Ảnh: Nguyễn Hưởng

Phải cân nhắc

Theo các LS, trong thời đại mạng xã hội phát triển như hiện nay, tốc độ like, chia sẻ càng nhiều, càng nhanh thì người dùng mạng xã hội càng cần phải cân nhắc, lựa chọn. LS Nguyễn Thành Công (Đoàn LS TP HCM) khuyến cáo trước khi thực hiện trò đùa, bạn trẻ cần có một cái nhìn tỉnh táo, nhận thức được hậu quả của hành vi mình gây ra không những gây phiền toái cho bản thân mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của nhiều người khác. Ngoài thiệt hại vật chất nói trên, còn là hậu quả phi vật chất như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối, chính sách của nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, ngoại giao, trật tự, an toàn xã hội… Một trò đùa có thể phải trả giá bằng tiền bạc và cả sinh mạng chính trị của người thực hiện.

“Chúng ta đang sống trong một thế giới mà mọi chuyện đều có thể lan truyền một cách nhanh chóng trên internet, đặc biệt là trên các mạng xã hội. Một trào lưu xuất hiện ở Mỹ, châu Âu thì chỉ sau một vài giờ, vài ngày sẽ xuất hiện ở nơi khác trên thế giới. Tuy nhiên, pháp luật mỗi nước lại có những quy định khác nhau. Một trò đùa tưởng như vô hại và không vi phạm pháp luật ở Mỹ, châu Âu nhưng ở Việt Nam sẽ trở thành một hành vi vi phạm, gây mất an ninh trật tự” - LS Công lưu ý.

Cần có cơ chế kiểm soát, sàng lọc

Theo LS Nguyễn Thành Công, pháp luật Việt Nam hiện nay chưa thể bao quát hết tất cả các quan hệ xã hội mới phát sinh. Chẳng hạn hành vi giả khủng bố nói trên chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh cụ thể, việc xử phạt chỉ là dựa vào quy phạm pháp luật chung nên trong nhiều trường hợp sẽ tạo ra sự khiên cưỡng khi áp dụng pháp luật, không bảo đảm được tính răn đe và giáo dục chung.

Còn theo LS Hậu, cơ quan chức năng cần có sự chủ động trong việc xử lý những tổ chức, cá nhân cố tình tạo ra các clip gây sốc, có nội dung trái pháp luật, trái đạo đức xã hội, đưa thông tin xuyên tạc, sai sự thật, xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác… “Cần có cơ chế để kiểm soát, sàng lọc các thông tin được đăng tải trên mạng sao cho phù hợp với tình hình phát triển của internet, mạng xã hội” - LS Hậu kiến nghị.

Không nên like, chia sẻ

Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo An ninh mạng ATHENA TP HCM, cho biết các hình ảnh, clip đưa lên Facebook, YouTube nếu không vi phạm các quy định chung của những trang này thì vẫn được đăng tải bình thường. Hiện không thể chặn vì chúng được đăng tải công khai trên toàn cầu. Tuy nhiên, nếu người dùng phát hiện các clip, hình ảnh có nội dung nghi ngờ là xấu, có hại thì có thể nhấn nút Report (báo cáo) để các trang mạng xã hội kiểm tra, xử lý lại. Người dùng mạng internet khi thấy các hình ảnh, clip này không nên like, chia sẻ để chúng phát tán thêm.

Phạm Dũng - Chánh Trung

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/mot-tro-dua-nhieu-he-luy-20161124215527547.htm