Một tiếng rao…

Tiếng rao rất dễ bắt gặp ở nhiều nơi và tùy theo mỗi vùng miền mà âm sắc của lời rao cũng có nhiều nét riêng biệt, đặc sắc. Tiếng rao chậm rãi văng vẳng đầu những con ngõ ở Hà Nội khi đêm khuya, lúc vãn bớt tiếng xe cộ có chút gì đó rất riêng, đậm nét xứ Hà thành. Nam bộ thì tiếng rao thường nhanh hơn một chút và người rao hay là lời rao như một bài vè, có vần có điệu, lọt tai người nghe.

Nhiều năm du học và làm việc ở nước ngoài, về nước vào dịp tết năm rồi, một người bạn của ba tôi ghé lại thăm xóm cũ và hỏi thăm mãi về cô Tươi bán bánh tráng. Cô Tươi là một phần trong ký ức tuổi thơ của tôi và rất nhiều người khác trong xóm nhỏ. Buổi sáng cô bán sinh tố, cà rem… mỗi thứ chỉ 500 đồng hoặc 1.000 đồng; buổi chiều cô bán bánh tráng giá cũng 1.000 - 2.000 đồng cho tụi con nít dễ mua.

Không cần biết cô Tươi bán giờ giấc nào trong ngày, bởi có ở tận sau hè thì cũng nghe rõ mồn một tiếng rao của cô. Tới bây giờ, quả thật tôi không nhớ nổi từng lời cô Tươi đã rao, nhưng tôi nhớ rất rõ giọng cô to, khỏe, rao rõ từng chữ và lời rao có vần có điệu, nhịp nhàng rất hay.

Cũng bởi thế mà lần này về thăm xóm, bác Hùng (bạn của ba tôi) thoáng buồn khi nghe tin cô Tươi đã mất: “Đi xa xứ vậy, nhiều lúc nhớ về xóm mình, nhớ tiếng rao của chị Tươi nghe không lẫn vào đâu được. Hồi đó, nhiều khi mua cái bánh tráng không phải vì thèm, mà mua rồi năn nỉ chị Tươi rao đi rao lại để nghe cho đã tai”.

Những ngày còn nhỏ, nội hay chỉ tôi cách nghe tiếng rao. Buổi sáng, người ta thường rao lớn, lời rao cũng đầy đủ, còn buổi chiều tới tối, nhất là những ngày buôn bán ế ẩm, mưa dầm mưa dề, tiếng rao cũng não nuột, chậm từng nhịp và mệt quá thì người ta rao cho có lệ chứ không còn lời, vè tròn trịa nữa.

Hàng rong, mua gánh bán bưng thường đi kèm tiếng rao, hễ tới đâu thì rao tới đó để khách biết mà mua. Khi tiếng rao của cô Tươi không còn, nhiều người trong xóm tôi cũng buồn mỗi khi nhắc về cô, bởi tiếng rao chưa một ai rao qua.

Nhiều năm sau này, các thiết bị điện tử phát triển hơn, và bây giờ, hàng rong cũng công nghệ. Tiếng rao phát qua loa, văng vẳng khắp các con đường, hẻm lớn, hẻm nhỏ, dù là ngày hay đêm. Tiếng rao qua loa, nghe không còn cảm nhận được cảm xúc hiện tại của người rao nữa, hôm nào loa chập dây thì nghe như nghẹt mũi.

“Hột vị lộn, hột vịt vữa, trứng cút lộn, bắp xào đê”; hay những buổi chiều ngang qua các chợ chồm hổm, một loạt tiếng rao: “Ổi vườn giòn, ngọt mười, mười lăm ngàn ký”, “Chôm chôm 2 ký ba chục ngàn. Xổ hết! xổ hết!”… Ai bán gì rao nấy và mỗi người mỗi giọng rao rồi thu lại phát qua loa. Không mua, nhưng thỉnh thoảng nghe mấy tiếng rao qua loa, tôi cũng đoán được chú kia bán ổi giọng người miền Trung; cô bán đầu vịt, cẳng vịt hình như dân miền Tây…

Giữa bộn bề tiếng xe cộ, tiếng người qua lại thì tiếng rao qua loa, hay máy ghi âm trước là một cách sáng tạo để người bán giữ hơi, giữ sức. Nếu thiếu đi một tiếng rao thì cũng như mua trái ổi mà quên xin kèm miếng muối ớt; ổi vẫn ngon, vẫn giòn nhưng vị đã bớt cái mặn mà, duyên dáng.

AN NHIÊN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/mot-tieng-rao-707889.html