Một thuở 'Ướt mi'

Sinh ra từ sông Hương núi Ngự, thấm đẫm chất thơ chất mộng trăm năm rêu phong của mảnh đất cố đô, giọng hát Thanh Thúy ẩn chứa nét huyền ảo của xứ Huế trong cơn mưa dầm dề với thời gian. Khi mới 15 tuổi (1958), Thanh Thúy đã đi hát kiếm tiền để chữa bệnh cho mẹ tại Sài Gòn...

Kiếp cầm ca sầu muộn

Như một bản năng sinh tồn của một cô gái hiếu thảo, nhưng Thanh Thúy lại thể hiện một tố chất nghệ sĩ khi lên sân khấu. Với dáng mảnh mai trong tà áo dài thướt tha, giọng hát trầm buồn man mác đã làm tan chảy tâm hồn người nghe.

Có sự nghẹn ngào trong âm sắc khê khàn qua làn hơi và nhả chữ rất riêng biệt, giọng hát Thanh Thúy có sức thu hút người nghe. Cô hát theo nhịp đập của trái tim, cùng nỗi thương đau trong kiếp nghệ sĩ nghèo nơi xóm vắng. Ngày ấy, Thanh Thúy thui thủi đến hát ở quán trà Việt Long của Đức Quỳnh, phố Cao Thắng để kiếm từng đồng bạc lẻ về mua thuốc cho mẹ.

Ca sĩ Thanh Thúy thời trẻ.

Nhưng không ngờ chỉ một thời gian ngắn, giọng hát của cô đã được mời chào và vang vọng trên đài phát thanh, tạo nên một hiện tượng đặc biệt với dòng nhạc tiền chiến và âm sắc lãng mạn của chất liệu Bolero da diết.

Thanh Thúy như một cơn gió lạ, xuất hiện bất ngờ trên các trung tâm âm nhạc thuở ấy và chiếm lĩnh sân khấu, với những ca khúc để đời như "Giọt mưa thu" của Đặng Thế Phong; cùng với các tình khúc của nhạc sĩ tài hoa Trúc Phương như "Nửa đêm ngoài phố", "Chuyến tàu hoàng hôn", "Phố đêm", hay còn đó những bài "Phố buồn", "Một chuyến bay đêm", "Chuyện chúng mình", hoặc "Buồn trong kỷ niệm"…

Có những ca khúc mà chỉ dành riêng cho Thanh Thúy hát, không mấy nghệ sĩ trình diễn thành công hơn được. Không ít bài hát độc quyền cho Thanh Thúy, mỗi khi biểu diễn tại các đêm Đại Nhạc Hội, thường kỳ. Thanh Thúy càng hát càng làm say mê lòng người, với những âm thanh bật ra từ con tim, xót xa về thân phận kiếp cầm ca. Mỗi lần Thanh Thúy bước lên sân khấu, thường tạo nên một không khí khác lạ, rưng rưng. Dáng dấp dịu dàng trong tà áo xanh nhạt mảnh mai càng gợi nỗi bồi hồi cho người nghe.

Sau hai năm ca hát, Thanh Thúy trở thành ngôi sao ca nhạc một mình một cõi, với những sáng tác của nhạc sĩ Trúc Phương viết riêng cho cô. Thanh Thúy bước lên đài danh vọng như diều gặp gió vậy. Nhưng tiền bạc cũng không thể cứu được mẹ trong cơn hiểm nghèo.

Vào tháng 6-1960 người mẹ thân yêu đã ra đi càng làm cho giọng hát Thanh Thúy truyền cảm hơn, nặng trĩu cõi lòng, cô đơn trống vắng. Nhà thơ Hoàng Trúc Ly đã viết về giọng hát này như sau: "Từ em tiếng hát lên trời. Tay xao dòng tóc, tay mời âm thanh. Sợi buồn chẻ xuống lòng anh. Lắng nghe da thịt tan thành hư vô".

Nàng thơ của những cuộc tình đơn phương

Thanh Thúy là ca sĩ được báo chí ca ngợi nhiều nhất, cùng những lời vàng ý ngọc về giọng hát ám ảnh lòng người. Đặc biệt, có những nhạc sĩ hoặc văn sĩ nguyện xin chết một đời, vì giọng hát liêu trai này. Nói về những cuộc tình, trước hết phải nói đến sự si mê của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, với ca khúc "Ướt mi" viết riêng tặng cho Thanh Thúy, hồi 1958.

Nhiều người đều biết đến cái đêm ấy, Trịnh Công Sơn đã viết mảnh giấy nhỏ, yêu cầu Thanh Thúy trình diễn bài "Giọt mưa thu" của Đặng Thế Phong. Khi đó, với nỗi buồn vì cha mới mất, mẹ lại đang lâm trọng bệnh, Thanh Thúy vừa hát vừa nghẹn ngào rơi nước mắt làm cho Trịnh Công Sơn đau thắt cõi lòng.

Sau khi về Huế trằn trọc với giọt lệ đau buồn của người ca sĩ, trong một đêm mưa rơi lạnh trên sông Hương, Trịnh Công Sơn đã viết nên những giai điệu của bài "Ướt mi". Và, người hát đầu tiên ca khúc này, không ai khác chính là Thanh Thúy. Lập tức ca khúc đầu tiên của Trịnh Công Sơn đã được mọi người biết đến và trở nên nổi tiếng.

Có lần Trịnh Công Sơn tâm sự: "Những giọt nước mắt đó đã trở thành một ám ảnh, thôi thúc làm bùng lên ngọn lửa sáng tạo đang âm ỉ cháy trong tôi. Và, tôi đã viết ra như không kiềm giữ được: "Buồn ơi trong đêm thâu. Ôm ấp giùm ta nhé. Người em thương mưa ngâu. Hay khóc sầu nhân thế. Tình ta đêm về có ấm từng cơn mưa em chưa…".

Thanh Thúy qua lời nhận xét của giới truyền thông.

Nhạc sĩ đã lấy phần nhuận bút (bản quyền) khi đó tặng lại cho Thanh Thúy để chia sẻ với những khó khăn trước mắt. Và, cũng chỉ ngay năm sau (1959), nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lại viết tiếp ca khúc "Thương một người" tặng Thanh Thúy.

Thêm một lần, nhạc sĩ muốn phần nào thương cảm cô ca sĩ trẻ sớm phải gánh chịu nỗi nhọc nhằn, buồn tủi. Đó chính là cuộc tình âm nhạc đầu tiên mang nỗi ẩn giấu trong trái tim Trịnh Công Sơn rung động với thân phận cầm ca của Thanh Thúy. Chính người yêu âm nhạc biết đến Trịnh Công Sơn là nhờ giọng hát liêu trai này.

Còn nhiều văn nhân thi sĩ mơ mộng, say đắm giọng hát Thanh Thúy, đã thổ lộ tình cảm qua những sáng tác. Danh sách những người này được nối dài sau những cái tên quen thuộc; như nhà thơ Hoàng Trúc Ly, nhà văn Mai Thảo, thi sĩ Viên Linh, nhà văn Huy Tuấn, nhà thơ Lưu Trọng Lư, kể cả nhà triết học nổi tiếng Nguyễn Văn Trung cùng các nhạc sĩ, họa sĩ, nhiếp ảnh và điện ảnh như Hoàng Thi Thơ, Vũ Hối, Nguyễn Long, Phạm Duy, Y Vân…

Riêng trong năm 1962, ca sĩ Thanh Thúy được bầu chọn là "Hoa hậu nghệ sĩ". Sau đó trong ba năm liền (1972-1974), Thanh Thúy được báo chí bình chọn là nữ ca sĩ ăn khách nhất, với mấy giải "Kim Khánh" danh giá. Không những thế, Thanh Thúy còn được dựng phim, nhân vật chính trong kịch bản điện ảnh của Nguyễn Long, với cái tên đích danh "Thúy đã đi rồi".

Nguyễn Long còn viết lời bài hát để nhạc sĩ Y Vân phổ thành ca khúc trong phim. Nhân vật Thanh Thúy được ca sĩ Minh Hiếu thể hiện, nổi bật nét liêu trai, kiều diễm của nữ sĩ xứ Huế mộng mơ. Chưa hết, hình ảnh Thanh Thúy còn được đưa lên sân khấu, truyền hình. Những nghệ sĩ nổi tiếng khi đó như Kim Cương, Bích Thủy, Xuân Dung đã vào vai ca sĩ Thanh Thúy.

Đặc biệt, Thanh Thúy còn là ca sĩ được nhiều nhạc sĩ viết ca khúc tặng riêng. Sau "Ướt mi" của Trịnh Công Sơn, không ai có thể quên các bài hát: "Được tin em lấy chồng" (Châu Kỳ); "Tôi yêu Thúy", "Lời hát tạ ơn" (Hoàng Thi Thơ); "Thúy đã đi rồi" (Nhạc Y Vân, lời Nguyễn Long); "Chuyện buồn của Thúy" (Anh Bằng); "Tiếng hát về khuya" (Tôn Thất Lập)…và nhất là nhạc sĩ Trúc Phương, người yêu Thanh Thúy rất say đắm, đã tỏ tình qua nhiều ca khúc. Đó là những ca khúc để đời như: "Mắt em buồn", "Tình yêu trong mắt một người", "Lời ca nữ" hay "Hình bóng cũ"…

Cuối cùng, nhạc sĩ Trúc Phương kiệt sức, nằm gục trên những dòng nhạc đang viết cho Thanh Thúy, trong sự tuyệt vọng của mình. Đó chính là bản nhạc cuối cùng, với những lời ca xót xa: "Gửi người xưa bỏ ta để đôi mắt lại. Giọt vắn giọt dài mãi đọng vũng bùn nhỏ. Ta và em đã trót thiên thu nhầm lỡ" (Mắt chân dung để lại). Dường như toàn bộ sáng tác của ông viết chỉ để cho Thanh Thúy hát. Có thể nói sự nghiệp âm nhạc Trúc Phương là tài sản của ca sĩ Thanh Thúy không sai.

Còn mãi với thời gian

Sau khi sang Mỹ (1975), ca sĩ Thanh Thúy vẫn tiếp tục đi hát và cho ra đời gần 50 Album ca nhạc. Báo chí vẫn viết về Thanh Thúy với những dòng ưu ái, không chỉ ca tụng giọng hát thiên phú mà còn dành cho người ca sĩ này những lời nhận xét ưu ái về nhân cách. Những năm gần đây, tuổi già sức yếu, bà đã hướng tâm làm công quả trong chương trình phát thanh "Tiếng nói Hương Sen" của Phật giáo. Bà tự nhận mình có phước, ngay từ ngày đầu bước lên sân khấu ca nhạc, nên đã được khán giả yêu thương và bạn bè tạo dựng.

Bà xin trả nợ cuộc đời bằng những CD về phật giáo như: "Mẹ Hiền", Phật ca (I, II, III…). Chính có lẽ vì thế, giọng hát của bà còn được lưu giữ với thời gian, sống trong lòng người nghe cũng là phước lành, mà bà tặng lại cho mọi người.

Cho đến nay, sống ở phương trời tha hương, ca sĩ Thanh Thúy vẫn chưa một lần quay về quê mẹ vì lý do sức khỏe. Bà sống yên bình trong một gia đình hạnh phúc, nhưng trong tâm hồn vẫn hướng về cố hương. Đó là sông Hương, núi Ngự, nơi đã nuôi dưỡng và làm tên tuổi của Thanh Thúy.

Bội Kỳ

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/mot-thuo-uot-mi-526479/