Một thời gian khó, một thời yêu thương

Đó không phải là ký ức thời xa xưa lâu lắm mà là một thời gần gũi với những thế hệ từ 7X về trước. Quãng thời gian đó cùng được tái hiện trong triển lãm tranh ký họa khu tập thể cũ, giới thiệu sách 'Tập thể Hà Nội-Ký họa và hồi ức' và ẩm thực thời bao cấp.

Một ngọn đèn dầu bên bàn ăn, một tủ gỗ ti vi nhỏ xinh bên vài phích nước, một lọ hoa đồng tiền đỏ rực với ảnh Bác Hồ, một ấm trà bên chiếc xe đạp Thống Nhất, một con lật đật với phích đá của Nga… đều là những thứ không xa lạ khoảng hơn 30 năm trước. Trong không gian gợi nhớ quá khứ của khoảng mấy chục năm về trước, cũng trưng bày hơn 200 bức tranh ký họa về những khu tập thể cũ của nhóm Urban Sketchers Hanoi. Khác với tưởng tượng về những gì hom hem, buồn bã, người xem thấy những khu tập thể cũ hiển hiện đẹp và thơ mộng. Bà Trần Thị Thanh Thủy, Trưởng nhóm Urban Sketchers Hanoi kể với chúng tôi trong hào hứng, ban đầu, chính các thành viên trong nhóm và những người dân tại các khu tập thể còn hỏi khu tập thể này cũ kỹ, rách mèm rồi, có gì mà vẽ? Nhưng khi bắt tay vào rồi, họ lại thấy những góc đẹp như thơ. Có lần, khi đến khu tập thể Nguyễn Công Trứ (Hà Nội), những người dân sau khi được xem các tác phẩm hội họa về nơi chốn quen thuộc lại hỏi rằng, vẽ đẹp như vậy bao giờ chúng tôi mới được ở nhà mới, không lẽ cứ giữ mãi những khu tập thể cũ kỹ thế này? Những thắc mắc đó không sai và là cái lý chính đáng khi con người muốn cuộc sống đàng hoàng hơn, tốt đẹp hơn. Nhưng tại sao, những cũ rích thế vẫn lưu lại trong những người ngày xưa những nuối tiếc, muốn tìm về. Chính những người trong cuộc lý giải rằng, dù cuộc sống khó khăn, nhưng cuộc sống tại những khu tập thể đó, với những đồ vật ấy làm nhớ lại được một cuộc sống đùm bọc, quây quần, kiến tạo một cộng đồng thành thị tối lửa tắt đèn có nhau. Ở đó có những giá trị để người người gắn bó, học cách chia sẻ và yêu thương.

Một tác phẩm tại triển lãm.

Không gian thời bao cấp được sắp đặt đẹp mắt.

Cùng với ngôi nhà và những vật dụng, không thể không nhắc đến các món ăn mà những người hàng xóm đã chia nhau. Đó là chén trà nóng, ấm vối tươi, chiếc kẹo lạc, bắp ngô nướng… Và cả những món ăn trong bữa cơm đạm bạc là lạc rang muối, canh cua rau sam tập tàng, cà pháo, rau muống luộc chấm tương bần, dưa chua xào tóp mỡ, cá khô, đậu phụ rán nhúng hành, cơm độn sắn độn bo bo… Thực đơn đó bây giờ được tái hiện liệu có hấp dẫn không? Bà Phạm Thị Bích Hạnh, người sáng lập nhà hàng Ngon Garden (số 70 Nguyễn Du, Hà Nội) cho biết, mong muốn mang tới mâm cơm đẹp cả về hình ảnh, mùi vị và cảm xúc nên những món ăn đó được tái hiện bằng chất liệu xưa cũ nhưng chế biến, trình bày theo phương thức hiện đại, như những tác phẩm ẩm thực. Được khơi gợi ký ức bằng thị giác, xúc giác và cả vị giác, bà Nguyễn Thanh Hằng đã nói hộ nhiều người khi thưởng thức những món ăn vừa lạ vừa quen đó: “Tôi thực sự xúc động khi được trải nghiệm những thứ mà lâu nay tưởng như đã quên trong tiềm thức, đó là những điều gắn với suốt quãng đời ấu thơ và cả tuổi thanh xuân của mình. Mâm cơm thời bao cấp nhưng khi thưởng thức tôi lại thấy ngon hơn cả những món thịt, cá tràn ngập. Biết bao ký ức, kỷ niệm tuổi thơ bên những người thân yêu lại ùa về, ngọt ngào, hạnh phúc”.

Có lẽ chính vì lý do đó mà như nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ, ông thích nấu món ăn thời xa xưa cho con cháu để dồn hết tình yêu thương, để kể những câu chuyện “ngày xưa” không bao giờ cũ, để nói về lịch sử dân tộc, lịch sử gia đình… Và ban tổ chức chuỗi sự kiện đã đúng khi họ không dựng lại khó khăn mà dựng lại những ấm áp và nhớ thương, để những ai muốn níu kéo quá khứ đều có thể tìm đến, thưởng thức ấm áp và lưu lại trọn vẹn những ký ức đẹp.

Bài và ảnh: LAN DỊU

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/mot-thoi-gian-kho-mot-thoi-yeu-thuong-560031