Một thời để nhớ

Chiến tranh dù đã lùi xa hơn nửa thế kỷ nhưng những năm tháng hào hùng của một thời 'hoa lửa' vẫn vẹn nguyên trong ký ức của những người lính từng vào sinh ra tử. Với các cựu binh C2 - Khu II Hòa Vang (Quảng Nam - Đà Nẵng cũ) thì từng trận đánh, từng mảnh đất mà họ đã đi qua đã trở thành những hồi ức không thể nào quên.

Chiến tranh dù đã lùi xa hơn nửa thế kỷ nhưng những năm tháng hào hùng của một thời "hoa lửa" vẫn vẹn nguyên trong ký ức của những người lính từng vào sinh ra tử. Với các cựu binh C2 - Khu II Hòa Vang (Quảng Nam - Đà Nẵng cũ) thì từng trận đánh, từng mảnh đất mà họ đã đi qua đã trở thành những hồi ức không thể nào quên.

Các cựu binh C2 - Khu II Hòa Vang trên ảnh bìa Video clip "Một thời để nhớ".

Năm 2015, tại buổi gặp mặt kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng TP Đà Nẵng, Ban liên lạc C2 trình chiếu Video clip "Một thời để nhớ" mà từ tác giả kịch bản Trần Chiến Chinh, đạo diễn Nguyễn Lê Tâm đến các diễn viễn tham gia đều là các cựu binh C2... Ông Chinh tâm sự, cứ sau mỗi trận đánh hoặc lúc dừng chân trên đường hành quân, ông đều tranh thủ viết nhật ký, ghi lại những năm tháng gian khổ ác liệt diễn ra ở Huyện đội Hòa Vang nói chung và C2 nói riêng. Sau khi trở về đời thường, ông thao thức lật lại từng trang nhật ký đã thể hiện tấm lòng thủy chung cách mạng và trọn nghĩa tình với đồng đội để cùng nhau hồi tưởng. Ký ức về một thời mưa bom, lửa đạn luôn gợi nhớ trong ông những chiến công và sự đau thương mất mát trong hành trình hơn ngàn ngày đánh Mỹ. Năm 1961, khi đơn vị thành lập, có nhiều người lính C2 mới tuổi 15-16 nhưng vẫn dũng cảm hành quân ra trận trong tiếng gầm rú của đạn bom. Với nhiều năm ròng rã trụ bám trên chiến trường ác liệt, từ trận đầu bắt sống Mỹ ở thôn Nam Thành, xã Hòa Bình cũ (nay là xã Hòa Phong, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) đến trận đánh cuối cùng chiếm quận lỵ Hòa Vang, góp phần giải phóng quê hương, thống nhất đất nước. Gắn liền với những chiến công đó, gần 300 cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đã nằm lại với đất Mẹ, cùng với hàng trăm đồng đội khác hiện vẫn còn mang trên mình vết tích chiến tranh.

Ông Nguyễn Phú Tháo - nguyên Chính trị viên trưởng C2 chia sẻ, "Một thời để nhớ" đã nói lên nội tâm của những người lính C2, làm cho họ sống lại những năm tháng hào hùng của dân tộc. Tôi có thể khẳng định rằng, nội dung trong Video clip hoàn toàn đúng sự thật từ con người, thời gian, không gian. Họ đội mũ tai bèo hành quân qua đồi, qua suối, qua những làng quê mà nơi ấy đêm đêm biết bao người mẹ ngồi trước thềm nhà ngóng con về... Video clip dài khoảng 30 phút với 278 câu lục bát trong bài thơ "Một thời để nhớ" của ông Chinh đã thể hiện các địa danh chiến đấu mà đơn vị từng tham gia cùng tên những đồng đội hy sinh và những người còn sống đã gắn liền với trận đánh... được 2 nghệ sĩ ưu tú Ngọc Thủy, Thanh Châu chuyển thể thành làn điệu dân ca bài chòi.

Ngày 25-8 này, Video clip "Một thời để nhớ" tiếp tục được trình chiếu, phục vụ cho buổi lễ C2 - Khu II Hòa Vang đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND do Chủ tịch nước phong tặng để các đại biểu, khách mời tường tận hơn cuộc sống của những người chiến sĩ đã trải nghiệm cả máu và nước mắt để giữ lòng mình trong sáng, hy sinh không quản, gian khó không sờn. Những chàng trai, cô gái đầu trần, chân đất hiên ngang ra trận, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh… Trước ngày diễn ra lễ đón nhận danh hiệu cao quý này, tôi có dịp gặp và nghe ông Trần Chiến Chinh trải lòng mình, Video clip "Một thời để nhớ" là những thước phim để tưởng nhớ bao người mẹ, người chị và những đồng đội của ông đã hiến dâng trọn đời mình cho Tổ quốc để cho ta nhớ mãi một thời, như 2 câu kết trong bài thơ của ông: "Ta về tìm lại ta thôi/Để thương, để nhớ một thời chiến chinh". Với ông, năm tháng sẽ trôi qua, nhưng những chiến công và nghĩa tình đồng đội vẫn mãi vẹn nguyên trong tâm thức của những người lính C2 anh hùng.

VY HẬU

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/68_194277_mot-thoi-de-nho.aspx