Một thoáng Tết trong văn học Việt

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô/ Hoa cỏ xuân tươi thu hựu khô (Thân như bóng chớp, có rồi không/ Cây cối xuân tươi, thu não nùng), Vạn Hạnh thiền sư đã viết như vậy về cái lẽ biến thiên của trời đất và con người. Xuân về là một phần trong chu trình tuần hoàn vĩnh hằng của thiên nhiên, vũ trụ.

Mùa xuân đồng nghĩa với những biến đổi vi tế của đất trời trong giây phút thiêng liêng chuyển từ năm cũ sang năm mới như trong thơ của Vua Trần Thánh Tông: Vạn tử thiên hồng không lạn mạn/ Xuân hoa như hứa vị thùy khai (Nghìn hồng muôn tía luống những đua tươi/ Không biết những hoa xuân kia vì ai mà nở). Mùa xuân cũng đồng nghĩa với tết, với niềm hân hoan của đất trời và lòng người. Cái phong vị Tết xưa tao nhã ấy đã được các nhà thơ mới “ký họa” trong những bức tranh xuân sống động thấm đẫm sắc màu. Ông đồ già trong thơ Vũ Đình Liên Mỗi năm hoa đào nở lại Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua để cho chữ, cho câu đối, một thú vui tao nhã trong ngày tết của người Việt. Mọi người cùng chung tay làm chuẩn bị cho Tết trong thơ Đoàn Văn Cừ: Gạo nếp ngày xuân gói bánh chưng/ Cá đêm cuối chạp nướng thanh hồng/ Quần đào, áo đỏ, tranh gà lợn/ Cơm tám, dưa hành, thịt mỡ đông (Tết qua bà), thực hành những nghi thức văn hóa tâm linh ngày Tết trong Chiều ba mươi tết của Anh Thơ: Trước bàn thờ thành kính thắp tuần nhang, rồi mừng tuổi, vui chơi như trong thơ Nguyễn Bính: Mở hàng mỗi đứa năm xu rưỡi/ Rửa mặt hoa mùi nước đượm hương/.../ Người rủ cô tôi đánh tam cúc/ Cười ầm tốt đỏ đè tốt đen (Ngày tết của mẹ tôi).

Mùa xuân cũng là mùa của đoàn viên, mùa của gia đình tụ họp sau cả năm trời xa cách. Cái Tết đoàn viên luôn là cái tết ấm áp, hạnh phúc đủ đầy nhất đối với mỗi người dân Việt, đặc biệt là với những chiến sĩ bộ đội quanh năm xa nhà. Câu chuyện về người lính trẻ mang cành đào về tặng mẹ vào đêm giao thừa trong Hoa của những người đàn ông của nhà văn Nguyễn Đình Tú đã gợi nên tình cảm gia đình thiêng liêng, tình quân dân, tình đồng chí đồng đội thân thiết. Và với những người con xa xứ vì một lý do nào đó không thể trở về quê ăn tết thì điều đọng lại trong họ là nỗi nhớ mênh mang, da diết. Nhà văn-chiến sĩ tình báo Vũ Bằng trong Thương nhớ mười hai đã nói hộ nỗi lòng của những người con ở miền Nam nhớ về cái tết Bắc: “Người xa nhà thấy mai nở nhiều như thế cũng dịu được phần nào lòng nhớ quê hương nhưng chân không vì thế mà ngừng bước: giữa ngày Tết, trong đám thiên hạ vui xuân, y cứ đi như một người bị chứng thụy du, đầu óc mông lung, nhớ cái Tết Bắc Việt không thể nào chịu được”. Truyện ngắn Hai người đàn bà xóm Trại của Nguyễn Quang Thiều, Lời thì thầm mùa xuân Nguyễn Thị Thu Huệ đều phảng phất màu buồn khi những người thân ngóng trông nhau trong vô vọng mỗi khi Tết đến, xuân về.

Tết còn là nơi lưu giữ những kỷ niệm, những ký ức một thời. Nguyễn Tuân đưa bạn đọc trở về “một thời vang bóng” với thú vui ăn kẹo mạch nha, thưởng hoa vào đêm giao thừa trong Hương cuội. Với nhân vật Định trong Chợ Tết của Nguyễn Minh Châu, Tết là nơi thời gian dừng lại, ngưng đọng, để con người được trở về với những ký ức tuổi thơ. Quang cảnh, con người trong phiên chợ Tết cuối năm vẫn y hệt những ngày thơ ấu: “Một cái gì bao quanh Định, một không khí luôn luôn bao bọc Định, đấy là sự quen thuộc, một nếp sống quen thuộc đã có từ lâu đời, và chả có gì bị phá vỡ đang phô diễn trong phiên chợ Tết ban đầu khiến Định say mê và rưng rưng cảm động”.

Tết trong văn chương cũng hấp dẫn như mâm ngũ quả ngày Tết vậy.

Tiến sĩ ĐOÀN MINH TÂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/mot-thoang-tet-trong-van-hoc-viet-651083