Một thoáng chùa Thầy

Từ lâu, chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội) được biết đến không chỉ là di tích lịch sử Quốc gia được xếp hạng đặc biệt mà còn hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp sơn thủy hữu tình, địa chỉ văn hóa, tâm linh, du lịch hấp dẫn…

Theo đó, từ năm 2018 đến nay, lễ hội chùa Thầy được tổ chức thành mùa, diễn ra từ mùng 1 tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch. Thời gian lễ hội kéo dài suốt 3 tháng là dịp để địa phương thu hút đông hơn du khách đến với chùa Thầy. Ước tính mỗi năm, chùa Thầy đón từ 14 đến 15 lượt vạn du khách.

Lễ hội truyền thống ở chùa Thầy cũng được biết đến với nhiều nghi lễ quan trọng, đặc sắc như: Lễ tắm tượng (lễ mộc dục), lễ nghinh bài vị Đức thánh Từ Đạo Hạnh từ chùa Thượng xuống chùa Trung, lễ cúng yên vị, lễ tế, lễ rước… Trong những ngày diễn ra lễ hội, người dân và du khách còn được xem múa rối nước tại thủy đình cùng nhiều trò chơi dân gian độc đáo, sôi động.

Một góc chùa Thầy. Ảnh: Đinh Luyện

Một góc chùa Thầy. Ảnh: Đinh Luyện

Theo lời kể của các cao niên trong vùng, ngoài sáng lập ra bộ môn múa rối nước, thiền sư Từ Đạo Hạnh còn truyền dạy người dân nơi đây “đặc sản” bánh gio. Do là loại bánh được thiền sư dạy nên bao năm nay người dân xã Sài Sơn đều biết làm loại bánh này. Để làm ra thức quà quê như bánh gio cũng hết sức công phu. Nước gio làm bằng vỏ bưởi, vỏ đỗ, hạt thầu dầu... đốt lấy tro đem ngâm nước. Đủ thời gian, nước này được lọc để ngâm gạo nếp làm bánh...

Cuốn mình trong không gian hùng vĩ của núi đồi, bất cứ ai đến nơi đây cũng dễ dàng thấy được chùa Thầy lại mang vẻ thanh bình, tĩnh mịch. Ngôi chùa cổ, mái ngói cong được xây dựng khá khang trang với lối kiến trúc độc đáo kiểu chữ Tam gồm chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng song song với nhau.

Bao quát chùa là không gian thoáng đãng với hồ nước trong xanh có hoa khoe sắc nở, có thủy đình, nơi múa rối nước và hai chiếc cầu nhỏ là Nhất tiên kiều trông vào đền Tam phủ, còn Nguyệt tiên kiều nối với đường lên núi… tất thảy những cảnh trí đều dễ dàng đọng lại trong tâm thức du khách gần xa.

Chùa Thầy, các tên gọi khác là Thiên Phúc Tự, chùa Phật Tích, chùa Sài Sơn… nơi đây xưa là nơi thiền sư Từ Đạo Hạnh từng trụ trì. Trong thời gian Thiền sư trụ trì, Thiên Phúc Tự chỉ là một thảo am nhỏ. Đến đời vua Lý Nhân Tông mới cho tôn tạo Thiên Phúc Tự theo lối kiến trúc hình chữ "Tam" gồm: Chùa Hạ, chùa Giữa, chùa Thượng, ba lớp - ba tòa nằm song song với nhau. Tòa ngoài gọi là nhà Tiền tế (chùa Hạ), Tòa giữa là Trung điện (chùa Trung), Tòa trong cùng là Thượng điện (chùa Thượng), tại đây thờ pho tượng thiền sư Từ Ðạo Hạnh.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/mot-thoang-chua-thay-99021.html