Một thoáng Bokor

Người ta ví von cao nguyên Bokor ở xứ sở chùa Tháp như Đà Lạt của đất nước hình chữ S. Ấy cũng bởi khí hậu ở nơi đây na ná như 'thành phố sương mù'. Và hơn thế nữa, vùng cao nguyên Bokor có lắm điều huyền hoặc và thú vị...

Tượng nữ thần Ya Mao.

Tượng nữ thần Ya Mao.

YaMao - Nữ thần trên đỉnh đèo

Cao nguyên Bokor là một dãy núi thuộc địa phận tỉnh Kampot, với đỉnh núi cao nhất có chiều cao 1.080m so với mực nước biển. Đồng thời, Bokor cũng nằm trong khuôn viên Vườn Quốc gia Monivong của Campuchia, với diện tích 1.580 km2, là nơi sinh sống của nhiều loại động thực vật quý hiếm. Bởi nhiệt độ nơi đây quanh năm mát mẻ, từ 10 – 220C nên Bokor được ví như Đà Lạt của đất nước Chùa Tháp.

Người dân nơi đây kể, đầu những năm 1920, sau khi thực dân Pháp đến xứ Đông Dương và đô hộ đất nước Chùa Tháp, họ đã phát hiện ra cao nguyên Bokor.

Theo lý giải của người Khmer, Bokor có nghĩa là cái bướu của con bò. Ấy cũng bởi đứng dưới đồng bằng Kampot, nhìn từ xa, hình dáng núi Bokor trông y hệt như bướu con bò. Và với người Việt, núi Bokor được biết đến qua cái tên quen thuộc là núi Tà Lơn gắn với nhiều truyền thuyết nhuốm màu huyền thoại.

Từ đồng bằng thị xã Kampot lên đến đỉnh núi Bokor phải mất hết 32 km đường đèo. Chúng tôi đến Bokor lúc hoàng hôn giăng giăng trên đỉnh đèo Peak Nil. Từng đám mây bạc như che mờ cả lối đi, sương lành lạnh tạo cho người ta cái cảm giác như lơ lửng, bồng bềnh giữa không trung và chỉ cần đưa tay ra là có thể đụng đến trời.

Và tại nơi này, chúng tôi được dừng chân lại một chút xíu bên tượng Thánh Mẫu Ya Mao – nữ thần linh thiêng trên đỉnh Bokor rồi đến khu nghỉ dưỡng Thansur Bokor trước khi màn đêm ập xuống tức thì. Sáng hôm sau chúng tôi mới được dịp chiêm ngưỡng nơi linh thiêng thờ Thánh Mẫu một cách “tử tế” với nhiều thời gian và được nghe kỹ hơn truyền thuyết về bà.

Bên dưới là Phú Quốc, Hà Tiên – Việt Nam.

9 giờ sáng, đoàn chúng tôi có mặt bên chân tượng nữ thần Ya Mao, mà theo lời anh Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH du lịch Lửa Việt, đây là pho tượng được người dân Khmer xây dựng để bày tỏ lòng tôn kính đối với người đã có công khai sáng, mở mang vùng đất Bokor.

Tượng Thánh Mẫu được xây dựng trên sườn đồi núi Bokor, được hình thành vào năm 2010, cao 29m trong tư thế ngồi thiền định hướng mặt về phía biển cả. Tượng được sơn rất đơn giản, nhìn rất khác những pho tượng thánh thần người Việt.

Sáng hôm ấy trời trong xanh đến lạ. Trên đỉnh núi, chúng tôi đến viếng nữ thần với tất cả lòng thành kính. Giữa đất trời bao la, lời anh Nguyễn Văn Mỹ cứ du dương, anh kể cho chúng tôi nghe về truyền thuyết pho tượng linh thiêng này.

Tên thật của nữ thần là Veang Kh’mau, người Việt chúng ta quen gọi là bà Mao, hay Ya Mao. Trong truyền thuyết Khmer, thì núi Bokor do nữ thần Veang Kh’mau cai quản. Họ bảo rằng, chồng bà đi chinh chiến biên thùy rồi không quay trở về.

Thương nhớ chồng, bà ôm con lên đỉnh đồi Bokor chờ đợi người chinh phu. Đợi chờ mòn mỏi rồi người cô phụ hóa đá mà người chinh phu vẫn chưa về... Về sau, bà Ya Mao thường hiển linh để phù hộ người đi đường bình an, xua đi những tai nạn chực chờ nơi lưng chừng núi.

Chẳng những thế, truyền thuyết còn kể lại rằng, ngày xưa đồng bào Khmer ở vùng núi Bokor quanh năm chỉ biết hái lượm, săn bắt, cuộc sống nghèo đói triền miên.

Thế rồi với sự giúp đỡ, chỉ dạy trồng lúa nước của bà Mao mà cuộc sống của họ không còn đói kém nữa. Vì thế, người dân tôn thờ bà và bà trở thành Thánh Mẫu đại diện cho lòng nhân ái, mang lại hạnh phúc cho người dân Campuchia.

Đồi “Linga” và rừng đá Thạch Lâm

Một góc rừng đá Thạch Lâm trong mưa.

Tạm biệt Ya Mao, nơi thứ 2 mà chúng tôi đến trong buổi sáng ấy chính là đồi “Linga” và rừng đá Thạch Lâm. Bầu trời đang trong xanh, tuyệt đẹp đến thế kia thì bỗng đâu mây mù giăng lối, trời đổ mưa và lạnh đến te tua.

Quả thật lúc này tôi mới tin rằng, lời anh Mỹ nói không ngoa, “thời tiết và khí hậu ở cao nguyên Bokor đỏng đảnh y như những cô gái kiêu kì và quyến rũ. Không tin, đi rồi sẽ biết!”. Ừ, đi rồi sẽ biết!

Trời đang nắng đẹp, ấm áp, sương mù kéo đến dày đặc, mưa và lạnh. Cả không gian dọc đường đi chìm trong mờ ảo, chỉ thấy những giọt mưa đọng lại trên cửa kính xe mà thôi.

Trên xe, anh Nguyễn Văn Mỹ giới thiệu: “Đồi Linga là cách gọi của tôi. Chứ thực ra đó là rừng cây nắp ấm (vì nó giống bộ phận sinh dục nam giới). Loài cây “ăn thịt” ở đây sinh sôi rất nhiều, trong đó có một loài mới phát hiện ra. Đó là cây Nepenthes Holdenii do Tổ chức Bảo tồn động thực vật quốc tế (FFI) phát hiện. Những chiếc bình có nắp của nó là những chiếc lá được cấu tạo để bắt giữ và “ăn thịt” các loại côn trùng. Những chiếc bình này có thể dài đến 30 cm. Kia rồi, đã đến đồi “Linga” rồi đấy!”.

Khi chúng tôi bước xuống xe, cả bọn reo lên thích thú vì chợt nhìn thấy cả rừng cây nắp ấm bên cạnh chân mình dưới cơn mưa phùn của trời Bokor. Nắp ấm bạt ngàn mọc thành cụm hoặc rải rác, trông giống như hàng ngàn, hàng vạn “Linga” với nhiều màu sắc sống động như nâu, hồng, trắng, xanh lá... và nhiều kích cỡ đang khoe mình giữa đất trời thiên nhiên.

Anh bạn đồng nghiệp vui tính bên báo bạn kéo tay tôi nhờ làm người mẫu bên cây nắp ấm thật to mà miệng anh cười toe toét. Tôi thì bồi hồi xúc động vì được đứng giữa vật thật sau mấy mươi năm học hành về nó mà giờ mới thật sự được sờ, nắm...

Còn nhớ năm lớp 7, thế hệ 7X chúng tôi học môn sinh học, có bài nói về loài cây “ăn thịt” mang tên là nắp ấm làm chúng tôi rất đổi ngạc nhiên về khả năng của loài thực vật có thể “ăn thịt” các loại côn trùng. Thì nay, giữa núi rừng cao nguyên Bokor xứ sở Chùa Tháp, chúng tôi gặp và chiêm ngưỡng cả một rừng nắp ấm đẹp lạ lùng.

Người đầu tiên phát hiện ra loài cây “ăn thịt” mới trên đất Chùa Tháp là nhiếp ảnh gia Jeremy Holden.

Rất nhiều cây “ăn thịt” trên đồi Linga”. Ảnh: T.G.

Ông đã chụp lại hình ảnh loài cây này vào năm 2006 nhưng mãi đến tháng 8/2010 ông mới liên lạc được với nhà thực vật học người Pháp – F.Mey. Theo đó, F.Mey đã xác nhận loài cây “ăn thịt” mang tên người đầu tiên phát hiện là một loài cây ăn thịt mới.

Điều đặc biệt là Nepenthes Holdenii có thể tồn tại trong những đợt hỏa hoạn và hạn hán kéo dài trong mùa khô ở Campuchia. Khi rừng xơ xác hay nạn cháy rừng diễn ra thì cây “ăn thịt” côn trùng này sẽ tự tạo ra một củ lớn mọc trong lòng đất để từ đó mọc lên một sợi dây leo mang bình mới sau khi nạn cháy rừng chấm dứt.

Lạ lùng nhất là đồi “Linga” trên Ddirnh Bokor với hàng chục ngàn cây nắp ấm, thân cây nắp ấm là phần cuối của mỗi lá đột biến thành ống hình phễu để bẫy côn trùng với đủ màu sắc và kích cỡ.

Đã có người từng bảo rằng nếu đến cao nguyên Bokor mà bạn chưa tận mắt ngắm nhìn đồi “Linga” với muôn vàn nắp ấm sinh sôi nảy nở từ nhỏ cho đến lớn khoe đủ sắc màu thì chuyến đi ấy của bạn xem như chưa thú vị trọn vẹn. Thêm điều thú vị là ở Bokor, người ta nghiêm cấm việc du khách hái “nắp ấm”.

Du khách khám phá cây “ăn thịt”.

Kế cạnh đồi “Linga” là rừng đá (Thạch Lâm) với muôn ngàn phiến đá kì bí. Khi chúng tôi đặt chân vào rừng đá là lúc mưa rào nặng hạt hơn và lạnh tê tái. Trong những chiếc áo mưa tiện lợi, chúng tôi hồ hởi giỡn đùa bên đồng cỏ năng 500 mẫu và 100 mẫu dẫn vào rừng đá.

Mọi người cứ trầm trồ bởi những vẻ đẹp của đồng năng, suối đá thiên nhiên chảy róc rách, thi thoảng lại bắt gặp những cây thông đỏ với những hình thù lạ mắt.

Chưa hết, ở chốn hoang vu này, dưới màn mưa lạnh, chúng tôi còn nhìn thấy rất nhiều cây bá tùng, anh Nguyễn Văn Mỹ bảo đó là một loài cây đặc biệt, bởi nó tồn tại lá của cây tùng và cây bách trên cùng một thân. Càng khám phá cánh đồng 500 mẫu, cánh đồng 100 mẫu bạt ngàn cỏ năng và rừng đá Thạch Lâm ngộ nghĩnh, chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Thạch Lâm đúng là kỳ dị với vô vàn hình muông thú, cỏ cây và thành quách, đền đài cổ kính với một màu đen huyền bí. Có khi người ta còn tưởng tượng ra cả hình thần Kim Quy ở Thạch Lâm.

Tùy vào sức tưởng tượng của mỗi người mà các khối đá dần hình thành lên hình muông thú, đền đài. Càng đi sâu vào đồng cỏ, rừng đá, dưới cơn mưa phùn, chúng tôi cũng chợt rùng mình, có chút gì đó mang nỗi sợ nhuốm màu tâm linh...

Và casino cổ trên thành phố hoang vắng

Casino cổ trên “thành phố ma”.

Rời khỏi rừng đá Thạch Lâm, chúng tôi về lại khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí trên cao nguyên Bokor – Thansur Bokor Highland Resort ăn trưa và nghỉ ngơi. 3 giờ chiều, đoàn chúng tôi lại tiếp tục đi khám phá và trải nghiệm những công trình xưa còn lại trên đỉnh Bokor.

Theo lời ông Jencloes Bennoit – Tổng quản lý Thansur Bokor Highland Resort, đầu những năm 1920, thực dân Pháp đã đô hộ đất nước Chùa Tháp, họ phát hiện ra cao nguyên Bokor có địa thế và khí hậu rất lý tưởng nên cho xây dựng ở đây một khu nghỉ dưỡng dành cho binh sĩ và giới hoàng tộc. Kéo theo đó là hàng loạt các công trình phục vụ nhu cầu văn hóa, hệ thống giải trí phức hợp được ra đời như nhà thờ, bưu điện, trường học, khách sạn và casino...

Những năm 1950 – 1960 là thời kì vàng son của cao nguyên Bokor. Khi ấy Bokor cũng được ví von là chốn thiên đường. Đến khi thực dân Pháp rút đi, Bokor trở thành nơi nghỉ ngơi của những người trong hoàng tộc Shihanouk và giới nhà giàu Campuchia.

Thời gian sau đó, cao nguyên Bokor dần bị bỏ hoang và rơi vào quên lãng. “Thành phố ma” là tên gọi của Bokor trong suốt gần nửa thế kỉ sau. Tất cả các công trình chỉ còn là nền đá, những bức tường rêu đỏ bao phủ mục nát. Và “nhân chứng” còn sót lại nhuốm màu thời gian là nhà thờ và casino.

Năm 1993, Chính phủ Camphuchia bắt đầu cho xây dựng Công viên Quốc gia Bokor trên đỉnh cao nguyên này. Đồng thời cũng cho phép các nhà kinh doanh đầu tư vào Bokor, biến vùng núi rừng hoang sơ thành điểm du lịch, nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên, Bokor từ đó chợt “thức giấc” với muôn điều thú vị của mình.

Sau khi rời chùa Năm Thuyền, chúng tôi được tham quan casino cổ - chốn ăn chơi một thuở xa xưa. Casino được xây dựng vào năm 1921, hoạt động náo nhiệt trong vòng 15 năm (từ 1930 – 1945), sau đó bị bỏ hoang.

Từ trên tầng cao nhất của casino, chúng tôi đón nhận thêm một điều thú vị mới, đó là được nhìn thấy quê hương Việt Nam từ phía xa. Nằm trong tầm mắt chính là quần đảo Phú Quốc, là thành phố Hà Tiên – Kiên Giang.

Hóa ra, chỉ cần đi một đoạn đường 160 km từ Phú Quốc là bạn có thể đặt chân lên đỉnh Bokor rồi. Chính tại nơi này, chúng tôi chứng kiến rõ nét vẻ đẹp của thiên nhiên hơn. Rõ ràng trên cao này với trời xanh mây trắng, chim hót líu lo, gió thổi lồng lộng, ánh nắng chan hòa, thế mà nhìn xuống phía dưới Việt Nam, mây núi che phủ, hơi lạnh táp lên, bảy sắc cầu vồng thấp thoáng.

Chỉ một vách tường casino ngăn đôi mà 2 vùng khí hậu Việt Nam và Campuchia khác nhau hoàn toàn. Casino cổ năm nào ồn ào, náo nhiệt là thế mà giờ đây đã nhuốm màu thời gian, hoang phế, rong rêu...

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/mot-thoang-bokor-4070626-b.html