Một thiếu nữ tử vong do sốt xuất huyết

Tối 5/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) phát đi thông báo công tác phòng chống sốt xuất huyết và cho biết trên địa bàn thành phố đã có 1 trường hợp tử vong vì mắc sốt xuất huyết.

Bệnh nhân là cô gái 16 tuổi, ngụ tại quận 7 nhập viện trong tình trạng sốc nặng, suy đa cơ quan. Các bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa, tuy nhiên bệnh nhân không qua được nguy kịch.

Theo HCDC, trong 8 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn thành phố có 11.999 trường hợp sốt xuất huyết được báo cáo, gồm 6.589 bệnh nhân điều trị nội trú và 5.410 bệnh nhân điều trị ngoại trú. So với năm 2019, số ca sốt huyết năm nay thấp hơn 72%. Số ca bệnh hàng tuần đều ít hơn so với tuần cùng kỳ.

Người dân cần diệt muỗi và lăng quăng để phòng ngừa sốt xuất huyết

Người dân cần diệt muỗi và lăng quăng để phòng ngừa sốt xuất huyết

Tuy nhiên, giai đoạn cao điểm của bệnh sốt xuất huyết tại thành phố thường từ cuối tháng 7 đến hết tháng 1 năm sau với đỉnh dịch có thể xuất hiện trong tháng 11 và 12.

ThS. BS Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, HCDC, dự báo trong những tuần sắp tới số ca bệnh sốt xuất huyết hàng tuần sẽ tiếp tục tăng theo mùa. Nếu toàn thể cộng đồng không thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng thì nguy cơ xảy ra các ổ dịch sốt xuất huyết tại thành phố là rất lớn.

Bên cạnh việc phòng bệnh, thì việc hiện sớm bệnh và chăm sóc theo dõi bệnh nhân sốt xuất huyết đúng cách cũng rất quan trọng. Sốt xuất huyết khác với các bệnh truyền nhiễm khác đó là diễn biến nặng thường vào ngày thứ 5 - 7 của bệnh, thời điểm bệnh nhân thường giảm hoặc hết sốt.

Do đó, người dân không nên chủ quan, bệnh nhân cần được chẩn đoán sớm ngay từ đầu để có chiến lược theo dõi và điều trị cho phù hợp. Không vì dịch bệnh COVID-19 mà e ngại tới cơ sở y tế khám bệnh, vì hiện nay các cơ sở y tế đã tổ chức khám sàng lọc và tổ chức các quy trình tách biệt bệnh nhân khám thông thường và bệnh nhân có triệu chứng hô hấp.

HCDC khuyến cáo đến người dân, khi bản thân hoặc gia đình có người bị sốt cần đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Nếu được chỉ định điều trị tại nhà, cần tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sỹ, nếu thấy mệt nhiều, sốt cao hoặc bất cứ bất thường nào, cần đến ngay bệnh viện để được xử trí kịp thời.

BS chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cho biết những dấu hiệu bệnh sốt xuất huyết chuyển biến nặng cần đến ngay cơ sở y tế như sau: Ói nhiều, đau bụng nhiều. Có những dấu hiệu xuất huyết: Chảy máu cam, chảy máu chân răng, ói ra máu, đi cầu phân đen, xuất huyết âm đạo ở nữ.

Ở trẻ em cần lưu ý dấu hiệu tay chân trẻ lạnh, trẻ hết sốt nhưng vẫn mệt. Khi có dấu hiệu này thì cũng đã trễ vì nguy cơ trẻ đã bị tụt huyết áp, shock.

“Chúng ta cần theo dõi phát hiện sớm các dấu hiệu chuyển nặng chứ không chờ cho đến khi bệnh nhân có dấu hiệu rất nặng rồi mới chuyển bệnh nhân nhập viện”, BS Nguyễn Thanh Phong nói.

Nguyễn Cảnh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/y-te/thieu-nu-16-tuoi-o-tp-ho-chi-minh-tu-vong-do-sot-xuat-huyet-610379/