Một thế kỷ sự kiện 'Tiếng bom Sa Diện'

'Tiếng bom Sa Diện' là sự kiện nhà cách mạng Phạm Hồng Thái dùng tạc đạn mưu sát viên Toàn quyền Pháp ở Đông Dương Merlin và dũng cảm hy sinh tại Sa Diện, Quảng Châu (Trung Quốc) cách nay 100 năm (1924 - 2024).

Phạm Hồng Thái (1895 - 1924), tên khai sinh là Phạm Thành Tích, quê ở Nghệ An, là con quan Huấn đạo Phạm Thành Mỹ. Khoảng cuối năm 1918, ông cùng với một nhóm thanh niên có tâm huyết theo Vương Thúc Oánh (thành viên Việt Nam Quang phục Hội) vượt biên qua Xiêm (Thái Lan), rồi sang Quảng Châu.

Tượng liệt sĩ Phạm Hồng Thái trong khuôn viên Trường THPT Phạm Hồng Thái (Hà Nội). ẢNH: LHK

Tượng liệt sĩ Phạm Hồng Thái trong khuôn viên Trường THPT Phạm Hồng Thái (Hà Nội). ẢNH: LHK

Tháng 4/1924, Phạm Hồng Thái gia nhập tổ chức Tâm Tâm xã. Tâm Tâm xã (còn gọi là Tân Việt Thanh niên Đoàn) là một tổ chức cách mạng của nhóm thanh niên Việt Nam yêu nước, chủ trương bạo động, ra đời trong những năm 20 của thế kỷ XX. Năm 1923, tại Quảng Châu, do bất đồng với tư tưởng bảo thủ của các nhân vật lớn tuổi trong Việt Nam Quang phục Hội, Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Phạm Hồng Thái, Lâm Đức Thụ... đã thành lập Tâm Tâm xã với tôn chỉ: "Liên hiệp những người có tri thức trong toàn dân Việt Nam, không phân biệt ranh giới, đảng phái; miễn là có quyết tâm hy sinh tất cả tư ý và quyền lợi cá nhân, đem hết sức mình tiến hành mọi việc để khôi phục quyền làm người của người Việt Nam".

Tháng 11/1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu và thuyết phục được những thành viên ưu tú của Tâm Tâm xã tham gia thành lập và trở thành hạt nhân của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam). Năm 1925, Tâm Tâm xã tự giải tán. Về Tâm Tâm xã, Quốc tế Cộng sản nhận xét: "Đây là nhóm đầu tiên, từ đó mà tương lai có nhóm Cộng sản Đông Dương xuất hiện".

Năm 1924, Toàn quyền Đông Dương là Martial Henri Merlin có chuyến công du sang Nhật Bản để điều đình việc trục xuất các nhà cách mạng Việt Nam. Trên đường từ Nhật Bản về Đông Dương thuộc Pháp, Merlin dừng lại thăm khu tô giới Sa Diện ở TP.Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông và dự tiệc vào tối ngày 19/6/1924. Tổ chức Tâm Tâm xã muốn hạ sát nhân vật cao cấp nhất trong bộ máy cai trị của Pháp ở Đông Dương để gây thanh thế. Phạm Hồng Thái từng giáp mặt Merlin ở Hải Phòng nên ông nhận nhiệm vụ thực hiện sứ mạng này, với sự hỗ trợ của Lê Hồng Sơn.

Tô giới Sa Diện là một đảo sông nhân tạo do nhà Thanh nhượng cho Anh và Pháp chia phần nhau từ nửa sau thế kỷ XIX. Hai nước này đều thiết lập lãnh sự quán trên đảo. Ngoài ra, ở đây còn có nhiều tòa lãnh sự, biệt thự và trụ sở hãng buôn của các nước Châu Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ, các công trình tôn giáo, ngân hàng, khách sạn, công viên...

Đúng 19 giờ 30 phút ngày 19/6/1924, Phạm Hồng Thái đã ném một quả lựu đạn (tạc đạn) được ngụy trang trong một chiếc máy ảnh vào giữa bàn tiệc. Tuy nhiên, vụ ám sát không thành; Merlin thoát chết, có 5 người dự tiệc tử vong. Phạm Hồng Thái thoát khỏi khách sạn nhưng bị truy đuổi gắt gao. Vì không muốn bị bắt nên ông đã nhảy xuống dòng Châu Giang và bị nước cuốn trôi vì kiệt sức.

Vào tháng 12/1924, mặc cho sự phản đối của chính quyền Pháp tại Đông Dương, chính quyền Tôn Trung Sơn của Trung Hoa Dân Quốc cải táng thi hài Phạm Hồng Thái tại khu vực mà nay là nghĩa trang Hoàng Hoa Cương, TP.Quảng Châu.

Sự kiện mưu sát Merlin được gọi tên là "Tiếng bom Sa Diện", gây chấn động dư luận và làm bừng tỉnh lòng tự hào dân tộc của nhiều người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Cụ Phan Bội Châu lúc đó ở Chiết Giang (Trung Quốc), biên tập tờ Binh sự tạp chí. Khi biết thông tin về hành động oanh liệt của Phạm Hồng Thái, cụ Phan Bội Châu tỏ lòng khâm phục và nhanh chóng tập hợp tài liệu, viết ngay cuốn sách “Phạm Hồng Thái truyện”, làm bài văn truy điệu người liệt sĩ vị quốc vong thân.

Trong Văn tế liệt sĩ Phạm Hồng Thái, cụ Phan Bội Châu đề cao gương sáng của người anh hùng: “...Tráng kiện thay việc làm của Phạm quân, ném một quả tạc đạn làm chấn động cả hoàn cầu! Hùng tráng thay cái chí của Phạm quân, ngàn thu còn chói lọi trong sử sách! Anh đã làm việc ấy trước chúng ta, mong người sau sẽ kế tiếp. Một người xướng lên mà muôn người họa lại, tiếng hô ứng vang dậy rầm rầm. Cờ cộng hòa rực rỡ, chuông tự do vang ngân, anh dẫu chết mà vẫn còn mãi mãi, dưới suối vàng mắt vẫn quắc nhìn, trên trời xanh hồn vẫn sáng ngời, vằng vặc suốt hai miền Nam Bắc..." (Phan Bội Châu toàn tập - t3, NXB Thuận Hóa - Huế, 1990)

Nhà cách mạng trẻ tuổi Trần Huy Liệu (1901- 1969), lúc bấy giờ đang làm báo ở Sài Gòn đã có những câu thơ ca ngợi Phạm Hồng Thái: "Một tiếng lôi đình kinh vũ trụ/ Tấm gương trung nghĩa động thần minh/ Chiếc thân đã gửi cho dòng nước/ Trang sử còn ghi mãi tính danh".

Nhà thơ Tố Hữu đã viết: "Sống, chết, được như Anh/ Thù giặc, thương nước mình/ Sống, làm quả bom nổ/ Chết, như dòng nước xanh".

“Tiếng bom Sa Diện” đã trở thành một sự kiện lịch sử hào hùng, tên tuổi liệt sĩ Phạm Hồng Thái mãi mãi khắc sâu vào tâm khảm và là niềm tự hào của bao thế hệ người dân đất Việt.

LÊ HỒNG KHÁNH

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/chinh-tri/202408/mot-the-ky-su-kientieng-bom-sa-dien-bcf0fca/