Một thế giới 'cùng nhau'

'Một thế giới: Cùng nhau ở nhà' là tên gọi chương trình ca nhạc trực tuyến vừa diễn ra với quy mô được mô tả là vượt qua cả sự kiện âm nhạc Grammy hay Coachella, nhằm gây quỹ chống đại địch Covid-19, do Tổ chức Tư vấn quốc tế Global Citizen và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đồng tổ chức.

Bởi lần đầu tiên có sự hiện diện của gần 100 tên tuổi đình đám trong làng âm nhạc thế giới, như: Lady Gaga, Taylor Swift, Celine Dion, Jonh Legen hay Elton John… lại được phát sóng trên hàng loạt kênh truyền hình lớn của thế giới, các trang: YouTube, Facebook, Instagram và Twitter.

Nhưng trên hết, qua sân khấu âm nhạc có thể nói là hiếm có này, một thông điệp kêu gọi đoàn kết chống đại dịch Covid-19 được lan tỏa mạnh mẽ, với sự hỗ trợ của các nền tảng công nghệ hiện đại. Thông điệp đó được Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres dành riêng cho chương trình, trong đó nêu rõ: “Cùng nhau, chúng ta sẽ chiến thắng virus này (SARS-CoV-2) và xây dựng một thế giới bình đẳng hơn-với tư cách là những công dân toàn cầu thống nhất và những quốc gia đoàn kết…”.

Với ý nghĩa đó, trong thông điệp, Tổng thư ký Antonio Guterres bày tỏ cảm ơn đối với cộng đồng quốc tế vì đã hỗ trợ WHO và các tổ chức nhân đạo khác. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, vai trò của WHO bị thách thức. Nhất là trước động thái cắt ngân sách dành cho WHO của Mỹ gần đây, lời cảm ơn của người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất toàn cầu trong thông điệp dành cho chương trình do tổ chức này đồng tổ chức, là một cách thể hiện chứa đựng nhiều ý nghĩa. Dành sự ủng hộ cho WHO cũng chính là nêu cao tinh thần đoàn kết ở thời điểm cần thiết hơn bao giờ hết, góp phần bảo vệ những giá trị và nền tảng của chủ nghĩa đa phương, đưa thế giới xích lại gần nhau, chung tay ứng phó và vượt qua nhiều thử thách.

“Một thế giới: Cùng nhau ở nhà”, vì thế không đơn thuần là thông điệp kêu gọi thực hiện biện pháp ngăn chặn lây lan đại dịch, mà còn là lời kêu gọi một thế giới “cùng nhau” trong tất cả những gian khó và thử thách đang chờ phía trước. Nhất là trong bối cảnh đại dịch toàn cầu Covid-19 đang là “kẻ thù chung”, tinh thần ấy sẽ càng được lan tỏa nếu các nước thoát khỏi khuôn khổ của một cuộc khủng hoảng quốc gia truyền thống, tư duy và hành động trên góc độ toàn thế giới, từ đó mới có thể đạt được nhận thức chung toàn cầu.

MỸ HẠNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/mot-the-gioi-cung-nhau-615730