Một thập niên nhìn lại 'Đảo mộng mơ'

Mặc dù đã ra mắt bạn đọc từ 10 năm trước, nhưng trong buổi ký tặng sách Đảo mộng mơ được tổ chức vào sáng 8-4 tại Nhà sách Cá Chép (223 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1), vẫn có rất đông độc giả đủ mọi thành phần lứa tuổi cùng tham gia giao lưu và xin chữ ký từ nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

10 năm và hơn 30 lần in

Sau 10 năm ra mắt, tác phẩm Đảo mộng mơ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã nhận được sự yêu mến từ bạn đọc nhiều lứa tuổi và in hơn 30 lần liên tục. Trong năm 2020, để đặt dấu mốc kỷ niệm chặng đường 10 năm của tác phẩm, Đông A đã phát hành Đảo mộng mơ - Ấn bản kỷ niệm 10 năm xuất bản lần đầu, với một số đổi mới về hình thức như: Sách được làm bìa cứng có bìa áo và đai sách (obi), in ấn trên chất liệu cao cấp, một số minh họa được in màu, tặng kèm 4 tấm postcards và 1 bookmark…

Ẩn phẩm "Đảo mộng mơ" phiên bản đặc biệt kỷ niệm 10 năm ra mắt, được thực hiện hoàn toàn bằng thủ công

Ẩn phẩm "Đảo mộng mơ" phiên bản đặc biệt kỷ niệm 10 năm ra mắt, được thực hiện hoàn toàn bằng thủ công

Ngoài 3.000 bản kỷ niệm được phát hành rộng rãi, Đông A còn ấn hành 106 bản đặc biệt làm thủ công, ruột in trên giấy Ford kem April Fine định lượng 190 gsm, trong đó bao gồm năm bản ký hiệu lần lượt Đ, Ô, N, G, A phục vụ mục đích lưu trữ, 1 bản NGUYEN NHAT ANH dành tặng tác giả và 100 bản đánh số từ ĐA_001 đến ĐA_100, có chữ ký trực tiếp của tác giả và đóng dấu đỏ của Đông A dành cho người sưu tầm và chơi sách.

Theo dõi hành trình văn chương của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, sẽ thấy hầu hết tác phẩm của ông viết cho độ tuổi 13, 14 trở lên như Kính vạn hoa, Bàn có năm chỗ ngồi, Cô gái đến từ hôm qua, Nữ sinh, Trại hoa vàng… Lớn hơn nữa có Ngày xưa có một chuyện tình, Con chim xanh biếc bay về. Với riêng Đảo mộng mơ, nhân vật trong tác phẩm có độ tuổi thấp nhất - chỉ ở độ tuổi lên mười.

Theo chia sẻ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, "Đảo mộng mơ" là tác phẩm hiếm hoi của ông viết về độ tuổi lên mười

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho rằng, đây là lứa tuổi luôn đặt ra vô số thách thức cho các nhà văn viết cho trẻ em. Theo ông, viết sách về lứa tuổi lên 9, lên 10 là một điều rất khó khăn. Và Đảo mộng mơ là cuốn sách hiếm hoi viết về lứa tuổi này.

Mặc dù được viết đơn giản, câu chuyện không có nhiều kịch tính, không có chuyện yêu đương nhưng đây là một tác phẩm đầy trong trẻo. Và đó cũng chính điều làm nên sức hút của Đảo mộng mơ trong một thập niên qua.

“Tác phẩm này giống như một tấm kiếng mà chính tác giả nhìn vào tấm kiếng trong trẻo đó để tự lục vấn chính mình, thanh lọc những bụi bặm của cuộc sống người lớn. Tác phẩm đã giúp tôi mở một lối nhỏ để quay về dòng sông tuổi thơ, được úp mặt vào dòng nước trong mát, giúp mình được làm mới lại tâm hồn. Nó có những giá trị như vậy”, Nguyễn Nhật Ánh nói về tác phẩm của mình.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh giao lưu cùng bạn đọc nhân dịp tái bản tác phẩm "Đảo mộng mơ"

Từ 2007 đến nay, sau tác phẩm Tôi là Bê tô, gần như năm nào nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng có tác phẩm ra mắt bạn đọc. Gần đây nhất tác phẩm Con chim xanh biếc bay về do NXB Trẻ ấn hành vào năm 2020. Tại chương trình giao lưu, khi được độc giả hỏi về tác phẩm hoặc dự án của năm nay, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nói rằng “rất khó nói về những chuyện tương lai”.

Ông lý giải: “Ông bà mình có câu “Nói trước bước không qua”. Tất nhiên, tôi vẫn làm nghề như những người làm ngành nghề khác. Nhiều lúc tôi viết cuốn sách được 30, 40 trang rồi; tự nhiên mất cảm hứng, không viết được nữa thì tôi chuyển qua viết cuốn sách khác. Trong máy của tôi có 3 đến 4 bản thảo dở dang, không biết tác phẩm nào sẽ được hoàn thành trong năm nay”.

“Tôi tin rằng, ý tưởng trong đầu nhà văn cũng giống như trái cây; trái cây nào chín trước thì nó sẽ rụng trước. Câu chuyện nào mà nó bật được công tắc cảm hứng trong tâm hồn tôi, có thể sẽ được hoàn thành trước. Hy vọng cuối năm nay, sẽ có một “trái cây” nào đó rụng xuống”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh dí dỏm nói thêm.

Hài lòng về bộ phim Mắt biếc 80%

Có lẽ, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh hiện đang nắm giữ “kỷ lục” nhà văn có nhiều tác phẩm được chuyển thể thành phim nhiều nhất. Bộ phim gần đây nhất là Mắt biếc do Victo Vũ đạo diễn, đạt doanh thu 180 tỷ đồng.

Mặc dù đã ra mắt 10 năm, nhưng vẫn có rất đông độc giả đủ mọi thành phần lứa tuổi đến tham dự từ sáng sớm

Khi được hỏi về mức độ hài lòng đối với bộ phim này, ông bày tỏ: “Bộ phim có thể là bộ phim hay, chạm vào cảm xúc của người xem. Nhưng nếu so với tác phẩm gốc, nếu gọi là hài lòng thì khoảng 80% thôi. Nhưng tất nhiên, tôi không bao giờ tiếc nuối, trách móc hay chấm điểm đạo diễn hết. Bởi vì tôi hiểu rằng, nghệ thuật điện ảnh và nghệ thuật văn chương khác nhau hoàn toàn”.

Ngoài ra, theo nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, khác với tác phẩm văn học, có thể đọc lúc nào cũng được hay được thỏa sức tưởng tượng theo ý mình, còn phim là câu chuyện được kể trong 90 phút hoặc 120 phút. Theo đó, đạo diễn phải làm sao để thu hút, hấp dẫn người xem, khiến họ phải chú mục vào màn ảnh liên tục trong thời gian đó.

Ngoài những ấn phẩm đặc biệt, nữ độc giả còn tự tay làm quà tặng gửi đến nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

“Khán giả của điện ảnh cũng như cách thưởng thức hoàn toàn khác với độc giả văn chương. Do đó, không thể yêu cầu đạo diễn kể chuyện như nhà văn đã kể. Bởi vì với thời lượng như vậy, rất nhiều tình tiết mà đạo diễn phải lược bỏ đi”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bày tỏ quan điểm.

Chính vì những lý do trên nên nhà văn Nguyễn Nhật Ánh luôn luôn thông cảm với các đạo diễn. Ông cho rằng, đạo diễn cũng sẽ có những khó khăn của họ, và đặc thù của điện ảnh khác với văn học.

“Thành ra, tôi luôn nghĩ rằng, tác phẩm văn học chỉ là nguyên liệu, từ nguyên liệu đó đạo diễn làm thế nào để làm ra một bộ phim hay là tôi thấy hài lòng. Còn để làm ra một bộ phim vừa hay vừa tuân thủ, giữ lại trọn vẹn các tình tiết của tác phẩm văn học theo tôi là không khả thi”, Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng sách cho bạn đọc của mình

Cũng tại chương trình giao lưu, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã “bật mí” về một bộ phim mới sẽ được chuyển thể từ tác phẩm văn học của ông. Không tiết lộ cụ thể về tên tác phẩm, Nguyễn Nhật Ánh chỉ hé lộ về người thực hiện là một “đạo diễn quen”. Theo chia sẻ của nhà văn, ngoài phim chiếu rạp, “đạo diễn quen” cũng sẽ chuyển thành phim 8 tập hoặc 10 tập chiếu trên Netlix.

“Khi tôi hỏi về lý do muốn chuyển thể thành series phim, đạo diễn bảo rằng, vì anh muốn giữ lại những tình tiết mà anh thích thú trong cuốn truyện đó. “Bởi vì, nếu làm phim điện ảnh với thời lượng 90 phút hoặc 120 phút chiếu ngoài rạp, tôi buộc phải cắt bỏ những tình tiết mà tôi thấy rất tiếc nuối, mà các bộ phim trước đã làm”. Đạo diễn nói với tôi như vậy”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh kể.

HỒ SƠN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/mot-thap-nien-nhin-lai-dao-mong-mo-723939.html