Một thập kỷ sau khủng hoảng tài chính, rủi ro chưa lùi xa

Ở thời điểm này, bóng đen của khủng hoảng tài chính thế giới 2008 vẫn còn ám ảnh tất cả nền kinh tế bao gồm cả Việt Nam bởi nguy cơ về một cuộc khủng hoảng tương tự có thể xảy ra. Trong bối cảnh đó, việc chú trọng các giải pháp phòng ngừa sớm, bịt các lỗ hổng tài chính trước khi những 'vết dầu' rủi ro loang rộng, đồng thời, tăng năng lực quản trị doanh nghiệp được coi là những giải pháp trọng yếu để tránh các cú sốc và phòng ngừa rủi ro.

Cần chú trọng các giải pháp phòng ngừa sớm để đối phó với bất ổn tài chính. Ảnh minh họa: Internet

Cần chú trọng các giải pháp phòng ngừa sớm để đối phó với bất ổn tài chính. Ảnh minh họa: Internet

Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm

Tại Hội nghị quốc tế các Công ty quản lý tài sản công quốc tế (IPAF) lần thứ 4 với chủ đề “Củng cố an ninh tài chính châu Á và giải pháp thực hiện” ngày 15/11, ông Sebastian Eckardt, Trưởng nhóm kinh tế học, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) cho rằng, diễn biến về thương mại và đầu tư với trọng điểm là những bất đồng giữa các nước lớn có thể gây những tổn thương và rủi ro cho nền kinh tế các nước.

Do đó, vị trưởng nhóm kinh tế của WB khuyến nghị, các nước cần chú trọng giảm thiểu các lỗ hổng tài chính vĩ mô. Việc này được thực hiện bằng cách sử dụng các quy định pháp lý vĩ mô để giải quyết các lỗ hổng tài chính, duy trì tính linh hoạt của tỷ giá hối đoái, đồng thời, tăng cường khuôn khổ pháp lý và khung giám sát ngành tài chính.

Đồng thời, ông Sebastian Eckardt cho rằng, việc xây dựng bộ đệm tài chính và tăng cường tính bền vững nợ cũng không kém phần quan trọng. Về thương mại và đầu tư, ông Sebastian Eckardt khuyến nghị cần tăng cường cam kết khu vực đối với hệ thống thương mại và đầu tư quốc tế mở và có quy tắc nhất định. Đồng thời, tăng cường hội nhập thông qua các sáng kiến khu vực hiện có và được đề xuất cùng các sáng kiến song phương.

Các ưu tiên về chính sách là cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường sân chơi giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ và giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, tăng cường liên kết đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với các nhà cung cấp trong nước, tăng năng suất các công việc truyền thống bao gồm việc mở rộng quyền truy cập công nghệ kỹ thuật số, cải cách hệ thống phát triển kỹ năng và giáo dục.

Bên cạnh đó, ông Sebastian Eckardt khuyến nghị, các nền kinh tế cần quan tâm xây dựng hệ thống cảnh báo sớm với việc chú trọng xử lý nợ xấu. Trong đó, cần thúc đẩy việc kết hợp xử lý nợ giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Để hỗ trợ cho điều này, việc xây dựng hạ tầng cơ sở dữ liệu vững mạnh để có thông tin nhằm xây dựng và thiết chế chính sách vĩ mô hiệu quả và kịp thời ứng phó trước các biến động bất lợi của kinh tế thế giới.

Việt Nam nên phòng bệnh hơn chữa bệnh

Chia sẻ góc nhìn về thực tế ở Việt Nam, TS.Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương cho rằng, trong bối cảnh hội nhập ngày một sâu rộng và công nghệ tài chính – ngân hàng ngày một phát triển hơn, những diễn biến kinh tế - tài chính trên thị trường thế giới và khu vực có thể ảnh hưởng nhanh và mạnh hơn đến các nền kinh tế thành viên.

Đối với các nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, xử lý các tác động ấy một cách tự thân không phải là một vấn đề đơn giản. Thực tế, chỉ sau hơn 10 năm kể từ sau khủng hoảng tài chính – tiền tệ châu Á năm 1997, Việt Nam lại hứng chịu tác động bất lợi từ một cuộc khủng hoảng tài chính thế giới khác. Thời điểm mà Việt Nam gặp thêm một cuộc khủng hoảng tài chính thế giới lại diễn ra vào năm 2008 – ngay sau khi Việt Nam còn khá hứng khởi với việc trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Dù vậy, điều này không làm giảm tầm quan trọng của hội nhập kinh tế quốc tế, thay vào đó, Việt Nam phải có một tâm thế sẵn sàng hơn và hợp tác sâu rộng hơn để có thể ứng phó với những diễn biến kinh tế - tài chính trên thị trường thế giới.

Theo ông Cung, kinh nghiệm xử lý khủng hoảng tài chính trong thời gian qua đã mang lại cho Việt Nam những bài học quý báu.

Trước hết, “phòng bệnh hơn chữa bệnh” cần chuẩn bị ngay cho khủng hoảng từ khi nền kinh tế đang vận hành bình thường. Các cơ quan quản lý và hoạch định chính sách cần luôn cập nhật và nắm chắc các luồng thông tin, hình thành các cơ sở dữ liệu phân tích tình huống, từ đó, có khả năng nhận diện sớm các vấn đề của khủng hoảng, cân nhắc và đưa ra các quyết định kịp thời.

Bên cạnh đó, cần duy trì và củng cố dư địa hợp lý để thực thi các chính sách kinh tế - tài chính vĩ mô một khi nền kinh tế đối mặt với khủng hoảng. Trong điều kiện khủng hoảng tài chính, các biện pháp hành chính có thể phát huy tác dụng nhưng cũng cần thực hiện với liều lượng và thời gian hợp lý.

Quan trọng không kém là xây dựng và củng cố vị thế của Việt Nam trong hợp tác quốc tế về tài chính nhằm chia sẻ thông tin và hỗ trợ lẫn nhau trước, trong và sau khủng hoảng.

Hoàng Oanh

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/tai-chinh/mot-thap-ky-sau-khung-hoang-tai-chinh-rui-ro-chua-lui-xa-84791.html