Một thằng tù

Cuối cùng cũng đến ngày anh Tâm nhận tiền lương tháng đầu tiên. Anh hồi hộp cầm xấp tiền từ tay anh tôi, quệt nước miếng rồi đếm tiền nghe rột roạt.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Anh Tâm không biết chữ, nhưng đếm tiền thì nhanh không ai bằng. Nhớ hôm anh Hai nhận anh Tâm vào làm bốc vác, mẹ tôi sốt ruột, mấy đêm không ngủ được. Ai đời lại nhận một thằng ở tù tới 4 lần.

Anh Tâm ở xóm trên, nhưng “chiến tích” của anh đã lan sang tận xóm tôi. Nghe đâu, lần đầu tiên, anh trộm cái máy bơm nước rồi ỳ ạch kéo qua cửa nhà người ta. Ông chủ nhà thấy cái máy bơm quen quen, giống của nhà mình. Ông chạy ra, túm lấy cổ áo anh, đưa lên công an. Lần đó, anh bị tù 2 năm.

Lần thứ hai, vừa ra tù xong, đi ngang qua xóm nọ, thấy trong nhà có nhiều bao tải đựng tiêu khô quá. Anh liều vô vác đại 3 bao chất lên xe tính chở đi. Nhưng chiếc xe ậm ạch chẳng nổ được máy, chị chủ nhà bắt được. Lần thứ ba là 2 năm tù vì vào buôn “dắt đại” chiếc xe máy “cởi truồng” vốn dùng để đi rẫy. Lần cuối cùng, anh bê trộm tivi của nhà hàng xóm về mở phim cho má xem. Hai má con đang hí hửng dò kênh thì chị hàng xóm qua chơi. Chị nhận ra chiếc tivi nhà mình, thế là anh Tâm lại phải ngồi tù lần nữa.

Ngoài chiến tích ở tù, anh Tâm còn nổi tiếng nghèo, không mảnh đất cắm dùi. Xưa, má anh Tâm không có ai lấy, ở giá đến gần 50 tuổi. Chẳng hiểu sao, ở cái tuổi ấy, bà lại chửa buộm rồi sinh ra anh. Bởi vậy, khi con trai gần 30 thì bà cũng sắp sửa bước vào ngưỡng 80, tóc bạc phơ như cước.

Anh Tâm ở tù, hằng tháng, người ta lại thấy má anh còng lưng, xách cái làn đựng bánh trái, đi bộ ra quốc lộ bắt xe đò đến tù thăm nuôi. Một hôm trời mưa như trút nước, bà quàng chiếc áo mưa màu xanh, rách gấu tơi tả, chống gậy dò dẫm mà đi. Nước mưa hắt vào mặt, đọng lại trên những nếp nhăn khiến bà có cảm giác như đang khóc. Sau trận mưa ấy, bà ốm nặng. Lúc hàng xóm qua nhà, người bà đã cứng đờ, kiến bu đen 2 hốc mắt. Xóm làng phải góp mỗi người một ít, lo ma chay cho bà cụ.

Hồi đi tù về, anh Tâm mất một đốt ngón tay, trên ngực lại xăm hình một cô gái khỏa thân, dáng nằm khêu gợi với dòng chữ “tim anh ấp ủ tình em”. Có bữa, mấy anh em ngồi tán dóc, anh Hai tôi trêu anh Tâm: “Hồi đó ở tù mày yêu cô nào mà xăm cái hình thấy dữ dằn vậy Tâm?”. Anh Tâm mắt đỏ ngầu, vẻ tức giận: “Mồ tổ cái thằng tù nó chơi em. Bữa đó, nghe tin má mất, em bảo tụi nó xăm giúp em dòng chữ - tình nghĩa má muôn đời khắc mãi. Ai ngờ xăm đau quá, em quay mặt đi không dám nhìn. Mở mắt ra thấy cái hình ghớm chết này. Chữ thì em không biết đọc, đâu biết tụi nó viết gì”. Còn chuyện mất một đốt là anh tự chặt. Anh chặt để thề từ nay không trộm cắp của ai cái gì khiến linh hồn má phải ưu phiền.

Hôm nay, lấy lương, anh Tâm hí hửng mượn chiếc xe của anh Hai tôi chạy đi đâu đó. Lúc về, anh ôm một chiếc tivi 20 inch và một bộ quần áo hàng mã. Vẻ mặt anh tươi tỉnh. Anh bảo vừa thực hiện ước mơ của má, đó là có được chiếc tivi. Nhưng xưa giờ anh làm thuê lẹt quẹt chẳng bao giờ dư được vài ba triệu. Bởi vậy có lúc anh nghĩ quẩn đánh liều.

Nói rồi, anh Tâm quay sang, hỏi tôi viết chữ đẹp không? Anh nhờ viết hộ tên má anh vô bộ đồ cúng. Anh chăm chú nhìn tay tôi như nuốt từng chữ rồi nhìn vào mắt tôi như thể gửi gắm lòng tin rằng tôi sẽ không lừa anh viết lộn tên má để món quà ấy đến nhầm nơi khác.

KHƯƠNG QUỲNH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/chuyen-doc-duong/mot-thang-tu-643251.ldo