Một tháng sau mổ tách dính song Nhi, những đau đớn nhất đã qua

Ca mổ tách song Nhi không chỉ ý nghĩa với hai bé gái. Đó còn là câu chuyện nhân văn, sự tiếp nối của các thế hệ ngành y.

"Tròn một tháng con bước vào cửa tử và đi ra với hình hài khác. Đây là điều hạnh phúc nhất mẹ mong chờ, luôn khỏe mạnh bình an con nhé. Những đau đớn nhất trong đời đã qua và con sẽ sớm quên đi nó. Tương lai con sẽ tốt đẹp trong một hình hài mới. Con sẽ có bạn cùng đi học, đi chơi và không bao giờ bị kỳ thị" - đó là lời nhắn nhủ của chị Trần Thị Hồng Thúy (mẹ Trúc Nhi - Diệu Nhi) đến 2 con gái.

Hôm nay (15/8), tròn một tháng kể từ thời điểm được mổ tách, Trúc Nhi - Diệu Nhi đã có nhiều chuyển biến tích cực, ăn khỏe, hợp tác tập vật lý trị liệu tốt. Hai bé có thể ngồi dậy, vui chơi với bố mẹ và các y bác sĩ. Dự kiến 5 tuần tới, hai bé sẽ tháo bột hoàn toàn, tập vật lý trị liệu và tập đi.

“Chúng ta được sinh ra nhờ sự dũng cảm của cha mẹ”

Thời điểm ca mổ tách diễn ra, trên mạng xã hội, ThS.BS Nguyễn Đình Vũ, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM, chia sẻ bức hình siêu âm của hai bé. Trên phim là hình ảnh song thai cuộn tròn, áp mặt vào nhau kèm lời nhắn: “We’ll be born with our parent’s courage” (tạm dịch: Chúng ta được sinh ra nhờ sự dũng cảm của cha mẹ).

Bác sĩ Vũ là người trực tiếp siêu âm và không ít lần đặt câu hỏi về việc giữ lại song thai dị tật hay không. Ánh mắt thoáng buồn nhưng kiên định, quyết giữ con của vợ chồng trẻ khiến bác sĩ Vũ ấn tượng mạnh.

Đồng cảm câu chuyện này, TS.BS Nguyễn Hữu Trung, giảng viên bộ môn Phụ sản, Đại học Y dược TP.HCM, cho biết ông thường xuyên tư vấn những vấn đề bất thường của thai nhi.

“Có những cha mẹ khi thấy bất thường của thai nhi, dù nhỏ cũng suy nghĩ theo hướng tiêu cực. Dù các xét nghiệm khác cho kết quả bình thường, họ cũng lo lắng con sinh ra không đẹp. Thai dư một ngón tay cũng đòi bỏ.

Tôi khâm phục sự kiên quyết giữ thai của các cặp cha mẹ dù thai nhi bị những bất thường quá nặng. Ai cũng thương con. Nhưng tình thương vượt qua mọi khó khăn được biết trước, kiên quyết giữ bào thai bằng mọi giá, không phải ai cũng làm được”, TS Trung nói.

 Trúc Nhi và Diệu Nhi được trao cơ hội sống dù siêu âm phát hiện dị tật dính liền khi 16 tuần tuổi. Ảnh: Chí Hùng.

Trúc Nhi và Diệu Nhi được trao cơ hội sống dù siêu âm phát hiện dị tật dính liền khi 16 tuần tuổi. Ảnh: Chí Hùng.

Nhớ lại câu chuyện mổ tách cặp song sinh dính liền Minh Anh - Ngọc Anh cuối năm 2012, GS.TS.BS Trần Đông A, chuyên gia cao cấp, cố vấn chuyên môn của Bệnh viện Nhi đồng 2, chưa quên ánh mắt bàng hoàng nhưng kiên định của người phụ nữ Hà Tĩnh khi quyết giữ lại song thai.

“Chồng vừa qua đời vì tai nạn, lại nhận kết quả siêu âm song thai dính liền, người thân khuyên từ bỏ đứa trẻ nhưng người mẹ ấy vẫn giữ lại. Sau 4 tháng chuẩn bị, song thai dính liền ngực, bụng này được chúng tôi tách thành công tại Bệnh viện Từ Dũ. Hiện tại, chúng ta có hai cô gái Minh Anh, Ngọc Anh xinh đẹp, khỏe mạnh”, GS Đông A chia sẻ.

Khi song thai được 33 tuần tuổi, cân nặng 3,2 kg, bé Diệu Nhi bị suy tim nặng, khả năng nguy hiểm đến tính mạng cả hai. Ngay lúc này, các cuộc hội chẩn liên tục diễn ra giữa hai bệnh viện. Những cuộc hội chẩn giữa các bác sĩ sản khoa, hồi sức nhi diễn ra liên tục. Kế hoạch về đường rạch trên bụng người mẹ cũng được chuẩn bị chu đáo để song nhi chào đời an toàn nhất.

Ca phẫu thuật bắt con diễn ra thành công. Hai bé gái được đưa ra khỏi cơ thể mẹ an toàn. Ngay lúc này, ê-kíp hồi sức sơ sinh đã có mặt, chuẩn bị lồng kính, máy thở chuyển hai bé về khoa Hồi sức sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, để chăm sóc và lên kế hoạch can thiệp.

Trúc Nhi, Diệu Nhi được các bác sĩ chuyên khoa sản và nhi theo dõi, chăm sóc từ trong bào thai đến lúc chào đời. Ảnh: Thuận Thắng.

Một ca mổ, hai cuộc đời

Qua kết quả chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ nhận định cặp song sinh dính nhau vùng bụng chậu với 4 chân tách rời. Theo y văn, đây là kiểu ischiopagus tetrapus (quadripus) rất hiếm gặp.

Về hệ tiêu hóa, hai bé chung một phần hồi tràng, khung đại tràng và chỉ có một lỗ hậu môn. Về tiết niệu, từng bé có bàng quang riêng, mỗi bên được niệu quản xuất phát từ hai cơ thể khác nhau đổ vào thay vì cùng một bé. Về cơ quan sinh dục, hai bé có tử cung, âm đạo đôi. Ngoài ra, các bác sĩ còn ghi nhận tình trạng hở khớp mu, khung chậu xếp thành vòng tròn.

Một ngày trước khi diễn ra ca mổ, TS.BS Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, chia sẻ tâm nguyện của ông và toàn thể y bác sĩ là trả lại cho hai bé một cuộc đời lành lặn như bao trẻ khác.

“Đây là quyết định sáng suốt và nhân văn. Các bác sĩ xin phép đấng tạo hóa khai sinh ra hai con một lần nữa, nguyên vẹn hình hài”, ông nói.

Sau khi ca mổ tách thành công, trước truyền thông, TS Định cho biết các bác sĩ cũng sẽ theo dõi hai bé đến năm 18 tuổi, đảm bảo vấn đề sinh sản.

“Không phẫu thuật viên nào hạnh phúc như phẫu thuật viên nhi. Vì khi cứu các bé mắc bệnh hiểm nghèo là cứu được cả cuộc đời dài 60-70 năm. Trước kia, Nguyễn Đức trong cặp song sinh Việt - Đức, tưởng như không thể cứu sống giờ đã có vợ con lớn”, GS.TS.BS Trần Đông A chia sẻ.

Thầy tận tâm, trò vững vàng

GS Đông A chia sẻ trong ca mổ này, ông rất hạnh phúc. Giáo sư 79 tuổi từng là trưởng ê-kíp kiêm phẫu thuật viên chính trong ca mổ tách song sinh Việt - Đức năm 1988.

32 năm sau, TS.BS Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, học trò của GS Đông A, tiếp nối cương vị trưởng kíp ca mổ song Nhi.

Tham gia ca mổ Trúc Nhi - Diệu Nhi có TS.BS Trần Thanh Trí, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2. Anh là học trò của GS Đông A và được giáo sư gửi đi Bỉ để học kỹ thuật ghép tạng. Hơn chục năm qua, TS Trí cùng GS Đông A kinh qua hàng trăm ca mổ, trong đó có nhiều ca ghép tạng, tách dính phức tạp.

“Ngày hôm đó, vẫn là TS Định, TS Trí, là những học trò của tôi. Chúng tôi đứng trên cùng chiến tuyến để ghi tiếp lịch sử. Ngoài ra, toàn bộ y bác sĩ tham gia ca mổ tách song Nhi là đàn em và học trò của tôi”, GS Đông A nói.

GS Đông A theo dõi, tư vấn chuyên môn cho các học trò, đàn em thực hiện ca mổ tách. Ảnh: Thuận Thắng.

Ngày 15/7, cuộc đại phẫu tách hai bé kéo dài 13 giờ với sự tham gia của gần 100 y bác sĩ từ nhiều chuyên khoa của các bệnh viện: Nhi đồng thành phố, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Chợ Rẫy, Chấn thương chỉnh hình, Xuyên Á và Đại học Y dược TP.HCM.

Trên mạng xã hội, ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ truyền thông - Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế, cho biết trước đó, một hãng thông tấn nước ngoài hứa tài trợ toàn bộ cuộc mổ cũng như mời các chuyên gia quốc tế với điều kiện độc quyền hình ảnh ca mổ này. Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã từ chối vì tiên lượng khả năng các y bác sĩ trong nước đảm đương được cuộc mổ.

“Qua ca mổ này, cá nhân tôi thấy rất nhiều chuyên ngành, chuyên khoa cùng các đồng nghiệp nơi đây đã làm chủ chuyên môn và rất tốt, bao gồm ê-kíp Chẩn đoán hình ảnh, Phẫu thuật ngoại nhi, Gây mê hồi sức, Ngoại ổ bụng, Thận tiết niệu, Hồi sức cấp cứu, Tim mạch, mạch máu, Ngoại thần kinh, Chấn thương chỉnh hình, Dinh dưỡng, Kiểm soát nhiễm khuẩn, Dược lâm sàng, Xét nghiệm sinh hóa, Hô hấp, Máu và chế phẩm máu”, Vụ trưởng Nguyễn Đình Anh viết.

GS Trần Đông A: 'Hai bé dính liền thuộc loại 6% của thế giới' Giáo sư Trần Đông A cho biết Trúc Nhi - Diệu Nhi và cặp song sinh Việt - Đức có cùng điểm chung là dính nhau vùng bụng chậu.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mot-thang-sau-mo-tach-dinh-song-nhi-nhung-dau-don-nhat-da-qua-post1110718.html