Một tập truyện nhiều cảm nghiệm

'Miền thánh đợi' (NXB Văn học, 2021), cuốn sách tuyển chọn 40 truyện ngắn của Nguyễn Văn Học, là dấu mốc mới nhất trên hành trình văn chương của anh. Không chỉ là một nhà văn, Nguyễn Văn Học còn là một nhà báo chuyên viết phóng sự.

Bởi vậy, không khó để phát hiện tính thời sự cập nhật trong tác phẩm của anh về những vấn đề của xã hội, thân phận con người, môi trường sinh thái... Chính sự “nghiệm sinh” của Nguyễn Văn Học đã góp phần giúp anh tạo dựng những chân dung nhân vật đa dạng, đa diện, mà bạn đọc có thể nhận diện và đồng dạng mình ở một phương diện nào đó.

Không thể không nhắc đến những dấu ấn văn học sinh thái trong “Miền thánh đợi”. Trong bức tranh toàn cảnh của thế kỷ XXI, bên cạnh các vấn đề đương đại nóng hổi về bình đẳng giới và người thiểu số, như nữ quyền... thì môi trường sinh thái là một trong những vấn đề bức bách hàng đầu.

Trước thực trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính đang ngày một trầm trọng, loài người rất cần một tiếng chuông cảnh tỉnh để nhìn lại chính mình, lắng nghe trái đất, và thay đổi để hướng tới tương lai lạc quan hơn. Do đó, sinh thái đã trở thành một chủ điểm văn học, bởi văn học nghệ thuật có chức năng phản ánh và phản tỉnh sâu sắc. Những truyện ngắn mang màu sắc sinh thái môi trường trong “Miền thánh đợi” đồng thời thể hiện thể nghiệm độc đáo của tác giả trong việc cung cấp một điểm nhìn khác.

Nhân vật chính, chủ thể trần thuật trong những câu chuyện như “Cụ cây”, “Nụ cười của lúa”, “Gió hoang”, “Vịn vào ngọn lúa bay lên” không phải là con người, mà là những sinh thể tự nhiên như cây đa, cây gạo, khóm lúa, cò..., chúng trực tiếp hứng chịu ảnh hưởng và thương tổn do những hành động tàn phá môi trường của con người. Chúng là những chứng nhân im lặng, không thể đối thoại trực tiếp với con người, nhưng với tư cách là chủ thể kể chuyện, chúng đối thoại với chúng ta, để nhắc nhở ta rằng thiên nhiên đang bị đe dọa tới mức nào.

Một thủ pháp mang tính thể nghiệm khác hay được Nguyễn Văn Học sử dụng là hoán đổi đan xen giọng điệu trần thuật và ngôi kể chuyện trong các truyện ngắn “Ở bên này thế giới”, “Con khổng tước và cô tiểu thư”, “Bước qua ranh giới”. Nhờ thủ pháp này, nhà văn cung cấp cho bạn đọc điểm nhìn tham chiếu, thấu rõ tâm tư suy nghĩ và diễn biến tâm lý của mỗi nhân vật trong truyện.

Thậm chí, với “Con khổng tước và cô tiểu thư”, Nguyễn Văn Học còn trao cho bạn đọc “quyền tương tác”, tức là nhà văn cho phép bạn đọc lựa chọn kết thúc cho truyện ngắn phù hợp với cách hiểu của mình nhất. Mặc dù chưa thể vượt thoát văn bản giấy để trở thành một nghệ thuật tương tác theo kiểu văn học điện tử (digital literature), hay phá cách về định dạng, cấu trúc và sắp xếp con chữ như văn chương ergodic, nhưng đây là một tìm tòi tự làm mới của tác giả, để tránh sự công thức hóa sáo mòn.

Phạm Minh Quân

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/sach/999326/mot-tap-truyen-nhieu-cam-nghiem