Một tấm lòng với văn học Việt Nam

GS. Choi Kwi Muk, hiện giảng dạy ở Khoa Ngôn ngữ và Văn học Hàn Quốc, ĐH Korea là người có công giới thiệu văn học Việt Nam ở Hàn Quốc.

Trong số các dịch giả, học giả người Hàn có công giới thiệu văn học Việt Nam ở Hàn Quốc, có một vị giáo sư rất nổi tiếng ở Hàn Quốc nhưng còn ít được biết đến ở Việt Nam. Đó là GS. Choi Kwi Muk, hiện giảng dạy ở Khoa Ngôn ngữ và Văn học Hàn Quốc, ĐH Korea (Korea University).

Tôi gặp ông lần đầu tiên ở Seoul nhờ sự giới thiệu của ThS. Choi Hana, NCS Khoa Sử, Trường ĐHKHXH&NV Hà Nội. Trao đổi, phỏng vấn, rồi tự mình tra cứu, tìm hiểu, tôi ngày càng yêu kính, cảm phục vị giáo sư đã nặng lòng với văn học Việt Nam, tận tâm làm một nhịp cầu cho văn học Việt Nam đến Hàn Quốc.

Từ “phải lòng” thơ cổ điển Việt Nam

Ngày đầu tiên đến Việt Nam năm 1998, sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ tại ĐH Quốc gia Seoul với luận án về tác gia văn học cổ điển Korea Kim Si Seup (Kim Thời Tập), Choi Kwi Muk không biết nửa chữ tiếng Việt. Thơ chữ Hán của Phật hoàng Trần Nhân Tông là di sản văn học cổ điển Việt Nam đầu tiên mà ông tiếp xúc.

Những bài thơ, ngay lập tức, đã hoàn toàn chinh phục ông về tầm cao tư tưởng, chiều sâu tâm hồn cũng như sự điêu luyện, tinh tế của nghệ thuật thể hiện. Chính điều đó thôi thúc ông theo học Tiếng Việt tại Khoa Tiếng Việt, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, đồng thời nỗ lực học Hán Nôm, quyết tâm vượt qua rào cản ngôn ngữ để có thể tìm hiểu sâu sắc, toàn diện văn học Việt Nam.

Trong thời gian làm giảng viên thỉnh giảng tại Khoa Đông phương học Trường ĐHKHXH&NV Hà Nội (1998-1999), ông tích lũy tư liệu tác phẩm và tài liệu nghiên cứu văn học Việt Nam.

Bìa sách "Tìm hiểu văn học Việt Nam".

Bìa sách "Tìm hiểu văn học Việt Nam".

Bài cuốn "Truyện Kiều".

Năm 2001, ông bắt tay vào dịch “Truyện Kiều” với tất cả niềm say mê. Tra cứu từ điển chú giải của Đào Duy Anh, Lê Văn Hòe, đối chiếu, tham khảo bản dịch tiếng Anh của Huỳnh Sanh Thông, bản dịch tiếng Pháp của Nguyễn Khắc Viện… ròng rã gần ba năm trời. “Nhiều khi cả ngày tôi vật lộn với chỉ một dòng thơ” - ông tâm sự. “Truyện Kiều, theo tôi, không chỉ cải biên một tác phẩm văn học Trung Quốc mà thực sự là một sáng tạo tuyệt vời thể hiện vẻ đẹp riêng của ngôn từ Việt, tính cách, tâm hồn Việt Nam. Tình yêu lớn đối với kiệt tác của Nguyễn Du đã giúp tôi ráng sức vượt qua những khó khăn tưởng chừng không vượt qua nổi. Tôi không dịch word to word mà cố gắng để dịch sát nghĩa, giữ lại được càng nhiều càng tốt tinh thần và chất thơ của tác phẩm”.

Bản dịch “Truyện Kiều” sang hình thức thơ trong tiếng Hàn của Choi Kwi Muk được NXB. Somyong (Seoul) cho ra mắt độc giả năm 2004, khổ sách 15 x 22 cm, 317 trang, nhiều tranh minh họa đẹp, số lượng in 1.000 cuốn.

Giáo sư Nguyễn Văn Hoàn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam, Chủ tịch Hội Kiều học từng cùng với người thạo tiếng Hàn khảo sát kỹ hai đoạn “Kiều gặp gỡ Kim Trọng” và “Kiều trước mộ Đạm Tiên”, đi đến kết luận dịch giả đã chuyển ngữ rất sát từng câu từng ý bản Kiều của Nguyễn Du. Cuốn sách bán hết từ lâu và hiện giáo sư Choi đang tiếp tục sửa chữa, hoàn thiện thêm để tái bản.

Đến đam mê văn chương Việt

Kế đó, liên tục trong ba năm, GS Choi Kwi Muk dồn công sức hoàn thành cuốn chuyên khảo “Tìm hiểu văn học Việt Nam”, khái quát tiến trình lịch sử, thành tựu, đặc điểm, ý nghĩa của văn học Việt Nam, cả văn học dân gian lẫn văn học viết (văn học chữ Hán, chữ Nôm, chữ quốc ngữ) từ khởi thủy cho đến 1945, ở từng thời kỳ, từng giai đoạn, đi sâu vào những thể loại nổi bật, những tác gia, tác phẩm tiêu biểu.

Cuốn “Tìm hiểu văn học Việt Nam” được NXB Changbi xuất bản, 688 trang khổ 16 x 23,5 cm, bìa cứng, lần đầu năm 2010 in 1.000 cuốn, lần thứ hai năm 2016 in 300 cuốn. Chính phủ Hàn Quốc mua phần lớn số sách này, tặng cho các thư viện quốc gia, thư viện các trường đại học cũng như thư viện cộng đồng ở các địa phương.

Do nhu cầu giảng dạy đại học và sau đại học, trực tiếp là ở Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐH Korea, một trong những cơ sở nghiên cứu và đào tạo ngữ văn uy tín hàng đầu ở Hàn Quốc, gần đây, giáo sư Choi Kwi Muk dành hơn một năm biên soạn giáo trình “Việt Nam qua cửa sổ văn học”.

Cuốn sách được NXB ĐH Korea xuất bản năm ngoái (2017), in 300 cuốn vào ngày 7 tháng 8, chỉ hơn 2 tháng sau đã phát hành hết, tái bản 300 cuốn vào ngày 20 tháng 10. Với 310 trang khổ 15,3 x 22,5 cm, cuốn sách tập trung vào những phương diện quan trọng trong lịch sử, văn hóa Việt Nam qua sự thể hiện của văn học.

GS Choi cho rằng, một trong những đặc điểm quan trọng của văn học Việt Nam là sự phản ánh kinh nghiệm lịch sử của một dân tộc suốt trường kỳ thời gian phải đương đầu với bao thế lực ngoại xâm mạnh hơn mình gấp bội để bảo vệ độc lập tự do, một nền văn học đậm đà chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc.

GS Choi Kwi Muk cùng các sinh viên ở Huế.

Các vấn đề văn học như Ngôn ngữ và văn tự, Thi ca và vần luật, Văn học kháng chiến, Văn chương đi sứ, Văn học cải biên và văn học dịch, Quá trình hiện đại hóa văn học, Văn học thời kỳ đổi mới… đều được nhìn từ bản sắc dân tộc trong quá trình tiếp biến những ảnh hưởng ngoại nhập.

Chú ý đặc điểm đa dân tộc của văn hóa Việt Nam (khác với Hàn Quốc chỉ có một dân tộc Hàn), ông dành riêng một chương giới thiệu văn học các dân tộc thiểu số. Riêng một chương nữa tìm hiểu giáo dục văn chương trong nhà trường phổ thông ở Việt Nam.

Ngay sau khi ra mắt, cuốn giáo trình của GS Choi đã thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu cũng như sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh Hàn Quốc. Môn học có cùng tên với tên của giáo trình “Việt Nam qua cửa sổ văn học” được hơn 300 sinh viên các khoa Ngữ văn, Quản trị Kinh doanh ở ĐH Korea đăng ký trong đợt đăng ký đầu tiên, và sẽ được triển khai giảng dạy hai course đầu tiên vào tháng 7 và tháng 10 năm nay (2018).

Văn học so sánh Việt Nam – Korea và nhịp cầu trái tim

Đóng góp có tính tiên phong và quan trọng nhất trong nghiên cứu, giảng dạy, giới thiệu văn học Việt Nam ở Hàn Quốc của GS Choi Kwi Muk là ở những công trình văn học so sánh Việt Nam - Korea trong phối cảnh Đông Á. Quan hệ hợp tác hữu nghị Việt-Hàn phát triển nhanh chóng vượt bậc, đạt đến mức đối tác chiến lược từ năm 2009 và hiểu biết lẫn nhau qua giao lưu văn học được xem là con đường hiệu quả, từ trái tim đến trái tim.

GS Choi Kwi Muk trong một chuyến nghiên cứu ở Việt Nam.

Là đệ tử xuất sắc của GS Cho Dong Il, học giả hàng đầu thế giới về văn học, văn minh Đông Á so sánh, gần 20 năm qua, GS Choi Kwi Muk đi theo hướng của thầy mình và đã công bố trên các tạp chí chuyên ngành cũng như trong các hội thảo quốc tế nhiều nghiên cứu có giá trị, trong đó, liên quan văn học Việt Nam, ít nhất cũng phải kể đến các công trình tiêu biểu như: Đại Việt sử ký toàn thư và Samguk sagi (Tam Quốc sử ký) của Kim Bu Sik (Kim Phú Thức): Động năng của các tác phẩm sử ký trong sử học Việt Nam và Korea; Thơ xướng họa của các sứ thần Việt Nam và Korea; So sánh các thế giới văn chương đoản thi của Korea, Nhật Bản, Việt Nam; Quá trình hiện đại hóa văn học ở Đông Á: nghiên cứu trường hợp Thơ Mới.

Một bộ bốn cuốn sách chuyên khảo “Văn minh Đông Á qua cửa sổ văn học” là đề án nghiên cứu công phu đang được GS Choi Kwi Muk thực hiện, trong đó, cuốn thứ nhất, về cơ bản, đã hoàn thành.

Đào tạo những nhà nghiên cứu trẻ của Hàn Quốc, GS Choi Kwi Muk cũng theo hướng này. Hiện nay, riêng liên quan Văn học Việt Nam, có hai học viên Cao học đang làm luận văn Thạc sĩ dưới sự hướng dẫn của GS Choi: cô Choi Bichnara nghiên cứu so sánh tiểu thuyết “Vô tình” của Lee Gwangsu và tiểu thuyết “Tố Tâm” của Hoàng Ngọc Phách, cô Yoo Haein nghiên cứu so sánh Hồ Xuân Hương với các nhà thơ nữ trung đại của Korea.

Nghiên cứu so sánh văn học, văn hóa Việt-Hàn nói riêng, so sánh văn học, văn minh Đông Á nói chung hết sức quan trọng và cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh hôm nay của thời đại tăng cường bản sắc dân tộc, mở rộng giao lưu khu vực và hội nhập toàn cầu. Hy vọng những thành tựu dịch thuật, đào tạo và nghiên cứu của GS Choi Kwi Muk sớm được chia sẻ ở Việt Nam, góp phần xúc tiến mối hợp tác học thuật giữa Việt Nam và Hàn Quốc./.

PGS.TS Phan Thị Thu Hiền/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/van-hoa-giai-tri/mot-tam-long-voi-van-hoc-viet-nam-774068.vov