Một số vướng mắc trong quy định của BLTTHS năm 2015 về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi

Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 tại Chương 28 Phần thứ 7 đã quy định thủ tục tố tụng đặc biệt áp dụng đối với người bị buộc tội, người làm chứng, người bị hại là người dưới 18 tuổi, bảo đảm phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người dưới 18 tuổi; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Tuy nhiên, qua nghiên cứu các quy định tại Chương này, chúng tôi thấy còn có một số vướng mắc, bất cập cần được nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung.

Một là, về phạm vi áp dụng

Theo quy định tại Điều 413 BLTTHS năm 2015 về phạm vi áp dụng, thì khi tham gia tố tụng, người bị buộc tội, người làm chứng, người bị hại là người dưới 18 tuổi được áp dụng theo quy định của Chương 28 Bộ luật này, đồng thời theo những quy định khác của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này. Điều 413 Bộ luật này cho chúng ta thấy các quy định tại Chương 28 Bộ luật này không được áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp là người dưới 18 tuổi.

Vậy mà, trong các quy định cụ thể của Chương 28 Bộ luật này lại tồn tại một số quy định riêng áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp là người dưới 18 tuổi.

Ví dụ: tại Điều 421 Bộ luật này có quy định về lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp là người dưới 18; theo đó khi lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp là người dưới 18 tuổi, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thông báo trước thời gian, địa điểm lấy lời khai cho người bào chữa, người đại diện. Việc lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải có mặt người bào chữa hoặc người đại diện của họ. Sau mỗi lần lấy lời khai của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa, người đại diện có thể hỏi người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp. Thời gian lấy lời khai không quá hai lần trong 1 ngày và mỗi lần không quá 2 giờ, trừ trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp.

 KSV VKSND tỉnh Quảng Ninh lấy lời khai đối tượng xuất nhập cảnh trái phép. Ảnh minh họa

KSV VKSND tỉnh Quảng Ninh lấy lời khai đối tượng xuất nhập cảnh trái phép. Ảnh minh họa

Như vậy, đã có sự không thống nhất giữa quy định chung và các quy định cụ thể thuộc Chương 28, phần thứ bảy của BLTTHS năm 2015 về thủ tục tố tụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp là người dưới 18 tuổi. Điều này sẽ dẫn đến vướng mắc khi áp dụng các quy định của BLTTHS năm 2015 liên quan đến người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp là người dưới 18 tuổi.

Để khắc phục hạn chế này, theo chúng tôi, tại Điều 413 Bộ luật này cần bổ sung cụm từ “người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp” ngay sau cụm từ “Thủ tục tố tụng đối với” để mở rộng phạm vi áp dụng của Chương 28 đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, như sau:

“Ðiều 413. Phạm vi áp dụng

Thủ tục tố tụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội, người bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi được áp dụng theo quy định của Chương này, đồng thời theo những quy định khác của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này.”

Hai là, việc sử dụng thuật ngữ

Xem xét các quy định tại Chương 28 phần thứ 7 cho thấy BLTTHS năm 2015 sử dụng thuật ngữ liên quan đến bị hại không được thống nhất. Tại Điều 413, Điều 417 (khoản 1), Điều 421 (khoản 1, 2)… BLTTHS năm 2015 dùng thuật ngữ “người bị hại” nhưng tại Điều 421 (khoản 6) và Điều 423 (khoản 2) Bộ luật này lại sử dụng thuật ngữ “bị hại”. Ngay trong chính Điều 421 Bộ luật này đã không thống nhất khi sử dụng đồng thời thuật ngữ “bị hại” và thuật ngữ “người bị hại”.

Chúng tôi cho rằng, BLTTHS năm 2015 cần phải sử dụng thống nhất thuật ngữ “Bị hại”, dù quy định có liên quan đến cả bị hại là cá nhân, cơ quan, tổ chức hay chỉ liên quan đến bị hại là cá nhân hoặc bị hại là cơ quan, tổ chức. Nếu cá nhân dưới 18 tuổi là bị hại, thì dùng cụm từ “Bị hại là người dưới 18 tuổi”. Điều này là phù hợp với các quy định liên quan khác như: quy định về Nguyên đơn dân sự (Điều 63), Bị đơn dân sự (Điều 64)…

Ba là, quy định về việc bắt người dưới 18 tuổi phạm tội quả tang

Tại khoản 2, 3 Điều 419 BLTTHS năm 2015 quy định:

“1…

2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, tạm giữ, tạm giam về tội phạm quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật hình sự nếu có căn cứ quy định tại các điều 110, 111 và 112, các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 119 của Bộ luật này.

3. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, tạm giữ, tạm giam về tội nghiêm trọng do cố ý, tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng nếu có căn cứ quy định tại các điều 110, 111 và 112, các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 119 của Bộ luật này…”

Quy định này rất khó thực hiện trong trường hợp bắt người phạm tội quả tang, vì biện pháp ngăn chặn này mang tính chất cấp bách nhằm ngăn chặn tội phạm, người phạm tội bỏ trốn. Nếu thấy người phạm tội đang thực hiện tội phạm mà còn phải xem xét về tuổi của người phạm tội, loại tội phạm họ thực hiện theo quy định của khoản 2, 3 Điều này có được bắt quả tang hay không trước khi quyết định bắt người thì người phạm tội đã bỏ trốn, việc quy định bắt người phạm tội quả tang không còn ý nghĩa.

Hơn nữa, người nào cũng có quyền bắt người phạm tội quả tang nhưng không phải ai cũng có đủ kiến thức để xem xét quy định về tuổi, loại tội phạm mà người phạm tội đã thực hiện. Vì vậy, theo chúng tôi không nên quy định về độ tuổi, loại tội phạm đối với trường hợp bắt người dưới 18 tuổi phạm tội quả tang, chỉ cần áp dụng quy định tại Điều 111 Bộ luật này như đối với người đủ 18 tuổi trở lên.

KSV VKSND tỉnh Tuyên Quang tham gia lấy lời khai một vụ án. Ảnh minh họa

Bốn là, quy định về việc xét xử kín

Tại khoản 2 Ðiều 423 BLTTHS năm 2015 quy định “Trường hợp đặc biệt cần bảo vệ bị cáo, bị hại là người dưới 18 tuổi thì Tòa án có thể quyết định xét xử kín”, thế nhưng hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về các “Trường hợp đặc biệt” nên việc áp dụng không được thống nhất. Thực tế hiện nay, phần lớn các vụ án có bị cáo, bị hại là người dưới 18 tuổi vẫn xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự, báo chí có thể viết bài, đưa tin nêu rõ danh tính bị cáo, bị hại là người dưới 18 tuổi. Như vậy, vấn đề bảo vệ bí mật đời tư của người dưới 18 tuổi, nhất là bị cáo chưa được quy định đầy đủ, gây tổn thương cho họ trong quá trình tố tụng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự hòa nhập của họ khi trở về cộng đồng. Bởi lẽ điều này có khả năng gây ra sự kỳ thị đối với bị cáo khi họ bị “gắn mác” là tội phạm hình sự. Chính điều này đã làm ảnh hưởng đến đời tư của người chưa thành niên, không đảm bảo được quy định của Công ước về quyền trẻ em mà Việt Nam đã tham gia.

Năm là, về người tiến hành tố tụng

Điều 415 BLTTHS năm 2015 mới chỉ quy định về điều kiện tiến hành tố tụng của người tiến hành tố tụng trong vụ án có người dưới 18 tuổi, chưa quy định điều kiện tiến hành tố tụng trong vụ án có người dưới 18 tuổi của người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Như thế là chưa đầy đủ, chưa thống nhất và không bảo đảm nguyên tắc tiến hành tố tụng đối với người dưới 18 tuổi nên cần phải được hoàn thiện, theo hướng bổ sung vào Điều 415 Bộ luật này điều kiện tiến hành tố tụng của người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra bằng việc quy định như sau:

“Điều 415. Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng

Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đối với vụ án có người dưới 18 tuổi phải là người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm điều tra, truy tố, xét xử vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi, có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi.”

Theo đó, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng bao gồm người tiến hành tố tụng và người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Trên đây là một số vướng mắc, bất cập qua nghiên cứu BLTTHS và từ thực tiễn. Rất mong nhận được sự trao đổi của các đồng nghiệp và các chuyên gia.

Nguyễn Cao Cường - VKSND huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/thuc-tien-kinh-nghiem/mot-so-vuong-mac-trong-quy-dinh-cua-bltths-nam-2015-ve-thu-tuc-to-tung-doi-voi-nguoi-duoi-18-tuoi-93214.html