Một số vấn đề về tính hợp lệ của hồ sơ cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Khoản 2 Điều 27 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định' Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp' đã dẫn đến nhiều hệ lụy trong thực tế áp dụng trong thời gian qua. Quy định này đã tạo khoảng trống cho những hành vi vi phạm pháp luật như 'mượn' tên đăng ký thành lập doanh nghiệp để mua bán hóa đơn hợp pháp… Bài viết phân tích những điểm bất cập của Luật Doanh nghiệp năm 2014, từ đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị sửa đổi những nội dung bất cập để bảo vệ người kinh doanh chân chính.

DN chỉ cần khai theo mẫu hoặc có thể đăng ký kinh doanh qua mạng, người kinh doanh không cần chứng minh địa điểm kinh doanh. Nguồn: internet

DN chỉ cần khai theo mẫu hoặc có thể đăng ký kinh doanh qua mạng, người kinh doanh không cần chứng minh địa điểm kinh doanh. Nguồn: internet

Những vướng mắc, bất cập của Luật Doanh nghiệp năm 2014

Luật Doanh nghiệp (DN) được xây dựng theo hướng tạo điều kiện thông thoáng, trao quyền tự chủ cho người kinh doanh, giúp DN chủ động trong hoạt động kinh doanh của mình. Trong Luật DN năm 2014 quy định, DN chỉ cần khai theo mẫu hoặc có thể đăng ký kinh doanh qua mạng, người kinh doanh không cần chứng minh địa điểm kinh doanh. Ở góc độ DN, quy định này thật sự thuận lợi cho người kinh doanh.

Tuy nhiên, Luật DN năm 2014 quy định nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký hoạt động kinh doanh của DN còn những kẽ hở dẫn tới phát sinh những bất cập. Cụ thể, tại khoản 2 Điều 27 Luật DN năm 2014 quy định, cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh kiểm tra tính “hợp lệ” của hồ sơ. Điều này có nghĩa là, cán bộ hồ sơ chỉ cần kiểm tra số lượng thông tin được điền đầy đủ bao nhiêu giấy tờ, có điền đầy đủ là cấp giấy chứng nhận, chứ không có nghĩa vụ phải kiểm tra tính “hợp pháp” của hồ sơ (không cần kiểm tra đúng hay sai, các giấy tờ cung cấp là thật hay giả). Thậm chí, đối với các hồ sơ thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cũng chưa có quy định buộc cán bộ phải kiểm tra đối chiếu với hồ sơ gốc (do chính cơ quan cấp phép lưu trữ). Điều này đã tạo khoảng trống cho kẻ xấu “cướp” DN của người khác.

Điển hình là trường hợp của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng An Thịnh được thành lập năm 1990, đến năm 2004 cổ phần hóa, do ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT kiểm Tổng giám đốc và cũng là người đại diện trước pháp luật. Vụ việc chỉ bị vỡ lở khi tháng 7/2019 một nhóm 4 người tự xưng là HĐQT ký hồ sơ thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần 7, đổi tên người đại diện trước pháp luật Công ty này từ tên ông Nguyễn Đình Trung thành tên ông Phạm Viết Vy.

Sau khi phát hiện vụ việc, ông Trung đã gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng tại TP. Hồ Chí Minh, từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, công an, tòa án… nhưng việc “sửa sai” không hề đơn giản. Dù đến làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh ông Trung chỉ ra cái sai của hồ sơ là hồ sơ thay đổi lần 7 dựa vào văn bản cuộc họp ký trước lần thay đổi lần 6 (trước đó 2 năm); thành viên HĐQT trong hệ thống quản lý hồ sơ DN không có tên những người này; tên trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là ông Trung đứng tên, nhưng toàn bộ hồ sơ thay đổi không có tên, chữ ký của ông Trung (ngoài là người đại diện trước pháp luật, ông Trung còn là cổ đông lớn của Công ty). Thế nhưng, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cho rằng, Sở chỉ kiểm tra tính “hợp lệ” của hồ sơ, chỉ cần hồ sơ nộp đủ theo quy định là tiến hành cấp đổi chứ không có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ giả hay thật. Thậm chí, cán bộ cũng không có trách nhiệm, cũng như không có thời gian đối chiếu hồ sơ so với bản lưu trữ trên hệ thống dữ liệu, vì mỗi ngày Sở cấp đến gần 1.000 hồ sơ nên không thể kiểm tra…

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh, muốn rút chứng nhận đã cấp, phải có kết luận của công an là hồ sơ giả, hoặc có quyết định của tòa án. Trong khi chờ công an điều tra, ông Trung đã kiện ra Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh và yêu cầu áp dụng biệp pháp khẩn cấp tạm thời dừng việc thi hành giấy chứng nhận cấp đổi lần 7. Mặc dù ngày 15/10/2019, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã ra quyết định áp dụng biệp pháp khẩn cấp tạm thời dừng việc thi hành giấy chứng nhận cấp đổi lần 7 nhưng đến 2 tuần sau trên hệ thống Cổng Thông tin Quốc gia về đăng ký DN vẫn chưa thay đổi theo yêu cầu của Tòa án. Hay như trường hợp khác của anh Nguyễn Văn L. đang làm việc tại TP. Hồ Chí Minh bị công an triệu tập với lý do anh là chủ DN mua bán hóa đơn và nợ thuế. Sau khi kiểm tra, anh phát hiện số chứng minh nhân dân trong hồ sơ DN là số trong chứng minh nhân dân mà anh đã làm mất nhiều năm trước, ngay sau đó anh đã làm lại chứng minh thư mới. Trong trường hợp này, anh Nguyễn Văn L. đã bị kẻ xấu lợi dụng chứng minh thư cũ để thành lập DN làm ăn phi pháp.

Luật DN năm 2014 cũng có nhiều quy định “khá thoáng” khác dẫn đến tranh chấp, mà nạn nhân là những người tuân thủ pháp luật. Điển hình như, Luật không yêu cầu phải chứng minh địa chỉ khi đăng ký thành lập DN. Điều này khiến nhiều gia đình trở thành địa chỉ kinh doanh của các DN “ma”. Bên cạnh đó, trước đây, con dấu DN được xem như là ký hiệu chính để xác định tính hợp pháp của DN trong các giao dịch với đối tác, với cơ quan nhà nước, với ngân hàng… Tuy nhiên, hiện nay, Luật DN không buộc DN phải sử dụng con dấu, nên các hồ sơ của DN tại cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có thể bị kẻ gian lợi dụng dễ dàng. Khi hồ sơ được Nhà nước chứng nhận mà không cần con dấu, không kiểm tra giấy tờ có hợp pháp hay không thì nhiều tranh chấp đã xảy ra trên thực tế.

Những vấn đề đặt ra về tính hợp lệ của hồ sơ cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Trong bối cảnh dân trí thấp, các cơ quan chức năng liên quan trong phòng chống tội phạm hoạt động chưa hiệu quả, thì quy định của Luật DN hiện hành cán bộ cấp phép chỉ có trách nhiệm xem xét tính “hợp lệ” (hồ sơ đầy đủ) mà không xem xét tính “hợp pháp” (tính đúng pháp luật của hồ sơ) là không phù hợp, không bảo vệ được DN chân chính yên tâm kinh doanh.

Bên cạnh đó, các quy định tại Điều 27 Luật DN đã vô hình chung trao quyền cho người cấp phép được “từ chối” cấp phép, nhưng không phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của hồ sơ; khi cấp chứng nhận cho hồ sơ bất hợp pháp (dù biết rõ hay không thể biết) mà không phải chịu trách nhiệm trước hoạt động của mình là điều không hợp lý. Tiếp đến, Điều 4 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/09/2015 của Chính phủ về đăng ký DN quy định nguyên tắc áp dụng giải quyết thủ tục đăng ký DN, quy định “Người thành lập DN hoặc DN tự kê khai hồ sơ đăng ký DN và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, trung thực và chính xác của các thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký DN… Cơ quan đăng ký kinh doanh chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký DN, không chịu trách nhiệm về những vi phạm pháp luật của DN và người thành lập DN…”. Điều 14 Nghị định này cũng quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Phòng Đăng ký kinh doanh “Trực tiếp nhận hồ sơ đăng ký DN; xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký DN và cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN”.

Nghị định cũng quy định, cán bộ có quyền từ chối, nhưng lại không chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của hồ sơ; đẩy trách nhiệm cho người thành lập DN tự khai, tự chịu trách nhiệm. Trong khi đó, các quy định không có chế tài cụ thể đối với hành vi sai phạm của DN, dẫn đến vẫn còn nhiều lỗ hổng pháp lý.

Đề xuất, kiến nghị

Để hạn chế việc “tấn công” DN bằng hồ sơ giả, tác giả đề nghị Luật DN sửa đổi này cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan cấp phép trong việc kiểm tra tính hợp pháp của hồ sơ. Cụ thể, cần bổ sung thêm quy định chi tiết về trách nhiệm của cơ quan cấp phép. Cơ quan cấp phép phải có trách nhiệm kiểm tra đối chiếu hồ sơ của DN cung cấp với hồ sơ lưu trữ quản lý của Nhà nước (khi cấp đổi). Cán bộ nhà nước sẽ không chịu trách nhiệm đối với những trường hợp hồ sơ sai mà không có quy định, không thể kiểm tra được. Nếu hồ sơ dữ liệu đã có, rõ ràng, mà cán bộ không đối chiếu thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự tắc trách của mình.

Đối với trường hợp cấp, hoặc thay đổi quyền lợi của người nào thì phải buộc người đó mang chứng minh nhân dân đến ký tên trước mặt cán bộ cấp giấy, để cán bộ kiểm tra. Nếu không, sẽ phát sinh nhiều tranh chấp khi một người mượn/trộm chứng minh nhân dân của người khác để đăng ký thành lập DN phục vụ cho mục tiêu xấu, ảnh hưởng tới quyền lợi người khác và có tác động tiêu cực đến môi trường kinh doanh.

Về thời gian cấp chứng nhận kinh doanh, Luật DN sửa đổi theo hướng cải cách hành chính, rộng cửa cho DN hơn nhưng với nhiều vụ tranh chấp, kiện tụng trên thực tế cùng với việc nhiều DN “ma” ra đời cho thấy, “thành tích” trong cấp phép là chưa hướng đến sự phát triển thật sự. Nhiều quy định dễ dãi đã mở đường cho hành vi vi phạm pháp luật, không bảo vệ DN chân chính hoạt động.

Với quy định đăng ký thành lập DN, việc thay đổi giấy chứng nhận kinh doanh sẽ được thực hiện trong 3 ngày nhưng trên thực tế nếu quen biết thì việc thực hiện diễn ra chỉ trong vòng 1 ngày. Quy định này có thể bị lợi dụng. Do đó, để kiểm tra tính hợp pháp của hồ sơ, Luật DN có thể tăng thời gian cấp phép, để bảo vệ an toàn cho DN hơn là rút ngắn thời gian nhưng DN lại gặp rủi ro.

Thực tế thời gian qua cho thấy, một số đề xuất trong dự thảo Luật DN sửa đổi theo hướng trao quyền tự chủ cho DN nhưng lại không có cơ chế kiểm tra, giám sát. Để khắc phục tình trạng này, bài viết đề xuất bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu, giao quyền có hay không có con dấu cho DN, nếu DN tự làm con dấu mà không cần đăng ký mẫu dấu với cơ quan quản lý.

Cùng với đó, bỏ thủ tục báo cáo thay đổi thông tin người quản lý DN. Với nhiều vụ tranh chấp như trên thì việc bỏ thủ tục thay đổi thông tin chủ DN, cùng với việc bỏ con dấu sẽ khiến cho kẻ gian dễ dàng lừa đảo khách hàng. Bên cạnh đó, nếu kẻ gian lập trang web giả, ký giấy tờ giả, quảng cáo trên thị trường để bán hàng thì chắc chắn sẽ không ít khách hàng bị lừa; DN kinh doanh hợp pháp sẽ không được bảo vệ. Từ đó, tác giả đề xuất Luật DN cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung như đã đề cập ở trên nhằm giảm chi phí giao dịch, hạn chế và có thể giải quyết được xung đột giữa các chủ thể kinh tế, bảo vệ phạm vi tự do kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật. Các hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước phải theo hướng giúp DN quản lý rủi ro có thể phát sinh bằng những quy định và chế tài cụ thể.

Tài liệu tham khảo:

1. Hiến pháp năm 1992;

2. Luật Doanh nghiệp năm 2002;

3. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp;

4. Chính phủ (2015), Nghị định số 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp ngày 14/09/2015;

5. Chính phủ (2019), Tờ trình số 402/TTr-CP ngày 13/9/2019 về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp;

6. Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Báo cáo Thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, ngày 16/9/2019;

7. Nguyễn Thanh Phú, “Luật Doanh nghiệp - Bước phát triển mới trong thực hiện quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam”- Tạp chí Luật học số 2/2000.

ThS. Đặng Thị Hàn Ni, Trường Đại học Kinh tế - Luật TP. Hồ Chí Minh

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 11/2019

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/mot-so-van-de-ve-tinh-hop-le-cua-ho-so-cap-giay-chung-nhan-dang-ky-doanh-nghiep-318077.html