Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021- 2030

ĐTO – Ngày 6/1, Tỉnh ủy Đồng Tháp tổ chức hội nghị trực tuyến với 12 điểm cầu huyện, thị, thành bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về “Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2030” cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong tỉnh. Các đồng chí Lê Minh Hoan - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Dương – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự tại điểm cầu tỉnh.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương trao đổi “Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2030”

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương trao đổi “Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2030”

Tại hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) báo cáo trao đổi “Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2030”. Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, sau hơn 30 năm đổi mới, tăng trưởng GDP bình quân đạt 6,51%, tương đối cao so với bình quân chung của kinh tế thới giới và khu vực. Quy mô nền kinh tế năm 2016 tăng 6,85 lần so với năm 1986 và theo giá hiện hành tăng 7,8 lần. GDP/người năm 2018 đạt 2.578USD, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng nghèo và kém phát triển, trở thành quốc gia có thu nhập bình quân vào đầu những năm 2010.

Kinh tế tư nhân chính thức gia tăng được vai trò của mình, nhưng còn nhỏ, chỉ bằng phân nửa FDI. Lao động dịch chuyển sang khu vực FDI, bù đắp cho suy giảm lao động trong khu vực Nhà nước; tỷ trọng lao động trong khu vực hộ kinh doanh giảm nhẹ, được thay thế bằng gia tăng lao động trong khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Nhìn chung, một số chuyển dịch tích cực như chuyển dịch lĩnh vực kinh tế (nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ), vai trò của tư nhân trong cơ cấu thành phần kinh tế và chuyển dịch từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức, nhưng những chuyển dịch này còn chậm về tốc độ và nhỏ về quy mô.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan cho rằng, chúng ta biết tự hào thì càng phải biết khát khao, phải biết đau đáu rằng “Ta đã làm tốt chưa và có cách nào làm tốt hơn nữa được không?”

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung cũng nói về các quan điểm phát triển của Việt Nam, đột phá trong chiến lược phát triển (đột phá về thể chế, phát triển nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng). Trong đó, tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh trạnh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế.

Các đại biểu tham dự hội nghị bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về “Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2030” tại điểm cầu tỉnh

Cũng tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan cho rằng, năm 2020 là dấu mốc quan trọng kết thúc giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020, là thời điểm bắt đầu xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, giai đoạn 2021 – 2030 và kế hoạch 5 năm, giai đoạn 2021 – 2025. Nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta có quyền tự hào về những thành tích đạt được, tuy nhiên vẫn còn một vài chỉ tiêu kinh tế quan trọng của nhiệm kỳ có thể sẽ không đạt được. Đây là vấn đề chúng ta phải cùng nhau suy nghĩ, phân tích để có định hướng phù hợp cho nhiệm kỳ tới. Chúng ta biết tự hào thì càng phải biết khát khao, phải biết đau đáu rằng “Ta đã làm tốt chưa và có cách nào làm tốt hơn nữa được không ?”.

Dũng Chinh

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/chinh-tri/mot-so-van-de-trong-tam-trong-xay-dung-chien-luoc-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-giai-doan-2021-2030-88743.aspx