Một số tư tưởng nổi bật trong cuốn 'Vì một nền văn hóa Việt Nam dân tộc, hiện đại' (Kỳ 1)

Cuốn sách 'Vì một nền văn hóa Việt Nam dân tộc, hiện đại' của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng được xuất bản năm 2002; được in ở nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin. Thời điểm đó, ông đang giữ chức vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội. Cuốn sách ra đời đã gần 20 năm, để lại những dấu ấn tư tưởng và tầm nhìn chiến lược của một nhà chính trị, nay đã là nguyên thủ quốc gia.

Bìa cuốn sách“Vì một nền văn hóa Việt Nam dân tộc, hiện đại”

Bìa cuốn sách“Vì một nền văn hóa Việt Nam dân tộc, hiện đại”

Cuốn sách là tập hợp những bài viết của GS.TS Nguyễn Phú Trọng in trên nhiều tờ báo và tạp chí như: Báo Nhân Dân, báo Văn Nghệ, tạp chí Cộng Sản, tạp chí Văn Học, thời báo Tài Chính… Xuất phát điểm từ một sinh viên khoa Văn (ông học khóa 8 khoa Ngữ Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội), ông đã đưa ra nhiều luận điểm đầy khúc triết trên nhiều lĩnh vực: Văn hóa, bảo vệ môi trường, nhân quyền, công tác chính trị, văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh, khuyến học, báo chí…

Trong bài “Tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa, thực hiện công bằng xã hội”(trang 78-82, đăng báo Thời báo Tài chính, ngày 22-09-1994), ông cho rằng: “Càng đi vào kinh tế thị trường trong thời đại văn minh này, chúng ta càng nhận rõ phải phát triển văn hóa, chăm sóc, bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người, coi đây vừa là động lực vừa là mục tiêu của công cuộc xây dựng xã hội mới”. Thời điểm ấy, công nghệ thông tin chưa bùng nổ và lan tỏa sâu rộng như hiện nay, ông đã phần nào dự cảm được sự khốc liệt của kinh tế thị trường, tầm quan trọng của văn hóa trong quá trình phát triển kinh tế. Nếu mang ánh nhìn bi quan, hẳn nhiên nhiều người sẽ buồn bã than thở về thực trạng văn hóa hiện nay, nhất là văn hóa ứng xử giữa con người với nhau, kể cả trên không gian ảo là các trang mạng xã hội. Có lẽ quan điểm của Mahatma Gandhi phù hợp trong thực tế:“Tôi không muốn ngôi nhà của mình bị vây kín giữa những bức tường và những khung cửa sổ luôn bịt chặt, tôi muốn văn hóa của mọi miền đất tự do thổi vào ngôi nhà đó. Nhưng tôi sẽ không bị cuốn đi bởi bất cứ ngọn gió nào”.

GS.TS Nguyễn Phú Trọng cũng cho rằng: “Không ảo tưởng sớm có ngay một xã hội tốt đẹp trong lúc kinh tế còn kém phát triển”. Thời điểm ấy (1994), đất nước ta mới tiến hành công cuộc đổi mới, khó khăn vẫn chồng chất khó khăn. Những năm ấy, nước ta về cơ bản vẫn là nước nông nghiệp, cuộc cách mạng Internet chưa hề tác động đến (ngày 19-11-1997 được coi là ngày đầu tiên Việt Nam được kết nối với mạng Internet toàn cầu). Ông mong thực hiện công bằng xã hội, từng bước xây dựng một xã hội nhân dân thực sự làm chủ “Mọi người sống nhân ái, có văn hóa, tôn trọng pháp luật, kỷ cương, xóa bỏ mọi áp bức, bất công; ai cũng có điều kiện để vươn lên, để cống hiến, trưởng thành và xây dựng một cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong một lần dâng hương tại Đền Hùng

Một luận điểm mang tầm nhìn sâu rộng của GS.TS Nguyễn Phú Trọng ở phần cuối bài viết ấy, ông khẳng định: “ Đặc biệt, phải tập trung chống cho được tệ nạn tham nhũng, bởi vì tham nhũng đang là một bất công xã hội nghiêm trọng nhất, tệ hại nhất hiện nay. Bằng cách lạm dụng quyền lực, bằng hành động tham ô, sách nhiễu, đòi hối lộ, nhận hối lộ dưới nhiều hình thức trắng trợn và tinh vi; bọn tham nhũng đang đục khoét tài sản quốc gia, cướp đoạt thành quả lao động của nhân dân, nhũng nhiễu, gây phiền hà và bất bình trong nhân dân, bôi nhọ thanh danh của Đảng và Nhà nước, tiếp tay cho các thế lực thù địch phá hoại chế độ ta. Nếu không khắc phục có kết quả nạn tham nhũng thì sẽ là nguy cơ thực sự…”.

Đến thời điểm tháng 09-2020 này; nhân dân cả nước đã thấy, đã cảm phục công cuộc chống tham nhũng quyết liệt với hàng loạt đại án từ Vinashin, Vinalines, Ocean Bank, các vụ đánh bạc hàng ngàn tỷ… Về thực trạng tham nhũng, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từng có phát biểu rất đáng chú ý: “Trước đây chỉ có một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là ‘chết’ cái đất nước này”.

Trong bài “Nhân quyền: Đạo lý Việt Nam” (trang 97-103, đã đăng báo Nhân Dân ngày 14-05-1993), GS.TS Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Nhận thức quyền con người, cơ bản và trước hết là quyền được sống trong độc lập, tự do, được giải phóng khỏi sự áp bức, bóc lột”. Ông cũng mở rộng: “Nhưng chúng ta cũng nhận thức rằng; nếu độc lập, tự do mà nhân dân không có cơm ăn, áo mặc, không được học hành; con người không có tình thương yêu đùm bọc lẫn nhau; thì độc lập, tự do mất hết ý nghĩa. Nói cách khác, cùng với độc lập, tự do; con người còn phải được ăn no, mặc ấm; có đời sống vật chất và tinh thần đầy đủ, hài hòa”. Đời sống vật chất của nhân dân ngày càng được nâng cao, cùng với đó là những đòi hỏi về đời sống tinh thần cũng tăng theo. Ngày nay, khi đa số nhân dân ta đã được ăn no mặc ấm, thì một cuộc sống ăn ngon, mặc đẹp trong yêu thương, tự do, hạnh phúc sẽ là đời sống hướng đến của tất cả mọi người.

Ông cũng nêu quan điểm về quyền cơ bản của con người là “Quyền được làm chủ vận mệnh của mình, làm chủ công việc của mình và tham gia các công việc đất nước”. Đó là những quyền hiện hữu và ý nghĩa hơn với những ai thực sự quan tâm hơn đến sự phồn vinh, thịnh vượng của dân tộc. Ông khẳng định: “Với truyền thống nhân ái thấm sâu trong văn hóa Việt Nam, đạo lý Việt Nam; nhân dân ta sẵn sàng bỏ qua quá khứ hận thù, hướng đến tương lai từ một tầm nhìn thấm đượm nhân tình và nghĩa cả dân tộc”. Quan điểm ấy chứa đựng tinh thần nhân văn sâu sắc và hướng đến đại cục. Trong một thế giới đầy biến động, đầy thách thức, khó dự đoán như hiện nay; cần lắm những quan điểm như vậy để định hướng cho cả dân tộc.

Phụng Thiên- Thiên Ân

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/mot-so-tu-tuong-noi-bat-trong-cuon-%E2%80%9Cvi-mot-nen-van-hoa-viet-nam-dan-toc-hien-dai%E2%80%9D-ky-1-79430