Một số trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự về bảo hiểm

Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đang dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng Điều 213 về tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm (BH), Điều 214 về tội gian lận bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Điều 215 về tội gian lận bảo hiểm y tế (BHYT) và Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động của Bộ luật Hình sự, trong đó quy định truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) trong một số trường hợp cụ thể.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trường hợp người thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền BH theo quy định tại Điều 213 của Bộ luật Hình sự nhiều lần mà mỗi lần thực hiện đều dưới mức 20 triệu đồng hoặc gây thiệt hại dưới mức 50 triệu đồng mà tổng hợp các lần chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại đều trên mức tiền chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều 213 của Bộ luật Hình sự thì bị truy cứu TNHS.

Trường hợp người thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền BHXH, BHTN quy định tại Điều 214, Điều 215 của Bộ luật Hình sự nhiều lần khác nhau, mỗi lần đều dưới 10 triệu đồng, tổng số tiền chiếm đoạt trên 10 triệu đồng và hành vi chiếm đoạt nhiều lần đó liên tiếp khác nhau trong vòng 06 tháng thì bị truy cứu TNHS. Trường hợp người thực hiện hành vi chưa chiếm đoạt được tiền BH do các yếu tố khách quan, ngoài ý muốn nhưng đã hoàn thành các thủ tục, hồ sơ đề nghị hưởng chế độ BHXH, BHTN thì không phải chịu TNHS theo quy định tại Điều 15 của Bộ luật Hình sự.

Trường hợp người phạm tội vừa chiếm đoạt tiền BH vừa gây thiệt hại mà số tiền chiếm đoạt, gây thiệt hại đều trên mức tối thiểu để truy cứu TNHS tại các điều 213, 214 và 215 của Bộ luật Hình sự, nếu cả tiền chiếm đoạt, tiền gây thiệt hại thuộc khung hình phạt cơ bản thì chỉ áp dụng một tình tiết để truy cứu TNHS theo quy định của Bộ luật Hình sự. Ví dụ: Nguyễn Văn A thực hiện hành vi lập hồ sơ giả BHXH chiếm đoạt 20 triệu đồng và gây thiệt hại 150 triệu đồng thì Nguyễn Văn A bị truy cứu TNHS về tội gian lận BHXH BHTN quy định tại khoản 1 Điều 214 của Bộ luật Hình sự.

Cũng trường hợp này, nếu chỉ có tiền chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại thuộc khung tăng nặng TNHS thì áp dụng 01 tình tiết tăng nặng TNHS theo quy định của Bộ luật Hình sự. Ví dụ, Nguyễn Văn A thực hiện hành vi lập hồ sơ giả BHXH chiếm đoạt 20 triệu đồng và gây thiệt hại 250 triệu đồng thì Nguyễn Văn A bị truy cứu TNHS về tội gian lận BHXH, BHTN quy định tại Điểm d khoản 2 Điều 214 của Bộ luật Hình sự.

Nếu cả tiền chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại cùng khung hình phạt tăng nặng thì áp dụng cả hai tình tiết tăng nặng TNHS theo quy định của Bộ luật Hình sự. Ví dụ: Nguyễn Văn B thực hiện hành vi lập hồ sơ giả BHXH chiếm đoạt 150 triệu đồng và gây thiệt hại 250 triệu đồng thì Nguyễn Văn A bị truy cứu TNHS về tội gian lận BHXH, BHTN với tình tiết định khung tăng nặng quy định tại điểm c, d khoản 2 Điều 214 của Bộ luật Hình sự.

Nếu tiền chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại khác khung hình phạt tăng nặng thì chỉ áp dụng 1 tình tiết tăng nặng TNHS ở khu hình phạt cao nhất theo quy định của Bộ luật Hình sự. Ví dụ: Nguyễn Văn B thực hiện hành vi lập hồ sơ giả BHXH chiếm đoạt 150 triệu đồng và gây thiệt hại 500 triệu đồng thì Nguyễn Văn A bị truy cứu TNHS về tội gian lận BHXH, BHTN với tình tiết định khung tăng nặng quy định tại điểm b khoản 3 Điều 214 của Bộ luật Hình sự.

Trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội là người được giao trực tiếp liên quan đến việc chi trả tiền BH đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để chiếm đoạt tiền BHXH, BHYT, BHTN thì bị truy cứu TNHS về tội tham ô tài sản theo quy định tại Điều 353 của Bộ luật Hình sự nếu có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm.

Trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội là người không trực tiếp liên quan đến việc chi trả tiền BH nhưng đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn của mình để chiếm đoạt tiền BHXH, BHYT, BHTN thì bị truy cứu TNHS về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 355 của Bộ luật Hình sự nếu có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm.

Bách Nguyễn

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-van-365/mot-so-truong-hop-truy-cuu-trach-nhiem-hinh-su-ve-bao-hiem-454302.html