Một số tác động của Hiệp định EVFTA và hàm ý chính sách cho việc thực thi các FTA thế hệ mới

Bài viết đánh giá tác động của Hiệp định EVFTA đến một số lĩnh vực trong phát triển kinh tế ở Việt Nam nhằm mang đến những hàm ý chính sách cho việc thực thi những FTA thế hệ mới.

Tóm tắt: Hiệp định EVFTA thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của cả Việt Nam và EU trong việc thúc đẩy quan hệ song phương, góp phần đưa quan hệ giữa hai bên phát triển sâu rộng và thực chất hơn. Hiệp định EVFTA thực thi không chỉ tạo động lực cho kinh tế Việt Nam phát triển, hội nhập mạnh mẽ mà còn làm gia tăng vai trò, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Bài viết đánh giá tác động của EVFTA đến một số lĩnh vực trong phát triển kinh tế ở Việt Nam nhằm mang đến những hàm ý chính sách cho việc thực thi những FTA thế hệ mới.

1. Giới thiệu

Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam hiện là một trong những nước tiếp nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất trong khu vực ASEAN, chỉ thấp hơn Singapore. Tự do hóa thương mại hàng hóa và dịch vụ cùng với cải thiện đáng kể trong quy định về quyền sở hữu trí tuệ (IPR) cũng làm thay đổi cơ cấu thương mại. Trong năm 2018, Tổng cục Hải quan ghi nhận tổng trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước lập kỷ lục, đạt 480,17 tỷ USD, tăng hơn 52 tỷ USD về mặt số tuyệt đối so với kết quả thực hiện của một năm trước đó.

Kết quả ấn tượng này là nhờ vào quá trình cải cách kinh tế theo hướng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cùng với việc hội nhập vào kinh tế toàn cầu. Từ năm 1995, Việt Nam tăng cường quan hệ với các đối tác hàng đầu trong hệ thống kinh tế thế giới như Cộng đồng Châu Âu, Mỹ.

Đồng thời, Việt Nam tiếp tục thực hiện đường lối thương mại, đầu tư và hội nhập chính trị tích cực trong phạm vi ASEAN với việc tham gia vào những cam kết mới có tính tham vọng hơn về thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư. Trong mấy năm gần đây, trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam bắt đầu hội nhập kinh tế theo khung khổ ưu đãi đặc biệt với một số đối tác, với việc Việt Nam tham gia vào năm hiệp định thương mại tự do (FTA): ASEAN-Trung Quốc, ASEAN-Ấn Độ, ASEAN-Hàn Quốc, ASEAN-Nhật Bản và ASEAN-Úc-Niu Di-lân. Gần đây, nhờ có sức hút về kinh tế, Việt Nam đã bắt đầu đàm phàn FTA với một số đối tác tiềm năng khác, như Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu.

 Hiệp định EVFTA mang lại nhiều lợi thế cho thương mại, đầu tư của Việt Nam.

Hiệp định EVFTA mang lại nhiều lợi thế cho thương mại, đầu tư của Việt Nam.

2. Khái quát chung về EVFTA

Trong những năm gần đây, hình thức FTA (Free Trade Agreement) “thế hệ mới” song phương hoặc đa phương ngày càng trở nên phổ biến hơn, với phạm vi hợp tác rộng hơn, và dần sẽ có khả năng thay thế cho các thỏa thuận thương mại thế hệ cũ. Một số lượng khá lớn các FTA đã được kí kết và thực hiện gần đây thu hút được rất nhiều sự chú ý, quan sát và đánh giá các tác động xung quanh các hiệp định này, ví dụ như Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP), EVFTA, CPTPP,....

Xu hướng tham gia đàm phán và kí kết các FTA “thế hệ mới” đã trở thành xu thế tất yếu trong thời điểm hiện nay, khi mà sự hợp tác kinh tế song phương hoặc đa phương không còn chỉ dừng ở mức cắt giảm thuế quan mà còn liên quan đến các vấn đề quan trọng khác như lao động, bảo vệ môi trường, khai thác đánh bắt có chọn lọc, thậm chí là xã hội dân sự. Hiện nay theo cách xác định của một số tổ chức nghiên cứu trên thế giới, cũng như tại Việt Nam chúng ta chỉ mới có 2 FTA “thế hệ mới” đã kết thúc việc đàm phán đó là CPTPP và EVFTA, trong đó CPTPP đã chính thức có hiệu lực từ 01/2019. Việc xem xét và đánh giá những tác động (có thể xảy ra) của 2 FTA này là vô cùng quan trọng, khi mà xu hướng tham gia kí kết các FTA mới sẽ tuân theo các bộ quy tắc do 2 FTA này đã tạo ra.

Trong những FTA ký kết gần đây, EU xóa bỏ thuế quan với hầu hết sản phẩm và tiến hành tự do hóa trên phạm vi rộng đối với thương mại dịch vụ theo mọi phương thức cung cấp. Các hiệp định này có các quy định về đầu tư đối với cả lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp với các nguyên tắc quan trọng áp dụng với nhiều lĩnh vực, như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, mua sắm của Chính phủ, cạnh tranh, minh bạch hóa và phát triển bền vững (gồm môi trường và các quyền dân sự).

Các quy định khác cũng có mặt trong các hiệp định này, theo đó các bên đưa ra cam kết cụ thể đối với một số ngành về xóa bỏ các rào cản phi thuế đối với thương mại (ví dụ: trong hiệp định với Hàn Quốc có các ngành như ô tô, dược phẩm và điện tử được đưa vào cam kết). Thông thường, các bên đối tác của EU cũng cam kết cắt giảm thuế quan theo lộ trình dưới 10 năm, có thể có ngoại lệ đối với một số ngành cụ thể. Về các hàng rào kỹ thuật và vệ sinh dịch tễ, đàm phán FTA là cơ hội để thảo luận và giải quyết các vấn đề bất cập mà các nhà xuất khẩu Việt Nam gặp phải khi xuất khẩu sang EU.

Ngoài ra, phía EU cũng lo ngại về thời gian của quy trình đăng ký sở hữu trí tuệ (Intellectual property - IP) đối với nhãn hiệu cũng như chậm trễ trong các thủ tục kháng cáo. Trong khi các cơ quan có thẩm quyền ở cấp quốc gia được phía EU đánh giá là khá tích cực, thì điểm yếu vẫn được ghi nhận ở cấp địa phương. Điều này đòi hỏi sự cải cách hơn nữa trong các vấn đề liên quan đến thực thi quyền sở hữu trí tuệ (IPR).

Trong báo cáo gần đây, các nhà hoạt động trong lĩnh vực IP của EU cho rằng các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn phổ biến trên cả nước, đặc biệt là ở các thị trường đường phố và khu vực thương mại. Có một thực tế là các biện pháp trừng phạt vẫn chưa đủ tính chất răn đe với những người vi phạm, đồng thời Việt Nam vẫn còn thiếu các quan chức IP được đào tạo, bao gồm cả trong các đơn vị thuộc lực lượng hải quan. Trong Báo cáo thường niên của Ủy ban về thực thi IPR của Hải quan EU năm 2016, Việt Nam vẫn là một trong "top 7" quốc gia có hàng hóa vi phạm IPR bị giam giữ và tịch thu tại biên giới EU. Có thể nói rằng, hệ thống thực thi của Việt Nam vẫn còn rất phức tạp, khiến cho các chủ sở hữu quyền IP gặp khó khăn rất nhiều trong việc tự bảo vệ khỏi hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

3. Tác động của hiệp định EVFTA

3.1. Cắt giảm thuế quan và các thủ tục xuất nhập khẩu

Như với bất kỳ hiệp định thương mại tự do nào, việc dỡ bỏ các hạn chế biên giới đóng vai trò trung tâm trong EVFTA. Cụ thể, thỏa thuận giữa EU và Việt Nam có thể thấy trước việc loại bỏ thuế quan trung bình khoảng 2,2% ở EU và 5% tại Việt Nam trên cơ sở trọng số thương mại. Đối với hầu hết các thuế nhập khẩu, việc cắt giảm này sẽ được thực hiện trong vòng bảy năm tại EU và mười năm tại Việt Nam, kể từ khi hiệp định có hiệu lực.

Tuy nhiên, một số trường hợp linh hoạt sẽ được xem xét dành cho các sản phẩm nhạy cảm. Ví dụ, thuế quan của EU đối với hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam sẽ được gỡ bỏ trong vòng từ năm đến bảy năm đối với các mặt hàng nhạy cảm và trong ba năm hoặc trực tiếp có hiệu lực đối với hàng hóa ít nhạy cảm hơn.

Đối với giày dép, thuế quan của EU sẽ được loại bỏ sau bảy năm đối với các mặt hàng nhạy cảm và ba năm hoặc khi có hiệu lực đối với mặt hàng ít nhạy cảm hơn. Về phía mình, Việt Nam sẽ cắt giảm thuế hàng xuất khẩu của EU đối với hầu hết mặt hàng máy móc và thiết bị và tất cả hàng dệt may khi có hiệu lực của hiệp định. Ngoài ra, khoảng một nửa sản phẩm dược phẩm xuất khẩu của EU có thể được miễn thuế ngay lập tức khi vào thị trường Việt Nam.

3.2. Tự do hóa thương mại dịch vụ

Thỏa thuận bao gồm một số điều khoản nhằm cải thiện điều kiện tiếp cận thị trường song phương cho các công ty trong các lĩnh vực dịch vụ. Chúng bao gồm những thay đổi về quy định ảnh hưởng đến thương mại dịch vụ xuyên biên giới (theo phương thức 1 trong tiếp cận thị trường trong dịch vụ được quy định trong GATS) và hiện diện thương mại xuyên biên giới thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài (phương thức 3).

EU đồng ý cung cấp cho Việt Nam sự đảm bảo rằng mức độ mở cửa hiện tại sẽ không thay đổi. Điều này có nghĩa là EU đã đồng ý các ràng buộc trong tiếp cận thị trường Việt Nam và các cam kết đối xử quốc gia vượt ra ngoài GATS.

Tuy nhiên, do các ngành dịch vụ của EU nói chung tương đối rộng mở nên đã không đồng ý thực hiện bất kỳ sự giảm bớt nào đối với các "rào cản" còn lại. Mặt khác, đối với Việt Nam, hiệp định đã tạo cơ hội tốt cho việc điều chỉnh toàn diện khung pháp lý và quy định của nhiều lĩnh vực dịch vụ, trong một số trường hợp bao gồm việc tiếp cận thị trường mới và các cam kết đối xử quốc gia vượt ra ngoài GATS.

3.3. Đầu tư

Không nghi ngờ gì về việc khu vực sản xuất hàng công nghiệp chế tạo ở Việt Nam có khả năng cạnh tranh nhất định. Sự kết hợp lao động giá rẻ với quyền tiếp cận thị trường ASEAN+ một cách tự do đang tạo điều kiện cho Việt Nam trở thành trung tâm chung chuyển xuất khẩu sang toàn khu vực.

Có FTA với EU không chỉ giúp tăng cường thu hút đầu tư của EU vào Việt Nam mà còn đem lại thêm các lợi ích khác đối với nền kinh tế Việt Nam. Lợi ích này được thể hiện rõ qua việc Việt Nam có thể tận dụng để tăng cường hơn nữa vị thế là cơ sở sản xuất và xuất khẩu (hàng hóa chất lượng tốt hơn, giá rẻ hơn từ EU; thị trường lớn hơn với 3,5 tỷ người; tăng chuyển giao công nghệ sang Việt Nam), từ đó sẽ thu hút được nhiều vốn đầu tư hơn, có chất lượng đầu tư tốt hơn từ cả bên trong và bên ngoài khu vực FTA.

4. Kết luận

FTA EU-Việt Nam thể hiện cơ hội thúc đẩy hội nhập chuỗi giá trị EU-Việt Nam thông qua gia tăng hoạt động FDI và mở rộng thương mại song phương về hàng hóa và dịch vụ trung gian giữa EU và Việt Nam. Đối với EU, điều này sẽ cải thiện khả năng tiếp cận vào một trung tâm lắp ráp đang phát triển trong khu vực ASEAN và châu Á.

Đối với Việt Nam, nó sẽ thúc đẩy mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với một trung tâm công nghiệp lớn và nhà đầu tư lớn ở châu Á, cuối cùng là lợi ích vị thế của nó trong chuỗi giá trị nội khối ASEAN. Các công ty EU dự kiến sẽ dẫn đầu quá trình này vì việc thiết lập các hoạt động tại Việt Nam là điều kiện để tích hợp vào chuỗi cung ứng của họ. Điều này có thể đóng vai trò quan trọng trong chiến lược của các doanh nghiệp EU để phục vụ thị trường châu Á rộng lớn hơn. Ngoài ra, các công ty từ quốc gia khác sẽ được nhắc sử dụng các hoạt động sản xuất tại Việt Nam như một phương tiện để tạo ra nền tảng để có quyền tiến vào vào thị trường EU với các ưu đãi do FTA đưa ra. Từ đó, các công ty Việt Nam có khả năng tận dụng cơ hội để gắn vào các chuỗi giá trị do EU hoặc công ty nước thứ ba tổ chức.

Nhìn chung, thỏa thuận này tạo cơ hội cho các doanh nghiệp có trụ sở tại Việt Nam tham gia nhiều hơn vào việc chia sẻ sản xuất trong khu vực, đặc biệt là các lĩnh vực thâm dụng lao động. Việc tiếp cận ưu đãi vào thị trường EU sẽ giúp doanh nghiệp này có lợi thế hơn so với các quốc gia khác trong khu vực. Cuối cùng, những phát triển liên quan đến chuỗi giá trị chính mà hiệp định EVFTA có thể mang lại sẽ được quyết định bởi các quyết định chiến lược của các công ty tại Việt Nam và tại EU dựa trên những thay đổi của môi trường kinh doanh.

ThS.Dương Yến Phi - Đại học An Giang, Đại học Quốc gia TP.HCM

Nguồn VietQ: https://vietq.vn/mot-so-tac-dong-cua-hiep-dinh-evfta-va-ham-y-chinh-sach-cho-viec-thuc-thi-cac-fta-the-he-moi-d202804.html