Một số suy nghĩ về công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động thờ Mẫu ở Việt Nam

Tín ngưỡng được hình thành ở Việt Nam từ lâu đời, đến nay đã trở thành loại hình hoạt động thu hút đại bộ phận quần chúng nhân dân với đủ các thành phần và lứa tuổi tham gia.

1. Khái quát về thờ Mẫu

Tín ngưỡng được hình thành ở Việt Nam từ lâu đời, đến nay đã trở thành loại hình hoạt động thu hút đại bộ phận quần chúng nhân dân với đủ các thành phần và lứa tuổi tham gia. Nhiều loại hình tín ngưỡng đã trở thành nếp sống văn hóa tốt đẹp của dân tộc cần được bảo tồn, phát huy trong đó có thờ Mẫu - tín ngưỡng bản địa của dân tộc Việt.

Thờ Mẫu là tín ngưỡng bản địa có nguồn gốc từ lâu đời và là tín ngưỡng có nguồn gốc bản địa đích thực, mặc dù trong quá trình phát triển đã thu nhận không ít những ảnh hưởng của Đạo giáo, Phật giáo và thậm chí cả Nho giáo. Thờ Mẫu tồn tại và phát triển qua nhiều lớp văn hóa khác nhau, bắt nguồn từ tín ngưỡng, văn hóa bản địa, thoát thai lớp tín ngưỡng thờ Nữ thần và Mẫu thần, với các nữ thần đại diện cho thiên nhiên như Mẹ Đất, Mẹ Nước, Mẹ Lúa đến các vị nữ anh hùng, các vị Công Chúa, Hoàng Hậu, hay bà Tổ cô của dòng họ, bà Tổ nghề của một làng nghề.

Theo quan niệm của thờ Mẫu thì thờ Mẫu lấy tôn thờ Mẫu (Mẹ) làm đấng sáng tạo và bảo trì cho vũ trụ - con người, đó vừa là vị thần có quyền năng màu nhiệm vừa là người mẹ bao dung che chở cho đàn con, vừa huyền bí lại vừa gần gũi, là nơi con người ký thác những mong ước, khát vọng về đời sống trần thế của mình, đạt tới sức khỏe, tài lộc. Một tín ngưỡng hướng về đời sống trần thế hiện tại.

Đỉnh cao của sự phát triển thờ Mẫu ở Việt Nam là sự hình thành và phát triển thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ (Tam Tòa Thánh Mẫu). Một hệ thống thần điện tuy là đa thần (có khoảng trên dưới 60 vị thần thánh) nhưng đứng đầu và bao trùm lên là Thánh Mẫu, trong đó Thánh Mẫu Liễu Hạnh (là một vị Tiên tiêu biểu của Việt Nam, là một trong bốn vị Thánh Bất Tử), tuy xuất hiện muộn trong điện thần (từ thế kỷ XVI) nhưng lại chiếm vị trí thần chủ trong điện thần thờ Mẫu. Chính Mẫu Liễu Hạnh đã “trần thế hóa” thờ Mẫu và trong điều kiện xã hội Nho giáo cuối thời phong kiến thờ Mẫu đã bắt rễ sâu vào xã hội và đời sống tâm linh của mỗi con người Việt Nam.

Trong thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ thì Thánh Mẫu được tôn thờ là vị thần chủ quyền năng cai quản toàn vũ trụ. Theo quan điểm đó vũ trụ được chia ra làm ba miền (ứng với tam phủ) hoặc bốn miền (ứng với tứ phủ). Tam phủ gồm có thiên (trời), địa (đất), thủy (nước). Tứ phủ thì có thêm 1 miền nữa đó là nhạc (núi rừng). Tương ứng với đó là bốn vị Thánh Mẫu. Thờ Mẫu bước đầu chứa đựng những nhân tố về một hệ thống vũ trụ nguyên sơ, một vũ trụ thống nhất chia thành bốn miền do hóa thân bốn vị thánh Mẫu cai quản, hình thành một hệ thống thờ cúng trong các đền, phủ. Hệ thống nghi lễ và lễ hội trong tín ngưỡng thờ Mẫu rất phong phú, đa dạng, mang nhiều sắc thái độc đáo có thể phân biệt với các tín ngưỡng và tôn giáo khác. Tuy nhiên, tập trung và điển hình nhất vẫn là hệ thống lễ hội “tháng Tám giỗ cha, tháng Ba giỗ mẹ”, trong các lễ hội thờ Mẫu thì Chầu văn và Hầu đồng được coi là nghi lễ quan trọng nhất của thờ Mẫu.

2. Các giá trị cơ bản trong thờ Mẫu

- Giá trị nhận thức thế giới (thế giới quan): Thờ Mẫu không coi thế giới tự nhiên là một thực thể riêng, tách rời với con người mà con người và tự nhiên là một thực thể đồng nhất. Với thờ Mẫu, người Mẹ của con người cũng là người Mẹ tự nhiên. Nó không chỉ nhân hóa tự nhiên mà còn nữ tính hóa tự nhiên, làm cho việc sùng bái tự nhiên thành sùng bái con người mang nữ tính. Nói cách khác, với thờ Mẫu, việc tôn thờ Mẫu không chỉ với tư cách là hiện thân của bản thể tự nhiên (Mẹ Mưa, Mẹ Mây, Mẹ Sấm, Mẹ Chớp - Mẹ Tứ Pháp hay Mẹ Kim, Mẹ Mộc, Mẹ Thủy, Mẹ Hỏa, Mẹ Thổ - Mẹ Ngũ Hành), mà còn là lực lượng cai quản tự nhiên (Mẫu Thiên cai quản vùng trời, Mẫu Địa cai quản vùng đất, Mẫu Thoải cai quản vùng nước sông biển, Mẫu Thượng Ngàn cai quản vùng núi rừng), cũng chính vì vậy mà Mẫu, hiện thân của người Mẹ Tự Nhiên ấy có thể che chở, mang lại những điều tốt lành cho con người.

- Giá trị nhân sinh: Khác với các tín ngưỡng, tôn giáo, thờ Mẫu không hướng con người và niềm tin của con người về thế giới sau khi chết, mà là thế giới hiện tại, thế giới mà con người cần phải có sức khỏe, có tiền tài và quan lộc. Đó là một nhân sinh quan mang tính tích cực, phù hợp với quan niệm “hiện sinh” của con người trong thế giới hiện đại. Lúc này niềm tin vào cái siêu nhiên mà Thánh Mẫu là đại diện trở nên thứ yếu, mang tính phương tiện, còn mục đích sống của con người mới là quan trọng. Đây cũng là cách tư duy thể hiện tính “thực tế”, “thực dụng” của con người Việt Nam.

- Ý thức lịch sử và ý thức xã hội: Trong điện thần của thờ Mẫu, hầu hết các vị Thánh đã được lịch sử hóa, tức là đều hóa thân thành những con người có danh tiếng, có công trạng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trên thực tế có không ít những vị Thánh thần vốn thoát thai từ các nhân vật có thật trong lịch sử, sau này được người đời tô vẽ, thần tượng lên thành các vị thần thánh, tức là các vị thần thánh có “nguyên mẫu” trong lịch sử. Cũng không hiếm các vị thần linh, vốn là các thiên thần hay nhiên thần, nhưng lại được người đời “nhân thần hóa” hay “lịch sử hóa”, gán cho họ có sự nghiệp, có công trạng với đất nước hay từng địa phương. Đây không phải là việc làm tùy tiện hay ngẫu nhiên, mà đều xuất phát từ ý thức lịch sử và ý thức xã hội. Đó chính là ý thức “hướng về cội nguồn”, “uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh những người có công với dân với nước. Bằng cách đó, thờ Mẫu gắn bó với cội nguồn và lịch sử dân tộc, đã trở thành một biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, chủ nghĩa yêu nước đó đã được tín ngưỡng hóa, tâm linh hóa, mà trong đó người Mẹ - Mẫu là nhân vật trung tâm.

Trong đời sống thường nhật của con người, Thánh Mẫu khuyên dạy người phụ nữ những điều rất cụ thể về ứng xử trong gia đình và ngoài xã hội, như với cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh em họ hàng nội ngoại, với hàng xóm láng giềng sao cho tạo nên sự hòa hiếu, thân thiện.

- Giá trị văn hóa nghệ thuật: Thờ Mẫu và các hình thức Shaman giáo đều ẩn chứa những giá trị văn hóa nghệ thuật rất phong phú. Đó là kho tàng truyền thuyết, thần tích, huyền thoại về các thần linh, đó còn là các hình thức diễn xướng với âm nhạc, ca hát, nhảy múa, các hình thức trang trí, kiến trúc,... Nhiều người đã nói tới diễn xướng thờ Mẫu như là một hình thức sân khấu tâm linh hay một văn hóa thờ Mẫu. Chỉ riêng nghi lễ Hầu đồng của thờ Mẫu đã sản sinh ra loại hình âm nhạc - hát văn, mà theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu, đó là một trong hai loại hình dân ca tiêu biểu của người Việt đóng góp vào kho tàng âm nhạc thế giới. Chính những giá trị nhận thức, giá trị lịch sử, truyền thống, đạo đức văn hóa kể trên đã luôn đặt thờ Mẫu vào vị trí những tôn giáo tín ngưỡng bản địa hàng đầu của các dân tộc Việt Nam.

3. Thực trạng công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động thờ Mẫu ở Việt Nam

Thờ Mẫu đã từng tồn tại trong thời kỳ lâu dài của lịch sử chế độ phong kiến, nó đáp ứng nhu cầu không chỉ của một bộ phận nông dân ở nông thôn mà còn cả tầng lớp thương nhân ở đô thị. Trong thời kỳ quân chủ phong kiến, nhất là từ thời Lê, do lấy tư tưởng Nho giáo độc tôn, nên thờ Mẫu bị xếp vào thứ đạo phi chính thống. Đặc biệt là vào những năm 60-80 của thế kỷ XX thờ Mẫu và Hầu đồng có thời gian bị cấm vì bị coi là mê tín, dị đoan. Nhiều di sản vật thể của thờ Mẫu như đền, phủ đã bị lãng quên, khi mà ở nước ta nhiều người cho rằng cần xóa bỏ tất cả những gì là văn hóa thuộc chế độ cũ - chế độ phong kiến vì nó là lạc hậu, đi ngược lại và ảnh hưởng không tốt đến nền văn hóa đương đại. Tuy nhiên đến thời nhà Nguyễn, sau triều vua Đồng Khánh đến Bảo Đại thì thờ Mẫu được tôn sùng. Trước năm 1975, tại miền Nam Việt Nam, đã hình thành 2 tổ chức, đó là: “Tiên Thiên Thánh Mẫu giáo Trung Việt” (thành lập năm 1955, trụ sở tại Huế) và “Hội Thánh Mẫu” (trụ sở tại Đà Lạt) theo Nghị định 1981/NĐ/PC ngày 30/9/1953 của Thủ Hiến Trung Việt. Năm 1973, hai tổ chức trên hợp nhất thành “Việt Nam thánh Mẫu hội”. Từ sau năm 1975, Hội này tự giải thể và chỉ hoạt động xung quanh điện Huệ Nam (Hòn Chén, Thừa Thiên Huế).

Cũng như bất cứ một tín ngưỡng tôn giáo nào khác, ngoài những giá trị về đạo đức và văn hóa thì trong quá trình tồn tại và phát triển của thờ Mẫu cũng nảy sinh những hiện tượng đi ngược lại với bản chất tốt đẹp trong thờ Mẫu. Quá trình thực hành nghi lễ trong thờ Mẫu chủ yếu được lưu truyền dân gian, truyền miệng từ người này sang người khác hoặc từ các “con nhang”, “đệ tử” chạy theo phong trào mà chưa hiểu hết các bước nghi lễ, thủ tục nên đã làm giảm đi giá trị văn hóa ban đầu của thờ Mẫu.

Các hoạt động thờ Mẫu, hiện nay chưa được quy định cụ thể giao cho ngành nào quản lý, do vậy các hoạt động thờ Mẫu mang tính tự phát dẫn đến tình trạng thương mại hóa trong thờ Mẫu với mục đích trục lợi kinh tế. Sự nhiễu loạn biến tướng trong các nghi lễ của thờ Mẫu (dùng đồ hàng mã với số lượng quá mức cần thiết trong hầu đồng)…Nhiều chủ đền, các ông đồng, bà đồng đã lợi dụng lòng tin, lợi dụng các di tích đền phủ, lợi dụng các sinh hoạt nghi lễ và lễ hội không phải là để truyền bá những điều tốt đẹp mà chủ yếu là để kiếm tiền, trục lợi cá nhân, đây đang là một thực tế phức tạp, khiến cho thờ Mẫu ngày càng bị xói mòn những giá trị tốt đẹp như đã nêu ở trên.

Nền kinh tế thị trường của ta đang phát triển mạnh mẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển cho xã hội, bên cạnh đó điều kiện thực hiện niềm tin tín ngưỡng cũng gia tăng, các hình thức tín ngưỡng đã phát triển một cách “bùng phát”, thoát ly khỏi sự quản lý của nhà nước và làm nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực: các hoạt động mang tính khuyếch trương, hoạt động trái quy định của pháp luật; mâu thuẫn và tranh giành sự ảnh hưởng tới các “con nhang”, lợi ích vật chất. Tính phân tán, tản mạn, thiếu sự quản lý nhà nước đối với thờ Mẫu trong thời gian vừa qua đã tạo nên bộ mặt xô bồ, thậm chí là hỗn loạn của sinh hoạt tín ngưỡng, gây mất trật tự công cộng, ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện cho các sinh hoạt mê tín, đi ngược lại các thuần phong mỹ tục dân tộc tại một số đền, phủ.

Tháng 10/2010 được sự thống nhất của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam đã thành lập “Câu lạc bộ Bảo tồn Văn hóa Đạo Mẫu Việt Nam”với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý về tín ngưỡng, tôn giáo và các Thanh đồng, Thủ nhang đại diện cho các tỉnh, thành phố trong cả nước. Qua hơn hai năm hoạt động, “Câu lạc bộ Bảo tồn Văn hóa Đạo Mẫu Việt Nam” bước đầu đã phát huy được những mặt tích cực, bảo tồn những giá trị văn hóa dân tộc trong thờ Mẫu và là đầu mối quan hệ với chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể xã hội, là nơi các Thanh đồng có điều kiện giúp đỡ nhau hoạt động đúng pháp luật và quy chế của Câu lạc bộ, góp phần loại bỏ những yếu tố pha tạp, lợi dụng các nghi lễ trong thờ Mẫu để hoạt động mê tín dị đoan, trục lợi kinh tế làm biến dạng các giá trị văn hóa trong thờ Mẫu.

Hiện nay, nghi lễ Chầu văn của người Việt trong thờ Mẫu đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch giao cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia, để tiến tới lập hồ sơ khoa học đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ở nước ta, các hoạt động bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể khởi đầu muộn hơn rất nhiều so với việc bảo vệ di sản vật thể. Sau khi thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ đã ban hành văn bản pháp lý về bảo vệ di sản vật thể (Sắc lệnh số 65 ngày 23/11/1945). Nhưng một thời gian dài, Việt Nam hầu như không có cơ sở pháp lý để bảo vệ các di sản phi vật thể - đây là linh hồn, là sự sống làm nên giá trị của các di sản vật thể đó. Quá trình muộn nhận thức về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đã để lại một hệ quả không tốt và là sự thiệt thòi đối với di sản mà không còn cơ hội bù đắp. Sự thay đổi hình thái kinh tế xã hội đã làm biến đổi đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng, khi đó, một số loại hình di sản bị coi là lạc hậu, mê tín, là văn hóa của giai cấp phong kiến. Có những phong tục tập quán, tri thức dân gian, kỹ năng, kỹ thuật đã chìm vào quá khứ nhưng đã và đang được phục hồi và sống lại, trong đó thờ Mẫu là một ví dụ điển hình.

Sau khi tiếp cận với những quan điểm của quốc tế, của UNESCO và đặc biệt từ khi có Công ước Quốc tế năm 2003, quá trình nhận thức và hành động bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam diễn ra rất nhanh, mạnh mẽ và đem lại những kết quả tích cực. Điều đó có cơ sở từ sự đổi mới tư duy ở Việt Nam, bắt đầu từ năm 1986, chiến lược này đã làm thay đổi nhận thức và hoạt động thực tiễn của nhiều lĩnh vực trong đó có văn hóa. Nhanh chóng học hỏi và kế thừa tri thức, kinh nghiệm bảo vệ di sản văn hóa của nhân loại, hoạt động bảo vệ di sản phi vật thể ở Việt Nam đã và đang ngày một phát triển.

Trong những năm qua, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý cùng với cộng đồng đã nỗ lực và đạt nhiều kết quả trong việc xây dựng các chính sách (Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Di sản Văn hóa và các bộ Luật liên quan), triển khai các kế hoạch để bảo vệ việc duy trì, trao truyền và phát huy giá trị của văn hóa thờ Mẫu. Chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta được xây dựng một mặt dựa trên quan điểm cơ bản của học thuyết Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về tín ngưỡng, tôn giáo; mặt khác căn cứ vào đặc điểm tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước là tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; quan điểm đó được thể hiện bằng hệ thống chính sách, pháp luật phù hợp với từng giai đoạn cách mạng.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với quan điểm của Đảng. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo; động viên các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…Đồng thời chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để mê hoặc, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Đảng và Nhà nước không chỉ chăm lo cho nhân dân về vật chất mà còn cả về tinh thần, do đó quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân được pháp luật ghi nhận rõ ràng hơn và ngày càng được đảm bảo trên thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.

Đến nay, bên cạnh các văn bản quy định chung như các văn kiện của Đại hội Đảng, Hiến pháp… Nhà nước ta đã có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh trực tiếp về tín ngưỡng, tôn giáo, gồm:

- Luật Bảo vệ di sản Văn hóa;

- Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định 92/2012/NĐ- CP ngày 08 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo;

- Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 quy định về Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng;

- Nghị định số 75/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 07 năm 2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa…

Các văn bản pháp luật trên quy định về các quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức tôn giáo, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, các điều kiện liên quan đến tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng và các hoạt động của họ.

Đối với hình thức thờ Mẫu thì đến nay chưa có văn bản pháp luật quy định riêng, mà vẫn áp dụng các quy định pháp luật chung về tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy vậy, thờ Mẫu cũng đã có những quy định cụ thể và chế tài xử lý đối với hoạt động Hầu đồng như: Thông tư số 04/2009/TT - BVHTTDL ngày 16/12/2009 Quy định chi tiết thi hành một số quy định tại Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, theo đó tại điểm b khoản 1 Điều 3 quy định: “những hoạt động có nội dung làm mê hoặc người khác, trái với tự nhiên, gây tác động xấu về nhận thức, bao gồm: cúng khấn trừ tà ma, chữa bệnh bằng phù phép, lên đồng phán truyền, xem bói, xin xăm, xóc thẻ, truyền bá sấm trạng, phù chú, cầu lợi cho mình gây hại cho người khác bằng cách yểm bùa, đốt đồ mã ở nơi công cộng và các hình thức mê tín dị đoan khác”.

Dưới góc độ quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, xác định thờ Mẫu là nhu cầu chính đáng của một bộ phận quần chúng nhân dân, cần được điều chỉnh bằng pháp luật để bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, đồng thời hạn chế việc lợi dụng thờ Mẫu để thực hiện các hoạt động mê tín, trục lợi ảnh hưởng xấu tới trật tự công cộng và sức khỏe của người dân.

4. Đề xuất một số giải pháp đối với thờ Mẫu trong thời gian tới

- Dự báo tình hình: Ngày nay, thờ Mẫu vẫn tiềm ẩn chiều hướng phát triển trong nền kinh tế thị trường và đô thị hóa, hiện đại hóa của Việt Nam. Thờ Mẫu đã phát triển rộng khắp ở cả đồng bằng, đô thị và miền Núi, tạo nên một nét khá nổi bật trong bức tranh chung vốn hết sức đa dạng và phong phú của đời sống tín ngưỡng, tôn giáo Việt Nam. Các đền, phủ nơi thờ cúng chính của thờ Mẫu ngày càng được quan tâm, tu sửa, thu hút đông đảo quần chúng, nhân dân đến hành hương và dâng cúng. Các điện thờ Mẫu trong các chùa Phật giáo cũng góp phần tạo nên không khí nhộn nhịp, nhất là trong các dịp lễ lớn của thờ Mẫu, đặc biệt các ngày hội của Tứ phủ (tháng ba hội Mẹ ở Phủ Dầy tỉnh Nam Định và tháng tám hội Cha ở Côn Sơn - Kiếp Bạc tỉnh Hải Dương, lễ hội Bà Chúa kho ở Bắc Ninh vào tháng Giêng...) thu hút hàng nghìn lượt người tham dự.

Trước xu hướng phát triển của thờ Mẫu với các mặt tích cực và hạn chế đã được nghiên cứu, để quản lý có hiệu quả hoạt động này và trên cơ sở chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, đề xuất một số giải pháp đối với thờ Mẫu trong thời gian tới như sau:

- Cần ghi nhận và khẳng định giá tốt đẹp của thờ Mẫu trong đời sống tinh thần của nhân dân: Trong điều kiện xã hội hiện nay, quyền tự do tín ngưỡng ngày càng được quan tâm và đề cao, trở thành một hiện tượng phổ biến trong xã hội. Bên cạnh việc tiếp thu các tôn giáo du nhập từ nước ngoài thì chúng ta nên chú trọng đến tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống của dân tộc. Tục thờ Mẫu xuất phát từ truyền thống của dân tộc Việt Nam từ ngàn đời nay, đã ăn sâu vào đời sống tinh thần, vào ý thức của người dân và được ghi nhận không chỉ trong các câu chuyện dân gian mà còn trong các tác phẩm văn học và âm nhạc. “Văn học là tấm gương phản chiếu lịch sử” do đó hệ thống các tác phẩm văn học và các công trình nghiên cứu về thờ Mẫu chính là những hình ảnh sống động về giá trị tinh thần của thờ Mẫu trong xã hội Việt Nam. Trong thời kỳ hội nhập văn hóa thế giới hiện nay, cùng với những giá trị tích cực của thờ Mẫu, các cơ quan quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo và về văn hóa cần hoàn thiện hồ sơ để thờ Mẫu được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia và của nhân loại.

- Cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh cụ thể về vấn đề này: Pháp luật của chúng ta chưa có quy định cụ thể đối với quy mô, tổ chức hoạt động của loại hình thờ Mẫu, nếu có thì chỉ quy định trực tiếp một vài hoạt động như lên đồng, sấm truyền, gây mê tín dị đoan, như vậy mới giải quyết được phần nổi của vấn đề. Trong khi hoạt động thờ Mẫu ngày càng nở rộ và phát triển đa dạng, các Đền, Phủ thành lập và hoạt động tràn lan, biến tướng dưới nhiều hình thức làm ảnh hưởng khá nhiều tới đời sống tinh thần, vật chất của một bộ phận nhân dân và gây mất trật tự, an ninh, an toàn xã hội. Chúng ta cần nghiên cứu toàn diện về tục thờ Mẫu của Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm một số nước trong khu vực về phương pháp quản lý cụ thể đối với loại hình này, qua đó tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ quản lý đối với hoạt động thờ Mẫu theo phân cấp từ trung ương đến địa phương, theo hướng:

+ Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoặc quy định trong văn bản luật về trách nhiệm quản lý đối với hoạt động thờ Mẫu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ trung ương tới cơ sở;

+ Trước mắt cần kiện toàn Ban Quản lý các Đền, Phủ, nâng cao vai trò trách nhiệm của các Thủ nhang, Đồng đền, Thanh đồng đạo quan và phát huy hiệu quả hoạt động của “Câu lạc bộ Bảo tồn Văn hóa đạo Mẫu Việt Nam” và ”Câu Lạc bộ Bảo tồn nghệ thuật Chầu văn Việt Nam” của Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam để từng bước có cơ sở thực tế đề xuất với cấp có thẩm quyền cho thành lập tổ chức phù hợp đối với thờ Mẫu tại Việt Nam. Đồng thời xây dựng quy chế hoạt động và chức năng, nhiệm vụ để phát huy, bảo tồn những giá trị văn hóa trong thờ Mẫu, nhằm đưa các hoạt động của thờ Mẫu đi vào nề nếp theo đúng quy định pháp luật, hạn chế tình trạng thành lập cơ sở thờ Mẫu tràn lan và hoạt động tự phát như thời gian vừa qua;

+ Cần làm rõ yếu tố mê tín, dị đoan trong nghi thức thờ Mẫu; quy định các biện pháp xử lý thích hợp;

+ Cần tăng cường trách nhiệm của các các cấp, các ngành trong việc quản lý đối với các hoạt động thờ Mẫu: Làm tốt công tác quản lý đối với thờ Mẫu, trách nhiệm không chỉ riêng cơ quan quản lý về văn hóa hay về tôn giáo mà là trách nhiệm của các ngành, các cấp, của toàn xã hội. Để giải quyết tốt mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cần phải phân định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan, tránh sự chồng chéo.

+ Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo nói chung và về thờ Mẫu nói riêng. Cần làm cho mọi người dân hiểu được giá trị tích cực của thờ Mẫu và mặt trái của nó, từ đó có ý thức đấu tranh, tẩy chay cái xấu, phát huy cái tốt. Không để diễn ra hiện tượng lợi dụng tín ngưỡng nói chung và các hoạt động thờ Mẫu nói riêng gây hậu quả xấu cho xã hội cả về vật chất và tinh thần.

KẾT LUẬN

Dân tộc Việt Nam ta vốn có truyền thống văn hóa tốt đẹp, giàu bản sắc. Thờ Mẫu với sức sống lâu bền với những nét văn hóa độc đáo xứng đáng được ghi nhận là một di sản văn hóa phi vật thể cần được giữ gìn, bảo vệ và phát huy. Vì vậy, chúng ta cần phải đánh giá đúng đắn những giá trị văn hóa đích thực, những hạn chế và xu hướng phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu, nhất là trong thời kỳ hội nhập hiện nay. Từ đó, xây dựng và ban hành các chính sách pháp luật phù hợp điều chỉnh hoạt động thờ Mẫu nhằm đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, phù hợp với lợi ích của dân tộc, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

Ghi chú: Bài viết trước khi Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của Việt Nam được công nhân là di sản quốc gia và quốc tế. Nay đọc vẫn thấy gợi lên nhiều vấn đề cần tiếp tục suy nghĩ.

Dương Văn Khá - Vụ trưởng Vụ các tôn giáo khác - Ban Tôn giáo Chính phủ

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/mot-so-suy-nghi-ve-cong-tac-quan-ly-nha-nuoc-doi-voi-cac-hoat-dong-tho-mau-o-viet-nam-63520