Một số nước phương Tây sẽ phải mua khí đốt của Nga bằng đồng ruble

Tổng thống Putin đang cố gắng sử dụng mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nga để chống đỡ các đòn trừng phạt kinh tế của phương Tây.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Reuters).

Hôm 23/3, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga sẽ yêu cầu được thanh toán bằng đồng ruble (rúp) khi bán khí đốt sang các quốc gia "không thân thiện". Giá khí đốt ở châu Âu tăng vọt do lo ngại động thái trên sẽ khuếch đại cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra trong khu vực.

Mỹ và các nước châu Âu đã áp đặt trừng phạt nặng nề lên Nga kể từ khi Moscow điều quân đội đến Ukraine ngày 24/2. Song, châu Âu phụ thuộc nặng nề vào khí đốt từ Nga để sưởi ấm và phát điện, và Liên minh châu Âu (EU) hiện đang chia rẽ về việc có nên trừng phạt ngành năng lượng của Nga hay không.

Thông điệp của ông Putin rất rõ ràng: Nếu muốn mua khí đốt của Nga thì phải mua nội tệ của Nga. Không rõ liệu Nga có quyền đơn phương thay đổi các hợp đồng hiện tại vốn đã được đồng ý thanh toán bằng đồng euro hay không.

Sau thông báo bất ngờ trên, đồng ruble có lúc tăng vọt lên mức cao nhất trong ba tuần, trên 95 ruble/USD. Sau đó ruble suy yếu nhưng vẫn ở mức dưới 100 ruble/USD, đóng cửa ở 97,7 ruble/USD, giảm hơn 22% kể từ 24/2.

Một số hợp đồng bán buôn khí đốt của châu Âu tăng tới 30% vào ngày 23/3. Khí đốt bán buôn ở Anh và Hà Lan cũng nhảy vọt.

Khí đốt của Nga chiếm hơn 40% tổng lượng tiêu thụ của châu Âu. Nhập khẩu khí đốt từ Nga của EU trong năm nay biến động từ 200 đến 800 triệu euro (tương đương 880 triệu USD) mỗi ngày.

Trong cuộc họp với các bộ trưởng phát sóng trên truyền hình, ông Putin phát biểu: "Dĩ nhiên, Nga sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt tự nhiên theo khối lượng và giá cả đã được ấn định trong các hợp đồng đã ký trước đó. Sự thay đổi sẽ chỉ ảnh hưởng đến đơn vị tiền tệ thanh toán, cụ thể là đổi thành đồng ruble của Nga".

Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Robert Habeck gọi yêu cầu của ông Putin là vi phạm hợp đồng và những nước mua khí đốt khác của Nga cũng có quan điểm tương tự. Yêu cầu của ông chủ Điện Kremlin càng khó đáp ứng vì các ngân hàng lớn không muốn giao dịch bằng tài sản của Nga.

Theo Gazprom, tính tới 27/1 thì 58% doanh thu bán khí tự nhiên cho châu Âu và các nước khác của công ty quốc doanh này được thanh toán bằng đồng euro. USD và bảng Anh lần lượt chiếm khoảng 39% và 3% tổng doanh thu. Hàng hóa được giao dịch trên toàn thế giới phần lớn được mua bán bằng đồng USD hoặc euro.

Ông Putin nói rằng chính phủ và ngân hàng trung ương có một tuần để đưa ra giải pháp về việc chuyển giao dịch sang đồng nội tệ của Nga. Gazprom sẽ được lệnh thực hiện thay đổi tương ứng tới các hợp đồng khí đốt.

Ông Liam Peach, nhà kinh tế về thị trường mới nổi tại Capital Economics, cho biết: "Biện pháp của Moscow có thể bị diễn giải là một hành vi thách thức và làm tăng khả năng các nước châu Âu siết chặt trừng phạt lên ngành năng lượng Nga".

Ủy ban châu Âu (EC) có kế hoạch cắt giảm 2/3 khí đốt nhập khẩu từ Nga trong năm nay và chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung của Nga "trước năm 2030". Nhưng khác với Mỹ và Anh, các nước EU chưa trừng phạt ngành năng lượng của Nga.

Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Habeck cho biết ông sẽ bàn bạc với các đối tác trong khối để có câu trả lời khả thi sau thông báo của Moscow.

Nga đã lập danh sách các quốc gia "không thân thiện" tương ứng với các quốc gia trừng phạt nước này. Giao dịch với doanh nghiệp và cá nhân từ các quốc gia "không thân thiện" phải được phê duyệt bởi ủy ban chính phủ Nga.

Những nước này bao gồm Mỹ, các thành viên của EU, Anh, Nhật Bản, Canada, Na Uy, Singapore, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và Ukraine. Một vài nước trong số đó không mua khí đốt của Nga, bao gồm Mỹ và Na Uy.

Một quan chức Nhà Trắng nói với tờ Reuters rằng Mỹ đang thảo luận với các đồng minh về vấn đề trên và mỗi nước sẽ tự ra quyết định riêng. Mỹ đã cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga từ đầu tháng 3.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/mot-so-nuoc-phuong-tay-se-phai-mua-khi-dot-cua-nga-bang-dong-ruble.html