Một số nhận thức cơ bản về giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam

Hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được cụ thể hóa trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, đặc biệt được pháp luật hóa ở mức cao nhất với Hiến pháp năm 2013 và Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành. Muốn đạt mục tiêu đề ra cho công tác này cần có nhiều giải pháp căn cơ. Bài viết đề cập và nhấn mạnh giải pháp đầu tiên là phải tiếp tục nâng cao nhận thức về giám sát và phản biện xã hội.

 Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn, trao đổi kinh nghiệm với các luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý cho công dân tại trụ sở tiếp công dân Trung ương, ngày 16/4/2019.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn, trao đổi kinh nghiệm với các luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý cho công dân tại trụ sở tiếp công dân Trung ương, ngày 16/4/2019.

Quá trình hình thành và phát triển nhận thức về giám sát và phản biện xã hội

Nghiên cứu về hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có thể chia làm ba giai đoạn, bắt đầu từ Hiến pháp 1980, tiếp đến là Hiến pháp 1992, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 1999 và hiện nay là Hiến pháp 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc 2015.

Giai đoạn thứ nhất: Giám sát với sự ra đời hoạt động giám sát của nhân dân thông qua Ban Thanh tra nhân dân

Phạm trù giám sát lần đầu tiên được nêu trong Hiến pháp nước ta năm 1980, tại Điều 8, đó là "Tất cả các cơ quan Nhà nước và nhân viên Nhà nước phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa". Điều này thể hiện Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, tất cả quyền lực trong nước đều thuộc về nhân dân. Nhân dân có quyền giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức Nhà nước; đó cũng là quyền làm chủ đất nước của nhân dân. Để Nhà nước thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, tránh được sự lạm quyền. Sự giám sát của nhân dân là một trong những yếu tố rất quan trọng trong một Nhà nước dân chủ nhân dân.

Bước vào giai đoạn tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, giám sát của nhân dân được đề ra theo chủ trương, đường lối đổi mới của Đại hội VI. Với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Đảng ta coi làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa cần được thực hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống và đã xác định mối quan hệ “Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý" thành cơ chế chung trong quản lý toàn bộ xã hội.

Thể chế hóa Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, năm 1990 Nhà nước ban hành Pháp lệnh Thanh tra, trong đó có chế định về Ban Thanh tra nhân dân với tính chất Ban Thanh tra nhân dân là một hình thức giám sát của nhân dân. Nhân dân thực hiện quyền giám sát của mình thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân.

Nghị quyết số 8B/NQ-HNTW khóa VI về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân đã chỉ rõ: “Phát huy vai trò hệ thống thanh tra nhân dân để cùng với hệ thống thanh tra nhà nước giám sát, kiểm tra việc thi hành pháp luật và chủ trương, chính sách của nhà nước, phát hiện và tham gia xử lý những vụ việc tiêu cực trong Đảng, bộ máy Nhà nước và trong xã hội”1.

Như vậy, về mặt Hiến định thì giám sát của nhân dân được đề ra đầu tiên có giá trị pháp lý cao nhất. Đến khi bước vào công cuộc đổi mới đất nước, Đảng đã đề ra chủ trương phải thành lập hệ thống thanh tra nhân dân ở cơ sở để phát huy quyền làm chủ của nhân dân giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, cán bộ, nhân viên Nhà nước; cùng với hệ thống thanh tra nhà nước giám sát, kiểm tra việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước.

Sau khi nhà nước ban hành Pháp lệnh Thanh tra, Ban Thanh tra nhân dân được thành lập ở cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, ở xã, phường, thị trấn và từ năm 1990, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã bắt đầu tổ chức và chỉ đạo hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn với 4 phạm vi giám sát: 1) Giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật của cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức Nhà nước trên địa bàn xã, phường, thị trấn; 2) Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; 3) Giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn. 4) Giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng ở xã, phường, thị trấn, sau khi Nhà nước ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng...

Giai đoạn này hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ yếu tập trung chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động giám sát của nhân dân thông qua Ban Thanh tra nhân dân; giám sát thông qua hoạt động tham gia góp ý kiến các dự thảo Luật, Pháp lệnh; thông qua việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân để kiến nghị với Đảng, Nhà nước.

Giai đoạn thứ hai: Quy định quyền giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước

Thực hiện Cương lĩnh 1991, các nghị quyết của Đảng đã đề ra chủ trương phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó chỉ rõ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng, giám sát, bảo vệ chính quyền… Các cơ quan nhà nước thể chế hóa trách nhiệm và quyền hạn của Mặt trận để Mặt trận thực sự là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, nhất là tham gia quá trình bầu cử, xây dựng các chính sách và đạo luật, tham gia quản lý kinh tế - xã hội, giám sát các hoạt động của cơ quan nhà nước, các đại biểu dân cử và cán bộ nhân viên nhà nước2.

Trên cơ sở đó, Hiến pháp năm 1992. Tại Điều 9 quy định tính chất, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong đó có quy định quyền giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đó là "Mặt trận giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ công chức nhà nước".

Thể chế hóa Hiến pháp năm 1992, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 1999 được ra đời, trong đó quy định những quy phạm như sau: 1) Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tính chất là giám sát mang tính nhân dân; 2) Giám sát của Mặt trận với mục đích là hỗ trợ cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước, nhằm góp phần xây dựng và bảo vệ Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; 3) Đối tượng giám sát là hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức Nhà nước; 4) Nội dung giám sát là theo dõi, xem xét việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, mà trọng tâm là những pháp luật trực tiếp liên quan đến quyền và lợi ích cơ bản của công dân; đến công tác tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; liên quan quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; 5) Hoạt động giám sát của Mặt trận với ba hình thức cơ bản là vận động nhân dân giám sát; tham gia giám sát với cơ quan quyền lực Nhà nước và tự mình giám sát; 6) Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện nhiệm vụ giám sát. Khi nhận được kiến nghị của Mặt trận thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm xem xét, trả lời theo quy định của pháp luật.

Trong giai đoạn này hoạt động giám của Mặt trận bắt đầu chuyển mạnh sang giám sát việc thực hiện pháp luật trên các lĩnh vực chuyên ngành liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân như giám sát thực hiện Luật Đất đai, Luật Khiếu nại - Tố cáo, Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng, chống tham nhũng, Pháp lệnh đối với người có công, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn… mà ở những luật đó quy định nội dung giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Về đối tượng giám sát, không chỉ giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, mà có những cơ chế hoạt động giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở xã, phường, thị trấn.

Về hình thức giám sát, giai đoạn này, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Mặt trận bắt đầu triển khai hoạt động giám sát của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, tham gia giám sát với cơ quan quyền lực Nhà nước ở Trung ương và địa phương. Hoạt động tự mình thành lập đoàn giám sát thì chưa có cơ chế, chính sách cụ thể.

Giai đoạn thứ ba: Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sau khi có Cương lĩnh của Đảng 2011, Hiến pháp 2013 và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 2015

Sau khi tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, Hiến pháp 1992 và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 1999, Đại hội lần thứ XI của Đảng đã bổ sung, phát triển Cương lĩnh 1991, đề ra chủ trương mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc, trong đó có chủ trương tiếp tục đẩy mạnh hoạt động giám sát và thực hiện phản biện xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội X của Đảng, là văn kiện đầu tiên Đảng đề ra chủ trương phát huy vai trò phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân. Thực hiện chủ trương nêu trên của Nghị quyết Đại hội X của Đảng, tháng 12/2013 Bộ Chính trị ban hành Quyết định 217, kèm theo Quy chế về giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội.

Thực hiện Cương lĩnh của Đảng 2011 và các Nghị quyết Đại hội X, XI, Hiến pháp 2013 bổ sung vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Thể chế hóa Hiến pháp 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã quy định rõ quyền và trách nhiệm giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Điểm mới trong giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bổ sung tính chất xã hội của giám sát; quy định những nguyên tắc của hoạt động giám sát; quy định rõ đối tượng, nội dung, phạm vi và 4 hình thức giám sát; quy định quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát; bổ sung đầy đủ hơn trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân và cơ quan tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Về phản biện xã hội, đây là lần đầu tiên Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định các cơ chế về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tương tự như cơ chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đó là quy định tính chất, mục đích, nguyên tắc của hoạt động phản biện; quy định đối tượng, nội dung, phạm vi và 3 hình thức phản biện xã hội; quy định quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hoạt động phản biện; quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo dự thảo văn bản được phản biện.

Để thực hiện các hoạt động giám sát và phản biện xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội (Nghị quyết số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN, ngày 15/6/2017).

So sánh với Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 1999, thì Luật Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 quy định tương đối đầy đủ, rõ ràng hơn về cơ chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như nêu ở trên, nhất là quy định cụ thể, chi tiết các hình thức giám sát.

Trong giai đoạn này, tần xuất hoạt động giám sát của Mặt trận, của nhân dân tăng lên rất nhiều. Hoạt động giám sát được thực hiện theo chương trình, kế hoạch hàng năm.

Đối tượng giám sát, nội dung giám sát, hình thức giám sát từng bước được mở rộng theo Quyết định 217, Quy định 124 của Đảng; theo quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, theo Nghị quyết liên tịch 403 quy định chi tiết các hình thức giám sát và phản biện xã hội. Quyền, trách nhiệm giám sát, phản biện của Mặt trận với tư cách là chủ thể giám sát được quy định rõ ràng; trách nhiệm của cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương được quy định cụ thể trong việc phối hợp và bảo đảm điều kiện để Mặt trận thực hiện công tác giám sát, phản biện.

Hoạt động phản biện xã hội bắt đầu chuyển động mạnh từ Trung ương đến cơ sở xã, phường, thị trấn với hình thức Hội nghị phản biện.

Có thể nói rằng, hiện nay hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có cơ chế, chính sách, pháp luật quy định tương đối đầy đủ. Hoạt động giám sát của nhân dân thông qua Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã có cơ chế, chính sách, pháp luật với giá trị pháp lý nhất định, để nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát huy vai trò trên lĩnh vực giám sát, phản biện xã hội, góp phần tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân ngày càng vững mạnh.

Tính xã hội, tính nhân dân trong giám sát và phản biện

Tính xã hội

Nghiên cứu trong hệ thống chính trị, theo quan điểm của Đảng, thì giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không mang tính Đảng, tính quyền lực của Nhà nước, mà mang tính xã hội. Giám sát xã hội là giám sát của ba lực lượng cơ bản. Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo xã hội, đồng thời có vai trò giám sát việc thực hiện lãnh đạo đó; các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp là những bộ máy công quyền thực hiện chức năng thay mặt nhân dân giám sát việc thực thi pháp luật của cá nhân, tổ chức, việc thực hiện quyền tự do dân chủ của nhân dân; các cá nhân, tổ chức của xã hội giám sát lực lượng lãnh đạo chính trị, lực lượng thực hiện quyền lực của nhân dân, cán bộ, công chức, đảng viên và các thành viên của xã hội trong việc thực hiện Điều lệ, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quyền làm chủ, quyền con người của nhân dân.

Phản biện xã hội là phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia quản lý nhà nước, góp ý kiến với cán bộ, công chức và các cơ quan nhà nước. Mọi đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước đều phục vụ lợi ích của đại đa số nhân dân. Nhân dân không chỉ có quyền mà còn có trách nhiệm tham gia hoạch định và thi hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Phản biện xã hội là nhu cầu cần thiết và là đòi hỏi bắt buộc của quá trình lãnh đạo và điều hành đất nước, khắc phục tệ quan liêu3.

Giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc thể hiện quyền lực chính trị của nhân dân. Nhân dân với vai trò là chủ nhân của đất nước. Dân là gốc, phát huy quyền chính trị của nhân dân trong giám sát và phản biện hoạt động của cơ quan nhà nước là thể hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa trong thể chế chính trị ở nước ta. Giám sát, phản biện là một phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, là liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài có quyền đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Hoạt động giám sát việc thực hiện pháp luật; phản biện dự thảo các chủ trương, chính cách, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ, giáo dục, y tế, môi trường, trật tự an ninh chung toàn xã hội của Đảng, Nhà nước là trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tính nhân dân

Tính nhân dân trong hoạt động giám sát, phản biện trước hết là thể hiện quyền lực của nhân dân trong chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa. Phát huy dân chủ, nhân dân có quyền giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, nhân viên nhà nước. Ngoài thể chế nhân dân ủy quyền cho Nhà nước thực hiện giám sát, nhân dân còn thực hiện quyền dân chủ trực tiếp, giám sát Nhà nước, giám sát cán bộ, công chức nhà nước. Mọi hoạt động của Nhà nước, của cán bộ, công chức, viên chức đều chịu sự giám sát của nhân dân.

Tính nhân dân trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội, là Mặt trận Tổ quốc phải bằng nhiều hình thức, biện pháp vận động được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia vào các hoạt động giám sát, phản biện như: dựa vào sự theo dõi, phát hiện và cung cấp thông tin từ người dân, các đối tượng vận động của Mặt trận; dựa vào các ý kiến, phản ánh, kiến nghị của các thành viên của Mặt trận, của hệ thống Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; hoạt động giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên, giám sát của các phương tiện thông tin đại chúng; từ hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; thông qua hoạt động tiếp công dân, tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân… Tính nhân dân còn thể hiện qua các hoạt động trực tiếp giám sát của Mặt trận phát hiện có sai sót, vi phạm pháp luật, thì kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân khắc phục, sửa chữa sai sót; kiến nghị xử lý vi phạm (nếu có), kiến nghị sửa đổi, bổ sung pháp luật, kiến nghị giải quyết quyền lợi cho công dân, đoàn viên, hội viên bị xâm hại.

Phân biệt giữa giám sát của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Trong hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay có ba loại giám sát, đó là giám sát của Đảng, giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước (Quốc hội, Hội đồng nhân dân) và giám sát của nhân dân (trong đó có giám sát của Mặt trận).

Giám sát của Đảng

Theo quy định tại Điều 4 Hiến pháp năm 2013, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Điều lệ Đảng tại lời mở đầu chỉ rõ: Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân; dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; đoàn kết và lãnh đạo nhân dân tiến hành cách mạng. Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là bộ phận của hệ thống ấy. Đảng lãnh đạo, tôn trọng và phát huy vai trò của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Với quan điểm về đường lối như vậy được quy định trong điều lệ và Hiến pháp, Đảng quy định giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng.

Mục đích, yêu cầu của giám sát là phát hiện những vấn đề mới, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm ngay từ lúc manh nha.

Nội dung giám sát là cùng với công tác kiểm tra, công tác giám sát việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, nghị quyết cấp ủy và đạo đức, lối sống của đảng viên theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương.

Chức năng giám sát được Đại hội Đảng giao cho các cấp ủy Đảng và Ủy ban Kiểm tra các cấp của Đảng thực hiện. Tổ chức Đảng và đảng viên chịu sự kiểm tra, giám sát của Đảng. Ủy ban Kiểm tra các cấp ngoài nhiệm vụ kiểm tra đảng viên, tổ chức Đảng, còn có nhiệm vụ giám sát cấp ủy viên cùng cấp, cán bộ diện cấp ủy cùng cấp quản lý và tổ chức Đảng cấp dưới về các nội dung giám sát nêu trên. Ủy ban kiểm tra các cấp có quyền yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, đảng viên giải trình về các vấn đề thuộc thẩm quyền và trách nhiệm kiểm tra, giám sát được giao.

Trong quá trình giám sát, phát hiện có vi phạm, phải được kết luận rõ ràng đúng, sai và kiến nghị xử lý theo quy định của Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân

Giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân có tính quyền lực của cơ quan quyền lực Nhà nước. Ví dụ: tính quyền lực thể hiện ở việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyền đình chỉ thi hành các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội và trình Quốc hội quyết định hủy bỏ các văn bản đó; bãi bỏ Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong trường hợp Hội đồng nhân dân đó làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của nhân dân. Hội đồng nhân dân có quyền bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân cùng cấp, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của mình; quyết định giải tán Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp trong trường hợp Hội đồng nhân dân đó làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích nhân dân.

Theo quy định của Hiến pháp, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước trên cơ sở hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

Hội đồng nhân dân thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp. Giám sát thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân; giám sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và của công dân ở địa phương.

Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không mang tính quyền lực, là giám sát mang tính xã hội, tính nhân dân như nêu ở trên. Mặt trận là nơi thể hiện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vận động nhân dân giám sát, tham gia giám sát hoặc trực tiếp giám sát theo nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định với cơ chế là “theo dõi, xem xét, đánh giá, kiến nghị ” đối với hoạt động của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, đồng thời giám sát việc giải quyết kiến nghị đó.

Một số kinh nghiệm về hoạt động giám sát và phản biện

Tư tưởng chỉ đạo chung của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp về hoạt động giám sát, phản biện xã hội là phải thiết thực, nâng cao chất lượng và hiệu quả. Qua thực tiễn tổng kết hoạt động nhiều năm và những năm gần đây về công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, có một số kinh nghiệm như sau:

Thứ nhất, cán bộ Mặt trận phải thường xuyên nâng cao nhận thức và kiến thức về giám sát và phản biện xã hội.

Về nhận thức: Phải thấm nhuần sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng về vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, mà một trong nội hàm là phát huy dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, phản biện đối với các dự thảo, dự kiến, dự án, đề án về chủ trương, chính sách, chương trình kinh tế - xã hội một cách thiết thực và hiệu quả, chính là góp phần xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Mặt khác, việc thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội một cách thiết thực hiệu quả cũng là thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và chính đáng của nhân dân.

Về kiến thức: Phải nắm vững cơ sở lý luận về chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giám sát và phản biện xã hội. Nắm vững những kiến thức cơ bản về giám sát, phản biện; những cơ chế, chính sách, pháp luật về hoạt động giám sát, phản biện. Kết hợp chặt chẽ giữa tính chất pháp lý và tính xã hội, tính nhân dân trong quá trình hoạt động giám sát, phản biện; mối quan hệ với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình hoạt động giám sát, phản biện.

Thứ hai, cán bộ Mặt trận phải có bản lĩnh trong hoạt động giám sát, phản biện. Kết hợp nhuần nhuyễn tính pháp lý với sự thuyết phục, động viên, biểu dương, khen thưởng người tốt, việc tốt, đồng thời chỉ ra những thiếu sót, sai sót, khuyết điểm, những hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát, phản biện. Theo dõi đến cùng việc giải quyết, trả lời kiến nghị của nhân dân của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hoạt động giám sát, phản biện.

Đỗ Duy Thường

Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Nguyên Phó Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam

Chú thích:

1, 2. Một số văn kiện của Đảng về công tác dân vận, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000, tr. 110, 277, 278.

3. Tìm hiểu một số thuật ngữ trong văn kiện Đại hội X của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia. Hà Nội 2006, tr. 182-185.

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/nghien-cuu/mot-so-nhan-thuc-co-ban-ve-giam-sat-va-phan-bien-xa-hoi-cua-mttq-viet-nam-37938.html