Một số nét mới về cục diện khu vực Trung Nam Á

Trong thời gian gần đây, Trung Nam Á đã thu hút nhiều sự chú ý của cộng đồng quốc tế sau những sự kiện liên quan đến khu vực này, như lực lượng Hồi giáo Ta-li-ban lên nắm quyền ở Áp-ga-ni-xtan, Mỹ rút quân khỏi khu vực, cuộc khủng hoảng chính trị ở Ca-dắc-xtan gắn với sự phục hồi của Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO). Trong bối cảnh đó, cục diện khu vực Trung Nam Á đang được định hình lại và bộc lộ nhiều đặc điểm mới.

BỐI CẢNH ĐỊA - CHIẾN LƯỢC CỦA KHU VỰC

Trung Nam Á là một khu vực rộng lớn, nằm ở trung tâm của đại lục địa Á - Âu, được cấu thành bởi hai khu vực Trung Á và Nam Á với tổng diện tích 9,2 triệu ki-lô-mét vuông, gần bằng diện tích của châu Âu và gấp đôi diện tích của khu vực Đông Nam Á. Khu vực này hiện bao gồm 13 quốc gia, trong đó có 5 nước Trung Á thuộc Liên Xô cũ, gồm Ca-dắc-xtan, U-dơ-bê-ki-xtan, Cư-rơ-gư-xtan, Ta-gi-ki-xtan, Tuốc-mê-ni-xtan và 8 nước Nam Á là Ấn Độ, Pa-ki-xtan, Áp-ga-ni-xtan, Băng-la-đét, Nê-pan, Bu-tan, Xri Lan-ca và Man-đi-vơ. Với thành phần đa dạng về văn hóa, sắc tộc, Trung Nam Á không chỉ là ngã tư chiến lược, nơi giao thoa giữa các nền văn minh Đông - Tây, mà còn là nơi đan xen lợi ích của các đế chế, các nước lớn trong hàng nghìn năm qua. Theo cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Z. Brê-din-xki(1), cường quốc nào kiểm soát được đại lục Á - Âu thì sẽ có khả năng kiểm soát được thế giới, bởi lục địa Á - Âu chiếm 2/3 dân số, 2/3 GDP và 3/4 tài nguyên thiên nhiên toàn cầu. Trong đó, Z. Brê-din-xki đánh giá khu vực Trung Nam Á và Tây Á chiếm giữ vị trí trọng yếu nhất ở lục địa Á - Âu, có tiềm năng trở thành một “Ban-căng” của châu Á.

Ngoài vị trí địa lý đặc biệt quan trọng, khu vực Trung Nam Á còn sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú hàng đầu thế giới, trong đó có những nguồn năng lượng quan trọng, như dầu mỏ, khí đốt và các loại khoáng sản. Theo nhà nghiên cứu người Nga Ph. A-min-dô-nốp(2), riêng trữ lượng u-ra-ni-um của hai quốc gia Ca-dắc-xtan và U-dơ-bê-ki-xtan đã chiếm hơn 20% số lượng u-ra-ni-um toàn cầu. Các quốc gia có dự trữ khí đốt tự nhiên hàng đầu ở khu vực là Tuốc-mê-ni-xtan (đứng thứ sáu thế giới) và U-dơ-bê-ki-xtan (đứng thứ 19 thế giới). Nguồn năng lượng quan trọng thứ hai ở Trung Á là dầu mỏ. Hiện nay, Ca-dắc-xtan có lượng dự trữ dầu mỏ đạt 30 tỷ thùng, đứng thứ 12 thế giới. Sản lượng khai thác dầu của nước này đạt 1,7 triệu thùng/ngày với tốc độ tăng trung bình 14%/năm(3). Các nguồn năng lượng khác ở Trung Á bao gồm than đá, năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Đặc biệt, kho tài nguyên năng lượng của các nước khu vực Trung Á không bao giờ thiếu thị trường xuất khẩu bởi láng giềng của khu vực này chính là các khách hàng tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, các nước châu Âu và kể cả Nga. Còn với Nam Á, hầu hết các quốc gia ở khu vực này không nổi bật về tài nguyên thiên nhiên, nhưng cũng có một số quốc gia giàu tài nguyên năng lượng như Áp-ga-ni-xtan - nơi có các mỏ khoáng sản trị giá hơn 1.000 tỷ USD hay Ấn Độ, Pa-ki-xtan với nguồn dự trữ dầu mỏ và khí đốt đáng kể.

Bước vào thế kỷ XXI, khi an ninh năng lượng trở thành một vấn đề toàn cầu, các cường quốc hàng đầu như Nga, Trung Quốc và Mỹ cần nhiều nguồn năng lượng hơn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao thì Trung Á sẽ là một trong những lựa chọn thay thế hàng đầu, bởi khu vực này có nhiều tiềm năng khai thác. Do đó, có thể thấy Trung Nam Á có vị trí địa - chiến lược then chốt không chỉ ở châu Á nói riêng mà còn của thế giới nói chung.

CỤC DIỆN TRUNG NAM Á SAU KHI MỸ RÚT QUÂN KHỎI AFGHANISTAN

Việc rút quân khỏi Áp-ga-ni-xtan khiến vai trò của Mỹ ở khu vực Trung Nam Á vốn khá hạn chế thì nay lại càng thu hẹp hơn. Mỹ cũng không có nhiều khả năng để quay trở lại khu vực bởi sẽ vấp phải sự phản đối của chính phủ các nước Trung Nam Á. Hiện cả hai căn cứ quân sự của Mỹ ở U-dơ-bê-ki-xtan và Cư-rơ-gư-xtan đều đã đóng cửa từ năm 2014. Mạng lưới phân phối phương Bắc (NDN) - một tập hợp những đường tiếp vận hậu cần của Mỹ sang Áp-ga-ni-xtan thông qua Nga và Trung Á, vốn được thiết lập từ năm 2009 cũng đã đóng cửa vào năm 2015(4). Mặc dù Chính phủ Mỹ cam kết xây dựng những căn cứ mới ở khu vực biên giới Ta-gi-ki-xtan - Áp-ga-ni-xtan, song những hỗ trợ về an ninh đã giảm xuống chỉ còn 11 triệu USD vào năm 2020, mức thấp so với 450 triệu USD vào năm 2011(5). Các cuộc tập trận của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có sự tham gia của lực lượng quân sự các quốc gia Trung Á cũng ngày càng suy giảm.

Trong khi đó, nguy cơ xung đột ở khu vực này vẫn còn tồn tại do tình hình bất ổn ở Áp-ga-ni-xtan. Tháng 10-2021, sau cuộc xung đột giữa Chính phủ Ta-gi-ki-xtan và lực lượng Hồi giáo Ta-li-ban, Bộ Ngoại giao Nga đã bày tỏ quan ngại về sự leo thang căng thẳng trong quan hệ giữa Ta-gi-ki-xtan và Áp-ga-ni-xtan. Căng thẳng giữa Ta-gi-ki-xtan và Áp-ga-ni-xtan vào thời điểm đó đã mở ra nguy cơ lan rộng xung đột tại Áp-ga-ni-xtan, khiến các quốc gia ở cả trong và ngoài khu vực đều lo ngại và nhận thấy cần phải thúc đẩy các hoạt động hợp tác với Nga, Trung Quốc và Liên minh châu Âu trong nỗ lực chung nhằm góp phần ổn định tình hình khu vực.

Trước tình hình đó, những quốc gia ở khu vực Trung Á có chung biên giới với Ta-gi-ki-xtan và Áp-ga-ni-xtan ngày càng mong đợi vào sự hỗ trợ của các đối tác bên ngoài để củng cố năng lực phòng thủ của mình. Việc Mỹ rút quân khỏi Trung Nam Á đã tạo cơ hội để Nga và Trung Quốc tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực và lấp khoảng trống quyền lực do Mỹ để lại. Tháng 8-2021, chỉ vài ngày sau khi lực lượng Ta-li-ban kiểm soát thủ đô Ca-bun (Áp-ga-ni-xtan), Nga đã tiến hành hai cuộc tập trận với U-dơ-bê-ki-xtan và Ta-gi-ki-xtan. Sau khi các cuộc tập trận này kết thúc, Trung Quốc cũng tổ chức các cuộc diễn tập chống khủng bố với Ta-gi-ki-xtan(6).

Các hoạt động chiến lược của Trung Quốc ở Ta-gi-ki-xtan đã gia tăng đáng kể từ năm 2016 khi Trung Quốc lần đầu tiên thiết lập căn cứ quân sự đầu tiên với quy mô nhỏ ở vùng Murghab của Ta-gi-ki-xtan(7). Năm 2021, Trung Quốc tiếp tục hợp tác với Ta-gi-ki-xtan xây dựng căn cứ thứ hai ở gần biên giới Ta-gi-ki-xtan và Áp-ga-ni-xtan nhằm tăng cường chống khủng bố và hỗ trợ bảo đảm an ninh với Ta-gi-ki-xtan.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (giữa) cùng đại diện ngoại giao các nước láng giềng Afghanistan tại Hội nghị "Bộ Ba" mở rộng về Afghanistan, ở Đồn Khê, tỉnh An Huy, Trung Quốc, ngày 31/3/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (giữa) cùng đại diện ngoại giao các nước láng giềng Afghanistan tại Hội nghị "Bộ Ba" mở rộng về Afghanistan, ở Đồn Khê, tỉnh An Huy, Trung Quốc, ngày 31/3/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trung Quốc cũng đang thiết lập sự hiện diện chiến lược của mình ở những lĩnh vực công nghệ, như thiết bị bay không người lái. Bên cạnh đó, Trung Quốc ngày càng chủ động hơn trong việc tiến hành các cuộc tập trận chung mang tính chiến lược với các nước khu vực thông qua cơ chế song phương hoặc đa phương. Kể từ năm 2014, Trung Quốc bắt đầu tích cực thực hiện các hoạt động trong công tác phòng thủ ở Trung Á bởi Trung Quốc coi khu vực này là “bức tường thành” để ngăn chặn bất ổn ở Áp-ga-ni-xtan lan sang vùng biên giới của Trung Quốc. Những hoạt động này tập trung vào công tác phối kết hợp giữa các lực lượng an ninh trong nước, lực lượng bán quân sự và lực lượng chống khủng bố của Trung Quốc với những đối tác của các quốc gia Trung Á. Khoảng 59% các cuộc tập trận của Trung Quốc liên quan tới các lực lượng an ninh cùng với sự kết hợp của các lực lượng cảnh sát và tác chiến đặc biệt. Điều này cho thấy sự khác biệt rõ ràng với cách tiếp cận của Nga đối với an ninh Trung Á. Bản chất an ninh của những cuộc tập trận mà Trung Quốc tiến hành với các quốc gia Trung Á cho thấy Trung Quốc tôn trọng vai trò chủ đạo của Nga trong việc bảo trợ an ninh khu vực và tự giới hạn phạm vi hợp tác với các nước Trung Á trong vấn đề chống khủng bố.

Trong bối cảnh mới hiện nay, Nga và Trung Quốc đang có xu hướng giảm thiểu cạnh tranh và tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn ở Trung Nam Á bởi cả hai nước đều có những lợi ích chung ở khu vực này. Thứ nhất, cả hai nước đều có chung quan ngại về nguy cơ khu vực này sẽ trở thành “bệ phóng” của chủ nghĩa khủng bố; thứ hai, cả Nga và Trung Quốc đều mong muốn duy trì sự ổn định khu vực; thứ ba, hai nước đều không muốn ảnh hưởng của Mỹ lớn mạnh ở khu vực. Trên thực tế, Nga và Trung Quốc hiện là hai cường quốc có lợi thế lớn trong cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn, bởi nhiều quốc gia Trung Á ủng hộ Sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc và chiến lược địa Á - Âu của Nga bởi hai chiến lược này đều thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư và phát triển kết cấu hạ tầng, mang lại nhiều lợi ích cho các nước khu vực Trung Nam Á.

Nga được coi là đối tác an ninh chủ chốt của Trung Á khi vẫn duy trì các cơ sở quân sự ở Ca-dắc-xtan, Ta-gi-ki-xtan và Cư-rơ-gư-xtan, cũng như duy trì cung cấp 50% khí tài cho Trung Á. Nga có nhiều cơ chế để hỗ trợ an ninh cho khu vực Trung Á, cả về mặt song phương và đa phương, như thông qua CSTO. Các dữ liệu cho thấy, thị phần vũ khí của Nga trong khu vực khá ổn định trong vòng 10 năm qua, các cuộc tập trận của Nga trong khu vực cũng có xu hướng tăng dần về số lượng khi Mỹ triển khai kế hoạch rút quân khỏi Áp-ga-ni-xtan. Các nước Trung Á cũng đã ký kết các thỏa thuận mua bán vũ khí của Nga với giá ưu đãi. Nga thậm chí viện trợ không hoàn lại vũ khí cho những nước nghèo hơn.

Trong những năm gần đây, Nga tích cực thể hiện sức mạnh quân sự tại Trung Á. Tháng 8/2018, lực lượng quân đội Nga ở Ta-gi-ki-xtan đã tiến hành hàng loạt vụ không kích nhằm vào các đối tượng mua bán trái phép ma túy ở khu vực biên giới với Áp-ga-ni-xtan, đánh dấu sự can thiệp vũ trang đầu tiên liên quan đến Áp-ga-ni-xtan kể từ khi Liên Xô rút khỏi nước này vào năm 1989. Chỉ vài tuần sau sự sụp đổ của chính quyền Áp-ga-ni-xtan, Nga đã tăng cường sức mạnh cho căn cứ quân sự với 7.000 quân đồn trú ở Ta-gi-ki-xtan bằng cách điều động thêm 30 xe tăng, 17 phương tiện chiến đấu bộ binh và hàng loạt tên lửa dẫn đường chống tăng Kornet(8).

Ở Nam Á, Nga đang duy trì quan hệ chặt chẽ với Ấn Độ. Bên cạnh đó, kể từ khi lực lượng Ta-li-ban lên nắm quyền kiểm soát Áp-ga-ni-xtan, Nga tăng cường năng lực mạng lưới hậu cần của mình nhằm bảo đảm khả năng vận chuyển máy bay trực thăng Mi-8 và Mi-24 đến Căn cứ không quân Gissar bên ngoài thủ đô Đu-san-be (Ta-gi-ki-xtan) để chuẩn bị cho tình huống Áp-ga-ni-xtan rơi vào hỗn loạn. Theo giới phân tích, mặc dù Nga và Trung Quốc hiện đang gia tăng hợp tác và giảm thiểu cạnh tranh ở Trung Nam Á nhưng trong tương lai khi quân đội Mỹ không còn hiện diện ở khu vực thì sự hợp tác này sẽ phải đối diện với những thách thức. Ngành xuất khẩu vũ khí được coi là lĩnh vực mà cả Nga và Trung Quốc đều có khả năng cạnh tranh khi ngành công nghiệp vũ khí của Trung Quốc bùng nổ đến mức cần mở rộng thị trường xuất khẩu. Trong tương lai, có thể Trung Quốc sẽ cân nhắc điều chỉnh cách tiếp cận đối với khu vực Trung Nam Á để có thể vừa đạt được lợi ích lớn nhất, vừa tránh va chạm lợi ích với Nga. Trung Quốc cũng tỏ ra chủ động hơn khi thiết lập những cơ chế đa phương của riêng mình, như cuộc họp các ngoại trưởng của Trung Quốc với các nước Trung Á từ năm 2020 đến nay.

SỰ GIA TĂNG ẢNH HƯỞNG CỦA ẤN ĐỘ VÀ CÁC NƯỚC KHÁC Ở KHU VỰC TRUNG NAM Á

Ấn Độ vốn là cường quốc số một ở khu vực Nam Á với sức mạnh kinh tế, quân sự vượt trội so với các nước còn lại. Văn minh Ấn Độ cũng được coi là một phần không thể tách rời của nền văn minh Trung Á với nhiều mối liên hệ gần gũi về lịch sử và văn hóa. Trong chính sách “Láng giềng trước tiên” được triển khai từ khi Thủ tướng Ấn Độ N. Mô-đi nắm quyền, Ấn Độ luôn thể hiện sự coi trọng và mong muốn gia tăng ảnh hưởng của mình ở khu vực Trung Á. Sau khi lực lượng Taliban nắm quyền kiểm soát ở Áp-ga-ni-xtan vào cuối năm 2021, Ấn Độ đã chủ động thúc đẩy vấn đề bảo đảm an ninh của các quốc gia Trung Á, bởi đây vốn là sự cấu thành vành đai an ninh mở rộng của nước này. Ấn Độ cùng Nga và Trung Quốc đều quan ngại nguy cơ Áp-ga-ni-xtan nổi lên như một tâm điểm của chủ nghĩa khủng bố quốc tế, và điều đó có thể ảnh hưởng xấu đến an ninh khu vực. Vì vậy, Ấn Độ đã có nhiều động thái cả ở cấp độ đa phương và song phương nhằm góp phần bảo đảm an ninh khu vực. Tháng 11-2021, tại cuộc họp về Áp-ga-ni-xtan do Ấn Độ chủ trì với sự tham gia của Ngoại trưởng Nga và các nước Trung Á, Ấn Độ đã nêu sáng kiến về việc thành lập một chính phủ bao trùm ở Áp-ga-ni-xtan để bảo đảm sự an toàn của phụ nữ, trẻ em và người thiểu số, hỗ trợ nhân đạo, ngăn chặn các hoạt động khủng bố và chống chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức và biểu hiện, bao gồm cả hoạt động tài trợ cho khủng bố. Tháng 12-2021, tại cuộc Đối thoại Ấn Độ - Trung Á lần thứ ba, Ngoại trưởng Ấn Độ cùng người đồng cấp ở 5 nước Trung Á đã ra tuyên bố chung kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hợp tác chống khủng bố toàn cầu. Ngoại trưởng Ấn Độ nhấn mạnh việc sử dụng tối ưu Hành lang giao thông Bắc - Nam quốc tế (INSTC) cũng như Thỏa thuận Ashgabat về vận tải quốc tế và hành lang quá cảnh nhằm tăng cường kết nối giữa Ấn Độ và các nước Trung Á.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chủ trì Hội nghị thượng đỉnh giữa Ấn Độ và các quốc gia Trung Á theo hình thức trực tuyến, ngày 27/1/2022. (Nguồn: mfa.gov.kg)

Những cường quốc tầm trung khác, như Thổ Nhĩ Kỳ hay I-ran cũng đang thể hiện vai trò tích cực hơn ở khu vực. Trên thực tế, I-ran với dân số đông đảo (khoảng 84 triệu người), có trình độ học vấn cao và thừa hưởng nền văn hóa Ba Tư phong phú, có ảnh hưởng sâu rộng tới các nước lân cận, nhưng do một số nguyên nhân, tác động địa - chính trị của I-ran đối với khu vực Trung Nam Á vẫn còn khá khiêm tốn. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, theo đánh giá của giới phân tích, Thổ Nhĩ Kỳ có thể mở rộng ảnh hưởng tới các nước Trung Nam Á thông qua yếu tố chung là Hồi giáo. Sự gần gũi về dân tộc, văn hóa giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Trung Nam Á hình thành nên vị thế của nước này trong khu vực. Bên cạnh đó, một trong những công cụ giúp Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường vị thế của mình là mở rộng hợp tác về kinh tế. Trước hết, Thổ Nhĩ Kỳ coi Trung Nam Á như một hướng triển vọng để đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông. Việc tạo ra các tuyến đường cao tốc và các tuyến đường mới là điều cần thiết để khắc phục sự phụ thuộc về kết cấu hạ tầng vào Nga. Vì vậy, các nước trong khu vực đã chủ động đề xuất nhiều dự án nhằm giải quyết vấn đề này. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đưa ra nhiều kế hoạch đầy tham vọng. Đơn cử như, Thổ Nhĩ Kỳ dự định cùng với Trung Quốc thực hiện dự án tuyến đường vận tải xuyên biển Ca-xpi - một tuyến đường huyết mạch kết nối các quốc gia gốc Thổ ở khu vực này. Việc xây dựng hành lang này, sẽ bảo đảm một tuyến đường trực tiếp đi vào Trung Á, qua đó thúc đẩy nâng cao xuất khẩu hàng hóa, cũng như nhập khẩu nguyên liệu thô. Ngoài ra, khu vực này cũng được Thổ Nhĩ Kỳ quan tâm bởi sự đa dạng trong nguồn cung cấp năng lượng. Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực đẩy mạnh nguồn cung dầu mỏ từ Ca-dắc-xtan thông qua dự án Hành lang khí đốt phía Nam (SGC). Những kế hoạch như vậy đã chứng minh dự định của Thổ Nhĩ Kỳ với mong muốn trở thành một “trung tâm trung chuyển năng lượng” của lục địa Á - Âu, qua đó khí đốt sẽ được vận chuyển từ Trung Á tới châu Âu.

Có thể thấy, khi không còn sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Trung Nam Á, cục diện của khu vực đã thay đổi, mở ra không gian rộng lớn hơn để các cường quốc hàng đầu, quốc gia tầm trung gia tăng ảnh hưởng và cạnh tranh lợi ích từ khu vực này. Tuy nhiên, cục diện khu vực Trung Nam Á sẽ vẫn phức tạp bởi theo thời gian, khi khu vực này được nhiều chủ thể quốc tế chú trọng hơn thì sự cạnh tranh cũng sẽ ngày càng gia tăng và sẽ có tác động lớn hơn tới cục diện toàn cầu./.

Nguyễn Trần Xuân Sơn
Ban Đối ngoại Trung ương

_____________________

(1) Xem: Zbigniew Brzezinski: “Bàn cờ lớn: Thời hoàng kim của Mỹ và các ưu tiên địa chiến lược của nước này”, Basic Books, 1997, tr. 28.

(2) Xem: Aminjonov: “Central Asian gas exports dependency: Swapping Russian patronage for Chinese” (Tạm dịch: Sự phụ thuộc của các nước Trung Á vào xuất khẩu khí đốt: Chuyển đối tác chính từ Nga sang Trung Quốc), Tạp chí The RUSI, 163(2), tr. 66-77.

(3) Xem: Assel Satubaldina: “Kazakhstan’s Oil Production Grows 14 Percent Over Year” (Tạm dịch: Sản lượng dầu của Kazakhstan tăng 14% so với năm trước), ngày 14-3-2022, https://astanatimes.com/2022/03/kazakhstans-oil-production-grows-14-percent-over-year/.

(4) Xem: John.C.K.Daly: “Russia Shutters Northern Distribution Network” (Tạm dịch: Nga đóng cửa Mạng lưới phân phối phía Bắc), ngày 15-6-2015, https://jamestown.org/program/russia-shutters-northern-distribution-network/.

(5) Xem Edward Lemon & Bradley Jardine: “Central Asia’s Multi-vector Defense Diplomacy” (Tạm dịch: Chính sách ngoại giao quốc phòng đa phương diện của Trung Á), tháng 6-2021, https://www.wilsoncenter.org/publication/kennan-cable-no-68-central-asias-multi-vector-defense-diplomacy.

(6) Xem Laura Zhou: “China conducts anti-terror drill with Tajikistan, as Afghan spillover worries grip central Asia” (Tạm dịch: Trung Quốc tiến hành diễn tập chống khủng bố trong bối cảnh tình hình Afghanistan khiến Trung Á quan ngại), ngày 18-8-2021, https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/3145532/china-conducts-anti-terror-drill-tajikistan-afghan-spillover.

(7) Xem Eurasianet.org: “Tajikistan: Secret Chinese base becomes slightly less secret” (Tạm dịch: Các căn cứ của Trung Quốc ở Tajikistan), ngày 23-9-2020, https://eurasianet.org/tajikistan-secret-chinese-base-becomes-slightly-less-secret.

(8) Xem Reuters: “Russia to reinforce its Tajikistan base with new tanks” (Tạm dịch: Nga tăng cường xe tăng cho căn cứ ở Tajikistan), ngày 10-9-2021, https://www.reuters.com/world/asia-pacific/russia-reinforce-its-tajikistan-base-with-new-tanks-2021-09-10/.

(Nguồn: TC Cộng sản)

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/the-gioi/mot-so-net-moi-ve-cuc-dien-khu-vuc-trung-nam-a-140773