Một số mô hình nuôi mới cho hiệu quả kinh tế cao ở Hậu Giang

Thời gian qua, bên cạnh phát triển các loài thủy sản đặc trưng của tỉnh Hậu Giang như cá thát lát, cá tra, rô đồng… thì nhiều nông dân còn nhanh nhạy chuyển sang các loài thủy sản mới cho hiệu quả kinh tế cao.

Sau 2 năm thả nuôi, đàn cá hô của ông Nam đạt trọng lượng từ 4-5kg/con.

Sau 2 năm thả nuôi, đàn cá hô của ông Nam đạt trọng lượng từ 4-5kg/con.

Nhiều con nuôi mang lại lợi nhuận cao

Trong một lần đi tham quan mô hình nuôi cá hô ở tỉnh Tiền Giang thấy giá trị cũng như tiềm năng của loại cá này, ông Trần Quốc Nam, ở ấp 3, xã Thạnh Hòa (Phụng Hiệp) đã mạnh dạn chuyển hơn 2.000m2 mặt nước nuôi cá thát lát sang nuôi gần 2.000 con cá hô, với chi phí gần 20 triệu đồng. Do mới nuôi loài cá này, chưa có nhiều kinh nghiệm nên tỷ lệ hao hụt ban đầu gần 30%. Không chấp nhận thất bại, ông Nam tìm tòi qua sách báo và học hỏi kinh nghiệm của người đã nuôi cá hô về kiến thức nuôi cá hô trong ao, dần dần giải quyết được tình trạng hao hụt con giống.

Ông Nam chia sẻ: “Sau nhiều năm gắn bó với cá thát lát, hiện loài thủy sản này được nuôi khá nhiều nên giá bán giảm mạnh. Thấy cá hô có giá trị kinh tế cao, lại là loài quý hiếm nên gia đình nuôi thử. Từ kinh nghiệm đúc kết được trong quá trình nuôi, giờ đây đàn cá hô của gia đình đang phát triển khá tốt”.

Hiện, đàn cá hô của ông Nam còn lại khoảng 1.300 con, thức ăn đa phần là thức ăn công nghiệp dạng viên. Với đàn cá này, chi phí cho ăn mỗi tháng gần 1 triệu đồng. “Cá hô càng lớn cho giá trị càng cao, hiện đàn cá của gia đình đã đạt trọng lượng trên 4kg/con, thương lái đã trả giá 280.000 đồng/kg. Nếu nuôi cá đạt trọng lượng 7-10kg thì giá sẽ ở mức 700.000-800.000 đồng/kg. Hiện, đàn cá của gia đình đang lớn nên dự định tiếp tục neo lại để cá lớn, bán với giá cao hơn”.

Ông Nguyễn Văn Học, cán bộ kỹ thuật xã Thạnh Hòa, cho biết: Cá hô là loài dễ nuôi, nếu nắm vững kỹ thuật thì tỷ lệ hao hụt thấp. Quan trọng khi nuôi là phải chọn con giống đã thuần hóa. Đồng thời, ao nuôi phải rộng và sâu cho cá lấy được ôxy tự nhiên để quang hợp”.

Còn ông Đỗ Văn Dững (ấp Phương Hòa, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp) thời gian qua cũng đã đầu tư gần 10 triệu đồng xây bể xi măng lót bạt nuôi thử nghiệm 1.000 con cá chạch lấu. Ông Dững cho biết: Nuôi cá chạch lấu mau cho thu hoạch, từ lúc thả con giống đến lúc bán chỉ mất 6-7 tháng. Loài cá này chỉ cần cung cấp đầy đủ nguồn thức ăn và ôxy thì cá sẽ phát triển mạnh, ít hao hụt.

Hiện, cá của ông Dững trên 6 tháng tuổi và ông đã tuyển bán gần 130kg (khoảng 500 con), trọng lượng 250-300g/con, với giá bán 300.000-350.000 đồng/kg, thu về gần 40 triệu đồng. “So với một số loài thủy sản nước ngọt khác thì cá chạch lấu mang lại lợi nhuận cao, lại dễ nuôi nên dự định của gia đình thời gian tới sẽ xây dựng một số bể nữa để mở rộng diện tích, thả nuôi thêm khoảng 5.000 con”, ông Dững cho biết thêm.

Lựa chọn đối tượng phù hợp

Ông Nguyễn Thế Tự, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phụng Hiệp, cho rằng: Thời gian qua, bên cạnh phát triển những loài động vật hoang dã cho giá trị kinh tế cao như: rắn ri cá, rắn ri voi, trăn đất hay cua đinh (ba ba) thì nhiều nông hộ trong huyện cũng đẩy mạnh việc chuyển đổi sang những loài thủy sản mới cho giá trị kinh tế rất cao như cá hô, cá chạch lấu… Quá trình chuyển đổi này cũng nằm trong định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mà Phụng Hiệp đang triển khai thực hiện. Thời gian tới, để thúc đẩy những mô hình này phát triển, huyện sẽ tổ chức cho người dân đi tham quan học tập kinh nghiệm, cũng như mở các lớp tập huấn về kiến thức nuôi trồng thủy sản để bà con cập nhật phát triển mô hình thành công.

Theo ông Ngô Minh Long, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hậu Giang: Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình thủy sản mới, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao, đây là cơ sở để ngành có những đúc kết và khuyến cáo nhân rộng.

Năm 2019, dự báo tình hình thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, tác động bất lợi đến việc phát triển nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Để hạn chế tình trạng này, đồng thời kiểm soát dịch bệnh và phát triển nuôi thủy sản theo hướng bền vững, ngành cũng khuyến cáo thời gian, đối tượng thả nuôi phù hợp. Trong quá trình nuôi, các cơ sở, người dân chỉ nên sử dụng thức ăn thủy sản; sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản và các loại thuốc, hóa chất, kháng sinh theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để diệt tạp chất trong nuôi thủy sản; chấp hành nghiêm thời hạn ngưng sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất trước khi thu hoạch theo quy định. Bên cạnh đó, nêu cao ý thức sản xuất vì cộng đồng, thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly và xử lý khi có dịch bệnh xảy ra; không được thải nước từ ao nuôi ra kênh cấp của vùng nuôi và thải nước chưa xử lý ra môi trường tự nhiên…

H.THU - T.DUY

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/mot-so-mo-hinh-nuoi-moi-cho-hieu-qua-kinh-te-cao-o-hau-giang-post25971.html