Một số kinh nghiệm trong lịch sử Mặt trận Dân tộc Thống nhất và ý nghĩa thực tiễn

Năm tháng sẽ qua đi, nhưng lịch sử vẻ vang của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam sẽ mãi mãi gắn liền với lịch sử vinh quang, rất đáng tự hào của dân tộc ta. So với lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của đất nước, lịch sử Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam chỉ là quãng thời gian ngắn ngủi. Song trong thời gian ấy đã diễn ra những chuyển biến vô cùng lớn lao, làm thay đổi hẳn vị thế nước ta trên trường quốc tế. Lịch sử 88 năm qua của Mặt trận Dân tộc Thống nhất đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho xây dựng Mặt trận đại đoàn kết các dân tộc trong thời đại ngày nay.

Nhìn ngược dòng lịch sử, càng tự hào về truyền thống quý báu của dân tộc, của Đảng, của Mặt trận, càng tìm thấy trong quá khứ hào hùng những bài học lịch sử bổ ích cho hôm nay và mai sau, trong việc củng cố và phát triển Mặt trận Dân tộc Thống nhất (nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam). Sơ bộ có thể nêu một số kinh nghiệm dưới đây:

1. Vấn đề dân tộc ở Việt Nam không giống như nhiều nước khác. Ý thức dân tộc, truyền thống văn hóa và lãnh thổ cương vực đã hình thành từ rất sớm, khi nước ta bị đô hộ từ đầu thiên niên kỷ. Bài học thành công to lớn có ý nghĩa lý luận và thực tiễn là Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách linh hoạt và sáng tạo lý luận cách mạng tiêu biểu của thời đại vào hoàn cảnh nước ta, để giải quyết thành công vấn đề dân tộc, xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp ở Việt Nam. Từ luận điểm nổi tiếng: Nếu không giải phóng được dân tộc thì không thể nào giải phóng được giai cấp, nên ngay khi mới ra đời, Đảng đã đề ra chủ trương thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc bao gồm tất cả mọi người Việt Nam yêu nước, không phân biệt dân tộc đa số hay thiểu số vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp được lực lượng cách mạng ngày càng rộng rãi, đông đảo, biến ít thành nhiều, yếu thành mạnh. Đây chính là bảo đảm thành công cho cách mạng. Lịch sử nước ta chứng minh rằng, để cách mạng đi đến thắng lợi, phải có chính đảng tiên phong lãnh đạo, đề ra đường lối cách mạng đúng đắn. Để thực hiện đường lối cách mạng đó, phải tập hợp toàn thể dân tộc trong Mặt trận thống nhất toàn dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra những quan điểm tư tưởng nền tảng cho đường lối công tác Mặt trận. Người chỉ rõ: Muốn làm cách mạng thắng lợi thì phải phân biệt rõ ai là bạn, ai là thù, và phải thực hiện khẩu hiệu thêm bầu bạn, bớt kẻ thù. Nhờ tư tưởng đúng đắn đó mà trong lúc cách mạng còn phôi thai, trứng nước, cũng như khi cách mạng trải qua sóng gió hiểm nghèo, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua bao khó khăn gian khổ, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Nếu mơ hồ trong việc phân định bạn và thù, sẽ dẫn tới tăng thêm kẻ thù, bớt bầu bạn và khi đó, cách mạng khó tránh khỏi bị trả giá. Đó chính là cơ sở tư tưởng của đường lối độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa trong nguyên tắc đại đoàn kết ở trong nước và quốc tế.

Ngày nay, bài học này vẫn còn nguyên giá trị. Công cuộc đổi mới và phát triển đất nước đòi hỏi phải tăng thêm bầu bạn, nhưng lại không thể chấp nhận những kẻ chống lại chế độ, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tham nhũng của công, làm hại lợi ích của nhân dân. Chúng ta chấp nhận những điểm khác nhau, nhưng không trái với lợi ích chung của dân tộc.

2. Từ thực tế cách mạng nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết và chỉ ra rằng, công tác Mặt trận là một công tác rất quan trọng trong toàn bộ công tác cách mạng... Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, Mặt trận Dân tộc Thống nhất vẫn là một trong những lực lượng to lớn của cách mạng Việt Nam. Khi nào coi trọng vai trò của Mặt trận Dân tộc Thống nhất, có chính sách dân tộc đúng đắn, thật lòng đoàn kết mọi lực lượng dân tộc yêu nước, làm cho Mặt trận Dân tộc Thống nhất trở thành nơi tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân các dân tộc, trên dưới đồng tâm nhất trí, thì sẽ động viên được sức mạnh to lớn, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới, khi ấy thế và lực của cách mạng nước ta sẽ được nhân lên gấp bội, khối đoàn kết các dân tộc nước ta sẽ lớn mạnh, vượt qua mọi khó khăn, đạp bằng mọi trở lực; đưa sự nghiệp cách mạng nước ta không ngừng tiến lên.

Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước kia, nếu Mặt trận Dân tộc Thống nhất đã là một yếu tố quan trọng góp phần hoàn thành mục tiêu độc lập dân tộc, tập hợp mọi tầng lớp nhân dân, đấu tranh kiên cường, bất khuất để phá tan xiềng xích nô lệ, rửa nhục mất nước, thì ngày nay, trong cuộc trường chinh chiến thắng đói nghèo, xóa nỗi nhục nghèo nàn, tụt hậu, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc, công bằng, dân chủ, văn minh cho nhân dân ta, Mặt trận đoàn kết dân tộc đã, đang và sẽ vẫn là một yếu tố quan trọng để thực hiện những mục tiêu cao cả ấy. Tư tưởng trên đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Mặt trận Dân tộc Thống nhất vẫn là nền tảng và kim chỉ nam cho hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay.

3. Nếu như trong cách mạng giải phóng dân tộc trước kia, khẩu hiệu nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công, có hàm ý là đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế để đi đến thắng lợi, thì ngày nay trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, tư tưởng đó của Người vẫn có sức cổ vũ và tính chiến đấu cao, có giá trị lý luận và ý nghĩa thực tiễn vô cùng sâu sắc. Trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm ta đã từng kiến tạo ba tầng Mặt trận ủng hộ lẫn nhau là: Mặt trận nhân dân các dân tộc trong nước, Mặt trận nhân dân ba nước Đông Dương và Mặt trận đoàn kết nhân dân thế giới, thì ngày nay bài học đó phải trở thành Mặt trận đoàn kết toàn dân tộc trong và ngoài nước, không phân biệt giai cấp, dân tộc, tôn giáo, chính kiến ý thức hệ, là chính sách ngoại giao đa phương, đa dạng, Việt Nam muốn làm bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Với tư duy hệ thống về đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta xử lý các quan hệ lợi ích trong chính sách đối nội và đối ngoại của nhà nước ta.

4. Trong lịch sử, Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam đã là nơi thể hiện ý chí và lòng khát khao giành độc lập, tự do của các dân tộc, ý chí, nguyện vọng đó đã gặp gỡ và hòa quyện với tư tưởng, quan điểm, đường lối cách mạng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì thế, Mặt trận Dân tộc Thống nhất là nơi gặp gỡ giữa ý Đảng, lòng dân trên con đường giải phóng các dân tộc. Sự gặp gỡ đó ngày nay không mang tính tự phát, mà dựa trên cơ sở bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Dân tộc Thống nhất là điều kiện tiên quyết cho quá trình hình thành và phát triển không ngừng của Mặt trận trong suốt 88 năm qua. Đảng đã đề ra đường lối cách mạng đúng đắn phù hợp với nguyện vọng các dân tộc và quy luật phát triển khách quan của xã hội Việt Nam, nên đã giải quyết tốt mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc, quốc gia và quốc tế, mâu thuẫn và thống nhất, lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài, cái cục bộ và cái toàn bộ... và nhiều vấn đề lớn khác, do đó đã đoàn kết hết thảy mọi tộc người trong đại gia đình Việt Nam vào Mặt trận Dân tộc Thống nhất, đấu tranh cho độc lập, thống nhất và phát triển đất nước.

Ngày nay, công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước cần dựa vào sức mạnh của sự độc lập tự chủ, sức mạnh nội lực to lớn của toàn dân tộc, của mọi thành phần kinh tế, vì cuộc sống ấm no, vì mục tiêu dân chủ công bằng, văn minh. Do vậy, bài học lịch sử về tập hợp tối đa các tầng lớp nhân dân trong Mặt trận Dân tộc Thống nhất không bỏ sót một ai, vẫn còn có ý nghĩa rất thiết thực. Đó chính là bài học mang sức ta giải phóng cho ta.

5. Trong điều kiện Đảng lãnh đạo chính quyền, muốn bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng với Mặt trận Dân tộc Thống nhất, cần nhận thức đẩy đủ và đúng đắn mối quan hệ giữa Đảng với Mặt trận. Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là thành viên, vừa là người lãnh đạo Mặt trận như Cương lĩnh của Đảng đã ghi, đây là đặc điểm lớn nhất trong mối quan hệ giữa Đảng với Mặt trận hiện nay. Là người lãnh đạo, Đảng đề ra đường lối, xây dựng đất nước, Mặt trận vừa góp phần xây dựng đường lối vừa tuyên truyền vận động để làm cho đường lối đó trở thành nhận thức và hành động tự giác của toàn dân. Là một thành viên trong Mặt trận, Đảng lắng nghe ý kiến, cùng bàn bạc dân chủ, không áp đặt mà trải qua giới thiệu, thuyết phục, trao đổi cho thấu lý, đạt tình, làm cho đường lối của Đảng đi vào lòng dân. Để phát huy vai trò thành viên bình đẳng của mình trong Mặt trận Dân tộc Thống nhất, Đảng thực hiện vai trò lãnh đạo bằng phương thức đặc thù, phát huy vai trò hạt nhân chính trị, làm cho ảnh hưởng của Đảng lan tỏa đến mọi thành viên khác, coi Mặt trận là nơi Đảng bàn việc xây dựng và bảo vệ đất nước với các tầng lớp nhân dân. Đó cũng là quá trình Đảng chân thành tôn trọng và lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân, kể cả những ý kiến khác nhau miễn là không trái với lợi ích chung của dân tộc, để hoàn thiện và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước.

6. Một kinh nghiệm quý đó là, sự nhạy bén đề ra những chủ trương về công tác Mặt trận phù hợp với nhiệm vụ từng giai đoạn. Khi tình hình đã thay đổi như Lênin đã nói, không thể dùng những phương pháp của ngày hôm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra chủ trương linh hoạt, lựa chọn các hình thức tổ chức Mặt trận thích hợp, từng giai đoạn như: Hội Phản đế Đồng minh (1930), Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936), Mặt trận Dân tộc Thống nhất Phản đế (1939), Mặt trận Việt Minh (1941), Mặt trận Liên Việt (1951), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1955) ở miền Bắc và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (1960), Liên minh các lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình Việt Nam (1968) và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong cả nước (1977) đến nay.

Ngày nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần nhạy bén đổi mới mạnh mẽ hoạt động cho phù hợp với tình hình mới, để Mặt trận không trở nên chậm chạp với cuộc sống. Sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta đã thay đổi nhiều trên mọi phương diện, nhất là cơ cấu xã hội và cơ cấu lợi ích. Tình hình quốc tế và khu vực cũng biến đổi khôn lường. Cuộc cách mạng khoa học công nghệ tiến nhanh như vũ bão. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không thể không thoát ra tình trạng hành chính hóa. Tầm nhìn chiến lược của công tác Mặt trận đòi hỏi vượt khỏi sự ràng buộc của tầm nhìn truyền thống, đòi hỏi sự đột phá mạnh mẽ, bỏ qua những thói quen lỗi thời đã trở thành tập quán khó sửa.

7. Bài học lịch sử cho thấy Mặt trận Dân tộc Thống nhất là một tổ chức thống nhất trong sự đa dạng, nhờ đó Mặt trận mới tập hợp được mọi tầng lớp nhân dân các dân tộc đông đảo nhất. Cần phải có hai điều kiện để hình thành Mặt trận Dân tộc Thống nhất, đó là: sự đa dạng, khác biệt và sự thống nhất, tương đồng. Đó là đặc thù của tổ chức Mặt trận trong một quốc gia đa dân tộc như nước ta. 54 dân tộc anh em đều là người Việt Nam, đó là sự thống nhất, nhưng mỗi tộc người vẫn giữ gìn nguồn gốc tộc người của mình, đó là sự đa dạng. Ngày nay, khi nhân dân ta đã chọn con đường xã hội chủ nghĩa làm mục tiêu lý tưởng để đi tới ấm no, hạnh phúc, dân chủ công bằng, văn minh, thì trong bước đi và giải pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu chung ấy, cần khai phá, thử nghiệm, tìm tòi để giữ gìn bản sắc riêng trong cái chung. Trong quá trình ấy, thường nảy sinh những ý kiến khác nhau, thậm chí tranh luận gay gắt để tìm ra những giải pháp tối ưu, đó cũng là hiện tượng bình thường, miễn là những ý kiến đó nhằm thực hiện mục tiêu chung của toàn dân tộc. Cần kiên trì nguyên tắc vừa chống khuynh hướng cô độc, hẹp hòi, không lắng nghe mọi ý kiến xây dựng và đóng góp của quần chúng, đồng thời chống khuynh hướng xuôi chiều. Chỉ có thông qua hiệp thương dân chủ, trên tinh thần thực sự cầu thị, cởi mở và tin cậy lẫn nhau, thì mới có thể tập hợp đoàn kết được ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân trong Mặt trận Dân tộc Thống nhất, khắc phục được thiếu sót, nhất là trong những lĩnh vực quan trọng và có tính đặc thù. Chỉ đoàn kết mà không đấu tranh thẳng thắn sẽ dung dưỡng những mầm mống cơ hội, bè phái làm suy yếu sự đoàn kết và đồng thuận, tạo kẽ hở cho các thế lực xấu lợi dụng để phá hoại khối đoàn kết dân tộc.

8. Lịch sử Mặt trận Dân tộc Thống nhất cũng cho thấy, phải không ngừng củng cố quan hệ giữa công nhân, nông dân, trí thức, nhưng đồng thời phải coi trọng đoàn kết chân thành với mọi giai tầng khác trong xã hội, thông qua các hình thức tập hợp quần chúng ngày càng phong phú, đa dạng, thích hợp với đặc điểm của từng đối tượng. Ngày nay, quan hệ công, nông, trí thức và các giai tầng khác trong xã hội được thể hiện trong quan hệ giữa công nghiệp và nông nghiệp, thành thị và nông thôn, giữa lao động trí óc và lao động chân tay. Mối quan hệ đó được thực hiện thông qua hệ thống chính sách, luật pháp, qua hoạt động cụ thể và phẩm chất đạo đức của đội ngũ đảng viên, cán bộ, viên chức nhà nước. Cho nên, phấn đấu rút ngắn sự khác biệt giữa các tộc người, các tầng lớp trong xã hội, tạo cơ hội và điều kiện cho các tầng lớp, các tộc người trong cộng đồng dân tộc hợp tác, hỗ trợ nhau cùng phát triển, cùng khẳng định vị trí, vai trò của mỗi người trong xã hội và được xã hội thừa nhận, giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa cá nhân, tập thể và Nhà nước, đó chính là đã kế thừa, phát triển bài học kinh nghiệm về liên minh công - nông, nhằm tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận Dân tộc Thống nhất trong tình hình mới.

9. Trong quá trình phát triển, Mặt trận Dân tộc Thống nhất đã giải quyết thành công mối quan hệ giữa Đoàn kết và Dân chủ, Kỷ cương, nhờ vậy trong các thời kỳ chuyển biến của cách mạng, khối đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận Dân tộc Thống nhất nước ta đã tập hợp không bỏ sót một ai trong cộng đồng dân tộc, nhưng vẫn bảo đảm cho đội ngũ Mặt trận không ngừng củng cố, xã hội ổn định, làm cho sự nhất trí và đồng thuận xã hội ngày càng tăng trong các tầng lớp nhân dân. Bài học rút ra là, muốn tăng cường đoàn kết và phát huy vai trò của Mặt trận Dân tộc Thống nhất thì phải phát huy dân chủ và giữ vững kỷ cương trong xã hội; có kỷ cương mới thực hành được dân chủ, có dân chủ mới tăng cường được đoàn kết trong Mặt trận Dân tộc Thống nhất.

Phải tăng cường xây dựng hệ thống thể chế xã hội và làm cho thể chế đó thấm vào lòng dân, đi vào cuộc sống, mọi người sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Dân chủ hóa ngày nay đã trở thành xu thế của thời đại, là nguyện vọng của nhân dân, là mục tiêu và động lực của xã hội. Nếu biết dựa vào chức năng nhiệm vụ và thế mạnh của mình đã được pháp luật quy định thì Mặt trận sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phát huy dân chủ trong xã hội, nhất là dân chủ trực tiếp của nhân dân. Với 47 tổ chức thành viên và hệ thống tổ chức Mặt trận 4 cấp cho đến tận cơ sở xã, phường, khu dân cư, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay thực sự là một tổ chức liên minh chính trị rất rộng lớn, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể nhân dân, các hội quần chúng, các cá nhân tiêu biểu của các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, đại biểu cho ý chí và nguyện vọng của các giới đồng bào, là kho tàng trí tuệ của đất nước. Vì vậy, cần đa dạng hóa phương thức hoạt động để nơi đây thực sự trở thành diễn đàn hiệp thương dân chủ rộng rãi nhất, phát huy dân chủ tốt trong điều kiện một Đảng Cộng sản cẩm quyền. Các kỳ họp của Ủy ban Mặt trận các cấp nên trở thành diễn đàn dân chủ rộng rãi, nhưng có tổ chức đó là một lợi thế của Mặt trận cần được nghiên cứu cải tiến sao cho có hiệu quả hơn. Nếu như Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, là cơ quan lập pháp duy nhất và giám sát tối cao, thì Mặt trận Tổ quốc là tổ chức hiệp thương dân chủ rộng rãi và có tổ chức nhất, là nơi Đảng và Nhà nước có thể lắng nghe và trao đổi ý kiến với đủ các đại biểu mọi tầng lớp nhân dân. Sự thông tin hai chiều trong môi trường Mặt trận là điều rất bổ ích cho sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, là điều kiện thuận lợi để thực hiện dân chủ, gắn bó Đảng, Nhà nước với nhân dân. Thông qua các hội nghị của Ủy ban Mặt trận các cấp, các tổ chức tham mưu, tư vấn, Mặt trận sẽ giới thiệu, hiệp thương bàn bạc công khai và thẳng thắn những vấn đề quốc kế dân sinh thiết thực trong đời sống, đồng thời qua hoạt động giám sát và phản biện xã hội mà phản ảnh ý kiến của các tầng lớp nhân dân để Đảng và Nhà nước hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật cho phù hợp với thực tế.

10. Một kinh nhiệm có tính đặc thù trong xây dựng tổ chức Mặt trận Dân tộc Thống nhất là tạo dựng ngọn cờ tập hợp, thu hút đông đảo các tầng lớp, tạo dựng ngọn cờ tiêu biểu để tập hợp được toàn dân với nhiều khác biệt về tộc người và lợi ích, về thành phần xã hội và tín ngưỡng, tôn giáo lại có thể tiếp xúc, lắng nghe, dung hợp và thuyết phục, biến cái đa dạng thành cái thống nhất, mâu thuẫn thành đồng thuận... là một yêu cầu rất cao, rất khó khăn. Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là hiện thân của những phẩm chất ấy, nên đã trở thành ngọn cờ tập hợp toàn dân tộc. Người làm được việc đó, bởi Người có tâm trong sáng, một lòng vì nước vì dân, không màng danh vọng, suốt cuộc đời từ thuở hàn vi chốn lao tù, bôn ga góc bể chân trời, cho đến lúc trở thành lãnh tụ tối cao của Đảng, của dân tộc, phẩm chất ấy không hề suy giảm. Người đứng đầu tổ chức Mặt trận phải thực sự là người được dân tin yêu bởi năng lực và phẩm chất tốt đẹp.

Ngót một thế kỷ qua, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo thành công Mặt trận Dân tộc Thống nhất, vì Đảng luôn trung thành vô hạn với lợi ích tối cao của dân tộc, mọi đảng viên tự nguyện và gương mẫu hy sinh phấn đấu quên mình vì lợi ích của nhân dân, được nhân dân tin yêu, đùm bọc, chở che. Nhờ vậy, lúc thắng lợi huy hoàng cũng như lúc gặp khó khăn, Đảng vẫn luôn luôn được nhân dân hết lòng ủng hộ, sẵn sàng cùng chia sẻ với Đảng mọi thuận lợi cũng như khó khăn. Truyền thống tuyệt vời đó của Đảng ta và nhân dân ta là báu vật vô giá cần được trân trọng giữ gìn và phát triển trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ngày nay.

Trần Hậu

PGS.TS, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/nghien-cuu/mot-so-kinh-nghiem-trong-lich-su-mat-tran-dan-toc-thong-nhat-va-y-nghia-thuc-tien-18319.html