Một số kiến nghị trong thi hành Hiến pháp năm 2013 ở Bắc Ninh

UBND tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành Báo cáo sơ kết 5 năm thi hành Hiến pháp năm 2013 trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp nhằm đưa các điều khoản của Hiến pháp vào thực tiễn của cuộc sống, UBND tỉnh Bắc Ninh đưa ra một số kiến nghị, giải pháp.

Trước hết, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cấp ủy, chi bộ trong thi hành Hiến pháp. Điều 4 Hiến pháp 2013 đã quy định: “Ðảng Cộng sản Việt Nam - Ðội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; Ðảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình; các tổ chức của Ðảng và đảng viên Ðảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Việc khẳng định vai trò lãnh đạo của Ðảng là tư tưởng xuyên suốt, nhất quán, là vấn đề có tính nguyên tắc bất di bất dịch của cách mạng Việt Nam, phù hợp với thể chế chính trị - xã hội mà Việt Nam đã lựa chọn. Do đó, để Hiến pháp đi vào cuộc sống cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong tổ chức, quán triệt, triển khai thực hiện các Nghị quyết của Ðảng. Đặc biệt cần nhân rộng các mô hình nêu gương của cán bộ, đảng viên, xây dựng hình tượng cán bộ, đảng viên trong sạch, liêm khiết. Kiên quyết phòng, chống triệt để những biểu hiện quan liêu, độc đoán, chuyên quyền, cơ hội chủ nghĩa của cán bộ, đảng viên và công chức.

Cấp ủy, chi bộ là nơi gần dân nhất, là cơ sở để tổ chức triển khai thi hành các Nghị quyết của Đảng, các quy định của pháp luật vào cuộc sống vì vậy mỗi đảng viên cần hiểu rõ các quy định của pháp luật để tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thi hành Hiến pháp và pháp luật cũng như nêu gương việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật.

Thứ hai, rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với Hiến pháp: Đề nghị các cơ quan Trung ương chỉ đạo tiến hành rà soát toàn diện, đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành để phát hiện ra những quy định trái với Hiến pháp phải bị dừng thi hành, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản mới để cụ thể hóa các quy định mới của Hiến pháp. Đặc biệt đối với những chế định mới của Hiến pháp chưa được cụ thể hóa cần khẩn trương rà soát và ban hành làm cơ sở cho các đơn vị thực hiện. Song song với đó là nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và kiểm soát thủ tục hành chính. Cụ thể, tăng cường công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, tập trung thẩm định sâu về mục đích, yêu cầu, phạm vi điều chỉnh, chính sách pháp luật, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng soạn thảo, thẩm định, đánh giá tác động dự thảo văn bản cho các cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật.

Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành Hiến pháp, pháp luật góp phần đưa Hiến pháp vào cuộc sống. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này thì cần tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho các báo cáo viên đáp ứng các yêu cầu trong thực thi nhiệm vụ về tuyên truyền phố biến pháp luật.

Thứ tư, nâng cao hoạt động giám sát và phản biện xã hội: Nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội được quy định tại Điều 9 Hiến pháp 2013. Để thực hiện tốt giải pháp này, đề nghị cần phát huy hơn nữa vai trò của các Hội đồng tư vấn, Ủy viên Ủy ban MTTQ các cấp và chuyên gia, đội ngũ trí thức trong việc thực hiện các hoạt động giám sát, phản biện xã hội theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tiễn của địa phương. Bên cạnh đó, tổ chức mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Mặt trận và các đoàn thể nhất là kỹ năng tổ chức hoạt động giám sát, phản biện xã hội.

Thứ năm, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật: Thường xuyên kiện toàn nâng cao hiệu quả hoạt động Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật để làm tốt chức năng tham mưu, tham vấn trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chương trình phổ biến, tuyên truyền Hiến pháp và pháp luật hàng năm; đảm bảo cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ công tác tuyên truyền Hiến pháp nói riêng và pháp luật nói chung./.

Nguyễn Văn Đại

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/mot-so-kien-nghi-trong-thi-hanh-hien-phap-nam-2013-o-bac-ninh-460529.html