Một số hệ thống mô phỏng phục vụ lĩnh vực quân sự

Công nghệ mô phỏng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực quân sự.

Mô phỏng có thể sử dụng để hỗ trợ tất cả các quá trình từ thiết kế, chế tạo, huấn luyện, đào tạo cho đến thực hành tác chiến theo 3 cấp độ: Mô phỏng thực tại ảo huấn luyện, đào tạo lái các loại khí tài quân sự; mô phỏng chiến thuật; mô phỏng cấp chiến lược. Một số phần mềm mô phỏng tiêu biểu được ứng dụng trong thực tiễn là:

1. Mô phỏng thực tại ảo phục vụ huấn luyện, đào tạo binh lính: Các mô phỏng này thường phức tạp, do chúng không chỉ mô phỏng lại các hiện tượng vật lý đơn thuần mà còn đem lại những trải nghiệm chân thực nhất cho người học thông qua việc tính đến các yếu tố về tâm lý, cảm xúc, các hiệu ứng âm thanh, mùi vị, hình ảnh... Mô phỏng hỗ trợ đào tạo các trắc thủ, kỹ năng ngắm bắn, qua đó đem lại lợi ích, như: Giảm chi phí đạn dược; linh hoạt trong thiết kế bài tập (thiết lập khu vực tập bắn, các điều kiện thời tiết ảnh hưởng đến ngắm bắn như tốc độ gió, sương mù...); giảm thời gian luyện tập... Chẳng hạn hệ thống mô phỏng V-300TM phục vụ đào tạo trắc thủ của Công ty VirTra (Mỹ) sử dụng công nghệ hiển thị hình ảnh, âm thanh ở chất lượng rất cao, hỗ trợ màn hình 300 độ và hệ thống âm thanh vòm đa hướng (Multi-directional surround), nhờ đó đem lại cảm giác chân thực cho các trắc thủ.

Hệ thống mô phỏng VR-Forces do Công ty VT Mak (Mỹ) phát triển. Ảnh: VT MAK

Hệ thống mô phỏng VR-Forces do Công ty VT Mak (Mỹ) phát triển. Ảnh: VT MAK

2. Mô phỏng lái các khí tài quân sự: Ứng dụng phổ biến của các loại mô phỏng này thường là trong công tác đào tạo lái xe vận tải, kíp lái xe tăng, phi công. Ngoài việc giúp giảm thiểu chi phí đào tạo do tiết kiệm nhiên liệu, điện năng, vật tư, tăng tính linh hoạt trong thiết kế các bài tập, còn giúp giảm thiểu đáng kể rủi ro cho người học so với việc đào tạo trên các hệ thống thực, nhất là trong công tác đào tạo phi công. Mô phỏng lái các khí tài quân sự thường được thiết kế với buồng lái giống thực được đặt trên một cơ cấu chuyển động linh hoạt 6 bậc tự do (6 DOF platform) nhằm đem lại cảm giác rung, lắc gần với thực tế nhất. Chẳng hạn như hệ thống mô phỏng máy bay phục vụ Hải quân Hoàng gia Australia (Royal Australian Navy MH-60R Seahawk flight simulator) do Công ty CAE cung cấp. Trong đó, trực thăng MH-60R Seahawk có nhiệm vụ tác chiến mặt nước và chống ngầm cùng với vai trò thứ cấp bao gồm yểm trợ hỏa lực, tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ hậu cần và chuyển tiếp liên lạc.

3. Mô phỏng 3D chiến trường phục vụ thực hành diễn tập, đào tạo, phân tích chiến thuật: Không chỉ đem lại các trải nghiệm giống thật cho người học, trong quá trình đào tạo, tập trận trên bản đồ 3D, các phần mềm còn tập trung vào việc thiết lập các mô hình toán học, vật lý chính xác của các đối tượng mô phỏng, môi trường hoạt động cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của chúng; cho phép đưa ra các tính toán tình hình địch-ta, phân tích chiến thuật phục vụ quá trình đào tạo, diễn tập chỉ huy trên bản đồ tổng hợp 2D.

Phần mềm OneSAF do quân đội Mỹ phát triển, VR-Forces do Công ty VT Mak, VBS3 do Bohemia (Mỹ) phát triển là 3 phần mềm mô phỏng chiến đấu được sử dụng rộng rãi hiện nay. Các hệ thống mô phỏng này tính đến ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết, địa hình, tâm lý của binh lính; độ chính xác, hiệu quả của vũ khí, trang bị, đặc tính và tốc độ di chuyển của địch, khả năng sát thương của mỗi phát bắn; mô phỏng lại một cách chính xác từ binh lính, xe tăng, pháo cho đến các tên lửa tầm xa, vũ khí hóa học-sinh học, hệ thống radar, hệ thống thông tin liên lạc, chỉ huy điều khiển...

4. Mô phỏng phân tán phục vụ thực hành diễn tập, hiệp đồng tác chiến quy mô lớn: Các cuộc diễn tập, tập trận ở quy mô lớn có thể huy động đến hàng vạn quân, với sự tham gia của nhiều lực lượng, như: Hải quân, không quân, bộ binh; có thể huy động lực lượng quân đội của nhiều quốc gia khác nhau. Các cuộc tập trận diễn ra trên một địa bàn rộng lớn, thời gian dài, với mục đích: Rà soát, đánh giá sức mạnh chiến đấu; công tác bảo dưỡng, bảo đảm hậu cần của quân đội, liên quân; khả năng hiệp đồng tác chiến giữa các lực lượng, giữa quân đội các nước với nhau; luyện tập, phân tích, đánh giá các học thuyết quân sự, nghệ thuật tác chiến... Việc sử dụng các hệ thống mô phỏng đang được liên minh nhiều nước sử dụng, giúp giảm chi phí, giảm thời gian tập trận, bảo đảm không gian tập trận theo yêu cầu...

NGỌC THẠCH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cong-nghiep-quoc-phong-4-0/mot-so-he-thong-mo-phong-phuc-vu-linh-vuc-quan-su-703552