Một số giáo viên không được thi tuyển viên chức giáo dục: Vĩnh Phúc có 'cầm đèn' chạy trước?

Gần 100 giáo viên có bằng cao đẳng sư phạm đang giảng dạy tại bậc trung học cơ sở tỉnh Vĩnh Phúc đứng trước nguy cơ 'loại khỏi cuộc chơi' lớn của cả đời người, đó là thi tuyển vào viên chức giáo dục. Có người đã cống hiến cả tuổi thanh xuân trên bục giảng nay phải ngậm ngùi đứng ngoài cuộc thi.Vì sao?

“Hàng rào” kỹ thuật?

Báo Sức khỏe&Đời sống nhận được đơn của giáo viên đang giảng dạy tại các trường trung học cơ sở (THCS) của tỉnh Vĩnh Phúc. Những giáo viên này từng là sinh viên các khóa từ K9 đến K18 (ra trường từ năm 2005 - 2018) của Trường cao đẳng Sư phạm Vĩnh Phúc nay là Trường cao đẳng Vĩnh Phúc.Ngôi trường được Vĩnh Phúc tự hào giao nhiệm vụ đào tạo nguồn giáo viên chất lượng cao của địa phương.

Ngày 24/2/2020, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Văn bản số 1044/UBND-TH1 gửi các sở, ngành như: Sở Nội vụ, Sở GD&ĐT, Thanh tra, Tài chính, Công an tỉnh và UBND các huyện, thành phố trong đó thống nhất tổ chức tuyển dụng giáo viên tiểu học, THCS năm 2020. Trong đó tại phần B về các nội dung tuyển dụng - II: Thi tuyển giáo viên tiểu học và THCS theo Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ phần giáo viên THCS hạng III, văn bản của UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu: Có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm trở lên hoặc có bằng tốt nghiệp đại học các chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng giảng dạy.

Xem xét và đối chiếu điều này với quy định về trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên Trung học cơ sở hạng III được quy định trong Luật Giáo dục hiện hành, có thể thấy chưa hợp lý và ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của hàng trăm giáo viên hợp đồng có trình độ cao đẳng đang giảng dạy tại các trường THCS trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Tìm hiểu các văn bản liên quan chúng tôi nhận thấy căn cứ vào Khoản 1b, Điều 77, Mục 2, Chương IV - Luật Giáo dục 2005 số 38/2005/QH11 ban hành ngày 14/06/2005 có hiệu lực từ ngày 01/01/2006 và Luật Giáo dục sửa đổi và bổ sung năm 2009 ban hành số 44/2009/QH12 ngày 25/11/2009, có hiệu lực ngày 01/07/2010 và căn cứ vào Khoản 2a, Điều 6, Chương II Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ban hành ngày 16/09/2015, có hiệu lực từ ngày 03/11/2015, quy định trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo là: “Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên trung học cơ sở”

Như vậy, xét theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, các giáo viên có bằng cao đẳng sư phạm hiện đang đứng lớp tại tỉnh Vĩnh Phúc hoàn toàn có đủ điều kiện và quyền lợi được dự thi tuyển giáo viên THCS sắp tới dự kiến được tổ chức vào tháng 4/2020.

Chiều 5/3/2020, bà Trần Thị Thúy, Trưởng phòng viên chức - công chức, Sở Nội vụ, tỉnh Vĩnh Phúc: Hứa sẽ báo cáo UBND tỉnh kiến nghị của giáo viên.

Chiều 5/3/2020, bà Trần Thị Thúy, Trưởng phòng viên chức - công chức, Sở Nội vụ, tỉnh Vĩnh Phúc: Hứa sẽ báo cáo UBND tỉnh kiến nghị của giáo viên.

Nỗi niềm “hợp đồng”

Tìm hiểu của chúng tôi cho thấy, trong số các giáo viên đang đứng lớp tại bậc học THCS có nhiều thầy cô đã có thời gian giảng dạy hợp đồng từ 2 năm đến 12 năm dù chỉ với đồng lương ít ỏi. Những năm 2008 chỉ 500 nghìn đồng/tháng, năm 2009 là 630 nghìn đồng, năm 2010 là 730 nghìn đồng. Cứ như vậy từ 2011 đến 2017 mỗi năm trung bình được tăng 100 nghìn đồng tiền lương. Từ 2008 đến 2017, giáo viên được nhận mức lương cao nhất là 1.390.000 nghìn đồng/tháng và ký hợp đồng 3 tháng một lần, không hề được đóng bảo hiểm và được hưởng bất kỳ khoản trợ cấp nào. “Với mức lương này, chúng tôi không đủ trang trải cuộc sống, thậm chí đến tiền mừng đám cưới, đám hiếu, đổ xăng xe đi lại... cũng phải xin gia đình”, một giáo viên nức nở.

Đến tháng 1/2018, giáo viên bậc THCS của Vĩnh Phúc được hưởng mức lương cơ bản là 1.390.000 nghìn đồng nhân với hệ số 2,10 (2.919.000 nghìn đồng/tháng) và được đóng bảo hiểm xã hội, nhưng trừ 3 tháng nghỉ hè.

Với đồng lương như vậy, chúng tôi làm gì để bám nghề? Có người sáng đi dạy, chiều chạy chợ bán hoa quả, người nhận hàng về nhà may..., có những người chị, người bạn, người em khi sinh con không được hưởng chế độ thai sản, không có đủ chi phí gửi con để đi dạy nên đã tạm gác ước mơ đi dạy để ở nhà trông con hoặc đi làm công nhân để trang trải cuộc sống.

Khi đến trường giảng dạy, các giáo viên dù tốt nghiệp bằng cao đẳng đều được phân công công việc như các giáo viên tốt nghiệp đại học. Họ cũng trực tiếp đứng lớp tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi, làm giáo viên chủ nhiệm... như giáo viên đã vào viên chức, chỉ khác một điều là họ nhận được “lương hợp đồng”.

Điều lạ lùng trong quá trình giảng dạy, các giáo viên này dù hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và có thành tích cao trong bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp huyện, tỉnh..., nhưng cũng không được nhận bằng khen của huyện, tỉnh. Giáo viên hợp đồng không có trong danh sách xét thi đua?!

Được biết, đã hơn 10 năm qua, Vĩnh Phúc chưa tổ chức kỳ thi tuyển hay xét tuyển giáo viên THCS lần nào. Điều đó đồng nghĩa với hàng trăm giáo viên đã đứng trước cơ hội “vượt vũ môn” vào biên chế. Tuy nhiên với kế hoạch thi tuyển giáo viên của UBND tỉnh Vĩnh Phúc được ban hành ngày 24/2/2020 vừa qua đã tước đi cơ hội thi của hàng trăm giáo viên có bằng cao đẳng sư phạm đang đứng trên bục giảng.

Được biết, hiện nay các giáo viên có bằng đại học đang tích cực ôn tập cho kỳ thi sắp tới nhưng 90 giáo viên hạng III, tốt nghiệp cao đẳng sư phạm vẫn đang chạy đôn đáo để lo lắng cho tương lai của chính mình. Nhiều giáo viên chia sẻ: Nếu chúng tôi không được tham gia thi tuyển lần này, tương lai của chúng tôi sẽ ra sao? Trong số chúng tôi có những người đã ngoài 32 tuổi, cơ quan nào có thể nhận chúng tôi đây?Qua bao năm gắn bó với ngành mà giờ đây ngành chuẩn bị đẩy chúng tôi vào thế bế tắc.

Được biết, Luật Giáo dục 2005 được sửa đổi vào năm 2009 hiện đang còn hiệu lực thi hành, quy định trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo quy định giáo viên THCS: Tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Còn Luật Giáo dục 2019, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020 quy định trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên THCS: Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên.

Để bảo vệ quyền lợi của những giáo viên có trình độ chuyên môn cao đẳng sư phạm và họ có cơ hội viết tiếp ước mơ trên bục giảng, chúng tôi đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc cần xem xét thấu đáo và trả lời trước công luận về việc có hay không tạo “hàng rào kỹ thuật” để loại gần 100 giáo viên có bằng cao đẳng sư phạm dừng trước cuộc thi tuyển viên chức?

Anh Tuệ

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/mot-so-giao-vien-khong-duoc-thi-tuyen-vien-chuc-giao-duc-vinh-phuc-co-cam-den-chay-truoc-n169724.html