Một số giải pháp nâng cao năng lực tài chính của Công ty Cổ phần Thiết bị Bưu điện

Nguồn tài chính của doanh nghiệp chính là yếu tố trực tiếp tạo nên năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh cao là doanh nghiệp có nguồn vốn dồi dào, luôn đảm bảo huy động được nguồn vốn trong những tình huống cần thiết, với chi phí thấp để có kế hoạch cũng như quyết định sử dụng vốn hiệu quả. Bài viết tập trung nghiên cứu thực trạng năng lực tài chính của Công ty Cổ phần Thiết bị Bưu điện (POSTEF), và đưa ra một số giải pháp nhằm giúp nâng cao năng lực tài chính của Công ty.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

POSTEF là thành viên lâu năm và là nhà sản xuất, kinh doanh hàng đầu các thiết bị viễn thông, tin học, bưu chính của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). POSTEF đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 trở thành đơn vị sản xuất thiết bị viễn thông và cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin hàng đầu tại Việt Nam. Để đạt được mục tiêu này, Công ty xác định phải chủ động nghiên cứu, mở rộng thị trường, tạo thương hiệu sản phẩm trong nước và quốc tế, xúc tiến kinh doanh quốc tế. Mặt khác, Công ty phải đảm bảo kinh doanh hiệu quả, tăng trưởng doanh thu hàng năm trung bình 8%, tăng trưởng lợi nhuận trung bình 10%/năm. Bên cạnh việc chú trọng đầu tư hệ thống thiết bị, công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh thì một trong những nội dung quan trọng mà Công ty phải thực hiện là nâng cao năng lực tài chính của mình.

Lý thuyết về năng lực tài chính

Nguồn tài chính của doanh nghiệp (DN) chính là yếu tố trực tiếp tạo nên năng lực cạnh tranh của DN. Một DN có năng lực cạnh tranh cao là có nguồn vốn dồi dào, luôn đảm bảo huy động vốn trong những tình huống cần thiết với chi phí thấp, có khả năng hạch toán doanh thu chi phí chính xác để có kế hoạch cũng như quyết định sử dụng vốn hiệu quả.

Nếu không có nguồn tài chính đủ mạnh, DN sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc sử dụng công nghệ hiện đại, hạn chế việc nâng cao trình độ cán bộ nhân viên, hạn chế hiện đại hóa hệ thống quản lý, không có cơ hội để đầu tư vào nghiên cứu thị trường…

Đối với ngành kinh doanh công nghệ, năng lực tài chính của DN ảnh hưởng rất lớn đến khả năng kinh doanh, vì đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, viễn thông đòi hỏi chi phí rất lớn. Chính vì vậy, việc huy động vốn là vấn đề rất khó khăn đối với hầu hết các DN. Xác định được điều này, POSTEF đã chú trọng nâng cao năng lực tài chính để duy trì mức tăng trưởng ổn định của Công ty trong những năm qua. Điều đó chứng tỏ Công ty đã có những chiến lược kinh doanh đúng đắn và nắm bắt được thời cơ trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường giữa các công ty kinh doanh công nghệ phần mềm.

Phương pháp và dữ liệu nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích, so sánh, tổng hợp các số liệu thu thập được để đánh giá tình hình tài chính của DN chính xác, từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực tài chính của DN.

Dữ liệu nghiên cứu

Dữ liệu nghiên cứu được thu thập từ các báo cáo tài chính thường niên (đã được kiểm toán) của POSTEF và của ngành Bưu chính viễn thông Việt Nam trong các năm từ 2016 – 2018.

Kết quả nghiên cứu

Kết quả nghiên cứu cho thấy, POSTEF đã phát huy được vai trò là DN cung cấp thiết bị bưu chính, viễn thông chủ đạo của VNPT; đồng thời sử dụng nguồn vốn tái đầu tư, không phát sinh các khoản vay tín dụng thương mại, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn (Bảng 1).

So với năng lực tài chính ngành Bưu chính viễn thông, các chỉ số tài chính của POSTEF duy trì ở mức trên trung bình, riêng tỷ số lợi nhuận trên doanh thu (ROS) ở mức khá thấp. Trước năm 2016, Công ty tập trung vào mảng kinh doanh thiết bị nên tỷ trọng tài sản ngắn hạn cao hơn so với trung bình Ngành. Năm 2018, Công ty phát triển thêm lĩnh vực năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, tỷ trọng này thay đổi một cách đột biến. Tài sản dài hạn đã chiếm đến hơn 50% trong tổng tài sản. Tuy tổng nợ của Công ty có tỷ trọng khá cao (chiếm trên 80%), nhưng khả năng thanh toán đảm bảo thanh khoản tốt (cao hơn so với trung bình ngành). Đối với POSTEF, nguồn vốn của Công ty vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định trong các năm từ 2016 - 2018. Điều đó chứng tỏ Công ty đã có những chiến lược kinh doanh đúng đắn và nắm bắt được cơ hội kinh doanh trong bối cảnh cạnh tranh giữa các DN ngày càng khốc liệt, đặc biệt là các công ty kinh doanh công nghệ ngày càng nhiều về số lượng, mạnh về năng lực tài chính.

Các chỉ tiêu sinh lợi của POSTEF những năm gần đây tương đối ổn định. Năm 2018, POSTEF có 2 chỉ tiêu tăng trưởng cao hơn so với năm 2017, cụ thể: Tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) tăng 0,19% và ROS tăng 0,16%. Riêng chỉ tiêu tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) có sự sụt giảm (giảm 0,62%), do năm 2017, Công ty đầu tư vào hệ thống máy móc, thiết bị mới. So với toàn Ngành, các chỉ số tài chính của POSTEF ở mức trên trung bình, riêng chỉ số ROS duy trì ở mức khá thấp. Lý do là trong những năm vừa qua, Công ty tập trung vào mảng kinh doanh thiết bị nên tỷ trọng tài sản ngắn hạn cao hơn so với trung bình Ngành…

Mốt số giải pháp nâng cao năng lực tài chính cho POSTEF

Để nâng cao năng lực tài chính, POSTEF cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng các giải pháp sau:

Thứ nhất, về huy động vốn

Trong nền kinh tế thị trường, cơ hội huy động vốn phụ thuộc rất nhiều vào uy tín của các DN. POSTEF có một thương hiệu mạnh, có uy tín trong ngành Bưu chính, Viễn thông nên cơ hội huy động vốn của của Công ty là rất lớn. Tuy nhiên, để đảm bảo công tác huy động vốn được thuận lợi, POSTEF cần lưu ý một số nội dung sau: (i) Ưu tiên khai thác tối đa tiềm năng vốn từ nội bộ DN; (ii) Đa dạng các hình thức huy động vốn; (iii) Xuất phát từ đặc điểm sản xuất kinh doanh và thực trạng vốn của mình để lựa chọn hình thức huy động vốn thích hợp; (iv) Chỉ huy động vốn theo những hình thức được pháp luật cho phép. Hiện nay, POSTEF có thể huy động vốn từ các nguồn: Nguồn vốn bên trong DN và nguồn vốn bên ngoài DN.

Đối với nguồn vốn bên trong DN, Công ty phải sử dụng tốt hơn tài sản cố định, huy động toàn bộ tài sản cố định hiện có vào sản xuất kinh doanh. Trong những năm gần đây, POSTEF chú trọng vào việc đầu tư thêm các công nghệ hiện đại nên càng phải chú ý tới việc sử dụng tối đa công suất các loại tài sản, thiết bị mới này. Với những tài sản không còn phù hợp, không cần dùng, chưa cần dùng… cần tiến hành thanh lý, nhượng bán ngay để đưa “vốn chết” vào luân chuyển.

Đối với nguồn vốn bên ngoài DN, Công ty phải bảo toàn và tăng tỷ lệ tích lũy từ lợi nhuận của Công ty. Lợi nhuận sau thuế năm 2016 của Công ty giảm 9,05% so với năm 2015 và tăng trở lại trong năm 2017, 2018. Điều này thấy rõ, sự nỗ lực của Công ty trong việc tìm lại thị trường, bảo toàn lợi nhuận. Để tăng tỷ lệ tích lũy, cần có sự đồng thuận của các cổ đông để quyết định mức tỷ lệ lợi nhuận mà không gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý nhà đầu tư. Đặc biệt, trong điều kiện môi trường về thiết bị viễn thông có mức độ cạnh tranh rất cao, thì việc tăng tỷ lệ tích lũy lợi nhuận của Công ty cần có lộ trình cụ thể trong giai đoạn từ 5 - 10 năm tới.

Mặt khác, Công ty cần khai thác triệt để các nguồn vốn hiện có, đồng thời phải sử dụng linh hoạt các nguồn vốn và quỹ theo nguyên tắc có hiệu quả và có hoàn trả. Khi nguồn vốn từ bên trong DN không đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh thì DN phải tìm kiếm nguồn vốn từ bên ngoài cả trong ngắn hạn và dài hạn. Huy động vốn ngắn hạn: Tín dụng thương mại, vay ngắn hạn các DN khác, vay ngắn hạn ngân hàng và các tổ chức tài chính, vay vốn và nhận vốn góp của cán bộ công nhân viên trong DN. Huy động vốn dài hạn: Vay có kỳ hạn, thuê mua trả góp...

Thứ hai, về nâng cao hiệu quả sử dụng vốn

Các chỉ tiêu sinh lợi của POSTEF những năm gần đây tương đối ổn định. Năm 2018, POSTEF có 2 chỉ tiêu tăng trưởng cao hơn so với năm 2017, cụ thể: Tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu tăng 0,19% và ROS tăng 0,16%. Riêng chỉ tiêu tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản có sự sụt giảm (giảm 0,62%), do năm 2017, Công ty đầu tư vào hệ thống máy móc, thiết bị mới. So với toàn Ngành, các chỉ số tài chính của POSTEF ở mức trên trung bình.

Tăng cường đổi mới máy móc thiết bị, phát huy tối đa công suất máy móc thiết bị: Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, việc đầu tư mua sắm tài sản cố định đúng hướng, đúng mục đích, sử dụng có hiệu quả vô cùng quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nói chung và vốn cố định nói riêng. Đồng thời, việc đầu tư đúng mục đích sẽ góp phần nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, hạ thấp chi phí nguyên vật liệu và chống được hao mòn vô hình do tiến bộ khoa học kỹ thuật gây ra, từ đó góp phần gia tăng uy tín cho sản phẩm và khả năng cạnh tranh của công ty trên thị trường. Cùng với việc đổi mới máy móc thiết bị, Công ty cần lựa chọn phương pháp khấu hao thích hợp, nhằm nhanh thu hồi vốn và hạn chế hao mòn vô hình, đồng thời đảm bảo giá thành không được cao quá. Ngoài ra, việc tổ chức lao động khoa học, sử dụng thích hợp các đội chuyên môn hóa hoặc các đội tổng hợp, cũng như sử dụng đúng đắn các đòn bẩy kích thích kinh tế cũng có tác dụng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Thứ ba, về nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý vốn

Việc đầu tư cho đội ngũ cán bộ quản lý sẽ đem lại tỷ suất lợi nhuận và hiệu quả xã hội cao hơn so với đầu tư vào các ngành kinh tế khác nên đội ngũ này đòi hỏi phải được đào tạo tốt hơn để có kiến thức vững vàng và có khả năng lao động sáng tạo... Lao động của cán bộ quản lý là một trong những loại lao động bậc cao, do vậy cần phải tuyển dụng chọn lọc, đào tạo chu đáo và có chế độ đãi ngộ tương xứng, thỏa đáng.

Thứ tư, về đầu tư vốn

Trong thực tế, khả năng thu được lợi nhuận cao thường mâu thuẫn với khả năng an toàn về vốn. Lợi nhuận càng cao thì độ rủi ro càng lớn. Vì vậy, khi quyết định đầu tư vốn, DN cần cân nhắc kỹ lưỡng mức độ an toàn và tin cậy. DN phải am hiểu tường tận những thông tin cần thiết, phân tích những mặt lợi - hại để chọn đúng đối tượng và loại hình đầu tư phù hợp.

Tài liệu tham khảo:

1.Bạch Thụ Cường (2012), Bàn về cạnh tranh toàn cầu, NXB Thông tấn, Hà Nội;

2. Công ty POSTEF (2015, 2016, 2017, 2018), Báo cáo thường niên;

3. Công ty POSTEF (2015, 2016, 2017, 2018), Báo cáo tài chính;

4. The World Bank (12/2017; 12/2018), Điểm lại cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, ấn bản điện tử.

ThS. Phạm Mai Chi Đại học Bách khoa Hà Nội – Viện Kinh tế và Quản lý

Theo Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 6/2019

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/mot-so-giai-phap-nang-cao-nang-luc-tai-chinh-cua-cong-ty-co-phan-thiet-bi-buu-dien-310737.html