Một số giải pháp gia tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế tại tỉnh Hà Nam

Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm được áp dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước bảo hộ và các đối tượng có trách nhiệm tham gia theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế.

Ảnh minh họa - Nguồn: laodong.vn

Từ khi Luật Bảo hiểm y tế ra đời, đối tượng tham gia được mở rộng, công tác quản lý nhà nước về Bảo hiểm y tế (BHYT) được tăng cường, công tác tuyên truyền ngày càng có chiều sâu, số người tham gia BHYT gia tăng nhanh. Đến nay, tỷ lệ tham gia BHYT đã đạt 86%. Số người tham gia BHYT năm sau luôn cao hơn so với năm trước, song so với tiềm năng khai thác và phát triển mở rộng đối tượng tham gia BHYT, nhất là số đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình làm nông nghiệp, lao động tự do, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chưa tham gia BHYT còn nhiều. Số đối tượng tham gia BHYT chủ yếu thuộc các nhóm đối tượng: do người lao động và người sử dụng lao động đóng, do tổ chức Bảo hiểm xã hội (BHXH) đóng, do ngân sách nhà nước đóng, ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí tham gia và nhóm đối tượng thân nhân lực lượng công an, cơ yếu, quân đội. Hiện nay, chúng ta thực hiện bảo hiểm xã hội “bắt buộc” theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, nhưng phải dựa trên nhu cầu thật sự và khả năng tài chính của người dân nếu không người dân tìm mọi cách để không tham gia. Chúng ta cũng không có chế tài để bắt buộc họ tham gia, cách tốt nhất vẫn là dựa trên sự hấp dẫn của BHYT.

Đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế

Theo Quy định tại Điều 12 Luật số 46/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế số 25/2008/QH12 được Quốc hội thông qua và ban hành ngày 13-6-2014, đối tượng tham gia BHYT bao gồm:

Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, bao gồm: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức; người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật.

Nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng, bao gồm: Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày; người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng; cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng; người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Nhóm do ngân sách nhà nước đóng, bao gồm: Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ quân đội đang tại ngũ; sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ và sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên môn, kỹ thuật đang công tác trong lực lượng công an nhân dân, học viên công an nhân dân, hạ sỹ quan, chiến sỹ phục vụ có thời hạn trong lực lượng công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; học viên cơ yếu được hưởng chế độ, chính sách theo chế độ, chính sách đối với học viên ở các trường quân đội, công an; cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước; người đã thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động đang hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước; người có công với cách mạng, cựu chiến binh; đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp đương nhiệm; trẻ em dưới 6 tuổi; người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng; người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo; thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sỹ; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ; thân nhân của người có công với cách mạng; thân nhân của các đối tượng quy định; người đã hiến bộ phận cơ thể người theo quy định của pháp luật; người nước ngoài đang học tập tại Việt Nam được cấp học bổng từ ngân sách của Nhà nước Việt Nam.

Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng, bao gồm: Người thuộc hộ gia đình cận nghèo; học sinh, sinh viên.

Nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình gồm những người thuộc hộ gia đình.

Chính phủ quy định các đối tượng khác ngoài các đối tượng trên.

Thực trạng tham gia Bảo hiểm y tế ở Hà Nam

Thực trạng đối tượng tham gia BHYT:

Bảng 1: Số lượng người tham gia BHYT trong giai đoạn 2012 - 2017

(Nguồn: BHXH tỉnh Hà Nam, Tổng cục thống kê)

Bảng số liệu chỉ ra, đối tượng tham gia trong những năm qua được mở rộng, công tác quản lý nhà nước về BHYT được tăng cường, công tác tuyên truyền ngày càng có chiều sâu, số người tham gia BHYT gia tăng nhanh, số người tham gia BHYT năm sau luôn cao hơn so với năm trước (tỷ lệ bao phủ năm 2012 là 57% dân số, đến năm 2017 là 81%). Tuy nhiên, đến năm 2017, vẫn còn gần 20% dân số vẫn chưa tham gia BHYT, số đối tượng này chủ yếu là người lao động tự do, lao động nông nghiệp.

Thực trạng về nhu cầu và khả năng tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh Hà Nam

Kết quả khảo sát của tác giả được thực hiện trên 220 phiếu hỏi và được kết quả như sau:

Bảng 2. Nguyện vọng và mức độ tham gia BHYT

(Nguồn: Khảo sát của tác giả)

Số liệu khảo sát chỉ ra, cơ bản người dân có nhu cầu tham gia BHYT đạt 77% (bao gồm cả người đã tham gia và sẽ tham gia thời gian tới). Trong đó, có 32% người (71 phiếu) trả lời có nhu cầu tham gia nhưng cần phải xem xét kỹ hơn trong thời gian tới. Không muốn tham gia BHYT chiếm 23% (50 phiếu).

Nguyên nhân chưa tham gia BHYT

Theo kết quả khảo sát trên 220 phiếu trả lời thì có 121 người chưa tham gia bảo hiểm y tế, có kết quả như sau:

Bảng 3. Lý do không/chưa tham gia BHYT tai tỉnh Hà Nam

(Nguồn: Khảo sát của tác giả)

Nhìn vào bảng khảo sát trên ta thấy: có 48% (58 phiếu) thuộc diện không tham gia do thu nhập thấp không có tiền đóng; 25.6% (31 phiếu) thiếu thông tin về chính sách bảo hiểm y tế; có 16.5% (20 phiếu) là do việc thanh toán chế độ BHYT phức tạp dẫn tới người dân “ngại” tham gia. Cuối cùng, các lý do khác chiếm 9.9% (12 phiếu).

Một số giải pháp nhằm gia tăng số lượng đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền: Vận động nhân dân thực hiện chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đa dạng nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau, đa dạng về nội dung, có những minh chứng cụ thể để người dân đi từ chưa biết đến biết, từ biết ít đến biết nhiều và hiểu, tự giác tham gia. Trong đó, cần chú ý một số nội dung cụ thể là:

- Ðẩy mạnh tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ khi tham gia BHYT trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị, các cấp, các ngành và trong toàn dân; tập trung vào đối tượng học sinh, sinh viên, người lao động làm việc trong các thành phần kinh tế tư nhân, hợp tác xã và nhân dân; tăng cường trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chính sách BHYT.

- Chú trọng hình thức tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng ở quận, huyện, xã, phường; tuyên truyền tại thôn, xóm, tổ dân phố; trên đài truyền thanh, tờ rơi, tờ gấp chuyển đến tận tay đối tượng; thực hiện tuyên truyền đến tất cả các nhóm đối tượng có trọng tâm, trọng điểm.

- Xây dựng các cụm pa-nô, áp phích ở nơi tập trung đông dân cư, nơi có nhiều người qua lại.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về BHYT và quỹ BHYT: Trước hết, đối với ngành BHXH: tiếp tục cải cách thủ tục hành chính thực hiện chính sách BHYT, bảo đảm cấp thẻ BHYT và giải quyết kịp thời các chế độ đối với người tham gia BHYT; chủ động rà soát, phân loại đối tượng, xây dựng lộ trình và tổ chức thực hiện kế hoạch BHYT toàn dân; đẩy mạnh công tác khai thác, phát triển đối tượng; tăng cường công tác giám định BHYT; phân loại đối tượng đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu theo hướng giảm tỷ lệ đăng ký tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến trên; nâng cao chất lượng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và tác nghiệp chuyên môn nghiệp vụ.

Tiếp tục tăng hỗ trợ mức phí đóng bảo hiểm: Mặc dù ngân sách nhà nước đã hỗ trợ đóng BHYT cho người nghèo, người cận nghèo, người có công, trẻ em dưới 6 tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội, một bộ phận người cao tuổi, hộ nông, lâm, ngư và diêm nghiệp có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, người lao động tự do, các hộ gia đình, đặc biệt là hộ gia đình trực tiếp làm nông nghiệp, lâm nghiệp chưa có cơ hội tham gia BHYT nhiều do mức đóng vẫn ở mức đóng khá cao so với thu nhập khi họ phải đóng BHYT cho tất cả các thành viên trong hộ gia đình.

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh: Tăng cường nhân lực, nâng cao y đức phục vụ người bệnh; nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, công chức; nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế tại bệnh viện và các cơ sở khám, chữa bệnh, đảm bảo quyền lợi người có thẻ BHYT; tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng, trang thiết bị phục vụ tại các cơ sở khám, chữa bệnh; đầu tư trang thiết bị y tế, tăng cường phát triển các kỹ thuật mới để nâng cao chất lượng điều trị./.

TS. Phạm Hải HưngĐai học Lao động - Xã hội

Nguồn Tạp chí cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/home/van-hoa-xa-hoi/2018/51317/mot-so-giai-phap-gia-tang-ty-le-tham-gia-bao-hiem.aspx