Một số doanh nghiệp FDI 'quay vòng' ưu đãi đầu tư, chuyển giá trốn thuế

Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại Quốc hội ngày 30/5, Đại biểu Đôn Tuấn Phong (An Giang) gây chú ý khi cho biết một số doanh nghiệp FDI 'quay vòng' ưu đãi đầu tư và dường như khá phổ biến tình trạng chuyển giá.

Đại biểu Đôn Tuấn Phong (trái), Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang. phát biểu tại một phiên họp tổ.

Đại biểu Đôn Tuấn Phong (trái), Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang. phát biểu tại một phiên họp tổ.

Đại biểu Đôn Tuấn Phong đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo, có các chính sách, cơ chế và biện pháp hữu hiệu nhằm đảm bảo ưu đãi đầu tư phù hợp và không tạo cạnh tranh lành mạnh giữa các địa phương...

Theo đại biểu Quốc hội Đôn Tuấn Phong, FDI tăng đáng kể trong năm 2018, có xu hướng tăng mạnh 4 tháng đầu năm 2019 (tăng 81%). Trong đó, đầu tư từ các doanh nghiệp Trung Quốc tăng đột biến (tăng 241% so với cùng kỳ năm 2018). Khối các doanh nghiệp FDI nói chung chiếm 70% giá trị xuất khẩu, nhưng có tới trên 50% báo lỗ trong khi vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh. Một số doanh nghiệp FDI “quay vòng” ưu đãi đầu tư, nghĩa là sản xuất kinh doanh và khai thác hết ưu đãi ở địa phương này thì lại chuyển sang địa phương khác đầu tư (do các địa phương có chính sách ưu đãi đầu tư). Tình trạng chuyển giá, trốn thuế … dường như khá phổ biến trong khối này.

Trước tình hình này, ông Đôn Tuấn Phong đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo, có các chính sách, cơ chế và biện pháp hữu hiệu nhằm đảm bảo ưu đãi đầu tư phù hợp và không tạo cạnh tranh lành mạnh giữa các địa phương, lựa chọn các nhà đầu tư FDI có năng lực, sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường; có biện pháp đấu tranh hiệu quả nhằm hạn chế trốn thuế, chuyển giá, “quay vòng” ưu đãi đầu tư.

Đầu tư công nên tập trung vào công trình trọng điểm

Tại phiên thảo luận của Quốc hội, Đại biểu Đôn Tuấn Phong cũng nêu ý kiến về đầu tư công. Theo đó, ông Phong cho rằng trong thời gian qua đầu tư công và cách tiếp cận còn rất dàn trải; đầu tư cho hạ tầng giao thông chưa hài hòa giữa các vùng miền, nhất là giữa các vùng kinh tế đang phát triển năng động so với các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ.

Ông Phong đề xuất Chính phủ nghiên cứu tiếp cận theo hướng tập trung hơn nữa nguồn lực để đầu tư một số công trình thật trọng điểm, có tác động và sức lan tỏa kinh tế-xã hội lớn. Ví dụ như đường bộ cao tốc Bắc-Nam, các dự án giao thông liên kết vùng nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, các dự án đầu tư cho con người và khoa học-công nghệ.

“Có như vậy mới tạo động lực cho toàn nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, từ đó tạo nguồn lực nhiều hơn để thực hiện các dự án đầu tư công khác”, Đại biểu Quốc hội đến từ An Giang nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Đôn Tuấn Phong cũng cho rằng hiện nay chúng ta quan tâm quá nhiều đến quy trình, thủ tục, hồ sơ mà chưa thật sự chú ý đến tính thực chất của các dự án đầu tư. Vì vậy, Chính phủ cần nghiên cứu, ban hành hoặc đề xuất các quy định, cơ chế, biện pháp nhằm đảm bảo và nâng cao tính thực chất, hiệu quả của công tác thẩm định đầu tư trên các phương diện tài chính, kinh tế, xã hội và môi trường. Cần có cơ chế để lựa chọn những dự án có hiệu quả nhất để đầu tư.

Không vì lợi nhuận mà lơ là an toàn hàng không

Đề cập tới một số sự cố an toàn hàng không xảy ra liên tiếp vừa qua, Đại biểu Đôn Tuấn Phong cho rằng sự cố hàng không có thể là thông thường hoặc nghiêm trọng, nguyên nhân do lỗi con người hay quy trình, kỹ thuật, nhưng dù sao đều gây không ít hoảng loạn cho hành khách.

Do vậy, ông đề nghị các hãng không vì lợi nhuận mà lơ là an toàn hàng không; Bộ Giao thông Vận tải cần tăng cường giám sát an toàn hàng không, giám sát hãng hàng không đã để xảy ra sự cố, thậm chí có biện pháp mạnh mẽ ngăn chặn nguy cơ sự cố tiếp theo.

Thùy Linh

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/mot-so-doanh-nghiep-fdi-quay-vong-uu-dai-dau-tu-chuyen-gia-tron-thue-78634.html