Một số điểm tương đồng giữa tư tưởng Phật giáo và vật lý hiện đại

(vanhien.vn) Tư tưởng, triết lý của các nhà kinh điển Phật giáo và tư tưởng của các nhà vật lý hiện đại nếu xét về mặt hình thức có vẻ như đối lập nhau, nhưng khi đi sâu vào bản chất chúng ta lại thấy có nhiều điểm tương đồng một cách đáng kinh ngạc và vô cùng thú vị. Để thấy rõ hơn vấn đề này, chúng ta thử tìm hiểu một số khía cạnh được thể hiện qua những tư tưởng, những phát ngôn của Đức Phật cùng các môn đồ của mình và những tư tưởng, khám phá của các nhà vật lý hiện đại trong một sự so sánh dù còn nhiều hạn chế do các điều kiện thời đại và văn hóa.

Đa số mọi người đều cho rằng tôn giáo và khoa học là hai lĩnh vực hoàn toàn trái ngược, vì nếu xét về bản chất thì nó gần như đối lập và luôn phủ định lẫn nhau. Bởi những quan niệm thông thường đều cho rằng, khoa học chuyên biện giải về những hiện tượng vật lý, còn tôn giáo thiên lệch về những giá trị tâm linh; khoa học cho ta biết những hiện tượng nào là đúng, còn tôn giáo cho ta biết những giá trị nào là tốt. Song, khi bỏ qua những định kiến về yếu tố thời đại và tính đặc thù của các nền văn hóa, thì giữa chúng có những cơ sở tương đồng một cách hết sức thú vị, chúng không những không phủ định nhau mà còn có thể kết hợp với nhau để cho chúng ta có được cái nhìn khái quát và toàn diện hơn về thế giới. Nhà vật lý thiên tài Albert Einstein đã khẳng định: “Khoa học mà thiếu tôn giáo thì khập khiễng. Tôn giáo mà không có khoa học thì mù quáng”.

Từ những phương pháp tiếp cận mới mẻ giữa hai địa cực tôn giáo và khoa học, nhà Vật lý Werner Heisenberg đã có những nhìn nhận hết sức sâu sắc: “Nhìn chung, có lẽ là trong lịch sử của tư duy loài người, những phát triển mang nhiều thành quả nhất thường xảy ra tại nơi hai luồng tư tưởng khác biệt gặp nhau. Những luồng tư tưởng này có thể bắt rễ trong những thành phần hoàn toàn khác nhau của văn hóa con người, trong nhiều thời đại khác nhau, hoặc môi trường văn minh khác nhau hoặc truyền thống tôn giáo khác nhau: vì thế nếu chúng thực sự gặp gỡ nhau, hay ít nhất chúng liên hệ được với nhau để có một sự tác động lên nhau, thì ta có thể hy vọng những phát triển mới mẻ và thú vị sẽ kéo đến sau”. Đồng thời, A. Einstein cũng cho rằng: “Tín ngưỡng ở thế giới bên ngoài độc lập với chủ thể nhận thức, là cơ sở của tất cả khoa học tự nhiên”.

Để làm rõ hơn vấn đề nói trên, chúng ta thử đi tìm những điểm tương đồng giữa tư tưởng của Phật giáo và những quan điểm và khám phá của các nhà vật lý hiện đại trong sự hợp nhất các nền văn hóa và sự phát triển của trí tuệ con người giữa các thời đại khác nhau. Nếu nhìn nhận vấn đề này một cách khách quan và khoa học trên cơ sở của phép biện chứng chúng ta có thể hiểu được một phần nào đó bản chất của thực tại.

Đức Phật (Hình minh họa)

Đức Phật (Hình minh họa)

Đức Phật không phải là một vị thần thánh có quyền năng tối thượng và vô hạn chi phối toàn bộ thế giới tự nhiên hay đời sống của con người. Bằng những tri kiến của mình, Đức Phật cùng với những môn đồ đã đưa ra một hệ thống những tư tưởng giúp con người tìm kiếm sự giải thoát cho những nỗi khổ đau trong cuộc đời, giúp họ hướng tới những điều thiện, tránh xa những điều ác. Tương tự, khoa học không phải là những lý thuyết cao siêu huyền bí, mà nó là hệ thống những nghiên cứu và khám phá thế giới thực tại để giúp con người hiểu rõ hơn những vấn đề của tự nhiên và cải tạo nó nhằm mục đích phục vụ cho những nhu cầu hiện thực của cuộc sống.

Các nhà vật lý hiện đại và các nhà tâm linh Phật giáo đều nghiên cứu thực tại bằng những khả năng quan sát, chiêm nghiệm những hiện tượng hay giá trị bằng sự nhìn nhận và tư duy đặc biệt, vượt xa những hiểu biết thông thường. Các nhà vật lý thường nghiên cứu những hiện tượng bằng những quan sát hay thông qua thực nghiệm và dùng những công cụ toán học để trình bày hoặc chứng minh những mô hình, học thuyết có tính bản chất của một thực tại khách quan. Còn các nhà tâm linh Phật giáo lại xem những giáo lý, những tư tưởng hướng tới một thực tại rộng lớn hơn được thể hiện thông qua những khái niệm và lý thuyết tiềm ẩn bên trong con người. Tuy nhiên sự khác biệt này chỉ mang tính chất tương đối, vì hầu hết những lời dạy hay những tiên nghiệm của tâm linh Phật giáo đều được xuất phát từ những trải nghiệm đối với thế giới khách quan. Bởi vậy, khi so sánh những cách tiếp cận của khoa học và tâm linh Phật giáo, ở một mức độ nào đó chúng ta nhận thấy giữa chúng có nhiều điểm tương đồng, một sự hội tụ tư tưởng…

Với các nhà khoa học cũng như các nhà tâm linh, cái bi, cái đẹp và cái cao cả luôn gắn liền với cuộc sống. Sự đau khổ của con người đều xuất phát từ những tham vọng mang tính chất bản ngã của chính mình: “Nhân loại có thể đạt được một cuộc sống hài hòa và quý giá chỉ khi bản thân thoát khỏi được những hạn chế của bản tính con người, sự tranh đua hoàn thành những ham muốn về vật chất” (A. Einstein). Hay: “Con người, bị thôi thúc bởi cơn khát, chạy loanh quanh như con thỏ mắc bẫy: vậy hãy để những kẻ khất thực xua đi cơn khát, bằng cách đấu tranh để bản thân không còn đam mê” (Đức Phật). Cách duy nhất để thoát khỏi khổ đau là phải đấu tranh và chiến thắng những đam mê, dục vọng vật chất tầm thường để tìm đến những giá trị cao cả của bản thân nhằm hướng tới niềm hạnh phúc rộng lớn hơn của đời sống: “Giá trị thật sự của một người được xác định chủ yếu bằng sự đo lường và hiểu biết rằng anh ta có thoát được bản thân chăng… Ảo tưởng là nhà tù đối với chúng ta, khiến chúng ta dừng lại ở những ham muốn riêng tư và chỉ yêu thương những người thân thiết nhất. Nhiệm vụ của chúng ta là phải giải thoát ra khỏi nhà tù ấy bằng cách mở rộng tầm hiểu biết và bác ái, để ôm mọi sinh linh và toàn bộ thiên nhiên vào vẻ đẹp của nó. Số phận cao cả của con người là phục vụ chứ không phải thống trị” (A. Einstein). Và: “Hạnh phúc thực sự không đến từ sự chăm chỉ lo cho sự an nhiên của riêng ta hay những người gần gũi ta mà đến từ tình yêu thương đối với tất cả vật thể có cảm xúc” (D. Lama). Điều đó cho chúng ta thấy rằng các bậc vĩ nhân cổ, kim trên đã có sự đồng đồng điệu tư tưởng về căn nguyên cơ bản của nỗi khổ đau mà con người trải qua trong cuộc đời được đúc kết từ những trải nghiệm cuộc sống và tình yêu thương con người vô hạn và vô điều kiện.

Nhà vật lý A. Einstein

Tuy vậy bằng cách này hay cách khác nhà tâm linh hay nhà khoa học đều đi tìm kiếm những chân lý ẩn sâu trong những giá trị của thực tại như một sự cứu cánh của bản thân nói riêng và cuộc sống nói chung. Việc tìm kiếm chân lí chính là kim chỉ nam cho mọi hành động và tư tưởng của con người hướng tới Chân - Thiện - Mỹ. “Chân lý là điều đứng vững trong việc kiểm tra những kinh nghiệm” (A. Einstein), bởi: “Tự thân chân lý chỉ có thể là nhận ra chính mình trong nhận thức sâu kín nhất của riêng một người …Thế giới bên ngoài chỉ là sự phô bày những gì hoạt động trong tâm thức, và tâm thức chụp bắt nó như một thế giới bên ngoài chỉ vì thói quen phân biệt và lý luận sai của tâm thức. Đệ tử phải tạo thói quen nhìn sự vật đúng như sự thật” (Đức Phật), vì “sản phẩm của tâm thức là thành quả của trực giác, cảm nhận chứ không phải của lý luận” (D. T. Suzuki). Sự trải nghiệm tìm kiếm chân lý của mỗi người là tự thân trong sự nhận thức thế giới hiện thực và những giá trị của cuộc sống: “Chúng ta hãy bắt đầu quan tâm đến những hiện tượng có căn cứ. Sự khởi đầu của mọi hành động hiểu biết, và điểm khởi đầu của mọi ngành khoa học, phải nằm trong những kinh nghiệm riêng của chính chúng ta” Max Planck). “Những trải nghiệm riêng tư là nền tảng của học thuyết nhà Phật. Theo cách hiểu này thì đạo Phật là chủ nghĩa kinh nghiệm hay chủ nghĩa trải nghiệp triệt để” (D. T. Suzuki). Song có một điều cũng cần phải lưu ý là dù ở phương diện nào, thì chúng ta cũng không được xem thường hay loại bỏ những nguyên nhân, hay vấn đề nhỏ chỉ khi nhìn nhận vẻ bề ngoài bởi nó đôi khi cũng là một phần quan trọng trong bức tranh tổng thể của giá trị cuộc sống hay bản chất của tự nhiên: “Chúng ta không nên vì ưu ái với một bộ phận phân tích lý giải mà giảm sút những thứ khác…phân tích lý luận là quá trình các giác quan chụp bắt bề nổi thực tại và gửi đến chúng ta, và tin tưởng rằng thực tại này sau đó sẽ phản ánh được tinh hoa của sự vật, “nhất thể, cái thiện và sự thật” (Werner Heisenberg). Điều này được thể hiện cả trong những quan điểm của đạo Phật cũng như trong thực tế của công việc nghiên cứu, khám phá khoa học của các nhà vật lý.

Như chúng ta đã biết, thế giới vật chất là vô cùng, vô tận, nằm ngoài khả năng hiểu biết của con người. Lý luận về vấn đề này, cả các nhà vật lý và những quan điểm, tư tưởng của Phật giáo có nhiều cách đánh giá và nhìn nhận tương đối giống nhau một cách rất thú vị và đáng kinh ngạc. “Vũ trụ tựa như một đại dương rộng lớn, trên bề mặt của nó lăn tăn những con sóng và bọt nước trào lên, nhưng trong sâu thẳm của lòng đại dương, một vụ trụ mênh mông vẫn tồn tại mãi mãi, không thay đổi” (Đức Phật), “và sự thật vượt xa hơn điều mà chúng ta suy nghĩ, đó là một đại dương và có lẽ vẫn còn tồn tại một đại dươmg lớn hơn nữa… nguồn gốc tối đa không thể nào đo lường được, và không thể nào nắm bắt được trong phạm vi kiến thức của chúng ta” (David Bohm). Vũ trụ vô cùng rộng lớn nhưng được vận hành theo những quy luật thống nhất dù chúng ta có muốn hay không. Vũ trụ của Phật giáo được xem là vô hạn, vô chung, vô thủy, vì vậy, quá trình tìm hiểu căn nguyên của vũ trụ là một vấn đề có liên quan tới quy luật nhân quả của tự nhiên. Khi vũ trụ phát triển tới một giai đoạn có thể hỗ trợ cho sự sống của mọi sinh linh, thì số mệnh của nó có liên hệ tới nghiệp chướng của những sinh linh đang tồn tại trên nó. Nghiệp chướng của mọi sinh linh tồn tại trên vũ trụ sẽ tác động trực tiếp tới nghiệp chướng của toàn bộ vũ trụ này. Triết học Phật giáo cho rằng, có bốn quy luật chính chi phối toàn bộ vũ trụ, bao gồm: quy luật về tự nhiên; quy luật về sự phụ thuộc; quy luật về sự vận hành hoạt động và quy luật về tính hiển hiện. Trong vật lý học, vũ trụ sinh ra (được các nhà vật lý hiện đại cho là từ vụ nổ Big bang), tồn tại và kết thúc cũng bị chi phối bởi các quy luật vật lý khách quan. Sự hình thành và phát triển của vũ trụ được quy định bởi các quy luật có mối liên hệ mật thiết với nhau, điều này đảm bảo tính thống nhất, liên tục và phổ biến trong toàn thể vũ trụ chúng ta đang sống và có thể cả những vũ trụ khác khả dĩ đang tồn tại đâu đó mà chúng ta chưa thể khám phá ra (tìm đọc thêm Vũ trụ song song của Bryan Greene). Sự hình thành, phát triển của vũ trụ và sự xuất hiện của sự sống trong vũ trụ là một quá trình lịch sử trong mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau của các điều kiện khách quan. Từ những vấn đề trên cho chúng ta thấy rõ một điều là khi xét vào cốt lõi của nó thì mối quan hệ giữa các sự vật, hiện tượng trong triết lý Phật giáo và trong tư tưởng, quan điểm của các nhà vật lý hiện đại đều là mối quan hệ biện chứng.

Trong cuộc sống của con người cũng như trong khoa học luôn hàm chứa những mâu thuẫn, nghịch lý đòi hỏi trí tuệ của con người phải không ngừng vận động để tìm hiểu và thích ứng, nó không đơn thuần chỉ là những hình thái thể hiện bên ngoài mà còn ẩn sâu bên trong bản chất của chúng. Những cái chúng ta nhìn thấy và cảm nhận được bằng giác quan đôi khi chỉ là cách thể hiện những hình thức bên ngoài của bản chất sự vật, vì: “Người ta dạy bảo nhau rằng, những sự vật như ánh sáng và bóng đêm, dài và ngắn, đen và trắng là khác nhau, và phân biệt rõ sự khác nhau, nhưng chúng không độc lập với nhau; chúng chỉ khác nhau ở những khía cạnh của cùng một sự vật, chúng là những thuật ngữ của chuyện kể lại không xác thực” (Đức Phật). Còn trong khoa học vật lý, đôi khi những gì chúng ta nghĩ theo cách thông thường thì trong thực tại lại hoàn toàn khác: “Theo những quan niệm cổ điển, chẳng hạn như “sóng” và “hạt” không miêu tả đầy đủ thế giới hiện thực và hơn thế nữa, nó chỉ bổ sung một phần, vì lẽ đó phát sinh mâu thuẫn…Cũng không thể nào chúng ta tránh xa những mâu thuẫn không thường xuyên này; tuy nhiên, những hình ảnh đó, giúp chúng ta phác họa gần hơn nữa cơ sở lập luận về sự thật. Sự tồn tại của chúng không ai có thể phản đối. Sự thật ở trong những suy nghĩ trầm tư sâu lắng” (Niels Bohr). Để hạn chế những cách nhìn nhận vấn đề một cách chủ quan, phiếm diện, trong triết lý của Phật giáo có một nguyên tắc phát biểu rằng những phương thức mà chúng ta vận dụng để đưa ra một ý kiến nào đó cần phải được kiểm nghiệm và kết quả kiểm nghiệm phải phù hợp với bản chất của đối tượng qua việc phân tích. Đó cũng là một phương thức quan trọng của các nhà khoa học nói chung và các nhà vật lý nói riêng để kiểm chứng những thành quả nghiên cứu hay thực nghiệm của mình.

Khi chúng ta càng biết nhiều hơn về thực tại, thì càng có nhiều hơn những vấn đề dường như vượt qua sự hiểu biết thuần túy của tư duy con người. Các nhà vật lý phải thừa nhận rằng, thực tế xảy ra hiện nay vượt qua những học thuyết, lý luận và quan sát đã có của con người, vượt qua những vấn đề họ đã và đang nghiên cứu. Tương tự, thế giới tâm linh phương Đông, đặc biệt là Phật giáo, những kiến thức cơ bản về cuộc sống còn nhiều vấn đề vượt xa hơn khả năng nhận thức của tư duy và hệ thống lý luận của nó. Dường như đó là một mâu thuẫn gây bối rối đối với phương pháp tư duy thuần túy thông thường, Và chúng ta thường dùng ngôn ngữ để chia sẻ kinh nghiệm xuất phát từ nội tâm chúng ta, nhưng mọi trạng thái tự nhiên lại vượt qua ngôn ngữ học. Bởi vậy, sự khẳng định và phủ định trong tư tưởng hay cách thể hiện chỉ mang tính tương đối, đa nghĩa, đa phương diện được bao bọc trong một phương tiện ngôn ngữ thuần túy. “Sự thật không thể chia cắt ra từng mảnh và sắp sếp lại thành hệ thống. Các câu chữ chỉ có thể được dùng như một hình ảnh minh họa trong một bài diễn văn” (Đức Phật), và: “Chúng ta không thể nào hiểu hết bề mặt của thế giới chúng ta… Đó là thế giới của tự nhiên, sức mạnh của con người không có khả năng hiểu biết một cách thấu đáo về quan niệm tinh thần” (Max Planck) và “chúng ta chỉ có hiểu được những vấn đề đó thông qua những suy đoán trung gian” (A. Einstein). Để giải quyết vấn đề trên, chúng ta cần phải: “Trầm tư- thẩm lự, là trạng thái thăng hoa của kiến thức bên trong tâm thức, nó vượt qua tất cả những điều được minh chứng” (Đức Phật). Đó cũng là một phương pháp rất hữu hiệu của các nhà vật lý đã và đang thực hiện trong công tác nghiên cứu (chẳng hạn A. Einstein, đã dùng những suy tưởng của mình làm điểm khởi nguồn cho sự khám phá ra Thuyết Tương đối…).

Về vấn đề mối liên hệ giữa thực tại khách quan và thực tại chủ quan, Đức Phật cho rằng, thế giới tự sinh và tự tại, không có có sự tồn tại độc lập giữa các sự vật trong tự nhiên, cả hai mặt khách thể và chủ thể là không thể tách rời trong một thể thống nhất, một thực tại không thể chia đôi. Điều này phù hợp với vấn đề cơ bản của Định luật Bảo toàn và Chuyển hóa năng lượng đã được các nhà vật lý khẳng định: “Năng lượng không tự nhiên sinh ra cũng không tự nhiên mất đi, nó chỉ chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác hoặc từ vật này sang vật khác”. Trong thế giới thực tại: “Mọi sản phẩm vật chất cũng có tinh thần, và mọi sản phẩm tinh thần cũng có vật chất” (David Bohm), hay “Sự vật là khách quan xuất phát từ chủ quan của trí óc; trí óc tồn tại như thể xuất phát từ sự vật” (Sengstan). “Khách quan và chủ quan chỉ là một” (Brwin Schrodinger), và nó “là hai mặt của một nhận thức” (Sri Aurobindo). Trong những bài Kinh Phật giáo xa xưa cho rằng vật chất và ý thức là hai mặt của một vấn đề, chúng có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau tùy thuộc vào toàn bộ quá trình quan hệ nhân quả giữa chúng. Đây là những tư tưởng hết sức hiện đại và khoa học, nó thể hiện chiều sâu tư tưởng và sự đúc kết kinh nghiệm một cách nghiêm túc của quan điểm Phật giáo trên con đường đi tìm bản nguyên của mọi sự vật, hiện tượng trên thế giới, từ đó giúp cho con người tìm thấy con đường giải thoát cho mình, hướng tới Niết Bàn để quên đi hết tập nhân vô minh phiền não…

Trên đây chỉ là một số sự so sánh và nhận xét mang tính sơ lược về những nét tương đồng trong tư tưởng, triết lý của Phật giáo và những quan điểm, khám phá của các nhà vật lý hiện đại, nhằm góp một phần nhỏ vào việc nhìn nhận bản chất duy vật và khoa học của tư tưởng Phật giáo. Từ đó giúp chúng ta có cái nhìn rõ hơn và mới hơn về bản chất của đạo Phật và những ảnh hưởng của những tư tưởng Phật giáo đối với cuộc sống và nhận thức của mỗi người.

Tài liệu tham khảo:

1. Đạo của Vật lý- Fritjof Capra- NXB Trẻ 1999.

2. Cái vô hạn trong lòng bàn tay- Matthieu Ricard và Trịnh Xuân Thuận- NXB Trẻ 2011.

3. Einstein và Đức Phật- Huy Thông và Nguyên Hạ- NXB Văn nghệ TP. HCM 2007.

4. Vũ trụ trong một nguyên tử đơn- Đức Dalai Lama- NXB Tổng hợp TP. HCM 2007.

5. Thế giới như tôi thấy- Einstein- NXB Tri thức 2011.

6. Vũ trụ song song - Bryan Greene NXB Trẻ 2012.

Phạm Sinh

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/mot-so-diem-tuong-dong-giua-tu-tuong-phat-giao-va-vat-ly-hien-dai-62022